Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Ngàn dặm Con đường tơ lụa


1. Ngàn dặm Con đường tơ lụa 
Cuối tháng 10-2007, từ Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc), đoàn chúng tôi gồm 12 người đã lên đường theo nhánh bắc của tuyến Con đường tơ lụa ngày xưa bằng xe ca, tàu lửa, lạc đà và cả xe ngựa, xe lửa qua Gia Dụ Quan, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng... tới thành cổ Cao Xương, thành cổ Giao Hà, Hỏa Diệm Sơn, Urumqi... đến tận A La Sơn Khẩu - giáp biên giới Kazakhstan (Tân Cương). Chiều dài hơn 8.000km cho hai lượt đi về.
Mời bạn cùng Tuổi Trẻ khám phá Con đường tơ lụa, một trong những con đường vĩ đại nhất mà cổ nhân đã tạo nên như một kỳ tích của sức mạnh con người.
 Kỳ 1: Theo dấu chân những người "khổng lồ"
Chiều Tây An. Chúng tôi chạy đua với thời gian cho kịp trước khi hoàng hôn nhuộm màu. Dãy tượng đài Thương lữ đại đạo dài chừng 40m, cao hơn 3m, nằm yên lặng giữa sắc thu vàng trong một công viên nhỏ, bên con đường mang tên Tây An Đại Khánh.
Những cặp tình nhân đang tận hưởng giây phút bên nhau bất ngờ trước những vị khách lạ cứ say sưa quay phim, chụp ảnh. Sắc đỏ của khối sa thạch tượng đài khắc tạc vào không gian cái mạnh mẽ của gió cát sa mạc, với dáng điệu của 12 con lạc đà, hai con ngựa, ba con chó cùng hàng hóa và chủ nhân của chúng - sáu người đàn ông đang tiến về hướng mặt trời lặn.
Tên ông như con đường lan khắp thế giới
Trên những nẻo đường chúng tôi đã qua, có hình ảnh một con người luôn hiện diện. Bạn sẽ thấy tượng đá của ông do người đời nay dựng dưới chân Hắc Sơn, nơi Huyền Bích trường thành của Gia Dụ Quan, hoặc bức bích họa “Xuất sứ Tây Vực đồ” tả cảnh khởi hành đi sứ của ông, có tuổi thọ gần ngàn năm tại hang số 323 của chuỗi hang động Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng.
Dĩ nhiên, trước ông, bao nhiêu con người vô danh, dũng cảm đã góp sức tạo hình cho hệ thống tuyến đường theo chiều Đông - Tây, nhưng nếu không có ý chí kiên cường của ông vượt qua đói khát sa mạc, lưỡi kiếm Hung Nô, cám dỗ của quyền uy và mười năm bị giam cầm nhằm đặt nền móng chính trị - ngoại giao qua hai lần đi sứ gian khổ để khai thông giao thương cho Tây Vực, thì đã không có Con đường tơ lụa phồn vinh suốt hơn ngàn năm Hán – Đường.
Sự hiểu biết và thông thuộc Tây Vực của ông trở thành tài sản tạo nên con đường “toàn cầu hóa” đầu tiên của nhân loại cổ đại bằng chân đất. Tên ông vang xa ngoài biên giới, hơn cả uy thế của chúa ông là Hán Vũ Đế. Tư Mã Thiên đã chính thức khắc công lao ông trong sử ký. Dân gian đã kể chuyện về ông, hư và thực, bằng lời, bằng bích họa trong hang động, bằng thảm tranh treo tường.
Con người đó chính là “Tây Hán Đại hành gia” Trương Khiên một đời lừng lẫy!
Tượng đài Trương Khiên dưới chân Hắc Sơn, thành phố Gia Dụ Quan (Cam Túc) - Ảnh: Lê Na
Đã đi là đi đến cùng
Chuyến xe rời thành phố Gia Dụ Quan đến thành phố Đôn Hoàng sôi nổi chương trình “hỏi đáp trực tuyến” với anh Dương Hiểu Lương - hướng dẫn viên du lịch Cam Túc. Đường Tăng có đến Đôn Hoàng không? Có.
Đường Tăng có chứa kinh sách ở hang động Đôn Hoàng không? Không. Kinh sách được đưa thẳng về kinh thành Trường An. Vì sao lúc lên đường Đường Tăng suýt mất mạng khi qua cửa khẩu Ngọc Môn Quan? Vì thời đó, nhà Đường cấm tuyệt người Hán xuất quan sang Tây Vực, Đường Tăng “vượt biên”, thực chất là phạm pháp.
Thế còn lúc về? Được Đường Thái Tông đón tiếp như một người anh hùng ngay từ Ngọc Môn Quan đến tận kinh thành Trường An…
Đi theo dấu chân của Đường Tăng trên Con đường tơ lụa, từ Tây An đến Gia Dụ Quan, Ngọc Môn Quan, Hỏa Diệm Sơn, chúng tôi phát hiện “công tội” của nhà văn Ngô Thừa Ân qua Tây du ký.
Công lớn ở chỗ đã khiến nhà nhà, người người đều biết câu chuyện Tây hành cầu pháp của Đường Tam Tạng. Nhưng “tội ác tày đình” là đã biến pháp sư Huyền Trang trở thành một vị hòa thượng hiền lành, tốt bụng nhưng có lúc nhu nhược, ngây thơ, có lúc cố chấp đến mức gây họa. Kỳ thực, ngài là bậc chân tu đại trí, là nhà thám hiểm đại dũng và là nhà biên dịch Phạn ngữ đại tài của Phật giáo Trung Hoa.
Tượng đài Đường Tăng và tháp Đại Nhạn tại thành phố Tây An (Thiểm Tây) - Ảnh: Lê Na
Buổi sớm khi chúng tôi đến thăm, nơi Nhạn Tháp lộ, phía nam Tây An, gió thu tràn trên khắp quảng trường, gọi mọi ánh nhìn hướng về tượng đài Đường Tăng.
Ngài đang đứng, tay cầm thiền trượng, thân khoác cà sa, mắt nhìn về Tây Trúc uy nghi, mạnh mẽ. Phía sau quảng trường là ngôi chùa nổi tiếng Đại Từ Ân do hoàng gia Đường triều xây dựng, chính là nơi Đường Tăng chủ trì nhiều năm dịch kinh sách tại đây.
Trong chùa có ngôi cổ tháp nổi tiếng: Đại Nhạn tháp bảy tầng, được xây dựng để chứa kinh sách mà Đường Tăng đã gian khó mang về từ đất Phật Tây phương. Phía sau tháp có Quang Minh Đường chứa xá lợi, tượng thờ và những bức tranh khắc gỗ, khắc đồng hoành tráng tái hiện toàn bộ cuộc đời của ngài.
Ngắm nhìn bản đồ hành trình một đời chí lớn của Đường Tăng khắc gọn trên tấm bảng đồng đặt trong khung kính của một gian Quang Minh Đường, nhà văn Phan Thị Vàng Anh (thành viên trong đoàn) chợt ngộ ra thành lời: Chúng ta thường hay thất hứa với chính mình từ những chuyện nhỏ nhất. Còn những con người như Trương Khiên, Đường Tăng, trước hết là những người tuyệt đối giữ lời, đã hứa là sẽ đi, đã đi là phải đi đến cùng!
Chúng tôi gọi họ là những người “khổng lồ”, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường mang tên con người! Và khám phá Con đường tơ lụa cũng chính là hành trình cho mỗi cái tôi nhỏ bé hôm nay khám phá bản thân trong cái vô cùng lớn mà cổ nhân và lịch sử đã tạo tác.
Con đường tơ lụa là tuyến đường giao thương Đông - Tây thời cổ đại, ước hơn 7.000 km. Xuất phát từ Tây An (kinh thành Trường An xưa), qua hành lang Hà Tây (Cam Túc) đến Đôn Hoàng thì chia thành ba nhánh vượt qua Tân Cương.
Nhánh nam đi dọc theo rìa nam sa mạc Taklanakan, nhánh giữa đi theo mạn bắc sa mạc Taklanakan, còn nhánh bắc đi theo hướng bắc dãy Thiên Sơn, qua Urumqi… Sau đó xuyên qua các nước Trung Á, Tây Á đến các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải.


Kỳ 2: Đi vào hành lang Hà Tây

Tượng đài Hoắc Khứ Bệnh hòa nước suối cùng binh lính uống rượu vua ban, tại công viên Tửu Tuyền - Ảnh: D.Trường

Từ nhà ga Tây An ồn ào, náo nhiệt, chuyến tàu K591 khởi hành đúng 10g56 như vé đã in, đưa chúng tôi đi vào dải đất yết hầu nối liền Trung nguyên với Tây vực, mang tên hành lang Hà Tây, hay còn gọi là hành lang Cam Túc.


Con đường giữa biển cát và núi tuyết
Lúc này, trời trưa sáng nắng nhưng nhiệt độ bên ngoài chỉ hơn 10OC. Đường đèo quanh co chạy theo những taluy đá khổng lồ hoặc băng qua những chiếc cầu bêtông cao ngất. Có lúc tàu xuyên núi liên tục, chỉ vài phút lại hầm nối hầm. Nhà cửa hiếm thấy, trừ vài thị trấn nhỏ với những chung cư hình hộp đơn giản, cũ kỹ, hoặc những căn nhà gạch nâu, mái ngói thấp và những đụn cỏ chất cao ngang mái nhà. Ngạc nhiên khi thấy trên sườn núi những gian nhà đục âm vào đá, trần hình vòm, hỏi ra mới biết đó là dãy nhà kho chứa hàng hóa, lương thực.
Ấn tượng hơn là rất nhiều công trình mở đường, dựng cầu, khai khoáng, truyền tải điện... ngổn ngang gạch đá, loang loáng sắt thép giữa núi đồi hoang vắng, tỏ rõ quyết tâm "đại khai phá miền Tây" của người Trung Quốc.
Hành lang Hà Tây là một dải đất hẹp và dài khoảng 1.200km, rộng chừng 100km, được người xưa mô tả như thơ: Bắc thông sa mạc, Nam vọng Kỳ Liên, Đông nghinh Hoa Nhạc, Tây đạt Y Ngô! Nghĩa là nó bắt đầu từ Hoa Sơn, phía đông thành phố Tây An (Thiểm Tây), chạy dọc theo suốt tỉnh Cam Túc đến tận Y Ngô (tức Hợp Mật, tỉnh Tân Cương) theo hướng đông nam - tây bắc. Đi giữa một bên (phía bắc) nhìn ra mênh mông biển cát, với các sa mạc Tenggeli, Badain Jaran thuộc hệ thống sa mạc Gobi thông ra Nội Mông; với một bên (phía nam) là dãy núi tuyết Kỳ Liên Sơn chạy dài như bất tận... Xem ra chính thiên nhiên đã mở sẵn một lối đi cho con đường tơ lụa chọn lấy mà nên dạng nên hình.
19g10, tàu dừng tại nhà ga Lan Châu. Chúng tôi có đúng 10 phút đặt mấy bước chân mình lên thủ phủ của Cam Túc trong cái rét thở ra khói để kỷ niệm một lần qua đây! Tiếc là vì trời tối nên chúng tôi không chứng kiến được giây phút vượt qua Hoàng Hà, con sông khởi nguyên của nền văn hóa Trung Hoa.
Tửu Tuyền
Phù điêu tượng đồng Mã đạp phi yến trên lối đi chính của công viên Tửu Tuyền - Ảnh: Lê Quang
Lý Bạch trong bài thơ ngũ ngôn Tái hạ khúc (Khúc hát dưới quan ải, gồm sáu khúc) đã dành hẳn một khúc để ca ngợi Hoắc Khứ Bệnh, một danh tướng thời Tây Hán:Ngựa bay như gió vút/ Quất roi rời Vị kiều/ Giương cung biệt trăng Hán/ Tên cứng nhắm giặc liều/ Trận xong sao trời tắt/ Doanh vắng khói sương veo/ Gác lân ghi hình tích/ Là quan Hoắc Phiêu Diêu (Ngô Văn Phú dịch thơ).
Công tích và tên tuổi Hoắc Phiêu Kỵ đại tướng quân gắn liền với hành lang Hà Tây. Ông đã nhiều lần cầm quân qua đây chiến đấu chống giặc Hung Nô, lập đại chiến công, khiến "Hung Nô phải chạy trốn xa, toàn vùng nam sa mạc không còn vương triều", một thời kỳ dài loại bỏ nạn can qua cho vùng đất này. Nên khi ông mất (lúc chỉ mới 24 tuổi), Hán Vũ Đế cho xây lăng mộ ông theo kiến trúc giống như dãy núi Kỳ Liên.
Nơi đây lưu dấu Hoắc Khứ Bệnh bằng một địa danh: Tửu Tuyền. Chúng tôi thuê một chuyến xe để tìm về thành phố Tửu Tuyền. Khi xe đi ngang vòng xoay trung tâm, chúng tôi đành tiếc rẻ chỉ nhìn từ xa "Tửu Tuyền chung cổ lầu", vì lúc này cái tháp chuông trống nổi tiếng ấy đang phải rào chắn lại để trùng tu. Đổi lại, chúng tôi có thêm thời gian để thăm thú công viên "Tây Hán Tửu Tuyền thắng tích". Trên trục đường chính của công viên, dưới chân du khách là bức phù điêu đắp nổi thể hiện tượng đồng nổi tiếng Mã đạp phi yến, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc cổ đại, đã đưa vào sách Trung Quốc nhất tuyệt. Tượng được tìm thấy năm 1976 trong một ngôi mộ cổ ở Võ Uy (Cam Túc), còn chúng tôi sau đó tìm thấy nó ở khắp nơi với những kích cỡ, giá cả, chất liệu khác nhau tại đủ loại tiệm, sạp, quầy bán đồ lưu niệm tại Cam Túc!
Linh hồn cùa công viên này là dòng suối ngọt chảy ra một giếng mang tên Tửu Tuyền (suối rượu). Tương truyền rằng chính nơi này hơn 2.000 năm trước, Hoắc Khứ Bệnh khi nhận được rượu vua ban thưởng đã hòa rượu xuống để chia đều cho binh sĩ cùng hưởng lộc vua, theo đúng kiểu "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào". Người ta đã dựng một quần thể tượng đài hoành tráng theo hình vòng cung, ôm lấy một bên hồ rộng dẫn nước từ dòng Tửu Tuyền, tái hiện chuyện xưa bằng đá thật ấn tượng.
Nhưng điều làm say lòng du khách chính là nghệ thuật lâm viên, biến di tích lịch sử này thành một công viên tuyệt đẹp. Có cây dương, cây liễu hơn 300 tuổi trầm mặc suy tư. Có một dải tùng xanh thẫm soi rõ xuống hồ sức chịu đựng giữa giá rét. Và những thảm lá vàng của cây quốc hoài trên nền cỏ xanh đang rộn lên tiếng thu theo mỗi bước chân tình nhân chạm lên cỏ lá! Đúng là một bức thư họa làm mềm lòng khách phương xa hơn mọi thứ rượu nào trên đời mà tôi đã gặp.
Lối ra công viên lại là của nghệ thuật kinh doanh, vì dẫn đến một cửa hàng bán một loại ly uống rượu nổi tiếng: "Tửu Tuyền dạ quang bôi", một sản phẩm thủ công làm từ một loại đá ngọc của Kỳ Liên Sơn. Ly mỏng như giấy, trong như gương, ánh trăng đêm có thể soi vào trong rượu. Dù cô bán hàng cười tươi như hoa, cầm nam châm hút ly để chứng tỏ đá thật, ngọc thật, nhưng nỗi lo hàng giả vẫn canh cánh bên lòng. Vậy mà, trong hành lý của tôi mang về, rốt cuộc cũng có mấy bộ ly này. Vì rằng, sao mà quên được bài Lương Châu từ của Vương Hàn: Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi...
DUYÊN TRƯỜNG

Kỳ 3: Dấu xưa trường thành
Con đường tơ lụa là nơi chạm mặt kỳ thú giữa các nền văn minh cổ đại, nhưng đó cũng là con đường đẫm máu chiến tranh, xung đột, cướp bóc. Số phận con đường tơ lụa luôn gắn liền với ước vọng hòa bình và dãy trường thành chạy dài theo dòng lịch sử.
5g sáng, tàu dừng tại nhà ga Gia Dụ Quan sau 18 giờ đi kể từ Tây An. Thành phố này nổi tiếng nhờ mang tên cửa ải Gia Dụ Quan, nhưng lại "sống" bằng gang thép, phát triển theo công thức "đại xí nghiệp, tiểu thành thị”.
Hướng dẫn viên cho biết ước lượng có đến 70% người dân thành phố làm việc tại Công ty gang thép Tửu Tuyền - cơ sở gang thép lớn nhất vùng Tây Bắc Trung Quốc. Những con đường nơi đây rộng thoáng, yên tĩnh, sạch sẽ, và đẹp như lụa mềm nhờ những hàng cây đang vào thu. Mỗi con đường một loại cây, liễu xanh, quốc hoài vàng, bạch dương có xanh có trắng…
"Thiên hạ hùng quan"
Gia Dụ Quan là cửa ải cực Tây, kiểm soát con đường ra vào Tây Vực, được quan quân nhà Minh xây dựng theo tuyến bắc nam. Phía bắc là Huyền Bích trường thành dài 8,6 km chạy đến Hắc Sơn, phía nam là Minh Tường trường thành dài 7,6 km, dẫn đến vực sâu do dòng sông băng Thảo Lại Hà làm thành một hào lũy tự nhiên. Tâm điểm là thành Gia Dụ Quan, vừa là cửa ải vừa là đồn binh.
Khi chúng tôi đến thăm Huyền Bích, những chiếc lá bạch dương gieo sắc thu lên một góc trường thành vắng lặng. Một đôi tình nhân nắm tay nhau đi lên hướng Hắc Sơn, trên đó, bên vách núi đá đen còn giữ lại giữa trời nhiều hình trái tim khắc lồng với những lời thề hẹn yêu thương.
Người ta dựng cái cổng kiểu quan ải, đặt tên là Thủy Môn. Mở một đoạn trường thành chừng hơn hai cây số chạy lên đỉnh núi cho du khách có cơ hội in bóng mình lên bóng trường thành và phóng tầm nhìn ra sa mạc mênh mông. Lại mở ra một lối đi bằng bậc đá để du khách rời trường thành từ trên cao vòng xuống chân núi, đến với quảng trường mang tên "Tơ lụa cổ đạo".
Một quần thể tượng đài để nhắc nhớ tên tuổi những nhân vật lịch sử đã từng qua đây: dẫn đầu là Trương Khiên, rồi Hoắc Khứ Bệnh, Ban Siêu (thời Tây Hán), Đường Huyền Trang, Marco Polo, đến Lâm Tắc Từ, Tả Tống Đường (nhà Thanh). Nếu Huyền Bích dẫn lên núi cao thì dãy Minh Tường lại chạy ngang qua vùng đất bằng, đã bị thời gian làm hoang phế. Mọi người chen nhau chụp ảnh bên bia đá khắc mấy chữ "Vạn lý trường thành đệ nhất đôn" với một phong hỏa đài đổ nát còn sót lại. Đây là đoạn thứ nhất, đầu mút của Minh Tường trường thành. Một địa đạo dẫn du khách đi ra một "ban công" để nhìn rõ vực sâu của sông băng Thảo Lại Hà mùa này đã thành dòng nước chảy xiết, và dãy núi tuyết Kỳ Liên nơi xa đang phơi mình trong nắng thu.
Chúng tôi có cả một buổi sáng để một lần làm thương khách đời xưa, "xuất cảnh" qua biên ải. Nói là cửa ải, nhưng Gia Dụ Quan thực là một thành lũy, gồm nhiều lớp thành vững chắc kiên cố, uy nghiêm soi bóng lên sa mạc, nhất là lúc trời chiều, khi mặt trời cũng "xuất quan" về hướng tây, quả xứng danh "Thiên hạ hùng quan". Trong thành có quan đạo lát gạch dành cho quan, có dân đạo nền đất là lối đi riêng của dân chúng và thương buôn; có mã đạo, đường dốc xếp đá cho ngựa chạy lên mặt thành khi chiến đấu. Lại có điện thờ Quan Công với thanh long đao và ngựa Xích thố, và một rạp hát mini.
Chúng tôi đi qua thành theo chiều đông tây. Cửa đông có tên Quang Hóa Môn dẫn vào trung tâm thành. Tường cao, âm thanh có thể dội đá thành tiếng vọng bay lên mặt thành. Thành có địch lâu, tiễn lâu, đài quan sát… Phủ tướng quân nằm gần mé tây, với tên của 18 tướng quân đã trấn nhậm nơi này. Cửa tây có tên Nhu Viễn Môn, đóng mở theo lịch của mặt trời mỗi ngày. Con đường xuất quan rộng chừng 3m, lát đá, những phiến đá rộng, oằn mình ghi lại vết lõm của thời gian trên dấu xưa. Con đường ấy dẫn ra sa mạc sáng lóa, không bến không bờ.
Cô thành phế tích
Huyền Bích trường thành chạy dài lên đỉnh Hắc Sơn, thành phố Gia Dụ Quan (Cam Túc) - Ảnh: Lê Na
Đã có Gia Dụ Quan sao còn có Ngọc Môn Quan? Ấy là vì Trung Hoa thời Hán Đường cương vực mở rộng về phía tây, đến tận vùng Đôn Hoàng. Và ngoài Ngọc Môn Quan còn có Dương Quan. Khi đến đây, du khách sẽ có dịp đi dọc những đoạn trường thành thời nhà Hán tuy đã thành phế tích nhưng vẫn còn lặng lẽ góp mặt cùng sương gió, chứng kiến thế sự hơn 2.000 năm qua.
Ngọc Môn Quan bây giờ đã là phế tích, nằm chơ vơ trên đồi nắng, làm bạn với gió và những bụi cỏ có tên "cỏ gai lạc đà” vì chỉ có lạc đà mới có thể nhấm nháp được chúng mà thôi. Bên kia đồi là một hồ nước trắng bạc một màu sương tuyết, xa xa là chập chùng núi…
Anh hướng dẫn viên họ Dương đứng trên đồi đọc bằng tiếng Hoa bài thơ Lương Châu từ (có sách gọi là Xuất tái) của Vương Chi Hoán: Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian/ Nhất phiến cô thành vạn nhận san/ Khương địch hà tu oán dương liễu/ Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan (Hoàng Hà treo ngọn giữa mây xanh/ Vạn bậc non cao một mảnh thành/ Sáo rợ buồn chi lời chiết liễu/ Gió xuân chẳng vượt Ngọc Môn Quan -Nguyễn Hiến Lê dịch thơ).
Giọng anh rất hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng gió hoang mạc đã bóp méo nó thành một âm điệu buồn thương không thể tả được. Người xưa khi chia tay thường bẻ cành liễu (chiết liễu) để lưu luyến ly biệt. Người lính nơi biên ải nghe tiếng sáo buồn, lòng càng buồn đau nỗi xa nhà, chốn biên quan cô quạnh, gió xuân không đến được nơi này.
Có lẽ buồn nhất nơi đây là vào những đêm trăng? Mênh mông chỉ là tiếng gió, gió khóc, gió nấc, gió sụt sùi cho nỗi niềm ly hương của người lính cô đơn giữa trăng lạnh? Lại nhớ đến hai câu thơ của Lý Bạch khi "kể chuyện" Vương Chiêu Quân cống Hồ: Nhất thướng Ngọc quan đạo/ Thiên nhai khứ bất qui. Một khi đã bước lên cửa ải Ngọc Môn là đi mãi về phía chân trời không trở lại… Người ơi, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau chia xa, mịt mù ngày về đoàn tụ...


Kỳ 4: Thánh địa giữa sa mạc
Một góc chuỗi hang động Mạc Cao -Ảnh: D.Trường 
TT - Đôn Hoàng nằm ở vùng "ngã ba" Cam Túc giáp Tân Cương và Thanh Hải. Trong khi thủ phủ Lan Châu chỉ có máy bay nội địa ghé thăm thì Đôn Hoàng đã có sân bay quốc tế, nơi đây đón khách năm châu đến với di sản thế giới hang động Mạc Cao nhộn nhịp bốn mùa.

Đặc biệt ưa thích Đôn Hoàng có thể nói là du khách Nhật. Có người năm nào cũng đến, mỗi lần đến ở cả tuần và vào thăm hang động Mạc Cao 5-6 lần. Người Nhật bỏ tiền cùng với Trung Quốc làm phim về Đôn Hoàng. Cần nói ngay là khi các bạn đến đây, thấy trong các tour du lịch có quảng cáo địa điểm "Đôn Hoàng cổ thành" thì xin nhớ ngay cho đó chỉ là thành giả cổ, là phim trường dựng lại (vào năm 1987) thành Đôn Hoàng xưa, diện tích chỉ bằng phân nửa thực tế, để quay bộ phim trên. Nay đã mở cửa đón khách để mọi người hình dung cảnh cũ và mua vui bằng cách cưỡi ngựa, bắn cung, hay hóa trang làm vua, làm tướng, làm hoàng hậu, cung phi... của một thời đã xa.
Công trình ngàn năm
Linh hồn của Đôn Hoàng là chuỗi hang động Mạc Cao cách trung tâm thành phố khoảng 30km chạy ven sa mạc. Đó là một quần thể hàng ngàn hang động do không biết bao nhiêu con nguời đã đục khắc vào sườn núi đá dài khoảng 1.600m suốt hơn ngàn năm, qua 10 triều đại (từ Đông Tấn, Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường, Ngũ Đại đến Tống, Tây Hạ, Nguyên Mông). Chỉ riêng thời nhà Đường đã có đến hơn ngàn hang động.
Tất cả đều để chiêm bái, thờ cúng Phật tổ và các vị bồ tát, cũng là để gửi gắm lời cầu mong được về với Phật sau khi rời khỏi trần đời. Có người góp của hay đi quyên tiền. Có người tự nguyện đục đá, tạc tượng suốt mấy năm trường. Có khi một người đào một hang, có khi cả gia đình, cả dòng họ cùng làm một động. Có hang cao hơn 40m, có hang chỉ chừng 1m... T
hời gian đã bào mòn, vùi lấp vô số, đến nay còn 492 hang động đã được đánh dấu, bảo quản và nghiên cứu. Nhưng chỉ với số hang động còn lại đó cũng đủ làm du khách sửng sốt, kinh ngạc trước sức mạnh sáng tạo của người xưa.
Cổng vào chuỗi hang động có tên là "Thạch thất bảo thành" với con đường rợp bóng cây. Mọi máy quay phim, máy chụp ảnh đều phải gửi lại ở bên ngoài. Những dãy hành lang có lan can được dựng cặp theo sườn núi, dẫn lối đi thăm hệ thống các hang động vốn được người xưa xây dựng san sát bên nhau, có chỗ dày đặc chồng chất trên dưới đến năm tầng. Mỗi hang động đều được đánh số, có bảng "lý lịch" kèm theo rất công phu (xây dựng đời nào, trùng tu đời nào, đặc điểm văn hóa, nghệ thuật...) và có cửa khóa chặt! Các cô hướng dẫn viên ở đây mặt tươi như ngọc, da trắng như núi tuyết, giọng nói to rõ và ngọt như dưa lê.
Mỗi cô tay cầm một đèn pin và một xâu chìa khóa, mở cửa và thuyết minh riêng cho tốp khách do mình dẫn đường. Giá vé 160 tệ, du khách được tham quan mười điểm trong khoảng bốn giờ, trong đó có năm hang động bắt buộc và năm điểm tự chọn hay thỏa thuận theo gợi ý của hướng dẫn viên. Trong ánh sáng mờ tối hòa với ánh đèn pin và giọng thuyết minh lung linh, một thế giới nghệ thuật mang sức nặng tâm linh giữa lòng đá núi kỳ vĩ hiện ra thật ấn tượng.
"Cung văn hóa nghệ thuật"
Cửu tầng lầu nhìn từ bên ngoài, bên trong là tượng Phật Di Lặc cao 35,5m
Năm 366, khi hòa thượng Nhạc Tôn (có tài liệu ghi là Lạc Tăng) đi qua sa mạc Minh Sa lúc trời chiều, chợt thấy nơi dãy núi đá Tam Nguy phát ra ánh sáng rực rỡ như muôn nghìn Phật hiện lên giữa lấp lánh kim quang, liền chọn nơi đây làm nơi dừng chân, phát nguyện đào tạc động đá thành nơi tu hành.
Sau đó, có hòa thượng Pháp Lương khai mở hang động thứ hai. Không ai ngờ rằng ốc đảo xanh tươi nhỏ nhoi giữa biển cát mênh mông này dần dần trở thành thánh địa, ánh đèn thờ Phật lấp lánh, khói lam lòng thành lan tỏa ngày đêm và động đá cứ ngày một nhiều lên. Các nhà truyền bá Phật giáo vượt qua sa mạc hàng tháng trời trong nắng gió vất vả và hiểm nguy đều dừng chân nơi đây nghỉ ngơi và hành đạo.
Các đoàn thương lữ trước khi xuất quan cũng dừng lại nơi này chuẩn bị lương thực thực phẩm cho một chuyến đi xa, đồng thời để dâng hương lễ Phật, cúng dường, cầu mong bình an, tài vượng. Còn các thương khách khi trở về vô sự cũng ghé qua đây cảm tạ Phật tổ, bồ tát độ trì. Cơ duyên hội tụ đã biến Mạc Cao thành "Thiên Phật động" vang danh ngàn dặm, dẫu nép mình trong sa mạc hẻo lánh.
1.600 năm đã qua. 492 hang động, hơn 3.000 bức với khoảng 4,5 vạn m2 bích họa, hơn 2.000 pho tượng Phật, hơn 4 vạn văn thư, văn vật và năm tòa kiến trúc gỗ còn giữ lại được đến hôm nay đã khiến Mạc Cao, Đôn Hoàng trở thành một "cung văn hóa nghệ thuật" khổng lồ. Vừa đồ sộ, hoành tráng, vừa tinh vi, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đó là "bộ bách khoa thư” về lịch sử, văn hóa của Phật giáo cổ đại với mỹ thuật (bích họa, phù điêu, tượng màu), kiến trúc (hang động, gỗ đá) và vũ nhạc (trên bích họa và kinh sách). Để chiêm ngưỡng cho hết, cần một phần đời! Để thấu hiểu cho sâu, cần nhiều đời người!
Rời hang động Mạc Cao, tôi chợt nhận ra ngay sức nhìn, sức nghe, sức cảm và sự hiểu biết của chính mình hạn hữu biết chừng nào!
 5 hang động giới thiệu với khách tham quan
* Tàng kinh lầu, rộng chỉ 19m2, năm 1.900 phát hiện trong hang này chứa hơn 5 vạn kinh sách, văn thư, tranh lụa, đồ thờ cúng...
* Kim bích động, thời nhà Đường, với các bức bích họa được tô bột vàng, dát vàng lá, thể hiện văn hóa Tây Vực.
* Cửu tầng lầu, tượng Phật Di Lặc khắc vào vách núi, cao 35,5m, bên ngoài có tháp bao bọc, cao chín tầng, nghệ thuật thời Đường.
Tượng Phật Di Lặc, cao 26m, đục hẳn trong núi, nền sâu dưới mặt đất 10m để ngắm từ dưới lên, hai bàn tay Phật được điêu khắc đẹp mệnh danh là "Đông phương đệ nhất mỹ thủ”.
* Tượng Phật tổ nằm, động đục âm vào đá theo hình dáng quan tài, tượng Phật tổ tư thế nằm, đầu hướng nam, chân hướng bắc, chiều dài 15m, chung quanh là các bích họa kể chuyện đức Phật nhập Niết bàn. 


Kỳ 5: Núi cát
Lạc đà đi giữa lườn núi cát Minh Sa sắc nhọn tựa lưỡi dao
TT - Cách Đôn Hoàng 5km về phía nam, địa danh Minh Sa Sơn có thể khiến mọi người nghĩ đến núi như… núi. Thật ra, Minh Sa Sơn gồm hai vùng, một khu vực đá bao gồm hệ thống hang động Mạc Cao và một vùng núi cát còn có tên gọi khác là Thần Sa Sơn, Sa Giác Sơn, tất cả chỉ là cát.
Cát nhấp nhô như rồng núi cuộn mình, nằm ngoằn ngoèo hơn 40km. Đỉnh cát cao 250m, hiểm trở, lườn cát sắc nhọn tựa lưỡi dao sáng dưới nắng vàng óng ánh. Mà cũng có thể gọi là biển, vì khi đã bước chân vào đây, bạn sẽ thấy mình ngập chìm trong mênh mông cát, không rõ từ đâu về đâu.
Những con thuyền sa mạc
Một tảng đá to khắc ba chữ Minh Sa Sơn báo hiệu lối vào sa mạc. Vé vào sa mạc có giá 120 tệ, và phải thuê một đôi ủng vải màu cam sặc sỡ với giá 10 tệ để có thể đi lại trên cát. Người ta bán đủ những thứ bạn cần cho một cuộc hành trình vào nơi gió cát: nón, kính mát, nước suối… Một lời dặn đáng sợ của hướng dẫn viên trước lúc khởi hành: đừng để rơi bất cứ thứ gì xuống cát, cát sẽ nuốt mất ngay, không bao giờ tìm lại được! Cánh đàn ông mọi quốc tịch nghe đến mấy chữ "không bao giờ tìm được" là nghĩ ngay đến… vợ ở nhà!
Vào sa mạc tất nhiên phải thuê lạc đà, 60 tệ một con, mỗi con đều có bảng số riêng, và đi thành tốp do một người dẫn đường, họ thường đi bộ.Yên lạc đà là một tấm thảm dày, đặt giữa hai bướu, có hai thanh gỗ dài nẹp hai bên, lại có bàn đạp để chân, có vòng sắt để làm tay cầm. Lên xuống lạc đà cũng là một kỳ công. Vì những "con thuyền sa mạc" này đứng lên, nằm xuống bao giờ cũng theo ba nhịp: khuỵu gối trước, hạ chân sau, hạ chân trước (và ngược lại, nếu đứng lên) khiến người trên yên cũng phải ba lần "sấp ngửa" chúi về trước, lại ngã về sau, rồi lại lao về trước.
Chúng tôi nối nhau tiến vào sa mạc như những đoàn thương buôn năm xưa trên đường vạn lý. Cảnh tượng thật hùng vĩ, lãng mạn và thơ mộng giữa vô hạn nắng và cát. Tôi thật biết ơn tiếng chuông lạc đà, như khúc nhạc của người bạn đường chung thủy. Mọi âm thanh giữa biển cát đều mất hút theo gió, duy chỉ có tiếng chuông vang vang ấy là giữ được trong lòng sự bình yên trước nỗi cô đơn sợ hãi của phận người như một hạt cát giữa vô cùng thời gian.
Đi vào biển cát, chúng tôi như lạc vào thế giới của sắc độ sáng tối, mà hóa công là nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy. Có lớp lớp đụn cát như dãy nón lá bài thơ úp trên bãi biển, có dáng núi như bộ ngực, bờ lưng người phụ nữ ta chưa từng được gặp... Gió mài cát thành thấu kính lõm phẳng như tuyệt đối để gọi ta đến gần. Nhưng khi ta đến nơi, gió đã vẽ lên cát những muôn vàn hoa sóng. Có đoạn, gió khắc cát thành nham thạch. Có đoạn, cát chảy trên cát thành dòng, như họa tiết của đá trên đá. Có đoạn, hai bên trên dưới đều là những taluy cát dốc cao tối sẫm, chỉ có lối đi ở giữa, vừa đủ bước chân lạc đà... Và gió lạnh khiến ta cũng quên mình đang bị nhuộm nắng.
Có lúc chúng tôi tạm rời lạc đà để leo lên núi cát. Dốc cát khó leo, bước chân như bị hút sâu xuống, như bị kéo lùi ra sau theo dòng cát trôi xuôi. Dấu chân mình sớm muộn gì cũng bị biến mất như chưa hề xuất hiện. Và cảm giác một thân một mình không biết bám víu vào đâu khiến ta thấy mình nhỏ nhoi hơn bao giờ hết. Nhưng gió chờ trên đỉnh cao chiêu đãi mọi người niềm vui chinh phục. Trên ấy có đủ các trò chơi cho những ai muốn tìm cảm giác lao mình xuống: tàu lượn trên không, môtô trượt cát, phao trượt cát… Rồi chúng tôi cũng lao theo máng tre trượt cát để thử một lần nghe gió hát sau lưng.
Gặp gỡ giữa sa mạc
Hồ Nguyệt Nha giữa biển cát. Bên hồ có các công trình kiến trúc thời nhà Thanh như chùa Minh Sơn, cung Tam Thanh, miếu Dược Vương...  - Ảnh: Lê Na
Minh Sa có nghĩa là cát kêu. Cát nơi đây hình hạt gạo, sắc vàng. Vào ngày nắng đẹp, gió cát vang lên âm thanh như tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng trống rất lạ tai. Vào ban đêm, có lúc gió nổi, cát bay chạm vào nhau thành những đốm hoa lửa rất lạ mắt. Ngạc nhiên hơn nữa, giữa sa mạc cát lại có một hồ nước trong xanh, bốn mùa không cạn, dáng như ánh trăng lưỡi liềm, được gọi là Nguyệt Nha Tuyền.
Điều chưa thể giải thích nổi là ngàn năm qua, núi cát vẫn không thay hình đổi dạng, và dù bão cát đến thế nào vẫn không vùi lấp được hồ Nguyệt Nha. Cát bay xong vẫn trở về chốn cũ. Hiện tượng cát kêu, hoa lửa và gió vòng kỳ bí cùng với hang động Mạc Cao kỳ vĩ đã biến Đôn Hoàng cổ đại thành miền đất Phật linh thiêng, nhất định ai ai đến đây cũng phải ghé qua, như cuộc hành hương về đất thánh.
Chúng tôi kết thúc một ngày khó quên nơi vùng sa mạc bằng bữa tiệc thịt dê tại Dương Gia Kiều thôn, trong căn nhà khang trang của lão tiên sinh Trương Hóa Quân. Ông tự xưng là nông dân, nhưng nhà lại có thư phòng, trong thư phòng có bút mực và nghiên giấy và đã có một cuộc đàm đạo về thư pháp giữa ông Trương và anh Lữ Trung Đạt, giám đốc Công ty giấy Lệ Hoa, thành viên trong đoàn. Trong cơn vui và say chữ nghĩa, chúng tôi bước vào bữa tiệc với dê quay nguyên con trong hầm lò đốt bằng củi gỗ cây táo dựng sau vườn nhà ông Trương.
Theo đúng tục lệ ở đây, khi đầu dê quay tròn mấy vòng rồi dừng lại trước đôi vợ chồng doanh nhân trẻ mới cưới Quang Thuận - Quỳnh Trâm, chúng tôi sung sướng với dịp may hiếm có, được chúc phúc bằng ly rượu cao lương (cũng cất ngay trong vườn nhà họ Trương) cho hai bạn mình đang hưởng tuần trăng mật với hành trình xuyên Tây Bắc Trung Hoa.

Kỳ 6: Qua miền đất lửa
Mùa thu đã cướp đi sức nóng ở Hỏa Diệm Sơn, khiến lạc đà nhởn nhơ đón... gió lạnh - Ảnh: D.trường

TT - Bồn địa Tô Lô Phan (Tân Cương) có dãy Hỏa Diệm Sơn chạy ngang theo chiều đông tây, có hồ Ngải Đình thấp hơn mặt nước biển 154m, có nguồn nước tuyết từ Thiên Sơn chảy về.
Vùng đất này được mệnh danh là Hỏa Châu - vùng đất lửa, vì khí hậu khô hanh, mưa ít, nhiệt độ trung bình rất cao. Nhưng Tô Lô Phan lại là thành phố… ngọt ngào với dưa hấu và đủ loại nho, trong đó có loại nho trắng không hạt nổi tiếng thế giới.
Từ Đôn Hoàng, chúng tôi lên xe ca băng qua hoang mạc. Mặt trời xuống rất nhanh vì không còn đủ nắng để tỏa sáng khắp hoang mạc mênh mông, chỉ có cát trộn với sỏi xám hoặc đá đen, hoặc muối trắng. Và gió rất lạnh, mặc sức tung hoành, làm chủ cả hoang mạc vô chủ, không một bóng người. Đến ga Liễu Viên, chúng tôi lên tàu rời Cam Túc đi về hướng Tân Cương. Lúc này trăng 16 đã lên cao, nhưng qua ô kính tàu lửa vẫn không thấy trăng góp sáng cho hoang mạc, chỉ thấy thêm lạnh, thêm buồn trên những "cánh đồng" không một ánh đèn, không một vật sống.
6g sáng, hướng dẫn viên đón chúng tôi ở nhà ga. Xe chạy vào thành phố Tô Lô Phan hơn tiếng đồng hồ nữa nhưng mặt trời vẫn chưa lên. Vùng đất miền cực tây Trung Quốc do vẫn dùng giờ của Bắc Kinh nên mọi thứ đều chậm hơn 2 giờ. Mặt trời mọc lúc 8g sáng và lặn sau 7g tối. Công chức làm việc từ 10g30 - 19g. Sinh hoạt về đêm ở thành phố kéo dài đến 1g sáng hôm sau
Hỏa Diệm Sơn
Tham quan thành cổ Cao Xương bằng xe la - Ảnh: D.Trường
Hỏa Diệm Sơn là dãy núi dài 98km, rộng 9km. Thân núi đầy những nếp gấp như lửa cuộn, sắc núi đỏ như lửa hồng. Mặt trời lên cao, dãy núi đồ sộ rực lên như lửa cháy, nhiệt độ có lúc từng đo được là 89OC! Khí bốc cao ngùn ngụt, núi tỏa lửa nóng bừng bừng như một lò than khổng lồ bị đốt cháy ngày đêm. Khiến Sầm Tham, nhà thơ đời Đường thuộc dòng thơ biên tái, chuyên tả những cảnh rất lạ như cảnh tuyết Tây Vực, cảnh đại sa mạc, đại nhiệt hải...  đã phải "kêu lên" trong Kinh Hỏa Sơn mấy câu thơ sau: Lửa đỏ thiêu tầng mây/ Khí nóng hun biên tây/ Than âm dương nào biết/ Sao chỉ đốt nơi này? (Nguyễn Phổ dịch).
Chỉ có điều Hỏa Diệm Sơn không phải là núi lửa. Sức nóng do địa hình đặc biệt nằm giữa sa mạc lại thấp hơn mực nuớc biển, gom tụ vào mà "nung đỏ” núi đá. Nhưng mùa thu lúc này đã cướp đi sức nóng ấy, khiến chúng tôi trái với mọi sự chuẩn bị từ trước, bất ngờ khi đến đây lại đón... gió lạnh như gió từ quạt ba tiêu mà Tôn Ngộ Không lấy được của Thiết Phiến công chúa để dập lửa Hỏa Sơn! Lối vào điểm tham quan là một hành lang dài, có 24 bức phù điêu chia đều hai bên, kể lại câu chuyện thầy trò Đường Tăng vượt qua Hỏa Diệm Sơn trong chương thứ 59 của Tây du ký. Xem ra núi này nổi danh thiên hạ chính là nhờ vào tài hư cấu của Ngô Thừa Ân.
Lối  ấy dẫn đến một hành lang dưới lòng đất hình vành khăn, đưa du khách tham quan sa bàn toàn cảnh Hỏa Diệm Sơn và ngắm nhìn tượng đồng các nhân vật lịch sử đã qua đây như nhà nông học Lô Minh Thiên (thời nhà Nguyên), nhà lữ hành Vương Diên Đức (Bắc Tống), vị quan nhà Thanh chống thuốc phiện Lâm Tắc Từ, và dĩ nhiên là có cao tăng Đường Huyền Trang. Hành lang vòng tròn ấy bao bọc một quảng trường ngoài trời hình tròn mà tâm là một trụ cao, thiết kế giống hệt cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không, dùng để báo nhiệt độ trong ngày. Lối đưa du khách đi lên trên ngắm Hỏa Diệm Sơn có tấm bảng lưu ý du khách bằng tiếng Hoa, tiếng Anh: coi chừng bị phỏng!
Phật đô thành bang 
Nhưng cũng chính nhờ khí hậu nóng bức, ít mưa, nên vùng đất này đã gìn giữ được qua năm tháng dáng hình của nhiều thành quách cổ xưa có tuổi thọ ngàn năm.
Chúng tôi tham quan cổ thành Cao Xương (cách Tô Lô Phan 40km về phía đông nam) bằng… xe la, mà người đánh xe là một cậu bé khoảng 10 tuổi. Tây Vực xưa có 36 nước, Cao Xương là một quốc gia thành bang đã sớm có tên trong Hán thư, là một đầu mối giao thông quan trọng trên con đường tơ lụa và từng là một Phật đô nổi tiếng một thời, khi mà thành bang này cứ 10 người dân thì có một nhà sư, hoàng gia mộ đạo bậc nhất và Phật giáo là quốc giáo. Cao Xương hôm nay còn sót lại một tòa thành hình vuông, có chu vi 5km, cả nền đất, tường lũy, thành quách đều hòa với nắng sáng thành một màu vàng phế tích.
Nổi bật giữa trời là Đại Phật tháp khi xưa chỉ dành cho nhà quyền quí và các bậc tăng lữ, có rất nhiều tượng Phật và báu vật đã bị cướp mất. Có một Đại Phật tự, mái vòm đang được dựng giàn giáo để trùng tu. Gần đó là giảng kinh đường có hình khối tròn để cho tiếng nói có thể vang xa, truyền rằng Đường Tăng đã từng thuyết pháp nơi đây. Huyền Trang đã đến Cao Xương và được quốc vương họ Cúc tiếp đãi như bậc thượng khách. Vị vua này đã dùng tình cảm lẫn quyền lực ép buộc Đường Tăng phải ở lại nước ông, Đường Tăng không hề khuất phục, tuyệt thực ba ngày cùng một câu nói nổi tiếng: "Thân xác này có thể do ngài mà lưu lại, nhưng tinh thần này ngài không giữ được đâu!".
Một điều đặc biệt của thành cổ Giao Hà (cách Tô Lô Phan 10km về phía tây nam) là thành mà không có tường thành! Người xưa gọi là "tòa thành dựng đứng", "tòa thành xây trên đất cao". Cả Giao Hà là một vùng hoàng thổ dài hơn 1km, rộng chừng 300m, do hai con sông bao quanh, nổi lên như một cù lao vách cao đến 30m, như chiếc thuyền khổng lồ, nhìn từ không trung  xuống lại có hình lá liễu.
Nhà cửa làm bằng đất sét, không gạch, không đá, không gỗ, tầng dưới âm xuống đất. Đường sá ngang dọc chia phố thành nhiều tiểu khu. Cung điện vua quan, nhà dân và công xưởng đều tách biệt. khu mộ địa nằm riêng. Giếng cổ kéo nước bằng ròng rọc và thông nhau. Giờ đây du khách vẫn còn có thể thấy được nền của một tự viện rất lớn, phía sau là một quần thể Phật tháp đã bị dâu bể tàn phá chỉ còn lại dư âm của một Phật đô huy hoàng một thời trong sử sách. Nhưng nào phải chỉ do nắng gió và thời gian, chính các cuộc chiến tranh và xung đột tôn giáo đã tàn phá nơi đây hơn mọi cuộc tàn phá của đất trời.
Đức tin giải thoát con người hay dìm con người vào cõi u mê? Đức tin nhân lên lòng yêu thương hay phải chiếm đoạt bằng máu? Tôi rời khỏi các tòa thành cổ Cao Xương, Giao Hà với một điều xác tín: đức tin cao nhất là tinh chất của vị tha, hướng thượng, trí tuệ, và do đó phải là một đức tin biết tôn trọng mọi đức tin khác!

Kỳ cuối: Tâm điểm châu Á

Trong Cành mai trên Thiên Sơn, nhà văn Vũ Đức Sao Biển kể chuyện Trương Vô Kỵ (trong Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung) dùng cành mai Thiên Sơn làm vũ khí chiến đấu với song đao, song kiếm của lưỡng phái Côn Luân và Hoa Sơn.
Mùa này, trên Thiên Sơn không thấy mai, nhưng chúng tôi lại gặp được tuyết liên - loài hoa cánh trắng vàng, nhụy đỏ tím, mọc trên tuyết trắng. Dãy Thiên Sơn 2.500 km chạy từ đông sang tây, từ Trung Quốc sang đến Liên Xô cũ, qua vị trí địa lý nằm chính giữa đại lục.
Tháp xác định tâm địa lý của châu Á
Tháp xác định tâm địa lý của châu Á
Từ Tô Lô Phan đến thành phố Urumqi (thủ phủ tỉnh Tân Cương), nhiệt độ thay đổi bất ngờ, trời chiều lạnh làm mọi người không kịp trở tay! Đường đi qua một hồ muối, diện tích đến 19km2, nằm trong một hẻm núi của Thiên Sơn, hướng dẫn viên cho biết nó có thể cung cấp đủ muối cho 1,3 tỉ dân Trung Quốc đủ dùng trong 10 năm! Và đi ngang qua những cột chong chóng khổng lồ tích điện từ kho gió vô tận của hoang mạc.

Urumqi, theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là "mục trường (bãi chăn thả) xinh đẹp", có cái tên chữ Hán là Ô Lỗ Mộc Tề, nằm ở chân núi phía bắc Thiên Sơn, xưa kia là xứ sở Đột Quyết. Urumqi là thành phố xa biển nhất thế giới, nhưng giao thông rất thuận tiện. Có tuyến đường sắt lên A La Sơn khẩu nối với đường sắt Liên Xô cũ đi đến tận Rotterdam (Hà Lan). Máy bay cất cánh từ đây sang Âu, sang Á mỗi ngày. 20g, khi chúng tôi đến, Urumqi đang vào lúc cao điểm đông đúc xe cộ, đường sá ngang dọc, trên dưới nhiều tầng. Đèn đêm rực sáng vẻ đẹp hiện đại của một thành phố mới. Nhiệt độ chỉ vài độ C.

Hồ trên núi

Chúng tôi lên xe ca đi thăm Thiên Trì trên Thiên Sơn. Mùa thu, tuyết núi đã vơi đi rất nhiều nhưng vẫn đủ sức làm chết lặng những ai lần đầu tiên được gặp tuyết, tuyết của dãy núi từng được gọi là Băng Sơn này. Cận cảnh, tuyết trắng như bông, xốp như kem, bám trên thông, trên hàng rào, mái nhà, băng ghế. Xa xa, tuyết theo những dòng sông băng chưa tan, đổ ánh nắng lấp lóa xuống chân núi.

Đường lên núi, những cây hồ dương được cô hướng dẫn viên hào hứng giới thiệu như là một đặc sản vùng Trung Á: cây thân cao duy nhất sống được trên hoang mạc, có thể cao đến 30m, nhờ chống được gió cát, nóng hạn. Hồ dương được ca ngợi là cây "tam thiên tuế": ngàn năm không chết, (nếu chết) ngàn năm không đổ, (nếu đổ) ngàn năm không mục! Lúc này xe cáp tạm ngưng hoạt động vì lý do an toàn. Đến trạm dừng, du khách phải đi bộ lên thăm Thiên Trì.

Thiên Trì là hồ nước trong xanh, hình bán nguyệt giữa các ngọn tuyết sơn vây kín, trên độ cao gần 2.000m, soi bóng cho đỉnh Bogda 5.445m. Không sâu, không rộng bằng Thiên Trì trên miệng núi lửa Trường Bạch (Cát Lâm), Thiên Trì của Thiên Sơn hùng vĩ, lộng lẫy, bốn mùa bốn sắc. Khi chúng tôi lên thuyền dạo trên hồ, bên bờ, những người dân đang chào bán những bông tuyết liên to hơn nắm tay như một loại dược liệu quí hiếm, bên cạnh những trái bắp luộc bốc khói có màu nếp than chỉ để ăn vặt.

Nước hồ trong như ngọc. Núi tuyết khi in bóng mình lên mặt nước hồ ngọc đã làm thành bức tranh thủy mặc minh họa tuyệt mỹ cho câu thơ cuối của Vương Xương Linh trong bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm (Ở lầu Phù Dung, tiễn Tân Tiệm) nổi tiếng: "Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (một tấm lòng băng giữa hồ ngọc)". Thấp thoáng nơi xa, những túp lều da du mục hình trụ chen lẫn với thông xanh làm ấm lên cảnh vật nhờ vào chút bóng dáng con người.

Thuyền cập vào một bến nhỏ, có bậc đá dẫn lên Dao Trì cung, chính là miếu thờ Tây Vương Mẫu trên núi, từ dưới nhìn lên đã thấy rất rõ vòng tròn thái cực âm dương với sắc màu Đạo giáo. Ra vào miếu phải qua hai lối có tên "Đạo thành" và "Thành đạo". Trong miếu có hai nữ đạo sĩ chăm lo việc nhang đèn và việc thu cho đủ 10 tệ mỗi du khách khi nhang đèn cúng vái. Tiếng chuông buồn trên miếu vắng tiễn chúng tôi quay về bến cũ, và rời hồ trên núi cao.

Gặp Việt Nam ở tâm điểm châu Á
Trung tâm địa lý lục địa châu Á nằm ở làng Bao Gia Tào Tử, thôn Vĩnh Phong, cách trung tâm Urumqi 30km về phía tây nam. Đây là vị trí cách xa biển nhất, có tính chất lục địa rõ nét nhất. Tọa độ là kinh độ đông 87 độ 19 52", vĩ độ bắc 43 độ 4037". Độ cao so với mặt nước biển là 1.264m - 1.280m.
Thật xúc động khi được đứng bên biểu tượng của Việt Nam ở tâm điểm châu Á
Thật xúc động khi được đứng bên biểu tượng của Việt Nam ở tâm điểm châu Á
Đường đến đây tráng nhựa, rộng thoáng nhưng hẻo lánh. Dọc đường chỉ thấy mấy trại nuôi ong hoặc vài gian nhà kho trống vắng. Nơi đến không một bóng người, trừ người soát vé vào cổng không khỏi ngạc nhiên khi mùa này lại có thể bán được vé cho một đoàn khách đến thăm.

Lối vào từ đường cái dẫn đến trung tâm hơn 1km, hai bên là hai dãy panô to giới thiệu các quốc gia châu Á, mỗi nước với quốc kỳ, quốc hiệu, tên thủ đô và một bức ảnh giới thiệu phong cảnh hoặc công trình tiêu biểu của đất nước. Chúng tôi đã vỗ tay reo hò thật lớn khi thấy sắc đỏ và hai chữ Việt Nam!

Quảng trường trung tâm hình tròn, bằng đá cẩm thạch đen, trên đó lại ốp đá cẩm thạch đỏ hình đại lục châu Á. Ở trung tâm có một tháp hình bốn cánh tay đỡ lấy một quả địa cầu, đồng thời cũng là cái giá định vị cho một sợi dây dọi trỏ xuống cột mốc xác định tâm địa lý của châu Á. Vòng quanh quảng trường là 49 bệ của 49 nước cũng xếp theo hình vòng tròn bao quanh. Mỗi bệ ghi tên nước, quốc kỳ và vài dòng tóm tắt kèm theo hình ảnh. Trên bệ là một khối lập phương mà mặt trong hướng về quảng trường đắp nổi bản đồ nước đó. Riêng Đông Timor, mới được thành lập, chỉ có bệ mà chưa kịp có khối vuông bản đồ.

Đứng ở phương xa này trong một sáng lồng lộng gió thu từ bốn phương, chúng tôi xúc động và tự hào nhìn ngắm biểu tượng của đất nước Việt Nam. Bỗng nghe trong gió tiếng vọng hào hùng từ Hát Giang, Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Đống Đa, hòa cùng nhịp thơ sang sảng của Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô… Và nghe rất rõ nơi tâm điểm của châu Á này, trái tim mình hát lên bài ca muôn đời tổ quốc!



2. CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

BÚT KÝ

Xa Mộ Kỳ
Người dịch: NGUYỄN PHỐ
Dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc nhan đề “Tơ trừ chi lữ” của nhà xuất bản Tam Liên Thư Điếm - Hương Cảng năm 1986.


MỤC LỤC







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét