Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

VĂN HOÁ BIỂN MIỀN TRUNG TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI VĂN HOÁ BIỂN ĐÔNG NAM Á


VĂN HOÁ BIỂN MIỀN TRUNG TRONG MỐI QUAN HỆ
VỚI VĂN HOÁ BIỂN ĐÔNG NAM Á

GS.TS. Mai Ngọc Chừ
(Khoa Đông phương học, Đại học KHXH & NV, Hà Nội;
GV thỉnh giảng Khoa Văn hoá học ĐH KHXH & NV Tp. HCM)

Bài viết giới thiệu sơ lược về văn hoá biển Đông Nam Á, từ đó bàn về văn hoá biển miền Trung trong mối quan hệ với văn hoá biển Đông Nam Á xét về mặt lịch sử, những yếu tố bất lợi về khí hậu và thiên tai của biển Đông Nam Á tác động đến biển miền Trung  và vài nét về chiến lược biển và môi trường văn hoá biển miền Trung.
Bài đã đăng trong tập: “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Tây Nam bộ”. NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.


I. Sơ lược về văn hoá biển Đông Nam Á
1.1 Các nhà khoa học khẳng định rằng từ rất xa xưa, cư dân Đông Nam Á đã quen với biển cả. Vào thời kì văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn, con người sinh sống trên địa bàn này đã đối mặt với biển. Theo các nhà nhân chủng học, những sọ cổ của người thời Hoà Bình – Bắc Sơn ở lục địa rất giống với những sọ cổ cùng thời được phát hiện ở hải đảo. Điều này cho phép chúng ta nghĩ rằng, vào lúc đó, đã có sự đi lại giữa Đông Nam Á lục địa và hải đảo, nghĩa là đã xuất hiện giao thông biển. Minh chứng cho nhận xét trên còn có thể dẫn ra kĩ nghệ tương đồng về mảnh tước giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.
Vào nửa sau của thiên niên kỉ thứ nhất trước công nguyên, nhờ kĩ thuật đi biển phát triển, việc đi lại, tiếp xúc, trao đổi giữa các cư dân Đông Nam Á trở nên thường xuyên hơn. Biển Đông thực sự trở thành chiếc cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Cơ sở cho nhận xét này là những phát hiện khảo cổ học về gốm Sa Huỳnh (Việt Nam) và gốm Kalanay (Philippines) được tìm thấy ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines, ... Như vậy là từ thời văn hoá Đông Sơn, văn hoá biển đã trở thành một trong ba yếu tố nền tảng của văn hoá bản địa Đông Nam Á: núi, đồng bằng và biển [Cao Xuân Phổ, 1994, 100 - 101].
1.2 Trong lịch sử phát triển của mình, văn hoá biển có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội các quốc gia Đông Nam Á.
Biển Đông Nam Á có vị trí đặc biệt trên đường giao lưu quốc tế: nó nối liền Thái Bình Dương với ấn Độ Dương. Eo Melaka có vai trò như kênh đào Sue, nối biển Đông với biển Andaman thuộc ấn Độ Dương, trở thành cửa ngõ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, nối liền Đông á với Tây Âu và châu Phi. Do vị trí quan trọng như vậy nên biển Đông Nam Á được nhiều quốc gia tận dụng.
- Trước hết, ở các quốc gia Đông Nam Á, biển là con đường truyền giáo hiệu quả nhất. Các tôn giáo lớn đang hiện hữu ở Đông Nam Á ngày nay đều được truyền vào Đông Nam Á qua đường biển: Đầu tiên là Phật giáo (trước công nguyên), rồi Bàlamôn giáo, Hồi giáo (khoảng thế kỉ XIII), Kito giáo (thế kỉ XVI), Tin lành (thế kỉ XVII). Lợi thế của biển đã đưa các nhà truyền giáo cùng một lúc nhanh chóng đến được với mọi miền đất của khu vực này. Đáng kể hơn cả có lẽ là những hoạt động truyền bá Hồi giáo ở Vương quốc biển Melaka thế kỉ XV, để từ đó tạo cho Đông Nam Á sau này trở thành khu vực đạo Hồi thuộc loại lớn nhất thế giới.
Biển là con đường thương mại số một. Các hoạt động buôn bán ở Đông Nam Á trở nên sôi động chủ yếu là nhờ vào đường biển. Ngay từ xa xưa, cư dân Đông Nam Á đã đóng được những con thuyền vượt đại dương, đi lại buôn bán với nhiều nước trên thế giới. Bản thân vùng biển Đông Nam Á với những hải cảng lớn đã trở thành nơi “neo đậu”  và tụ họp của các nhà buôn phương Đông và phương Tây. Trong lịch sử, biển Đông Nam Á trở nên nổi tiếng với con đường tơ lụa trên biển và con đường buôn bán gia vị. Còn ngày nay, từ góc nhìn thương mại, thế giới biết đến Đông Nam Á một phần là nhờ ở vị thế của eo biển Melaka và cảng biển Singapore.
Biển là nơi “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các quốc gia Đông Nam Á. Do vị trí địa lí quy định, kẻ thù bên ngoài thường tấn công các quốc gia Đông Nam Á bằng đường biển. Quân Nguyên Mông trước đây và các đội quân phương Tây sau này đều dùng đường biển phục vụ cho mục đích xâm lược của mình. Tuy nhiên cũng chính biển đã trở thành một “vũ khí” đầy sức mạnh của các cư dân Đông Nam Á trong việc chặn bàn tay xâm lược, bảo vệ bờ cõi biên cương của tổ quốc. Có thể dẫn ra một vài sự kiện lịch sử minh chứng cho điều này: đó là sự bại trận của Hốt Tất Liệt cùng 2 vạn quân ở Majapahit vào năm 1292; hay sự tháo chạy của đội quân Toa Đô khỏi Chiêm Thành vào năm 1282, v.v. Trong số những nhân tố làm nên chiến thắng cho các cuộc chiến nêu trên phải kể đến vai trò của biển. Các nhà sử học cho biết, chính bão biển Đông Nam Á đã cắt đứt đường cứu viện cho Toa Đô trong cuộc chiến xâm lược Chiêm Thành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra thắng lợi. Còn đối với ViệtNam của chúng ta trong thời hiện đại thì con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng là một kì tích của các chiến sĩ đặc công trong những tháng năm đánh Mỹ.
Biển Đông Nam Á, cũng như nhiều vùng biển trên thế giới, là một “kho báu” về tài nguyên thiên nhiên. ở đây có đủ loại khoáng sản quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cần nhắc đến “vành đai” dầu mỏ chạy dọc bờ biển Sarawak, Sabah (Malaysia), Brunei, đến Việt Nam. 

II. Văn hoá biển miền Trung trong mối quan hệ với biển Đông Nam Á
Thuộc lĩnh vực đang được quan tâm, chúng tôi muốn trình bày hai điểm: 1) Văn hoá biển miền Trung trong mối quan hệ với văn hoá biển Đông Nam Á xét về mặt lịch sử, 2) Những biến đổi khí hậu và thiên tai của biển Đông Nam Á tác  động đến biển miền Trung.

2.1 Văn hoá biển miền Trung trong mối quan hệ với văn hoá biển Đông Nam Á xét về mặt lịch sử
Như trên đã nói, từ xa xưa, văn hoá biển Việt Nam nói chung, văn hoá biển miền Trung nói riêng và văn hoá biển Đông Nam Á đã có sự tương đồng và sự giao lưu.
Nhờ buôn bán qua đường biển, cộng đồng người Chăm đã có được mối quan hệ rất mật thiết với cộng đồng Malayopolynesia ở thế giới hải đảo. Có thể nói, chính môi trường biển đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các thương gia với các nhà truyền giáo Arập trong việc phổ biến đạo Hồi ở Đông Nam Á. Sự gắn kết giữa cộng đồng người Chăm với cộng đồng Malayopolynesia hải đảo Đông Nam Á, đặc biệt là vào thời kì hưng thịnh của nhà nước Melaka thế kỉ XV – XVI, không chỉ là sự gắn kết về quan hệ tộc người mà còn là sự gắn kết về tôn giáo và thương mại thông qua môi trường biển.
Một trong những ví dụ điển hình nữa của văn hoá biển miền Trung trong mối quan hệ với văn hoá biển Đông Nam Á là vai trò của cảng thị Hội An. Hội An một thời đã trở thành cảng thị khá sầm uất của khu vực. Tàu thuyền từ Terengganu, Melaka, Batavia, v.v. nhộn nhịp cập bến Hội An. Xa hơn nữa, vượt ra khỏi lãnh hải Đông Nam Á, Hội An còn có mối giao thương với các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Trung Quốc, ấn Độ.
Trong sự giao thương với các quốc gia ở trong và ngoài Đông Nam Á, “văn hoá gió mùa” chiếm một vị trí quan trọng. Chính gió mùa Đông Bắc đã đưa tàu thuyền từ Nhật Bản, Trung Quốc,  và theo chiều ngược lại, gió mùa TâyNam đưa tàu thuyền từ ấn Độ, Terengganu, Melaka, Batavia đến với Hội An.
Như vậy là, trong lịch sử, biển miền Trung đã có “đường thông” với biển Đông Nam Á. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ưu thế biển miền Trung nói riêng và biển Việt Nam nói chung, chưa được khai thác, tận dụng đúng với tiềm năng của nó.

2.2 Sự tác động của những biến đổi về khí hậu, thiên tai của biển Đông Nam Á đối với biển miền Trung
Biển Đông Nam Á thường có những biến đổi bất thường về khí hậu và thiên tai. “Thông” với biển Đông Nam Á, biển miền Trung cũng chịu chung số phận. Và một điều nữa cần nhấn mạnh là so với biển miền Bắc và miền Nam, sự “đối mặt” của biển miền Trung với biển Đông Nam Á trực tiếp hơn cho nên “thử thách” cũng có phần cam go và quyết liệt hơn [Trong bản đồ hình chữ S của chúng ta, biển miền Trung “ưỡn” hẳn ra biển Đông].
- Hiện tượng nước biển dâng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân ven biển. Các nhà khoa học cảnh báo rằng đến cuối thế kỉ này, mực nước biển sẽ dâng lên trong khoảng từ 28 đến 43 cm, nhiệt độ tăng lên từ 1,4 đến 4 0C. Đây là hiện tượng đáng báo động.
- Núi lửa hoạt động trở lại, động đất và sự xuất hiện của sóng thần là những thiên tai khó lường và dễ gây hậu quả nghiêm trọng.  Con số 280.000.000 người thiệt mạng trong đợt sóng thần xảy ra vào ngày 26 tháng 12 năm 2004 là một minh chứng cho thảm hoạ này ở các quốc gia Nam á.
- Bão biển không theo quy luật (trái mùa, đổi hướng bất thường, ...) cũng là một hiện tượng cần được chú ý. Mới gần đây thôi, bão Chanchu không vào bờ mà những người con của biển miền Trung (từ Đà Nẵng, Quang Nam, Quảng Ngãi, ...) đã không thể quay về.
- Rồi nạn tràn dầu chưa rõ nguyên nhân xảy ra vào tháng ba, tháng tư mấy năm gần đây cũng đã để lại những hậu quả không tốt cho môi trường.
Như vậy là bên cạnh những ưu thế to lớn mang lại lợi ích cho con người thì biển cũng đặt ra cho con người biết bao nhiêu thứ cần phải đối mặt, chấp nhận và tìm cách giải quyết, khắc phục.

III. Chiến lược biển và môi trường văn hoá biển miền Trung
Đặt vấn đề xem xét lại vị trí, tầm quan trọng của biển, từ đó đưa ra chiến lược cho môi trường biển là việc làm rất có ý nghĩa và cấp thiết hiện nay.
Có một số việc liên quan trực tiếp đến môi trường văn hoá biển miền Trung cần được chú ý.

3.1 Xây dựng các đô thị ven biển
Do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quá trình đô thị hoá đang diễn ra khá nhanh. Hàng loạt thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố ở ven biển đã, đang và sẽ được mọc lên. Đô thị ven biển chắc chắn có sức hấp dẫn riêng so với các đô thị miền sơn cước. Quy hoạch đô thị ven biển, vì vậy sẽ không giống với quy hoạch đô thị các vùng khácKiến trúc của đô thị ven biển vừa phải tạo được “dấu ấn” riêng của biển vừa phải tính đến khả năng “chịu đựng” được những thử thách cam go của khí hậu, thiên tai do môi trường biển tạo nên. Đây là một vấn đề cần có lời giải đáp nghiêm túc từ chính quyền của các địa phương.

3.2 Xây dựng hệ thống giao thông và cảng biển
Cùng với phát triển đô thị là phát triển giao thông thuỷ và hệ thống cảng biển. Đây là nhu cầu tất yếu nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên bài toán đặt ra ở đây cũng vẫn là kế hoạch và quy hoạch.  Không phải tỉnh ven biển  nào cũng nhất thiết phải có cảng biển. Mạng lưới giao thông và cảng biển miền Trung phải được thiết kế dựa trên tầm bao quát của cả khu vực, vì lợi ích của cả khu vực chứ không riêng cho một tỉnh nào, một địa phương nào.

3.3 Làm đường cao tốc dọc bờ biển
Đất nước của chúng ta vừa hẹp vừa dài, lại chạy dọc theo bờ biển, vì vậy xây dựng đường cao tốc ven biển là một ý tưởng hay. Con đường này sẽ vừa có ý nghĩa kinh tế – xã hội vừa tạo được vẻ đẹp cho môi trường biển.

3.4 Phát triển du lịch biển
So với các khu vực khác trên đất Việt Nam, bãi biển miền Trung được đánh giá vào loại đẹp nhất. Có những bãi tắm của biển miền Trung xứng đáng được xếp vào hàng “topten” của thế giới. Ngoài hải sản, biển miền Trung còn có những thứ, những sản phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới (như yến Nha Trang, dừa Bình Định). Đặc biệt khu vực này còn được biết đến với những địa danh đầy sức hấp dẫn (như Ngũ Hành Sơn) và những di sản văn hoá thế giới (đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế, động Phong Nha). Đó là những điều kiện lí tưởng cho phát triển du lịch.
Với mảnh đất mà công việc cày cấy khó khăn hơn nhiều so với đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ thì phát triển du lịch là một chiến lược cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội của miền Trung. Phát triển du lịch là cách tốt nhất để có thể lấy được tiền từ túi của những người giàu.

3.5 Khai thác tài nguyên biển
Đây là việc làm tất yếu của những con người lấy biển làm môi trường sống của mình. Tuy nhiên điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là vai trò của nhà nước, của tập thể trong việc tổ chức khai thác tài nguyên biển một cách “bài bản”, với chiến lược lâu dài.  Nguyên tắc được đặt ra ở đây là vừa khai thác một cách có hiệu quả, vừa chú trọng nuôi dưỡng, bảo vệ, đặc biệt là không xâm hại môi trường.
Tóm lại, biển miền Trung là một kho báu mà thiên nhiên đã ban cho chúng ta. Tuy nhiên trong nó cũng tiềm ẩn không ít những cái bất lợi, có thể làm nguy hại đến tính mạng của hàng triệu con người. Khai thác thế mạnh của biển đồng thời khắc phục những yếu tố bất lợi của nó là nhiệm vụ của chính quyền các cấp và của tất cả mọi người. Yêu cầu được đặt ra ở đây là phải đối xử với biển một cách có văn hoá và theo phương châm hãy làm tất cả để bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.       Cao Xuân Phổ, Văn hoá biển Đông Nam Á, trong “Nghiên cứu Đông Nam Á”, số 4, 1994.
2.       Mai Ngọc Chừ, Văn hoá Đông Nam Á, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999.
3.       Sakurai Yumlo, Thử phác dựng cấu trúc lịch sử khu vực Đông Nam Á, trong “Nghiên cứu Đông Nam Á”, số 4, 1996.
4.       Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX, Hà Nội, 1961.
5.       Rustam A. Sani, Melayu Baru dan Bangsa Malaysia: Tradisi Cendekia dan Krisis Budaya. Universiti Kebangsaan Malaysia, 1993.
6.       Wilhelm G. Solheim II, New light on a forgotten past. Trong sách “National Geographic”, Vol. 139, No 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét