Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Ấn Độ cổ đại: nghệ thuật điêu khắc


Điêu khắc Ấn Độ cổ đại

+ Sơ lược lịch sử Ấn Độ

Lịch sử Ấn Độ hết sức đa dạng trên một miền đất cực kỳ phức tạp. Tháng 8/1947, nhờ sự tranh đấu bền bỉ bất bạo động của Mahatma Gandhi, quốc gia mang tên Cộng Hoà Ấn Độ/Republic of India ra đời. Trước 1947, ám chỉ tiểu lục địa này, tiếng Persia/Ba Tư gọi là Hindustan, có nghĩa Miền Đất Của Người Hindus/Land of the Hindus (chữ -stan có nghĩa “đất của người”, ví dụ Ubezkistan, Kazakstan…) Trong bài xin tạm dùng chữ Ấn Độ, dù chưa có nước Ấn Độ vào thời đó.
“Biên giới chính trị” là điều không có ở Ấn Độ, suốt từ thời Sakya, Mauryan, Bactria, Kushans, Gupta… Ấn Độ vẫn chỉ là những mandala, gồm nhiều vương quốc/bộ lạc. Những thế lực này hiện diện cùng lúc hay kế tiếp nhau trong thời gian và không gian địa lý. Mỗi nơi là một thế giới riêng với thành phần sắc tộc, văn hoá và ngôn ngữ khác nhau. Các tiểu quốc đều có vua/rajah, khi thống nhất gọi là “vua của các vua/maharajah”. Triều đại cuối cùng là Moghul từ Afghanistan mang theo đạo Hồi thống trị nhiều đời cho đến khi người Anh tới vào đầu thế kỷ thứ 18. Lịch sử hay ghi “triều đại tận diệt”, chỉ có nghĩa là lãnh đạo không còn, nhưng dân chúng vẫn còn nguyên đó và vẫn sinh hoạt, tiếp cận, ảnh hưởng lẫn nhau.
Ấn Độ gồm 3 khu vực địa lý rộng lớn, đa dạng về chủng tộc/ngôn ngữ/văn hoá/lịch sử, gồm miền Bắc, miền Tây Bắc và miền Nam. Sắc tộc của Ấn Độ ngày nay vẫn phức tạp và giữ khung từ ngàn năm cũ.
- miền Bắc và Tây Bắc: da trắng: người Hindi, Rajasthan, Afghan, Persian, Bactrian chiếm thành phố. Lãnh đạo và giới ưu tú toàn người da trắng, người da ngăm nếu còn sót luôn luôn ở địa vị thấp kém.
- miền Nam : da sậm đến rất sậm: người Dravidian, Mundi và Tamil.
Từ ba miền độc lập và riêng biệt này, các đế quốc/vương triều khai mở/suy tàn cùng lúc hay kế tiếp nhau. Trong bài viết này chỉ nhắc rất đơn sơ đến khung thời gian từ TK thứ VI TCN đến TK thứ VI SCN, thời điểm nghệ thuật tạc tượng Phật tại một số vương triều:
Miền Bắc: hai đế quốc Maurya (321TCN–185 TCN) và Gupta (320-550SCN)
Miền Tây Bắc: hai đế quốc Bactria (250TCN-10SCN) và Kushan (30-230SCN).
Miền Nam: đế quốc Satavahana (230TCN-220SCN)
Có cả thẩy ba sắc dân lần lượt đến tiểu lục địa này: Australoid, Dravidian và Scythian.
Người Australoid đến sớm nhất, da rất sậm, nay chỉ còn là thiểu số sống trong rừng núi phía Nam Ấn Độ, cao nguyên Deccan. Người Dravidian, da sậm, ban đầu ở vùng Bắc Ấn khu vực sông Indus, để lại di tích văn minh Harappa rất cao. Ngành dân tộc học cũng chưa thể xác định hai đám Australoid và Dravidian đến lục địa này từ hồi nào.
Bắt đầu từ 2000TCN, bộ tộc người Aryan da trắng du mục rải rác khắp vùng thảo nguyên Âu-Á, cùng ngôn ngữ Iranian và cùng văn hóa thờ mặt trời. Herodotus người Hy Lạp sống cùng thời (484-425TCN), sử gia đầu tiên của nhân loại, viết: “nếu những nhóm này hợp nhất dưới một lãnh đạo, họ sẽ là thế lực lớn nhất thế giới.”

   + Bộ tộc Sakya của Phật

Người Saka/Sacas/Sakae/Sakian/Sakya là một trong đám Aryan - vượt đèo Khyber, quét ngang nước Persia/Ba Tư như sấm sét, đến Ấn Độ làm nhiều đợt từ TK thứ 5 TCN (2)
(Chú thích: là giống dân du mục nên thời điểm/địa điểm/bộ lạc người Aryan di chuyển/định cư là điều khá mờ mịt, nghiên cứu Tây phương vẫn có những sai biệt. Riêng các tiểu bang Ấn Độ tới giờ này vẫn nhìn văn hóa, lịch sử, tôn giáo…tiểu bang láng giềng theo cách khác nhau. Lý do: từ mấy ngàn năm, họ là những tiểu vương quốc khác nhau)
Người Hy Lạp gọi người Sakya là Scythian. Bộ tộc Sakya/Scythia tốn nhiều giấy mực của các học giả. Có nhóm du mục chỉ sống trên lưng ngựa theo gia súc đi tìm đồng cỏ. Đàn bà/trẻ em đánh xe ngựa, đàn ông cưỡi ngựa chăn súc vật. Nhưng cũng có những nhóm định cư có thành phố thành trì đóng tầu biển. Ở đâu, họ cũng xuất sắc về kỹ thuật chiến tranh, đúc đồ đồng, luyện thép, làm vũ khí, nữ trang. Khuynh hướng hiện nay trong giới học thuật công nhận người Sakya/Scythia là da trắng nói tiếng Iran/Ba Tư. Không rõ nhánh Sakya định cư ở vùng Lumbidi, quê hương của Phật thuộc nhóm nào và đến Lumbini hồi nào. Câu hỏi này xin đợi các học giả Phật giáo.  
Trên bản đồ, vùng mầu xám, gồm bốn vùng chính: Gandhara, Sakastan, Mathura và Ujjayini, là vùng ảnh hưởng của người Sakas/Sakya vào năm 50 TCN. Lumbini ở sát ngay chân núi Himalya, phía bên phải Mathura, cách biên gìới Ấn Độ 25km. Dù hồi đó chưa có nước nào tên Ấn Độ và Nepal, ngày nay cả hai nước đều nhận Phật là ngườì của dân tộc mình, mặc dù biết rất rõ vài trăm cây số hay một vài trăm năm chỉ là con số tương đối, khi chưa có ghi chép.

   + Phật là ai?


Trước khi có Phật giáo, vùng Ấn Độ và Pakistan theo đạo Hindu. Hệ thống giai cấp/caste của Hindu, có 4 tầng là 1. Tăng lữ 2. Võ sĩ/quí tộc 3. Thương nhân và 4. Người giúp việc. Dòng họ đức Phật theo Hindu, giai cấp quí tộc. Năm sanh Đức Phật được ghi chép khác nhau: 335, 565, 623 TCN. Các nước theo đạo Phật kỷ niệm ngày sanh của Phật cũng khác nhau. Khi Đức Phật thành lập đạo Phật, cộng đồng Phật giáo chủ trương không phân biệt giai cấp, vì thế rất đông người theo. Sử sách ghi Phật là người thuộc bộ tộc Sakya, mang tên Sakyamuni/Thích Ca Mâu Ni có nghĩa “Người Khôn Ngoan của Sakya”. Đức Phật giảng và hành đạo ở Benares, Bodgaya… dọc sông Ganges/Hằng/

Biên giới giữa các bộ tộc, các tiểu quốc rất mơ hồ, cách nhau bởi thiên nhiên. Bằng cớ thân mẫu Phật rời kinh đô đi bộ về nhà bố mẹ ở Devadaha để sanh nở. Có phù điêu ghi lại bà vịn cành cây, sanh Phật giữa rừng. Năm 1896, Dr. Anton A. Fuhrer tìm thấy cột pillar-6.4m của vua Ashoka, có ghi chữ "Thương quí của các thần linh" (devanampiya), vua Piyadesi, đã đến thăm và tôn thờ nơi đây bởi vì Đức Phật, nhà hiền triết của bộ tộc Sakyans, đã được sinh ra. Vua đã làm một tượng đá và dựng cột đá. Làng Lumbini được miễn thuế và chỉ phải trả 1/8 sản lượng. ”(3) Piyadasi, tức vua Ashoka còn cho đặt một viên đá ngay đúng chỗ Phật sinh. Phiến đá này được đào thấy năm 1996 ở Lumbini.

Những dấu hiệu Phật dùng hay Ashoka tặng cho Phật đều đến từ bộ tộc du mục Sakya/Scythia: 1.Sư tử trên đỉnh cột pillar 2.Tháp stupa cất giữ di tích Phật theo mô hình các gò đất tròn chôn ngươì chết 3.Vòng luân hồi của Phật làm theo hình chariot/bánh xe ngựa 4.Ý niệm “bánh xe luân hồi” là của Văn Minh Thảo Nguyên/Steppe Civilization.

Khoảng 3000 TCN, người miền Mesopotamie chế ra bánh xe có 2 trục làm bằng gỗ rất chắc, do bò kéo. Khoảng 2000TCN, vành bánh xe nhẹ hơn. Từ 1700TCN, bánh xe nhẹ hơn nữa cho ngựa kéo. Người Scythian đầu tiên thuần hóa loài ngựa. Ngựa và bánh xe ngựa thay đổi bộ mặt thế giới. Ngựa và bánh xe dẫn họ đi khắp thảo nguyên mênh mông hai lục địa Âu- Á. Đó là lý do khiến người Scythian du nhập sự thờ phụng bánh xe vào đạo Hindu. Phật có thể đã mượn vòng bánh xe quay cho ý niệm về kiếp luân hồi. Khi sức khoẻ suy dần, Đức Phật tự ví mình …”Ta như chiếc xe bò đã cũ, chỉ còn nhờ các dây chằng chống đỡ…”
(Chú thích: người Trung Hoa vất vả, kiên trì mấy trăm năm mới gây được giống ngựa lai Trung Hoa - Tây Vực (tức ngoài biên ải Ngọc Môn Quan, ám chỉ Ba Tư, Trung Á, Yeuzhi. Đời Đường, việc mua ngựa giống từ Trung Á là việc tối quan trọng)

  * các trường phái điêu khắc Ấn Độ :

  a. Phong cách nghệ thuật Đế quốc Mauryan (321TCN-185 TCN)

Năm 321TCN, Chandragupta, khởi nghiệp lập đế quốc Mauryan ở miền Đông Bắc Ấn Độ. Kinh Phật có ghi Chandragupta có liên hệ với bộ tộc Sakya, cùng yếu tố Aryan.
Vương triều Mauryan gồm thâu đất đai phía Bắc tiểu lục địa Ấn độ về một mối, đặt kinh đô Pataliputra bên bờ Nam sông Ganges/Hằng, gần cửa sông đổ ra vịnh Bengal (bây giờ là Patna, thành phố lớn thứ nhì ở bờ biển đông Ấn Độ, sau Calcutta). Đế quốc Mauryan cực thịnh khi vì vua thứ ba, cháu nội Chandragupta, là đại đế Ashoka (trị vì khoảng 269- tới 231TCN) chinh phục tới 90% nước Ấn Độ ngày nay, chừa một mảnh nhỏ xíu ở cực Nam, vương quốc Cholas. Ashoka hối hận gây ra chiến tranh khiến 100,000 chết và 150,000 người Kalingas bị thương. Nhìn cánh đồng loang máu dân Kalingas (tiểu bang Orissa bây giờ) vừa bị mình tận diệt, ánh lên cảnh tượng cực kỳ ai oán và phi lý của cuộc chém giết, Ashoka thất kinh tỉnh giấc “Ta rất đau đớn vì sự giết chóc, đuổi dân đã xảy ra khi một nước bị chinh phục…”(3). Ashoka cải thành Phật tử năm 260.
Ashoka là nhà lãnh đạo đầu tiên đặt Phật giáo lên hàng quốc giáo. Ông gửi phái đoàn ngoại giao kiêm truyền giáo tới Roma, Ceylon, China, Gandhara, Kashmir, Pakistan, Afghanistan; xa nhất mãi tận đảo Cyprus. Ashoka triệu tập Đại Hội Phật Giáo lần thứ ba.
Ashoka tôn trọng tất cả tôn giáo: Brahman, Phật giáo, Hindu và Jain, điều thật vô cùng mới lạ và hiếm có nơi các lãnh đạo tôn giáo và chính trị, ngay cả thời bây giờ. Ashoka đặc biệt bảo trợ Phật giáo: nhà vua tặng Phật danh hiệu Shakya Lion/Sư Tử dòng Sakya. Nghệ thuật Phật giáo thời Ashoka là những tháp stupa (chứa tro tàn của nhục thân Phật) và cột đá pillar. Trên đỉnh những cột pillar Ashoka dựng đều có tượng sư tử tượng trưng cho Phật. Tuy ánh sáng Phật giáo đã phai tàn, ngày nay Ấn Độ vẫn lấy đỉnh cột pillar này làm quốc huy.
Đông Nam Á cũng có những di tích thời Ashoka. Gần Chiang Mai, Thailand có cột đá Ashoka Pillar tại Wat U Mong. Năm 245BCE, công chúa Samghamitta Theri đã bứng một cây bồ đề nhỏ từ nơi Phật nhập diệt mang trồng ở Sri Lanka/Tích Lan. Anuradhapura 
thành Thành Phố Thiêng Liêng cho Phật tử thế giới chiêm bái, cây bồ đề Sri Maha vẫn xanh tươi gìn giữ mối duyên xa dù đã hơn 2.250 năm tuổi. Trong bài giảng Digha Nikaya, Phật dặn không được vẽ tranh hay nặn tượng sau khi người qua đời. Có lẽ con mắt nhìn xa hàng ngàn năm sau, Phật như thấy được những chướng quái khi nhân gian xây chùa cho lớn, tước vị cho kêu, võng lọng linh đình. Gác chuông cố vươn thấu mây xanh nên để mất dấu chuông vàng?
Suốt từ khi Phật nhập diệt cho đến thời Ashoka, khoảng 300 năm, ngươì ta nhớ đến Phật qua hoa sen, sư tử, cây bồ đề, bánh xe luân hồi hay bàn chân khắc trên nền đá. Ví dụ như tấm sa thạch/sandstone màu nâu (4), có niên đại TK 1 TCN, 67.5 x 46.25 x 15cm, thuộc đại tháp stupa ở Amaravati, giữa là bánh xe tượng trưng cho Ba Châu Báu/Tam Bảo, xung quanh có hoa/giây leo/cành lá/nam thần Yaksha trong truyền thuyết Hindu, Jain và Phật giáo.
Những lời vua Ashoka khắc trên cột đá pillar, không dạy về Tứ Diệu Đế, chỉ nhấn mạnh đến phần thực hành trong cuộc sống thường ngày: “Những ai khen quá nhiều tôn giáo mình, do một niềm tin quá độ, và chỉ trích các tôn giáo khác với ý nghĩ là "Để tôi làm rạng danh tôn giáo tôi", thật ra chỉ là làm hại chính tôn giáo mình. Vì thế, sự tiếp xúc giữa các tôn giáo là điều tốt. Mọi người nên lắng nghe và kính trọng niềm tin và điều tốt từ các tôn giáo khác” (3). Những điều nhân bản này không hề được khắc tại bia đá ở Ai Cập, Babylon hay La Mã.
Sau Ashoka (khoảng 200 TCN) tuy triều đình Kushans có giảm nồng nhiệt, kiến trúc Phật giáo vẫn là một bảo trợ tâm linh cho toàn xứ sở. Huy hoàng nhất là Sanchi, được xây dựng trong hơn 100 năm.

Sanchi-Trái Tim Của Thiên Đàng, tới giờ vẫn là một địa điểm hành hương cho cả Phật tử và những người yêu nghệ thuật khắp thế giới. Cổng phía đông vào stupa Sanchi, nữ thần Yahshi no tròn nghiêng mình khép mở tam giác dát vàng đùi nghiêng dát ngọc cùng ngựa voi đón chào du khách vào thăm tro cốt Phật. Nếu không sợ đứng tim say men nồng tình yêu trên những chạm khắc, nên đến xem tận nơi, bài viết này chữ nghĩa nghèo nàn không theo kịp nhịp độ mê đắm của ngườì xưa. Dù chỉ còn di tích trên đống đổ nát (hiện giờ thuộc thủ đô Bhopal của Madhaya Pradesh/tiểu bang lớn nhất Ấn Độ), Sanchi vẫn là một thúc đẩy văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật.
50 năm sau khi vua Ashoka mất, đế quốc Mauryan suy tàn, bị chia thành nhiều tiểu quốc.

  b. Phong cách Amaravati - Vương quốc Satahavana (230TCN-220SCN) 


     Vương quốc này là thuộc địa của đế quốc Mauryan. Sau khi Ashoka qua đời, Satahavana tuyên bố độc lập. Amaravati dựa bờ sông Krishna (tiểu bang Andhra Pradesh bây giờ), một miền đất phì nhiêu gần bờ biển đông nam Ấn Độ. Nơi đây đã là cái nôi của văn minh bản địa người Dravidian trước khi Phật giáo tới. Thần thánh thương người Amaravati cách riêng, cho họ tính hồn nhiên, sinh ra như để uống cạn giọt đắm say của niết bàn trong kiếp này, liệu có kiếp sau không mà đợi. Vì vậy nghệ thuật chạm khắc những pho tượng kích thước bằng người thật, vòng tay thân thể tròn trịa của hai nam nữ thần bản mệnh Yaksha và Yakshi, mê đắm đến nỗi những chùm bông giấy cũng đỏ tê đỏ tái ngượng ngùng.
    Loại nghệ thuật này cũng như ý niệm trưng bày/tôn thờ Linga-Yoni, cơ quan sinh dục nam nữ, là văn hóa cuả Ấn Độ trải mấy ngàn năm. Các nhà Nho Trung Hoa, và ngay cả người Tây phương chỉ nhìn thôi cũng khó… nuốt. Có lẽ bằng cấp càng cao càng xa rời ý nghĩa ban đầu của giòng sinh mệnh, nên nhìn đâu cũng thấy tội lỗi và trừng phạt; dù triết lý ngoằn ngoèo nhưng chỉ nhìn thấy bề nông cạn của sự việc, khiến quên đi phần dịu ngọt sâu thẳm nhất của quấn quít. Không như người bản địa Amavarati: mượn sự giao thoa làm món quà dâng tặng thần linh đang đứng trên cao vui vẻ ngắm nhìn đôi nam nữ đạt tới cõi hạnh phúc không cùng nhất. Điêu khắc Amavarati nằm ngoài và rất xa sự tưởng tượng của con người, hình như có bàn tay trợ giúp của thần linh hoan hỉ, không phải thần linh nhăn nhó. Một phong cách vượt lên trên các giáo điều lùng bùng của các nhà đạo đức thật (lẫn giả), có lẽ sẽ không bao giờ còn lập lại trên trái đất này.
     Những bức tượng thần thánh Ấn Độ hay tượng Phật thường đeo bông tai rất nặng, nhiều khi trĩu xuống tới vai. Chẳng hạn như đôi bông tai bằng vàng có niên đại TK thứ nhất TCN, ở Andhra Pradesh, kích thước 3.8 x 7.6 x 4 cm, khắc hình voi và cọp cho thấy địa vị cao quí của chủ nhân, phải nhìn tận nơi mới rùng mình vì sự tinh xảo trong kỹ thuật và quí phái trong kiểu mẩu. Đôi bông này hiện thuộc The Metropolitan Museum of Art/ New York, hai năm trước có trưng bày cho công chúng. (http://www.metmuseum.org/toah/works-of-art/1981.398.3,4).
    Tai dài như cánh hoa sen là một trong 32 tướng quí của Phật. Người Việt mình tán rộng cho là dấu hiệu của sống lâu. Quí tộc Sakya đều đeo bông tai. Phật có đeo bông hay không, không ai rõ vì mấy ông vua thời đó đặt nghệ sĩ tạc tượng Phật qua hình ảnh họ. Ở Trung Hoa, Võ Tắc Thiên cho tạc tượng Phật có khuôn mặt giống mình, và tự xưng “Lão Phật Gia”.
     Dưới thời Ashoka, Amaravati thành một trong trung tâm Phật giáo lớn nhất. Quần thể stupa ở Amaravati được xây dựng thời Ashoka, hoàn thành năm 200SCN, ghi toàn cảnh về cuộc đời Phật. Phong cách tượng Phật Amaravati không giống với Gandhāra và Mathura. Các học giả cho rằng phong cách này đã làm khuôn mẫu cho điêu khắc ở Sri Lanca và Đông Nam Á. Tượng hoàn toàn có tính bản địa người Dravidian. Tóc trên đỉnh đầu bới kiểu ushsina ba hay bốn vòng, tóc trên trán quăn hình ốc, mặt tròn đầy đặn, da ngăm, mắt sâu, áo từ vai trái rũ xuống theo kiểu nam thần Yaksha. Thân dưới mặc Antariya dài tới mắt cá chân, có khi khoác một tấm vải lớn choàng qua đầu, nếp gấp để trên tay trái, đó là Uttayria dài rộng các tăng nhân khoác ngoài khi đi du hành. Tượng Phật kế bên, là một ví dụ phong cách Amaravati TK 3 hiện bày tại bảo tàng Archaeological Survey of India/Amaravati. Kiểu bới tóc ushsina, một Phật tử cứ ngỡ Phật đội mũ cho ấm đầu. Chắc Phật buồn cười với ý tưởng dễ thương.


    c. Phong cách Ấn Độ - Hy Lạp - Đế quốc Bactria (256TCN-10SCN)

     S ử gia phương Tây, cho rằng tượng Phật là sự pha trộn giữa nghệ thuật bản địa Ấn Độ và Hy Lạp. Sử gia Ấn Độ Ananda Coomaraswamy (1877-1947) cho rằng hình tượng Phật phỏng theo nam thần Yaksha của văn minh thung lũng sông Ấn.
   Đại đế Alexander (356-323 TCN) người chiến binh không-chiến-bại thành lập đế quốc Hy Lạp trải dài từ biển Địa Trung Hải tới Hy Mã Lạp Sơn. Những dũng tướng của Alexander chia nhau đi bốn phương nối dài vương quốc Hy Lạp. Tướng Hy Lạp Ptolemy (367-283TCN) sang Ai Cập thành lập đế quốc Ptolemaic kéo dài 300 năm. Triều đại nữ hoàng Hy Lạp Cleopatre (69–30 TCN) là triều đại cuối cùng của vương quốc Ptolemaic tại Ai Cập.
    Từ năm 256 TCN, điểm xa nhất của thế lực Hy Lạp ở Trung Á là vương quốc Greco-Bactria (Hy Lạp - Bactria), gồm vùng Bactria và Sogdina (đông Iran, Afghanistan và Pakistan bây giờ). Nhưng phải đợi đến khi Demetrius/200-180TCN, một quí tộc Hy Lạp, vượt đèo Khyber đến miền Bắc Ần Độ, biên giới thiên nhiên là rặng Hindu Kush - thì văn minh Hy Lạp mới gặp gỡ văn minh Mauryan, khai mở một nền văn minh mới có tên Indo-Greek/Ấn Độ-Hy Lạp. Trong hai thế kỷ, vương quốc Bactria có 30 vì vua, nhưng quan trọng nhất là ông vua đầu tiên Demetrius và ông vua cuối cùng Menander. Thời Demetrius I, văn minh Hy Lạp  đã lan truyền sang Ấn Độ. Ông cải theo Phật giáo, bảo trợ các công trình kiến trúc nghệ thuật. Ở địa điểm khảo cổ Sirkap gần Taxila (Pakistan bây giờ), những tháp stupa kiểu Hy Lạp, do Demetrius xây cho thấy sự giao thoa giữa nghệ thuật Hy Lạp/Phật giáo/Hindu/Zoroastrian-Hoả giáo. Nơi đây tìm thấy nhiều đồng tiền khắc hình Demetrius. Có đồng chỉ 12mm đường kính, bằng bạc, nét chạm khắc tinh vi đến nỗi nghệ thuật điêu khắc sau này phải ngả mũ chào thua. Chữ viết của vương qưốc Bactria là chữ Hy Lạp. Manander, vì vua cuối cùng của vương quốc Bactria , 165-125 TCN cũng cải theo đạo Phật năm 150. Từ đấy, con đường từ Bactria là cây cầu dẫn đạo Phật đi bốn phương. Sự chinh phục êm đềm của Demetrius và Menander khiến văn hóa Hy Lạp đi xa và ở lại lâu bền hơn cả đội quân sấm sét của Alexander Đại Đế. Thời Menander, tiền đồng và bạc được đúc với số lượng lớn và lưu hành khắp nơi. Điều này giải thích sự hiện diện của một số đồng tiền vàng La Mã/Hy Lạp/Bactrian… ở một số nơi, không có giao thương trực tiếp với những xứ này. Trường hợp đồng xu La Mã tìm thấy ở Óc Eo/Tiền Giang có hình vua Antoninus Pious (trị vì 138-161) và người kế vị là Marcus Aurelius (trị vì 161-180) có thể ở trong trường hợp này.
   + Phong cách Hy Lạp - Ấn Độ, chịu ảnh hưỏng văn minh Hy Lạp và Parthian, dùng chữ viết Hy Lạp nên những cột pillar và tảng đá vẫn mang ảnh hưởng của nền văn minh Greek-Parthian/Hy Lạp/Ba Tư.
Bức tượng Phật tìm thấy tại một tu viện Afghanistan, niên đại 800 thể hiện một vương tử xinh trai có vẻ sắp lên làm vua, theo phong cách Indo-Greek: tóc dợn dài quá vai. Tượng mang vòng tay vòng cổ bông tai theo truyền thống quí tộc Scythia. Người Hy Lạp gọi người Sakya là Scythian. Scythian nổi tiếng làm nữ trang bằng bạc và vàng ròng từ trước 800TCN. Di chỉ từ mộ vua Scythia, có nhiều nữ trang vàng ròng, có miếng nặng tới 428gram vàng (13.7605 troy ounces). Người Scythia duy nhất trên thế giới làm nữ trang bằng vàng những con vật trong đời sống du mục: sư tử, ngựa, trừu, chó… làm quà tặng dâng lên thần linh. Nữ trang là thước đo giầu sang cho đàn bà và quyền lực cho đàn ông. Vua chúa Ấn Độ đeo đầy kim cương ngọc trai, trên ngực trên tay quấn cả trên khăn turban, cũng do bắt chước truyền thống nữ trang từ người Scythia. Qua tới Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam ... nữ trang biến mất trên tượng Phật, không rõ lý do.

   d. Phong cách Gandara - Đế quốc Kushan (30 - 230)

Tokharian (Trung Hoa gọi Yuezhi, qua tiếng Việt là Nguyệt Chi), nhóm da trắng Aryan đi xa nhất về phía Á Châu, ráp với Trung Hoa. Họ cao lớn, mắt xanh, tóc đỏ hay vàng nhạt dợn sóng. Năm 162 TCN, bị Hung Nô lấn đất, người Nguyệt Chi bị chia làm hai nhóm:
 + Tiểu Nguyệt Chi: là nhóm chiếm thiểu số trong cuộc đồng người Nguyệt Chi. Một bộ phận lớn thì trở về Trung Quốc họp với người Hung Nô lập đế chế Uighur chống đánh Trung Hoa nhiều năm liền của các thế kỷ VII - VIII, số khác thì rút về Vân Nam lập quốc gia Điền. Một di chỉ bằng đồng tìm thấy ở Vân Nam cho thấy cộng đồng người ở đây có liên hệ sâu sắc với người Nguyệt Chi chính thống.
 + Đại Nguyệt Chi: chiếm đa số trong cộng đồng này. Người Hung Nô giết vua Nguyệt Chi, xẻ đầu làm ly uống rượu, hoàng hậu (vợ vua) thống lĩnh 100,000 kỵ binh và 400.000 dân di cư đến vùng Indo-Saka của người Sakya. Quyết định lịch sử của nữ tướng đã thay đổi hẳn bộ mặt miền Âu-Á này. Ba mươi năm sau, lúc vương quốc Greco-Bactria suy tàn, người Yuezhi từ Sogdiana tiến qua, lập ra vương triều Kushan (Quế Sương) lừng lẫy: hoàn thành giấc mộng không tưởng của bất cứ dân tộc nào sau một cuộc viễn trình xa thăm thẳm. Thời Kanishka, Phật giáo được phát triển lên mức cao nhất. Ông cũng cho triệu tập Đại hội Phật giáo lần IV. Ngoài ra, ông cũng quyết định dùng tiếng Bartrian thay thế tiếng Hy Lạp, bảo trợ nghệ thuật; khuyến khích vũ, nhạc, họa, điêu khắc, nữ trang, lễ nghi. Dưới thời ông, hai người Nguyệt Chi đầu tiên dịch kinh sách Phật sang tiếng Trung Hoa là Lokaksema (137-189) dịch kinh Đại thừa, và Dharmaraksa (230-?) dịch kinh Liên Hoa. Hai tượng Phật lớn nhất thế giới là tác phẩm của người Kushan vào TK VI hay V. Về nghệ thuật, ông cho xây một bảo tháp cao 182.88m ở Peshawar, gấp đôi tượng Nữ Thần Tự Do ở New York/93m (tính tới chỏm đuốc). Kanishka bao dung tất cả sắc dân, tôn giáo và nghệ thuật trên vương quốc rộng lớn. Thượng đế, thần thánh và Phật xuất hiện dưới nhiều dạng.

  + Phong cách Gandhāra

   Gandhāra là kinh đô mùa hè của đế quốc Kushan. Gandhāra nằm giữa đèo Khyber và sông Indus (Afhganistan và Pakistan bây gìờ) điểm giữa con đường Tơ Lụa. Vì vậy, Gandhāra là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh: Ba Tư - La Mã - Hy Lạp - Ấn Độ. Gandhāra mượn của Hy Lạp dây nho, vòng hoa, thiên thần, thủy thần. Trào đình Kushan mời nhiều nghệ sĩ từ Hy Lạp, nhưng lực lượng chính vẫn là người địa phương. Nghệ sĩ Ấn Độ vinh dự được mô tả “có đôi tay của người Hy Lạp, tâm linh của người Ấn Độ.” Gandhāra được coi là viên ngọc quí của văn hoá Phật giáo. Phong cách Gandhāra thể hiện sớm nhất hình ảnh về Phật. Phong cách này có ảnh hưởng khắp vùng Trung Á và Nam Á.Nguyên liệu là đá schist đậm mầu. Thời kỳ Gandhāra, tượng Phật theo ba kiểu:
   + Phần đầu tượng Phật:
Tượng có tóc bới kiểu ushsina, mặt trái soan, cằm vuông, mắt dài hình trái hạnh hơi lồi hé mở trong trạng thái thiền, lông mày cong, đôi môi đầy, cằm vuông, trái tai ngắn, mũi thanh. Ở Afghanistan, cũng tìm thấy nhiều đầu tượng Appolo và Zeus. 

     + Tượng Phật đứng Buddhapad
Ở tượng Phật này, người nghệ sĩ khắc họa nó theo phong cách Ấn - Hy với áo xếp nếp, mặt vuông, tóc dợn, tóc bới cầu kỳ, áo chùm toga kiểu Hy Lạp rũ từ vai trái, đeo nữ trang như quí tộc Scythian và Ấn Độ. Khuynh hướng Gandhāra có vẻ như theo sát kích thước thân hình người thật, lưu ý tới cơ bắp, dáng đứng, cử động bàn tay ngón tay. 
    Bức tượng kế bên, niên đại TK 1-3SCN, hiện ở Musée Guimet/Pháp, Phật còn là ông hoàng trẻ nên có ria mép theo kiểu ngươì Kushan. Đầu gối phải hơi nhô ra dưới lần áo khiến bức tượng giống như sắp bước ra khỏi bệ thăm hỏi nhân gian. Riêng áo xếp nếp được người Yuezhi mang trở lại đất mẹ Turfan/Tarim Basin, rồi từ đó qua Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, với vài biến cải, thêm áo lót mình ngang ngực và lưng thắt dây có buộc nơ. Trung Hoa có thêm Phật Bà Quan Âm, có nhiều giải lụa phất phơ như tiên nữ trên nắp hộp bánh trung thu.
   Thế kỷ thứ 5, người Hung Trắng (cũng thuộc sắc tộc Scythia) tàn phá, hủy hoại hầu như hết cả, nhưng phong cách Gandhāra vẫn kéo dài tới TK 7.


   + Phong cách Mathura

Mathura ở phía Đông và Nam, kinh đô mùa Đông của đế quốc Kushan (vùng Pataliputra, Patna bây giờ) gần cửa sông Hằng, dùng chữ Brahmi bản địa, văn hóa bản địa.
Nếu phong cách Gandhāra ảnh hưỏng Hy Lạp, phong cách Mathura hoàn toàn bản địa từ hai tôn giáo đã bắt rễ từ lâu đời là Brahman và Jain.





   Trước khi người Nguyệt Chi đặt chân đến vùng này, Mathura đã là một trung tâm tôn giáo/văn hóa lớn thờ nam nữ thần bản địa Yaksha/Yakshi. Yaksha tay cầm bánh xe luân hồi ngồi trên tòa sen, Yakshi khỏa thân khêu gợi hơn Yakshi ở Sanchi, đồi ngực tròn như trái nõn mùa xuân, hai đùi khép chéo chan chứa mầm hoan lạc.
  Tượng Phật được tô vẽ theo nhiều hình dạng. Không giống như tượng Phật ở Gandhāra khoác nhiều vải vóc rũ xuống thành nếp gấp, nghệ sĩ Mathura cho Phật khoác vải rất mỏng nhẹ theo kiểu địa phương vì trời nóng. Phật có trái tai dài, mũi cao, môi đầy và mắt lớn hơn. Phật có vòng hào quang chạm hoa sen và cành lá. Không biết bàn tay nghệ sĩ Mathura vô danh và hóm hỉnh nào, lần đầu tiên đã điểm cho Phật nụ cười huyền bí, nhẫn nại chịu đựng đám nhân gian van nài đủ thứ. Người nghệ sĩ ấy chắc hẳn là Phật tái sinh.
Tượng Mathura rất dễ nhận, nhờ tạc bằng đá vôi địa phương màu đỏ với những vết đốm màu kem.




   + Phong cách Gupta (320-550 SCN)

Triều đại Gupta dần dần thay thế đế quốc Kushan. Lãnh đạo là người Scythia. Đế quốc này bao phủ vùng rộng lớn miền Bắc Ấn Độ gồm Pakistan, Bangladesh, Tây Ấn Độ. Về phía đông gồm cả Burma, phía tây gồm cả vùng Thung Lũng Indus. Vương quốc này tạo dựng một kỳ tích ở thế kỷ thứ 4SCN: bệnh viện, đại học, đời sống sung túc, thành phố xinh đẹp. Đây là thời kỳ vàng son của Ấn Độ, với những khám phá toán, khoa học, thiên văn, triết học, tôn giáo. Từ vua đến dân đều mộ đạo Phật.
(Chú thích: Bộ “Kinh Kamasutra” được soạn dưới thời Gupta, thường được hiểu lầm chỉ thiên về tình dục, thật ra là loại sách dạy nghệ thuật làm bực vương giả. Những hình vẽ sắc rực rỡ nghiêng về màu nóng, y phục nữ trang của quí tộc. Đàn ông da trắng, râu quai nón, mũi cao, oai vệ như con công xòe cánh. Đàn bà ngực mịn như đồi cát, tay cong như rắn cuốn, bước chân như hoa sen trên sóng)
Nghệ sĩ Gupta sính dùng stucco tạc tượng Phật. Thời Gupta dài hơn 200 năm đuọc coi như thời đại hoàng kim cuả xứ Ấn Độ và của nghệ thuật điêu khắc.
Dẫy tu viện Ajanta là những công trình làm ngẩn ngơ lòng người, không hiểu nghệ sĩ ngày xưa làm sao có thể tạc những kỳ công đến thế. Tượng Phật, Hindu, và Jain rất lón bằng đá, đồng hay đất nung.
Từ TK thứ 8, dù vương quyền đã sang tay triều đại Pala và Sena (730–1197) thiên về tôn giáo Hindu, phong cách Gupta vẫn được lưu giữ. Thời kỳ này, tượng Phật được tạc bằng đồng và đá đen từ Nalanda, hoa văn rất chi tiết.
Nghệ sĩ Gupta vẫn giữ phong cách Mathura với vài biến cải.Tượng Phật có những đặc điểm trước và sau chưa từng có: khuôn mặt dài, nụ cười diụ dàng, bỏ hẳn tóc quăn dài chỉ cho tóc soắn ốc, cánh tay và ngón tay thon dài hơn duy vẫn giữ trái tai dài. Áo trong suốt như lụa ướt. Cũng từ Gupta, nghệ sĩ cho Phật đường cong tròn trịa, thân hình nhỏ nhắn, mặt tươi tỉnh không có vẻ đe doạ của các vị thánh thần giáng cả phước lẫn hoạ. Nghệ sĩ vô danh lưu lại pho tượng có giá trị ngàn năm không chỉ lắng nghe lời Phật, còn lặng lẽ hóa thân trong trăm ngàn nỗi đau đớn lẫn hạnh phúc của kiếp người mới có thể tạc được bức tượng kế bên: êm nhưng không thảm, vẻ dịu dàng như nước mắt ni cô nhỏ xuống trang kinh. Nghệ sĩ và Phật có vẻ thấu nỗi niềm nhau, bàn tay tài hoa cho đôi mắt Phật khép như chẳng biết gì dù thấy hết cả hạnh phúc đạm bạc lẫn sân hận tràn trề cõi nhân gian. Lời khuyên của Phật trước sau vẫn thế nhưng vẻ dịu dàng của tượng Phật khiến nhân gian mủi lòng rộn ràng nghiêng đổ xuống bao xiết gánh sầu.

1 nhận xét: