Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Luật Manu của Ấn Độ cổ đại


Luật Manu của Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là vùng rừng núi, đất đai khô cằn, cư dân đa sắc tộc, là quê hương của nền văn minh sông Ấn, sông Hằng rực rỡ, nơi Nhà nước ra đời từ rất sớm và mang đậm bản sắc tôn giáo trong lịch sử. Chính vì vậy mà luật pháp nhà nước Ấn Độ cổ đại đan xen quy chế đẳng cấp, giáo lý và tập quán, mọi hành vi xử sự của con người phải chịu sự điều chỉnh bởi rất nhiều thứ luật lệ.

 
Trong các triều vương quốc cổ đại Ấn Độ, Luật Manu là luật hoàn chỉnh nhất. Theo truyền thuyết, luật này được chép lại từ lời răn của Manu - ông tổ của tộc người Arya. Về thực chất đây là bản trường ca gồm 12 chương với 2.685 văn thơ do tăng lữ đạo Braman biên soạn từ thế kỷ II trước Công nguyên (thời vương quốc Môria). Đây là hình thức luật độc đáo nhất, điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội quan trọng lúc bấy giờ; cụ thể:
Về quyền sở hữu, Luật Manu chủ yếu quy định quyền sở hữu ruộng đất. Hình thức sở hữu ruộng đất lúc bấy giờ là tập trung vào nhà Vua, Nhà nước và công xã. Ruộng đất của nông dân do công xã phân chia, nghiêm cấm tuỳ tiện thay đổi ranh giới hoặc chuyển dịch quyền tư hữu. Nếu làng xã tranh chấp đất đai một cách man trá, thì đất đai đó bị nhà vua thu lại (Điều 9). Bên cạnh ruộng đất, Luật Manu quy định khá chi tiết về căn cứ làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ sở hữu đối với vật: Nếu chủ sở hữu cho người khác sử dụng đồ vật của mình trong vòng 10 năm không đòi lại thì họ mất quyền sở hữu đó (Điều 147).
Về khế ước, họ chỉ ra khá đầy đủ về tính hợp pháp của hợp đồng và những căn cứ xác định hợp đồng vô hiệu (ký với người mắc bệnh tâm thần, say rượu; người chưa thành niên; ký do cưỡng bức hoặc lừa đảo v.v). Hợp đồng được chia nhiều loại như: Hợp đồng mua bán, vay mượn, cầm cố, thuê mướn v.v. trong đó có kèm theo hình thức thưởng - phạt nhưng phân biệt đẳng cấp rõ ràng; ví dụ: chủ nợ được thu giữ tài sản dùng bạo lực hoặc bắt con nợ làm nô lệ.
Về hôn nhân và gia đình: Nguyên tắc chung là phải kết hôn cùng đẳng cấp. Trừ trường hợp nam giới  vì tình yêu thì có thể lấy vợ ở đẳng cấp dưới làm kề. Hình thức kết hôn không theo nghi thức thủ tục Nhà nước mà có thể tổ chức lễ cưới, mua bán vợ, cướp vợ hoặc hình thức khác theo quy định của lệ làng.
Đối với tài sản thừa kế, vợ chồng có quyền thừa hưởng di sản thừa kế của nhau. Các con được quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại theo nguyên tắc chia đều. Con gái nếu đi lấy chồng sẽ hưởng 2/3 định suất để làm của hồi môn.
Về hình sự, Luật Manu tôn trọng chứng cứ và sự thật khách quan, nhưng giá trị của chứng cứ luôn phụ thuộc vào đẳng cấp và giới tính. Theo nguyên tắc này người đẳng cấp cao phạm tội với đẳng cấp thấp bị xử nhẹ; người đẳng cấp thấp phạm thượng sẽ bị xử nặng. Phụ nữ thường bị xử nặng hơn nam giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét