Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

KHÁI LUẬN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TRUNG QUỐC


KHÁI LUẬN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TRUNG QUỐC
Vu Ngữ Hòa, Vương Cảnh Trí, Chu Tân
Trần Phú Huệ Quang (lược dịch)
Nhằm giúp cho sinh viên khoa Văn hóa học có thêm tài liệu về văn hóa Trung Hoa để tiếp thu kiến thức, đồng thời tham khảo cách nhìn nhận và cách viết của người Trung Quốc về văn hóa họ, chúng tôi lược dịch quyển “Khái luận văn hóa truyền thống Trung Quốc” của Vu Ngữ Hòa, Vương Cảnh Trí, Chu Tân, nhà xuất bản Đại học Thiên Tân, năm 2002. Quyển sách này gồm ba phần chính: dẫn luận, tổng luận và phân luận. Chúng tôi trong bài này lược dịch hai phần dẫn luận và tổng luận, từ trang 8 đến trang 99. Trong phần dẫn luận đề cập đến các vấn đề: văn hóa, văn hóa học, kết cấu văn hóa, bản chất văn hóa. Trong phần tổng luận gồm: Văn hóa truyền thống Trung Quốc; Diễn biến về nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa truyền thống Trung Quốc; Đặc điểm của văn hóa truyền thống Trung Quốc; Những khu biệt văn hóa truyền thống Trung Quốc; Văn hóa truyền thống Trung Quốc và tinh thần dân tộc Trung Hoa.

DẪN LUẬN

Văn hóa là hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người, là một hệ thống hữu cơ, mỗi người chúng ta đều nằm trong hệ thống này, ai cũng không thể tách rời khỏi văn hóa. Văn hóa là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con người, và ngược lại văn hóa điều chỉnh hành vi của con người. Quá trình con người sinh tồn và phát triển đồng thời cũng là quá trình lựa chọn văn hóa và sáng tạo văn hóa. Ngày nay, chúng ta ở trong thời đại mở cửa đối ngoại, phá vỡ bức tường chắn giữa các quốc gia, dân tộc, khiến cho văn hóa được giao lưu rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới; trào lưu cải cách, không ngừng thúc đẩy văn hóa hướng đến hiện đại hóa, cùng với xây dựng và cải cách hình thành một nền văn hóa mới thích hợp. Từ sau giai đoạn mới, văn hóa trở thành một vấn đề nóng bỏng mà con người quan tâm và tranh luận. Do vậy việc làm rõ các khái niệm văn hóa, văn hóa học, kết cấu văn hóa và bản chất văn hóa có ý nghĩa tích cực đối với việc xây dựng nền văn hóa mới và cải cách mở cửa hiện nay.
I. Văn hóa
Chữ “văn”  trong giáp cốt văn giống như hình hoa văn khắc trên thân người, vốn nghĩa của nó là thân vằn, nghĩa mở rộng là hoa văn, nghĩa mở rộng lần nữa là trau chuốt. Chữ “hóa”  trong tiểu triện, bên trái giống như người ngay, bên phải giống như người phản, hợp lại với nhau biểu thị ý nghĩa biến hóa, nghĩa mở rộng là giáo hóa. Sự xuất hiện từ “văn hóa” 文化 trong văn hiến Trung Quốc, nguồn gốc của nó có thể truy từ thời Tây Hán. Lưu Hướng thời Tây Hán nói: việc trị thiên hạ của thánh nhân, trước là văn đức, sau là vũ lực. Phàm dùng vũ lực, lại không phục, văn hóa không thay đổi, thì sau đó xử chém. Ý nghĩa của từ “văn hóa” cổ đại Trung Quốc là chỉ văn trị giáo hóa, tức là điều chỉnh và cảm hóa luân lý đạo đức, chế độ điển chương lễ nhạc vốn có đối với con người. Sự giải thích về từ “văn hóa” như vậy kéo dài đến thời cận đại.
Ý nghĩa của từ “văn hóa” mà ngày nay chúng ta thường dùng đương nhiên khác với thời cổ đại, nó được du nhập từ phương Tây, dịch lại thông qua tiếng Nhật cuối thế kỷ XIX. Tiếng Anh, tiếng Pháp từ này đều viết là “culture”, tiếng Đức viết là “kulture”, chúng đều bắt nguồn từ tiếng Latinh “cultura”. Tiếng Latinh “cultura” vốn có nghĩa là canh tác, nghĩa mở rộng sau này là cư trú, luyện tập, lưu tâm hoặc chú ý, kính thần, v.v., hiện nay các loại ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức còn giữ một số hàm nghĩa đó của tiếng Latinh.
Trên đây chúng tôi đã giải thích ý nghĩa của “văn hóa” về mặt chữ viết, vậy thì thế nào là hàm nghĩa khoa học của “văn hóa”? Căn cứ theo thống kê của “Đại Anh bách khoa toàn thư”, trong lịch sử phương Tây có hơn 160 loại định nghĩa về “văn hóa”, nếu như cộng thêm của Trung Quốc thì có khoảng hơn 170 loại. Tính đến nay, có thể nói về vấn đề định nghĩa văn hóa, mỗi người đều có lập trường riêng, các cách giải thích chưa nhất quán. Ví dụ như có “thực thể lý tính”, “loại hình lý tưởng”, “di truyền xã hội”, “tổng hòa mang phương thức hành vi”, “tạo tác công cụ và chế độ”, “thể hiện của tinh thần dân tộc”, “tăng trưởng năng lực của con người”, “mô thức sinh hoạt” v.v.. Xem ra “văn hóa” là một khái niệm mơ hồ không xác định do không xác định được nội hàm của nó. Chúng tôi trên cơ sở tổng kết lại các trình bày khoa học của những người đi trước về “văn hóa”, định nghĩa “văn hóa” như sau: Văn hóa là một phạm trù lịch sử xã hội, là hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người, là hệ thống mà nội dung của nó là sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần được sáng tạo ra bởi phương thức hoạt động của con người cùng với hoạt động thực tiễn của con người, là một tiêu chí quan trọng của sự phát triển lịch sử loài người. Chủ thể của văn hóa là người, khách thể là thế giới khách quan. Cái gọi là “văn hóa” không phải là giới tự nhiên được hình thành tự nhiên không chịu sự ảnh hưởng của con người, mà là tổng hòa tất cả “phần cứng” và “phần mềm” (“硬件” - ngạnh kiện, “软件” - nhuyễn kiện) do con người trong quá trình thực tiễn xã hội nhận thức thế giới, cải tạo thế giới mà sáng tạo ra. Văn hóa và những gì tồn tại tự nhiên thuần túy là căn bản khác nhau, văn hóa là một giới tự nhiên đã được con người gắn cho ý nghĩa văn hóa, tức được Mác gọi là “giới tự nhiên nhân loại học chân chính” hoặc “chủ nghĩa tự nhiên đã thực hiện của con người” và “chủ nghĩa nhân bản đã thực hiện của giới tự nhiên”.
II. Văn hóa học
Thế nào gọi là văn hóa học? Văn hóa học là khoa học nghiên cứu sự ra đời và phát triển của văn hóa; trình bày tính chất, đặc trưng, nội dung, hình thức, kết cấu, công dụng, loại hình và biến thiên của văn hóa, từ đó rút ra quy luật phát triển của nó. Văn hóa học thuộc về khoa học nhân văn. Là một môn khoa học độc lập, văn hóa học từng bước phát triển ở phương Tây thời cận đại. Giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, văn hóa học thoát thai từ xã hội học, văn hóa nhân loại học và triết học lịch sử, đây là giai đoạn manh nha của văn hóa học. Nhân vật đại biểu thời kỳ này có E.Kant (孔德) của Pháp, G.Spencer và Tylor của Anh, L.G.Morgan của Mỹ, Claim (克莱姆) của Đức v.v.. Văn hóa học được thiết lập từ đầu thế kỷ XX. Nhà Đức quốc học V.Ostvald năm 1909 đăng “Cơ sở năng học của văn hóa học”, đưa ra khái niệm “Văn hóa học”. Nhà Mỹ học L. White năm 1949 xuất bản sách “Khoa học về văn hóa”, năm 1963 xuất bản sách “Văn hóa tiến hóa”, đã cống hiến rất lớn cho việc thiết lập ngành văn hóa học, do đó người ta gọi ông là “cha đẻ của văn hóa học”. Giữa thế kỷ XIX đến nay, ở phương Tây xuất hiện rất nhiều học phái nghiên cứu văn hóa học, như học phái tiến hóa, học phái xã hội, học phái lịch sử, học phái công năng, học phái tâm lý, học phái chủ nghĩa kết cấu, v.v..
III. Kết cấu văn hóa
Kết cấu văn hóa đơn giản có thể được phân thành hai tầng: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
Văn hóa vật chất là sản phẩm mà con người tác động vào giới tự nhiên, là văn hóa được con người sáng tạo trong hoạt động sản xuất vật chất, là trình độ, năng lực của con người nhận thức và cải tạo giới tự nhiên trong lĩnh vực sản xuất vật chất. Văn hóa vật chất là một tiêu chí đánh giá sự tiến bộ xã hội. Con người để sinh tồn, để có được sản phẩm vật chất cần thiết cho sự sinh tồn như ăn, mặc, ở, đi lại tất nhiên phải tiến hành hoạt động sản xuất, tất nhiên phải tiến hành các hoạt động chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên, do đó, văn hóa vật chất là toàn bộ cơ sở vật chất của văn hóa nhân loại.
Văn hóa tinh thần là cách gọi tổng quát chỉ sản phẩm tinh thần do con người sáng tạo ra trong hoạt động sản xuất tinh thần, bao gồm hai bộ phận hệ tư tưởng và tâm lý xã hội. Tâm lý xã hội là bậc thấp của ý thức xã hội, là sự phản ánh nội dung khách quan chế độ xã hội và điều kiện sống vật chất đối với xã hội mà con người trong cuộc sống thường ngày qua thời gian dài tích lũy trong ý thức, bao gồm phong tục, tập quán, giá trị quan niệm, tình cảm đạo đức, ý thức thẩm mỹ, tình hình tôn giáo, nhận thức cảm giác, tính cách dân tộc, v.v.. Hệ tư tưởng là hình thái ý thức xã hội được hệ thống hóa, lý luận hóa, lý tính hóa, như lý luận chính trị pháp luật, luân lý đạo đức, lý luận khoa học, văn học nghệ thuật, triết học, tôn giáo, v.v..
Giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần không tồn tại một “khoảng đất rộng”, giữa chúng có một hệ trung giới nối chúng lại với nhau một cách mật thiết. Hệ trung giới này chính là các chế độ xã hội. Trong chế độ xã hội quan trọng nhất là chế độ kinh tế, chính là quan hệ kinh tế, tức là ba phương diện quan hệ sản xuất, đặc biệt là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất, cộng với chế độ hóa, cơ chế kinh tế có sự điều chỉnh, quản lý. Chế độ chính trị, chế độ pháp luật, chế độ quân sự, chế độ giáo dục v.v., chúng đều là văn hóa chế độ được hình thành phù hợp với trình độ phát triển của văn hóa vật chất. Cho nên kết cấu văn hóa có thể phân thành ba yếu tố văn hóa vật chất, văn hóa chế độ và văn hóa tinh thần.
IV. Bản chất văn hóa
Kết cấu văn hóa là sự phân tích giải thích văn hóa trong một hệ thống hữu cơ, giữa các bộ phận cấu thành khác nhau của văn hóa tồn tại tính chất chung, khái quát và trừu tượng tính chất chung này ở mức độ cao, tức là bản chất của văn hóa. Vậy nội dung cụ thể của bản chất văn hóa là gì? Chủ nghĩa Mac cho rằng, bản chất của văn hóa chính là ngoại hóa, đối tượng hóa, hoặc vật chất hóa bản chất của con người, tức bản chất của văn hóa là biểu hiện bên ngoài của bản chất con người; bất kỳ nền văn hóa nào nói về thực chất của nó đều là sản phẩm của lực lượng đối tượng hóa hoặc vật hóa của bản chất con người.
Trước tiên, chúng ta xem mối quan hệ giữa hiện tượng văn hóa và hoạt động nhân loại. Giới tự nhiên thuần túy và vật chất tự nhiên (tức giới vô cơ) là vô nghĩa đối với con người, chúng không phải là thế giới văn hóa, chỉ có tiến hành gia công cải tạo giới tự nhiên trong hoạt động thực tiễn của con người, tức là giới tự nhiên được ý thức hóa, đối tượng hóa, vật hóa, là thế giới văn hóa mới có ý nghĩa hiện thực đối với con người. Nói cách khác, giới vô cơ, vật chất vô cơ chỉ khi có mối liên hệ với hoạt động thực tiễn của con người, được con người gắn cho một ý nghĩa nhất định, trở thành sản phẩm, đối tượng, công cụ trong hoạt động sống của con người mới có thể trở thành văn hóa thể hiện bản chất con người.
Thứ đến, chúng ta xem mối quan hệ giữa hình thức cụ thể của văn hóa và con người. Qua trình bày trên, chúng ta có thể thấy rằng, văn hóa là một hệ thống phức tạp, nó vừa bao gồm văn hóa vật chất như vật liệu kiến trúc, thiết bị công nghiệp, giao thông vận chuyển, công cụ lao động, công cụ sinh hoạt, dụng cụ thực nghiệm, nhà cửa, các loại hàng tiêu dùng v.v.; lại vừa bao gồm văn hóa tinh thần như tâm  lý xã hội, phong tục tập quán, lý luận pháp luật chính trị, đạo đức, giáo dục, văn học nghệ thuật, mỹ học, lý luận khoa học, triết học, tôn giáo, v.v.; còn bao gồm hệ trung giới nối giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần – văn hóa chế độ - như chế độ kinh tế, chế độ chính trị, chế độ quân sự, chế độ pháp luật, chế độ giáo dục, v.v.. Cho dù hình thức của văn hóa rất đa dạng, phong phú, nhưng mỗi loại văn hóa cụ thể đều do con người sáng tạo nên, là sản phẩm của hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn của con người trong điều kiện xã hội và thời đại lịch sử nhất định. Lấy văn hóa vật chất mà nói, nó là sự dung hợp bởi vật liệu vật chất của thế giới bên ngoài và năng lực tâm trí của con người, hình thức vật chất của nó chứa đựng khoa học quan, giá trị quan, thẩm mỹ quan, quốc gia quan, dân tộc quan, tôn giáo quan, v.v. của con người, thể hiện nhu cầu của con người, mục đích của con người, nhận thức của con người, tâm lý của con người, năng lực sáng tạo của con người, v.v., là ý thức hóa, đối tượng hóa và vật chất hóa bản chất con người. Văn hóa tinh thần là sự phản ánh tổng hợp bản chất ý thức của con người (bao gồm nhận thức, tình cảm, ý chí, nhu cầu tâm lý, tự ý thức, …  của con người), là sự tồn tại ý thức hóa bản chất con người. Người lao động chủ yếu của văn hóa tinh thần - người lao động trí óc -  chính trong quá trình thu thập chỉnh lý, gia công cải tạo tư tưởng, quan niệm, phương thức hành vi, kinh nghiệm sống, phong tục tập quán, v.v. mới sản sinh ra hình thức văn hóa tinh thần: triết học, văn học nghệ thuật, khoa học lý luận, v.v.. Văn hóa chế độ là sự phản ánh tổng hợp hoạt động tinh thần và hoạt động vật chất của con người.
Cuối cùng, chúng ta xem mối liên hệ giữa bản chất con người và văn hóa. Chủ nghĩa Mác cho rằng, bản chất con người là “hoạt động tự do tự giác” của con người, tức là lao động. “Bản chất của con người không phải là cái gì trừu tượng vốn có của từng cá nhân. Trên thực tế, nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Nhân loại muốn sinh tồn và phát triển thì phải lao động. Con người thông qua lao động, tạo ra một thế giới đối tượng thỏa mãn nhu cầu của bản thân; mà quá trình lao động của con người tức là quá trình giải phóng sức mạnh bản chất của chính mình, tạo nên thế giới đối tượng; cái thế giới đối tượng này chính là thế giới văn hóa của con người. Cho nên bản chất văn hóa và bản chất con người có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mặt khác, một đặc trưng quan trọng của văn hóa là nó có tính xã hội, điều này là do tính xã hội của bản chất con người quyết định. Do bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cho nên con người trong quá trình sáng tạo văn hóa đã ngoại hóa nhận thức xã hội, nhận thức quốc gia, nhận thức dân tộc, nhận thức gia đình, v.v. phản ánh các mối quan hệ xã hội đến đối tượng, từ đó làm cho bản thân văn hóa bao hàm nhân tố “tính xã hội”. Tóm lại, bản chất của văn hóa chính là bản chất của con người, văn hóa là ngoại hóa, đối tượng hóa và vật chất hóa bản chất của con người.
Từ sự hưng khởi “cơn sốt văn hóa” thập niên 80 thế kỷ XX , mãi đến nay có thể nói là vẫn còn đang thịnh, điều này cho thấy văn hóa đã trở thành vấn đề quan trọng mà Trung Quốc đi trên con đường hiện đại hóa tất yếu phải nghiên cứu; đồng thời nghiên cứu văn hóa ngày càng trở thành công tác lý luận nền tảng của tất cả các hoạt động xã hội từ nghiên cứu học thuật và thực tiễn văn hóa, cải cách kinh tế chính trị đến biến thiên nội tại phương thức sống. Cho nên việc nghiên cứu lý luận cơ bản, khái niệm cơ bản văn hóa có ý nghĩa học thuật, ý nghĩa thực tiễn quan trọng, cũng là cấu trúc tiền đề lý luận của sách này đối với việc trình bày và phân tích văn hóa truyền thống Trung Quốc.
TỔNG LUẬN
I. Văn hóa truyền thống Trung Quốc
1. Văn hóa truyền thống Trung Quốc
Văn hóa truyền thống Trung Quốc là một khái niệm lớn, bao gồm ba khái niệm nhỏ: văn hóa, truyền thống, Trung Quốc.
Cái gọi là văn hóa, là chỉ tổng hợp các của cải vật chất và tinh thần do con người sáng tạo trong quá trình phát triển lịch sử xã hội, bao gồm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa chế độ. Sách này không đề cập đến văn hóa vật chất, mà chỉ nói về văn hóa tinh thần và văn hóa chế độ.
Truyền thống, theo “Tự điển Hán ngữ hiện đại” giải thích là nhân tố xã hội được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có đặc trưng như phong tục, đạo đức, tư tưởng, nghệ thuật, chế độ, v.v.. Không nghi ngờ gì, cách giải thích từ “truyền thống” như vậy là đứng ở góc độ xã hội học. Nếu đứng ở góc độ văn hóa học mà giải thích, thì “truyền thống” là: nhân tố văn hóa có đặc trưng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như phong tục, đạo đức, tư tưởng, tác phong, nghệ thuật, chế độ, v.v.. So sánh giữa hai cách giải thích, nhân tố xã hội là một khái niệm lớn, nhân tố văn hóa là khái niệm nhỏ, mà chúng tôi đang bàn đến là khái niệm nhỏ. Chúng tôi chỉ muốn dùng bộ phận cấu thành văn hóa như tư tưởng, đạo đức, chế độ, v.v. để làm rõ tình hình phát triển của truyền thống văn hóa.
Trong việc giải thích văn tự trên, có hai định ngữ không thể bỏ qua, đó là “truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” và “có đặc trưng”.
Thế nào là “truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”? “Truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” là đời này lưu truyền cho đời sau, từng đời từng đời truyền cho nhau. Nó chỉ một quá trình, một đầu của quá trình này là thời cổ đại xa xưa, còn đầu kia là ngày nay.
Thế nào gọi là “có đặc trưng”? “Có đặc trưng” là có đặc sắc, tức là giáp là giáp, ất là ất, ất không thể là giáp, cũng không thể là bính. Lấy ví dụ như thơ là thơ, từ là từ, từ không thể là thơ cũng không thể là khúc. Nếu như thơ bằng với từ thì thơ mất đi ý nghĩa tồn tại. Bởi vì thơ có giá trị tồn tại của thơ, từ có giá trị tồn tại của từ, chúng nhờ vào đặc sắc khác nhau làm thỏa mãn nhu cầu của con người. Nhu cầu tâm lý hiếu kỳ của con người là nền tảng tồn tại sự vật mang đặc sắc khác nhau.
Cuối cùng là nói về “Trung Quốc”. “Trung Quốc” là khái niệm chính trị, biểu thị một quốc gia. Chúng ta xem “Tự điển Hán ngữ hiện đại”, trong tự điển này có hai chú thích, chú thích thứ nhất là “công cụ thống trị giai cấp”, chú thích thứ hai là chỉ lãnh thổ quốc gia. Cũng có thể nói trong thời đại nào “Trung Quốc” là đại biểu lãnh thổ trọn vẹn của đất nước này.
Đến đây, chúng tôi có thể định nghĩa “Văn hóa truyền thống Trung Quốc” trên lập trường của chúng tôi như sau: là văn hóa tinh thần và văn hóa chế độ được sinh ra và phát triển trong khu vực Trung Quốc từ thời cổ đại xa xưa hoặc rất lâu về trước, được lưu truyền qua các thế hệ đến ngày nay, và có đặc trưng riêng.
2. Nội dung chủ yếu của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Căn cứ vào định nghĩa về văn hóa truyền thống Trung Quốc như trên, chúng tôi chỉ bàn đến hai nội dung chủ yếu là văn hóa tinh thần và văn hóa chế độ.
a. Văn hóa tinh thần
Nội dung của văn hóa tinh thần chủ yếu gồm: triết học, pháp luật, kinh học, tôn giáo, văn học, hí khúc, âm nhạc, hội họa, vũ đạo, thư pháp, khắc dấu, văn tự, âm vận, huấn hỗ (giải nghĩa ‘từ’ trong sách cổ), hiệu đính, giáo dục, khoa cử, khoa học kỷ thuật, thiên văn lịch pháp, kinh tế, quân sự, tông pháp, lễ tục, v.v..
Triết học, là học thuyết về thế giới quan, là khái quát và tổng kết tri thức tự nhiên và tri thức xã hội. Nội dung của triết học trong văn hóa truyền thống Trung Quốc tương đối phong phú, về học phái có Nho gia, Mặc gia, Pháp gia, Đạo gia, Danh gia, Nông gia, Tung Hoành gia, v.v.. Về dòng tư tưởng, quan niệm, v.v. quả thật là nhiều không kể hết.
Pháp luật là chuẩn tắc hành vi thể hiện ý chí giai cấp thống trị, do Nhà nước chế định, cũng do Nhà nước cưỡng chế chấp hành. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, nội dung của pháp luật bao gồm luật lệnh, tư tưởng pháp luật v.v.. Luật lệnh gồm có “Đường luật sơ nghị”, “Tống hành thống”, “Đại Minh luật”, “Đại Thanh luật”, v.v.. Nội dung của tư tưởng pháp luật phong phú, không thể đôi ba dòng có thể trình bày rõ ràng được.
Kinh học, là học vấn giáo huấn hoặc trình bày kinh điển Nho gia, bao gồm các trước tác Kinh học, các trường phái Kinh học, v.v.. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, các trước tác Kinh học rất nhiều, như “Mao thi chính nghĩa”, “Tứ thư tập chú”, “Ngũ kinh chính nghĩa”, v.v.. Các trường phái Kinh học cũng rất nhiều, như Tề học, Lỗ học, Trịnh học, Vương học, Tống học, v.v..
Tôn giáo là tín ngưỡng của con người, bao gồm giáo phái, quan niệm tôn giáo, v.v.. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, giáo phái tôn giáo nhiều vô số, chủ yếu có Phật giáo, Đạo giáo, Cơ Đốc giáo, Islam giáo, Thiên Đài tông, Tịnh Thổ tông, Pháp Tương tông, Thiền tông, v.v.. Về quan niệm tôn giáo cũng nhiều không sao kể xiết.
b.     Văn hóa chế độ
Nội dung của văn hóa chế độ cũng rất phong phú. Chủ yếu gồm lễ tục, trang phục, yến ẩm, cung thất, đồ dùng, giao thông, điền chế, diêm chế, công thương, thuế khóa lao dịch, tiền tệ, binh chế, binh khí, quan chức, v.v..
Lễ tục bao gồm: quan lễ, hôn nhân, lục lễ, ngũ lễ, cửu bái, củng, ấp, nghĩa tuyệt, thất xuất, v.v..
Trang phục bao gồm: y phục, bố y, thâm y, phẩm phục, triều phục, bổ phục, hồ phục, bào, long bào, kỳ bào, kim lũ ngọc y, quan, cân, miện, ôsha, v.v..
Yến ẩm bao gồm: nguyên tiêu, bánh hấp có nhân, thịt Đông pha, ngũ thái, ngũ vị, bát trân, v.v..
Cung thất bao gồm: đường, điện, đài tạ, quán khuyết, lầu, đấu củng, hoa biểu, miếu, ngõa đương, chuyển xá, v.v..
Đồ dùng bao gồm: cái đỉnh, cái thùng, đấu, cốc uống rượu, tù và, cốc đựng rượu, gương, đèn, kỷ, án, hồ sàng, giường, v.v..
Giao thông bao gồm: trì đạo, sạn đạo, dịch quán, dịch trạm, vận chuyển đường sông, kênh đào, chiến xa, xe người kéo, kiệu người khiêng, kiệu, cổ xe ngựa, thuyền lầu, xà lan, v.v..
Điền chế bao gồm: công điền, thái ấp, chế độ tỉnh điền, vương điền, canh điền, chế độ chiếm điền, quân điền, tang điền, vĩnh nghiệp điền, khẩu phân điền, điền trang, hoàng trang, nghĩa trang, ấm hộ, tô, điển tô, v.v..
Diêm chế bao gồm: diêm pháp, chiếc trung pháp, dẫn pháp, khai trung pháp, cương pháp, phiến pháp, giao dẫn, diêm dẫn, diêm phiến, diêm thương, hiệu thương, dẫn khóa, trường thuế, diêm li, v.v..
Công thương bao gồm: quan thị, hỗ thị, tảo thị, cung thị, kinh doanh, hợp đồng, thị tịch, hành hội, thợ, xưởng thủ công, v.v..
Thuế khóa lao dịch bao gồm: li kim, tiền lương, cửu phó, cửu cung, đẳng phó, khẩu phó, đinh phó, địa đinh, tạp biến, lao dịch, v.v..
Tiền tệ bao gồm: tiền lỗ vuông, tiền cổ bằng vỏ sò, tiền đúc, tiền ngũ châu, tiền đồng (của các triều đại Minh, Thanh Trung Quốc), tiền sắt, nguyên bảo, v.v..
Binh chế bao gồm: sư, tam quân, bắc quân, hiệu, võ lâm, bộ khúc, võ vệ, nguyên tòng cấm quân, tam vệ, tướng quân, binh sĩ, chỉ huy, điện tiền tư, ngũ quân cung, v.v..
Binh khí bao gồm: cung tên, nỏ, thương, mâu, tua da, v.v..
Quan chức bao gồm: quan doãn, tư không, nội tể, phong nhân, nữ sử, thái sư, thiếu bảo, trụ quốc, quý phi, thế tử, lục bộ, tham tri chính sự, võ sĩ, đãi chiếu, thích sử, bộc xạ, thị ngự sử, giám quân, v.v..
II. Diễn biến về nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Để tiện cho việc trình bày, chúng tôi phân quá trình diễn biến văn hóa truyền thống Trung Quốc thành bốn giai đoạn: giai đoạn manh nha và hình thức ban đầu của văn hóa truyền thống Trung Quốc (từ cổ đại đến Tây Chu); giai đoạn định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Trung Quốc (Xuân Thu Chiến Quốc); giai đoạn phồn vinh và suy yếu của văn hóa truyền thống Trung Quốc (Tần Hán đến chiến tranh Nha phiến); giai đoạn chuyển mình và tái sinh của văn hóa truyền thống Trung Quốc (từ chiến tranh Nha phiến đến nay). Sau đây chúng tôi trình bày từng giai đoạn.
1. Giai đoạn manh nha và hình thức ban đầu của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Nguồn gốc của văn hóa truyền thống Trung Quốc bắt nguồn từ đâu? Có thể nói, văn hóa truyền thống Trung Quốc chính là văn hóa nguyên thủy do người nguyên thủy ở xã hội nguyên thủy Trung Quốc sáng tạo ra.
Mao Trạch Đông nói “Hoạt động sản xuất của con người là hoạt động thực tiễn cơ bản nhất, là thứ quyết định tất cả các hoạt động khác”. Người nguyên thủy trong quá trình lao động không chỉ sáng tạo ra ngôn ngữ, mà còn thông qua thực tiễn sản xuất trong suốt thời kỳ dài đã mở rộng tầm hiểu biết, làm phong phú tri thức, nâng cao kỹ năng, nâng cao tài trí, không ngừng sáng chế phát minh. Thế là, sáng tạo ra văn tự, xuất hiện hội họa, điêu khắc, âm nhạc và vũ đạo. Văn hóa nguyên thủy và nghệ thuật nguyên thủy ngày càng phát triển càng thúc đẩy sản xuất, cải thiện và làm đẹp cuộc sống con người, đặt nền móng cho sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật Trung Quốc sau này.
Con người xã hội nguyên thủy trong lao động cần giao lưu tư tưởng, hợp tác làm việc, trao đổi kinh nghiệm, cần công cụ giao tiếp nhất định, thế là xuất hiện ngôn ngữ ra dấu. Ngôn ngữ ra dấu nhờ vào các động tác khác nhau của ngón tay, hoặc là huy động các tư thế khác nhau của cánh tay cùng với các bộ phận khác của cơ thể, để diễn đạt tư tưởng nhất định của con người. Về sau mới sinh ra ngôn ngữ phân tiết. Do đó, ngôn ngữ là sản phẩm của lao động, từng bước hình thành và phát triển cùng với xã hội loài người.
Ngôn ngữ ra dấu và khẩu ngữ đều chỉ có thể dùng khi đôi bên ở khoảng cách tương đối gần nhau, một khi cự ly đạt đến hai bên không nghe được âm thanh, hoặc không thể thấy được dấu hiệu hay tình cảm biểu lộ, thì mất tác dụng. Lúc này, muốn biểu đạt tư tưởng, chuyển đạt tin tức, chỉ có thể mượn tín hiệu mà đôi bên đã quy ước trước đó. Những tín hiệu này, trong quá trình sử dụng ước định mà thành, mọi người đều quen thuộc, có tác dụng đại loại như văn tự.
Để giúp nhu cầu ghi nhớ và ghi lại sự việc, người ta còn phát minh ra công cụ ghi sự. Một là dây thừng, hai là khắc gỗ. Dùng những công cụ đó để ghi lại sự việc gọi là “kết thằng ký sự” hoặc “mộc khắc ký sự”. Trong truyền thuyết cổ xưa của Trung Quốc có “kết thằng ký sự”.
Đến cuối thời xã hội nguyên thủy, người nguyên thủy phát minh ra ký hiệu ghi sự. Năm 1954, trên miệng của đồ gốm được khai quật ở Banpo - Tây An, phát hiện hơn một trăm ký hiệu khoảng ba mươi loại khắc họa. Sau đó, trong di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều ở Thiểm Tây Bảo Kê Bắc Thủ Lĩnh, Lâm Đồng Khương Trại v.v. lại nhiều lần phát hiện ra các loại ký hiệu khắc họa. Trong đó ở Khương Trại phát hiện nhiều nhất, cộng lại phát hiện hơn một trăm ký hiệu khoảng hơn bốn mươi loại. Loại ký hiệu này tương đối nguyên thủy, là “văn tự” đang trong quá trình hình thành.
Hội họa, điêu khắc, nghệ thuật làm gốm ra đời rất sớm, giữ vị trí rất quan trọng trong nghệ thuật nguyên thủy. Đến nay, sản phẩm nghệ thuật nguyên thủy còn có thể thấy được chủ yếu là hoa văn màu, khắc xương, khắc gỗ, khắc đá và nặn gốm, hội họa nguyên thủy thật sự thì hiếm thấy. Từ văn vật hiện có do khai quật được có thể thấy rằng, hội họa nguyên thủy có hai loại: một là hoa văn mang tính trang sức, hai là hội họa mang tính tả thực. Hai loại tranh này đều được vẽ trên gốm màu. Loại một phát hiện tương đối nhiều, loại sau thì ít thấy hơn.
Gốm màu là đồ dùng sinh hoạt mang phong cách đặc biệt, màu sắc tươi tắn, hoa văn đặc sắc, lại là công nghệ phẩm đương thời. “Nhân diện võng văn bồn” khai quật ở thôn Banpo Tây An có thể xem là tác phẩm tiêu biểu của loại này. Loại gốm màu này lấy hình cá làm chính, vẽ thêm lưới cá. Do nghệ thuật hội họa thuộc phạm trù hình thái ý thức, nên hội họa nguyên thủy cũng phản ánh đời sống đương thời, thể hiện tình cảm tư tưởng nhất định của những người tạo tác. Hoa văn gốm màu và phong cách nghệ thuật khác nhau là một trong những tiêu chí quan trọng phân biệt các đoàn người xã hội nguyên thủy. Ví dụ như gốm màu lấy hoa văn cá làm chủ đề chính là tác phẩm của cư dân Banpo; gốm màu của cư dân Miaodigou thì lấy hoa văn chim làm chủ đề chính; gốm màu của cư dân Wushandaxi lấy hoa văn chữ nhân làm chủ đề chính. Cách dùng màu, cách vẽ hoa văn mỗi cư dân có đặc sắc riêng, biểu hiện diện mạo văn hóa khác nhau.
Hội họa nguyên thủy thật sự đến nay chỉ thấy hai loại: một là hình vũ đạo, hai là hình chim cá đá rìu.
Hình vũ đạo được tìm thấy ở Thanh Hải là hình vũ đạo được vẽ trên vách trong bình gốm, toàn bộ có mười lăm người, được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm năm người. Trên đầu của họ có bím tóc, dưới có đuôi, tay nắm tay, vai kề vai, động tác nhẹ nhàng, áo phất theo gió. Chủ đề rõ ràng, tư thế sinh động, có tiết tấu và vận luật nhất định, hiện ra một cách sinh động không khí hoan lạc vui ca múa trong ngày lễ của họ, là một bức tranh con người nguyên thủy quý báu. Năm 1978, hình cá chim đá rìu được phát hiện ở thôn Lâm Nhũ Diêm Hà Nam là một tác phẩm hội họa khó tìm được. Toàn tranh chỉ dùng hai màu màu trắng và màu lá cọ. Lông trắng của chim, vẫy óng ánh của cá, ánh sáng của đầu rìu, cùng với cán gỗ đã lột da thì dùng màu trắng biểu hiện; vây đuôi cá, lưng cá, dây chảo quấn cán, v.v. thì được xử lý  màu lá cọ đậm nhạt khác nhau. Bức tranh này thanh thoát, tao nhã, phong phú hài hòa. Cá trong tranh được vẽ bởi một vài thủ pháp, chứng minh rằng nghệ thuật đồ họa và hội họa đương thời có liên hệ mật thiết với nhau. Đây là một bức hội họa nguyên thủy có chủ đề rõ ràng, hình tượng giống như thật, kết cấu hài hòa, phong cách thuần phát. Kỹ pháp cơ bản của tranh Trung Quốc như thiết cốt pháp, điền sắc pháp, câu tuyến pháp đều có kế thừa từ tranh này.
Nghệ thuật điêu khắc có thể phân thành khắc xương, chạm ngà, khắc gốm và khắc đá, khắc nét trên bề mặt phẳng là chủ yếu, phù điêu, khắc nổi ít hơn.
Tác phẩm nghệ thuật khắc nét thời kỳ đầu đại biểu có cốt chủy 骨匕 hình đôi chim ở Hemudu (Hà Mộ Độ). Hai đầu cốt chủy có khắc hình dây cung, điểm thêm đường nét, chính giữa mỗi bên có khắc hình đôi chim. Hai bên cơ bản là giống nhau, đều là đôi chim nước trên đầu có đội mũ, mắt to, chân có màng, mỏ quặm, đuôi dài. Đường nét hài hòa thành thục, khắc họa chim một cách chính xác, dáng sinh động như sống, là một tác phẩm nghệ thuật khắc cốt tinh tế.
Chế phẩm chạm ngà có tính đại biểu nhất là lược ngà voi và ống ngà voi được phát hiện ở vùng mộ Đại Vấn Hà. Lược ngà voi có tất cả mười bảy răng lược, phía đầu lược khắc ba cái điểm tròn sâu dụng để khảm. Phần còn lại khắc dạng hoa văn lấy chữ “bát” nét đôi làm chủ thể. Ống ngà voi hai đầu trên dưới đều khắc hình dây cung, phần giữa khắc hình họa bốn cái cách hoa xếp giao nhau. Kỹ thuật điêu khắc các tác phẩm nghệ thuật này hài hòa, thành thục, hình họa mới mẻ, khác thường, đại diện trình độ công nghệ điêu khắc cao nhất lúc bấy giờ, là tác phẩm công nghệ nguyên thủy hiếm có.
Tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gốm tương đối điển hình là hoa văn lúa nước, rong biển, lợn của di chỉ Hemudu. Bát gốm hoa văn lúa nước, hai mặt bát mỗi mặt khắc một bó lúa, cọng lúa cao nhô lên, hạt lúa no tròn, thân lúa mềm mại, hình giống như thật cho thấy sự thành thạo của kỹ thuật khắc.
Nghệ thuật nặn gốm ra đời vào thời kỹ thuật chế tạo gốm xuất hiện hoặc muộn hơn nữa. Những đồ gốm được tạo hình đẹp là những sản phẩm công nghệ nặn gốm thành công, như cái đỉnh chim ó, cái bình thú biển. Các tác phẩm nghệ thuật nặn gốm đề tài rất rộng, có gia súc, gia cầm, chim bay thú nhảy, nhà cửa, hình người, v.v., có một số là đồ chơi trẻ em, một số có khả năng liên quan đến hoạt động tôn giáo.
Âm nhạc nguyên thủy có thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc xuất hiện rất sớm, hình thức ban đầu của nó được tạo thành do động tác nhịp nhàng của con người trong lao động, động tác dô hò khi làm việc để giảm bớt mệt nhọc. Sau này, cùng với sự phát triển của sản xuất, nội dung sinh hoạt của con người cũng ngày càng phong phú, dần dần phát triển thành ca khúc.
Cái huyên đất và cái còi xương là di chỉ được khai quật sớm nhất ở Hemudu, cho đến nay nó là nhạc khí được phát hiện sớm nhất, có lịch sử khoảng bảy ngàn năm. Ngoài ra, ở thôn Đại Hà Trịnh Châu và một số nơi khác cũng khai quật được cái huyên đất. Chứng minh rằng từ sáu bảy nghìn năm trước, các bộ lạc thị tộc ở khắp nam bắc Trung Quốc đều sử dụng loại nhạc khí này. Chuông gốm phát hiện ở Miaodigou đến nay là nhạc khí gõ được phát hiện sớm nhất.
Một loại khác của nghệ thuật nguyên thủy đó là vũ đạo nguyên thủy. Động tác múa là mô phỏng các tư thế khác nhau của chim bay thú nhảy và các động tác trong lao động của con người, được gia công làm đẹp thêm mà tạo thành điệu múa.
Văn hóa nguyên thủy như nguồn Hoàng Hà, mỗi một dãy tuyết, mỗi một đóa hoa, đều trực tiếp thai nghén văn hóa Hoa Hạ; sự phong phú, dày dặn của văn hóa nguyên thủy đến cuối cùng cho ra đời một văn hóa Hoa Hạ tinh thâm, lớn mạnh.
Về văn hóa đời Hạ, vì văn hiến không còn trọn vẹn, không thể xem được toàn diện mạo của nó, nhưng như Khổng Tử nói, Ân do lễ đời Hạ mà biết được cái được cái hại; Chu do lễ nhà Ân mà biết được cái được cái hại. Văn hóa đời Hạ đặt nền móng cho văn hóa hai đời Thương Chu phồn vinh.
Đời Hạ là chính quyền chế độ nô lệ đầu tiên của Trung Quốc. Việc xác lập chế độ vương vị thế tập có nghĩa là tổ chức bộ lạc đại diện ý chí thành viên thị tộc quản lý sự việc trong thị tộc chuyển sang cơ cấu Nhà nước giai cấp này thống trị giai cấp khác. Triều Hạ xây dựng trì hào thành quách, thành lập quân đội, có hình pháp và ngục tù. Nông nghiệp và chăn  nuôi đời Hạ đều phát triển, chế tạo đồ đồng cũng tiến một bước so với thời kỳ bộ lạc nguyên thủy.
Sản xuất nông nghiệp và thời tiết khí tượng có mối quan hệ mật thiết, tri thức về lịch pháp, thiên văn thời cổ đại Trung Quốc không ngừng được tích lũy trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp, và ngược lại trực tiếp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ở thời Nghiêu Thuấn có truyền thuyết Hy Hòa, Hy Trọng quan sát nhật, nguyệt, tinh, thần mà định ra bốn mùa, chứng minh rằng Trung Quốc từ rất sớm đã có người thành thạo thiên văn định ra lịch pháp, thiên văn học và lịch pháp từ sớm đã rất phát triển.
Lịch pháp đời Hạ là lịch pháp sớm nhất của Trung Quốc. Lúc bấy giờ người ta đã có thể căn cứ vào phương vị mà sao Bắc đẩu xoay tròn Cán gáo chỉ để xác định tháng. Lịch Hạ lấy Cán gáo chỉ chính đông lệch bắc gọi là tháng “kiến dần” là tháng đầu tiên. “Hạ đắc thiên số” 夏得天数 cho thấy lịch số đời Hạ phản ánh hiện tượng thiên văn tương đối chính xác, cho nên Khổng Tử chủ trương “hành Hạ chi thời”. “Hạ tiểu chính” 夏小正 được bảo tồn trong “Đại đới lễ ký” chính là văn hiến quan trọng có liên quan đến “lịch Hạ” mà hiện nay còn lưu giữ.  Nó dựa vào thứ tự trước sau của mười hai tháng lịch Hạ mà ghi lại tinh tượng, khí tượng, vật tượng khác nhau trong mỗi tháng, cùng với nông sự và chính sự. Tinh tượng đó bao gồm Hôn trung tinh 昏中星 ( ngôi sao xuất hiện trên trời phía nam vào lúc hoàng hôn), Đán trung tinh 旦中星 (ngôi sao xuất hiện trên trời phía nam vào buổi sáng sớm), Cán gáo chỉ hướng của Bắc Đẩu, vị trí của Hà Hán (Ngân hà) và vị trí của mặt trời trên bầu trời, v.v.. Tuy nhiên, bản thân nó có thể có yếu điểm và những sai lầm khác, cũng có thể bị hỗn tạp do có sự giải thích của người đời sau hay thành phần nào đó khác, nhưng trong mức độ nhất định nó cũng phản ánh trình độ phát triển nông nghiệp đời Hạ, bảo tồn tri thức khoa học quý báu cổ xưa nhất của Trung Quốc, điều này không có gì nghi ngờ.
Về những ghi chép văn hiến cổ đại Trung Quốc, có người chuyên đi thu thập và viết sách. Giống như sách “Hạ thư” 夏书, “Hạ huấn” 夏训 mà các học giả Tiên Tần thường dẫn chứng chính là sách có liên quan đến đời Hạ mà lúc bấy giờ còn lưu giữ lại.
Triều Thương là chính quyền được hình thành gồm vương thất nhà Thương và quý tộc chủ nô. Dưới vua thiết lập các chức quan phò giúp vua thống trị như Doãn, Vu, Sử, Bộc, v.v.. Vương triều nắm trong tay lực lượng vũ trang hùng hậu. Trong giáp cốt văn có ghi “Vương tác tam sư” 王作三师. Vương triều thiết lập nhà tù, chế định ra hơn mười loại hình phạt. Sản xuất nông nghiệp đời Thương đã đạt đến trình độ phát triển tương đối cao. Đã có thể chế biến ra các loại rượu khác nhau. Đời Thương là thời kỳ hưng thịnh đi vào thời đại đồ đồng trong lịch sử Trung Quốc. Các đồ vật bằng đồng đã được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt và sản xuất.
Cùng với sự phát triển của sản xuất xã hội, thêm vào đó là sự phân công lao động giữa phần tử tri thức lao động trí óc và thành phần lao động chân tay ngày càng rõ ràng, văn hóa khoa học đời Thương đã có bước phát triển lớn.
Đời Thương rất xem trọng việc quan sát thiên văn, trong Bốc từ 卜辞 đời Ân có nhiều ghi chép về hiện tượng thiên nhiên. Trong đó, ngoài những thứ thường thấy như mưa, gió, ngày, v.v. còn có nhật nguyệt thực, và cũng có những tri thức nhất định về hằng tinh. Điều đặc biệt quan trọng là có ghi chép về việc quan sát tân tinh sớm nhất thế giới.
Lịch đời Thương kế thừa lịch Hạ. Trên cơ sở lịch Hạ từng bước điều chỉnh lịch âm dương sớm nhất ở Trung Quốc, làm cho nó ngày càng đi đến hoàn thiện. Lịch đời Thương còn gọi là lịch Ân. Lịch Ân phân tháng lớn nhỏ, tháng lớn có ba mươi ngày, tháng nhỏ có hai mươi chín ngày, và kết hợp số ngày chênh lệch giữa thái dương lịch và thái âm lịch đến được một tháng, thì đến cuối năm của một năm nào đó tăng thêm một tháng ba mươi ngày, gọi là “quy dư vu chung” 归余于终 (đem ngày dư về cuối), đây là giai đoạn đầu thiết lập tháng nhuận của Trung Quốc. Cách làm nhuận này tuy không chính xác lắm, nhưng trên cơ bản đã nắm được quy luật chuyển động của mặt trăng và mặt trời, đặt nền móng cho lịch truyền thống của Trung Quốc, có ý nghĩa khoa học quan trọng.
Tài liệu ghi chép về văn tự đời Thương chủ yếu còn trong giáp cốt, đồ đồng và các vật dụng khác. Trong đó chữ khắc trong giáp cốt là nhiều nhất. Giáp cốt văn chính là chỉ loại văn tự này. Giáp cốt văn tổng cộng có hơn bốn ngàn chữ đơn, cho thấy văn tự đời Thương đã rất phong phú. “Lục thư” mà người đời sau thường gọi đó là sáu nguyên tắc cấu thành chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hội ý, giả tá, hình thanh, chuyển chú, trong giáp cốt văn đều có đầy đủ. Rất nhiều văn tự khắc trên giáp cốt hoặc được viết trên các vật dụng hình thể rất đẹp, đều là những tác phẩm nghệ thuật quý báu.
Đời Thương đã có điển tịch văn hiến phong phú. Một khối lượng lớn bốc từ giáp cốt do bói toán tích lũy được, tương tự như tài liệu văn bản ngày nay, là một bộ phận ghi chép văn hiến đương thời. Còn có chuyên chức sử quan “tác sách” 作册, thu thập lưu giữ rất nhiều điển tịch. Đây chính là cái mà Chu Công gọi là “Duy Ân tiên nhân hữu điển hữu sách”. Những quyển sách này do thời thế thay đổi và lâu đời nên phần lớn đã bị mất. Hiện nay “Thương thư” 商书 trong sách “Thượng thư” 尚书 chỉ còn lại một bộ phận nhỏ trong đó. Ba quyển “Bàn canh” 盘庚 là tương đối tin cậy. Ba quyển này tổng cộng có hơn một ngàn hai trăm chữ, ngôn ngữ sinh động, văn ngắn gọn súc tích, ghi lại ngôn ngữ, sự việc liền mạch, là một tư liệu quan trọng về lịch sử đời Thương, cũng là tác phẩm vĩ đại của văn học cổ đại.
Nghệ thuật điêu khắc đời Thương đã đạt đến trình độ cao, trên mặt của rất nhiều đồ dùng bằng đồng có hoa văn đẹp. Thường thấy nhất và cũng đặc sắc nhất đó là hoa văn con thao thiết. Ngoài ra còn có hoa văn hình con hỗ, nai, chim, đầu trâu, mây chớp, v.v.. Có khi đồng còn được làm thành hình động vật, tạo hình rất đẹp mắt. Đồ đồng trở thành đại biểu cao nhất của nghệ thuật điêu khắc thời Thương. Sản phẩm điêu khắc đời Thương không hạn chế ở đồ đồng, trên những chế phẩm bằng ngọc, đá, gốm, xương, ngà cũng điêu khắc hoa văn tinh mỹ.
Nhạc khí đời Thương đã có, hiện nay phát hiện được có cái huyên gốm, chuông đồng, khánh đá, trống, v.v., đều thích hợp với diễn tấu nhạc khúc, âm nhạc lúc đó đã đạt được trình độ cao. Cái khánh đá lớn được khai quật ở ngôi mộ lớn thôn Vũ Quán An dương dài 84cm, cao 42cm, phù điêu hình con hỗ nhe răng trừng mắt, vật khí và trang trí hoa văn thành một thể, là nhạc khí loại lớn được phát hiện sớm nhất đến nay, cũng là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.
Tộc Chu vốn là bộ tộc sinh sống vùng Tây Bắc Thiểm Tây. Tương truyền thủy tổ tộc Chu - Khí - do bà Mẫu Khương Thị đạp lên dấu chân của một người khổng lồ ở vùng đất hoang mà thụ thai sinh ra. Lúc đó, người Chu từ xã hội thị tộc mẫu hệ quá độ lên xã hội thị tộc phụ hệ. Thời đại của Khí tương đương với thời cuối Hạ đầu Thương. Tương truyền Khí đã từng làm quan nông nghiệp đời Hạ, là người đầu tiên trồng mạch và kê, do đó còn được gọi là Hậu Tắc. Đến thời Cổ Công Đảm Phụ, người Chu định cư ở Chu Nguyên (nay là huyện Kỳ Sơn Thiểm Tây), thiết lập Nhà nước sớm nhất. Đến thời Cơ Xương, tức Chu Văn Vương, dời đô đến Phong (nay là huyện Trường An Thiểm Tây). Khoảng năm 1057 trước Công nguyên, con trai của Chu Văn Vương là Võ Vương Cơ Phát lãnh đạo đại quân đánh nhà Thương, quyết chiến với quân vua Trụ, tiêu diệt nhà Thương, thành lập nhà Chu, dựng kinh đô ở đất Cảo, lịch sử gọi là Tây Chu.
Tây Chu, để thống trị các bộ tộc bị chinh phục có hiệu quả, đã thi hành chế độ phân phong. Chư hầu được phân phong chủ yếu gồm ba loại: thân tộc nhà Chu, công thần và hậu thế cố đế vương. Hậu thế này trên thực tế là các nước chư hầu hoặc lãnh tụ liên minh các bộ lạc hùng mạnh. Nhà Chu đầu tiên phân phong bảy mươi mốt nước chư hầu, trong đó cùng họ với vua nhà Chu – họ Cơ – chiếm năm mươi ba. Nghĩa vụ của chư hầu đối với nhà Chu là trấn thủ biên cương, bảo vệ vương thất, nạp thuế cống. Các nước phân phong chủ yếu gồm Tề, Lỗ, Yên, Vệ, Tống, Tấn, v.v., phần lớn là anh em Võ Vương hoặc cùng họ nhà Chu. Việc làm phân phong của nhà Chu làm cho rất nhiều quý tộc cùng họ hoặc thông gia giàu có, cũng làm cho quý tộc khác họ không đối đầu với nhà Chu duy trì được quyền lực của mình, khiến cho nhà Chu được sự ủng hộ lớn của thành phần quý tộc.
Vương triều nhà Chu còn xây dựng chế độ tông pháp. Trong tông tộc phân thành đại tông và tiểu tông. Con trai trưởng của vợ cả Chu Vương thừa kế vương vị, đây là đại tông. Con trai thứ của vợ cả cùng với các con của thê thiếp gọi là tiểu tông. Chư hầu cùng họ với nhà Chu được xem là tiểu tông, trong các nước chư hầu của ông, lấy con trai trưởng của vợ cả thế tập chư hầu lại gọi là đại tông. Đại phu đối với các nước chư hầu mà nói thì được xem là tiểu tông, nhưng trong thái ấp của đại phu cũng do con trai trưởng của vợ cả thế tập đại phu lại gọi là đại tông. Như vậy, lợi dụng sợi dây gắn bó huyết thống cùng với chế độ phong quốc để đoàn kết các quý tộc cùng họ, củng cố sự thống trị của vương triều.
Trong cơ cấu chính quyền, dưới vua có Thái Sư hoặc Thái Bảo là có quyền thế nhất trong đại thần. Dưới Sư Bảo có Tư Đồ, quản lý dân chính và đất đai; Tư Mã quản lý quân chính; Tư Không quản lý thủ công nghiệp và công trình kiến trúc; Tư Khấu quản lý hình phạt và nhà tù. Còn có Nông sư, Nông chính, Nông đại phu, v.v. quản lý nông nghiệp. Quan chức phần lớn là quý tộc thế tập, thái ấp của quan cũng là thế tập. Vương triều và chư hầu đều có quân đội. Xa binh là chủ lực tác chiến.
Vương triều để duy trì trật tự thống trị chế định ra chế độ lễ và hình pháp. Lễ dùng để duy trì chế độ đẳng cấp trong nội bộ quý tộc. Chế độ đẳng cấp này chủ yếu nói lên thân phận chính trị khác nhau, đồng thời cũng nói lên thứ bậc khác nhau trong thân tộc và phân biệt nam nữ. Hình là để trấn áp nô lệ và dân thường. Hình phạt Tây Chu rất tàn khốc, có ngũ hình: chích mặt, cắt mũi, chặt chân, cung, tử hình. Thuộc về ngũ hình nhiều đến ba ngàn. “Lễ bất hạ thứ dân, hình bất thượng đại phu” (lễ không dùng xuống thứ dân, hình không dùng đến đại phu) phản ánh tính giai cấp của hình phạt Tây Chu.
Chế độ đất đai Tây Chu là chế độ tỉnh điền. Đất đai trên danh nghĩa thuộc sở hữu của vua nhà Chu, hoặc gọi là quốc hữu. Một người nông dân có năng lực lao động có thể sử dụng trăm mẫu đất. Trong trăm mẫu này có một bộ phận nhỏ là công điền, phần còn lại thu hoạch được là thuộc sở hữu của quý tộc hoặc Nhà nước. Người nông dân canh tác trồng trọt trên bộ phận đất được phân và để một bộ phận đất khác tạm nghỉ. Giữa các mẫu ruộng đào kênh dẫn nước, bên cạnh kênh đắp con đường. Những người nông dân tụ lại định cư, nơi định cư của họ gọi là “ấp” hoặc “xã”. Nông dân có nhà riêng và vườn trồng trọt của họ.
Công cụ sản xuất nông nghiệp đời Chu chủ yếu là cái cày bằng gỗ, cái xẻng, xẻng đá, dao đá, cái liềm, v.v.. Nông sản có lúa, lương, mạch, kê, dâu, hoa quả, đai, v.v.. Phương pháp canh tác chủ yếu là “ngẫu canh” (cày đôi). Trừ cỏ và gieo mạ trong quá trình sản xuất nông nghiệp đã được người ta chú ý, đã có dùng những phương pháp nhất định để xử lý bệnh sâu hại.
Thủ công nghiệp và thương nghiệp đời Thương do quan phủ kinh doanh, thợ thủ công và thương nhân đều do quan phủ và quý tộc sai khiến, sử dụng, đây gọi là chế độ “công thương thực quan”. Thủ công nghiệp lấy nghề đúc đồng làm chính. Nghề chế tạo gốm, xương, điêu khắc ngọc, đồ sơn, v.v. cũng phát triển. Đời Chu dùng hàng hóa trao đổi, chủ yếu là nô lệ, trâu ngựa, binh khí và châu báo. Trong quốc đô có chợ, nhà nước có lập người quản lý chợ. Tiền tệ vẫn là vỏ óc vỏ sò, lấy “bằng”  làm đơn vị. Thương nghiệp trong nhân dân thì lại không phát triển, đa số còn lấy vật đổi vật.
Về mặt tư tưởng, giai cấp thống trị thời Tây Chu trên cơ bản là kế thừa tư tưởng thống trị của quý tộc chủ nô từ đời Hạ, Thương, xem Thượng đế là chúa tể chí cao vô thượng, và gọi là “thiên”. Nhưng có một điểm khác, đó là người đời Thương chỉ biết có trời, cho rằng chỉ cần theo trời hành đạo là có thể được thiên hạ thái bình, lòng dân như thế nào thì căn bản là không cần quan tâm. Tuy nhiên, Tây Chu trong tư tưởng về “trời” có bước tiến bộ lớn. Họ khởi xướng tư tưởng “Thiên bất khả tín”. Họ biết rằng muốn thống trị lâu dài, chỉ dựa vào kính trời thôi chưa đủ, còn phải thực hiện “đắc dân trị dân chi đạo”. Do vậy, đề xuất tư tưởng kính đức chính là muốn làm tốt chính trị, làm cho nhân dân không có cơ hội làm loạn, thống trị mới lâu dài được. “Kính đức bảo dân” làm nên tư tưởng thống trị thời Tây Chu.
Trên cơ sở phát triển sức sản xuất khoa học kỹ thuật thời Tây Chu cũng gặt hái được không ít thành tựu.
Tây Chu rất xem trọng việc giáo dục con cái quý tộc, từ nhỏ phải bắt đầu dạy cho chúng những tri thức cơ sở và kỹ năng cơ bản về lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, v.v., được gọi là “lục nghệ”. Cách giáo dục toàn diện này đặt nền móng cho giáo dục sau này.
Tri thức thiên văn thời Tây Chu rất phong phú. Một số bài thơ trong “Kinh thi” có đề cập đến tên gọi của rất nhiều chòm sao, như tên gọi của những tinh tú hỏa, đấu, ngang, thất, tham, chức nữ, v.v.. “Kinh thi” còn ghi lại ngày mồng một tháng mười năm Chu u vương lục , tức ngày 6 tháng 9 năm 776 tr. CN có một lần nhật thực. Đây là lần ghi chép nhật thực chính xác sớm nhất Trung Quốc. Cái đài mà Chu Công xây dựng ở Dương Thành (di tích ở Hà Nam ngày nay) là đài quan sát thiên văn được lấp đặt khuê biểu sớm nhất Trung Quốc. Biểu cao 8 thước, khuê là cái giá liên thông với biểu. Bóng mặt trời chiếu xuống biểu nằm trên khuê, giữa trưa ngày hạ chí bóng ngắn nhất, chỉ có một thước năm tấc, ngày đông chí bóng dài nhất. Dùng khuê biểu quan sát bóng mặt trời thì có thể quy định một cách tương đối chính xác nhị chí nhị phân, làm ra độ dài của năm thái dương.
Thời Tây Chu, điển tịch văn hiến do sử quan lưu giữ bảo quản rất phong phú. “Chu thư” hiện có trong “Thượng thư” là một bộ phận đã được người đời sau tuyển chọn và lưu giữ. Những chương này là văn hiến lịch sử quan trọng đương thời, kết cấu tổ chức văn chương tương đối phức tạp, câu văn ngắn gọn súc tích, cho thấy văn phong lúc bấy giờ nghiêm trang cẩn thận.
“Kinh thi” là một bộ tổng tập thơ ca hiện có sớm nhất của Trung Quốc, gồm hơn ba trăm bài được thu thập từ thời Tây Chu đến thời Xuân thu. “Chu nam”, “Triệu nam”, “Mân phong” trong “Chu tụng”, “Đại nhã”, “Tiểu nhã”, “Quốc phong” trong Kinh thi và một số bài ở những phần khác là tác phẩm thời Tây Chu. Những bài này, có bài là ca tụng được Chu thất dùng trên miếu đường, có bài là tiếng oán hận và hoan lạc của thành phần quý tộc, phần lớn những bài thơ trong “Quốc phong” bộc lộ chân tình của tầng lớp thứ dân bên dưới, và bài tỏ sự phẩn nộ, lên án giai cấp thống trị quý tộc. Phản ánh một cách tương đối toàn diện diện mạo cuộc sống xã hội đương thời và tình hình thực tế đấu tranh giai cấp. Đây là sản phẩm của sự phát triển kinh tế xã hội đương thời, cũng là biểu hiện quan trọng của tiến bộ văn hóa.
Thời Tây Chu, thơ ca và âm nhạc kết hợp với nhau. Trong Quốc phong, mười lăm loại dân ca mang tính địa phương, mỗi bài có đặc điểm, thanh điệu và phong cách khác nhau. Nhã và Tụng mỗi bài cũng có cách luật khác nhau, đều có thể kết hợp với nhạc ca hát, trở thành một bài nhạc nhất định. Những bài nhạc này trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành lễ nhạc mà Nhà nước chế định, dùng tương đối rộng rãi. Không chỉ có những buổi lễ trọng đại như tế lễ của Nhà nước, triều hội,… cần có vũ nhạc, mà trong những buổi yến tiệc mang tính xã giao bình thường của quý tộc cũng cần ca diễn những bài nhạc nhất định. Cho nên, trong giáo dục quý tộc thời bấy giờ đặc biệt xem trọng thơ và âm nhạc, điều này cũng có tác dụng thúc đẩy nghệ thuật và văn học phát triển.
Âm nhạc thời Tây Chu phát triển còn cho thấy các loại nhạc khí đa dạng phong phú và lý luận âm nhạc phát triển. Nhạc khí thời bấy giờ ngoài các nhạc cụ đánh gõ như chuông, khánh và các loại trống lớn nhỏ khác nhau, còn xuất hiện các loại nhạc cụ dây như cầm, sắt; nhạc cụ ống như sênh, vu.  Các âm gọi là kim, thạch, tơ, trúc, da thuộc, tất cả đều đầy đủ. Nhạc cụ tăng cần chú ý diễn tấu và hòa âm, lý luận âm luật cũng theo đó mà phát triển lên bước nữa.
Tục ngữ nói “lầu cao vạn trượng mọc lên từ mặt đất bằng”. Chính vì có cái nền văn hóa dầy dặn từ thời cổ đại xa xưa đến thời Tây Chu mới có văn hóa truyền thống Trung Quốc tinh thâm vĩ đại sau này.
2. Giai đoạn định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Văn hóa truyền thống Trung Quốc qua giai đoạn phát triển từ thời cổ đại đến thời Tây Chu, đến thời Xuân Thu xuất hiện sự thay đổi lớn khai thiên lập địa, đó chính là học thuyết Nho gia lấy tư tưởng Khổng Tử làm hạt nhân ra đời, cấu thành nên nhân tố trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Học thuyết này ra đời cũng làm cho văn hóa truyền thống Trung Quốc có linh hồn. Cũng có thể nói sự ra đời của nó đánh dấu nền văn hóa này bước qua khỏi thời đại non trẻ của nó, bước vào thời đại “trai tráng” huy hoàng. Thời đại trai tráng huy hoàng này cũng có thể gọi là thời kỳ định hình của văn hóa Trung Quốc.  Sau đây chúng ta sẽ nói về thời kỳ này.
(1). Xã hội thời kỳ Xuân Thu chuyển hình và học thuyết Nho gia ra đời
Sau khi Chu Bình Vương dời đô về đông, vương thất ngày càng suy yếu, thiên tử nhà Chu không còn sức khống chế chư hầu. Một số nước chư hầu lớn trên thực tế đã trở thành một nước độc lập, Chu Bình Vương ngược lại còn dựa vào các nước lớn này. Các nước chư hầu lớn này “khởi binh không mời thiên tử. Lấy cớ mang nghĩa của vương thất mà thảo phạt lập hội minh chủ”. Phát động chiến tranh tranh bá chủ.
Bá chủ đương thời trước sau có năm vị, đó là Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Tần Mục Công, sử gọi là “ngũ bá”. Tề Hoàn Công xưng bá nhờ Quản Trọng phò tá. Ông tiến hành một số cải cách trong nước, thế nước lớn mạnh; lại bắc phạt sơn nhung, bảo vệ nước Yên; đuổi Địch xâm lược, cứu Hình, Vệ, uy tín càng tăng. Tề Hoàn Công năm 651 tr. CN hội chư hầu ở Quỳ Khâu (nay là Lam Khảo Đông tỉnh Hà Nam), ký kết hiệp ước đồng minh. Hoàn Công trở thành bá chủ Trung Nguyên.
Sau Tề Hoàn Công, nước Tề suy yếu. Tống Tương Công muốn xưng bá, vì Sở mà bại. Tấn Văn Công biết dùng người tài giỏi, phát triển thương nông, giảm bớt xa hoa, làm cho nước Tấn lớn mạnh. Năm 632 tr. CN Tấn đánh bại Sở ở Thành Bộc (nay ở tây nam huyện Quyên Thành tỉnh Sơn Đông). Sau đó Tấn Văn Công hội chư hầu ở Tiễn Thổ (nay là Quảng Võ tỉnh Hà Nam). Tấn Văn Công xưng bá Trung Nguyên.
Sở là nước của tộc Man lưu vực Giang, Hán. Trước thời Xuân, trước sau tiêu diệt sáu nước nhỏ như Đặng, Hoàng, Giang, Lục, v.v.. Đến thời Sở Trang Vương, lấy Tôn Thúc Ngao làm tướng, chỉnh đốn nội chính, xây dựng thủy lợi, thế nước cường thịnh. Năm 597 tr. CN đánh bại Tấn ở Tất (nay ở bắc Trịnh Châu tỉnh Hà Nam). Từ đó Sở tiếp tục khuếch trương thế lực ra bên ngoài, “sát nhập hai mươi sáu nước, mở đất ba ngàn dặm”, trở thành bá chủ Trung Nguyên.
Thời Tần Mục Công, nước ngày càng mạnh. Nhưng phát triển về phía đông, vì nước Tấn cản trở, đành phát triển về đất Tây nhung, mở đất ngàn dặm, bá chủ Tây nhung.
Những năm cuối thời Xuân Thu, hai nước Ngô, Việt cũng đã từng đến Trung Nguyên tranh bá.
Mục đích căn bản của các nước lớn tranh bá là mở rộng phạm vi thế lực thống trị, tranh đoạt càng nhiều đất đai, dân số và tài sản. Nhân dân thời chiến tranh vô cùng cực khổ. Đặc biệt là những nước nhỏ ở giữa các nước lớn, ngọn lửa chiến tranh lúc nào cũng có thể đổ xuống đầu, vả lại còn phải thường xuyên cống nạp, đóng thuế. Gánh nặng này đều trút xuống người dân. Nhưng xem tổng thể tiến trình lịch sử này, nước lớn chiến tranh tranh bá xuất hiện nguyện vọng chủ quan của giai cấp thống trị, có tác dụng tích cực đối với việc kết thúc tình hình phân liệt các cứ do chế độ phân phong tạo thành và việc thiết lập chế độ trung ương tập quyền sau này. Trong chiến tranh tranh bá, rất nhiều nước nhỏ bị nước lớn thôn tín đẩy nhanh tiến trình thống nhất đất nước, tạo tiền đề cho sự thống nhất mang tính toàn quốc của Tần. Đồng thời, xóa bỏ dần chế độ phân phong trước đó, ở một số nơi đã thiết lập huyện, quận, điều này làm lay động cơ sở chính trị của xã hội nô lệ. Ngoài ra, trong chiến tranh tranh bá, sự giao lưu qua lại giữa các tộc người tăng, cũng đặt cơ sở cho sự dung hợp bước đầu giữa các dân tộc.
Thời kỳ Xuân Thu, sức sản xuất có bước phát triển mới, quan hệ sản xuất cũng có thay đổi. Xã hội nô lệ bắt đầu chuyển sang xã hội phong kiến.
Thời kỳ Xuân Thu, tiêu chí chủ yếu của sự phát triển sức sản xuất là sử dụng đồ sắt và mở rộng ngưu canh.
Luyện sắt bắt đầu từ đời Thương. Cuối thời Tây Chu sắt đã trở thành thứ thường thấy. Đến thời Xuân Thu đồ sắt đã dần dần được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt là nước Tề, kim, dao mà phụ nữ dùng, cày của nhà nông, rìu, cưa của thợ thủ công, v.v. đều làm bằng sắt.
Lúc này, kỹ thuật chế tạo sắt  rất phát triển. Lò luyện sắt dùng túi da thông gió, dùng than gỗ làm nhiên liệu để tăng độ nóng trong lò. Cuối thời Xuân Thu, thợ làm kiếm nước Ngô có thể luyện sắt thành kiếm bén. Đồng thời với sử dụng đồ sắt, ngưu canh cũng được mở rộng. Sử dụng đồ sắt và ngưu canh đã nâng cao năng lực cải tạo tự nhiên và đấu tranh với tự nhiên của con người. Chúng biến đất hoang thành đất canh tác, làm cho diện tích đất canh tác được mở rộng rất nhanh. Ngưu canh làm cho kỹ thuật canh tác có cải tiến. Cho nên năng xuất nông nghiệp tăng cao so với trước. Điều này tạo tiền đề vật chất cho sự tan rã chế độ nô lệ và sự ra đời chế độ phong kiến, cũng làm cho kinh tế cá thể tiểu nông từng hộ gia đình có khả năng trở thành cơ sở xã hội.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu phát triển lực lượng sản xuất và hình thức lao động tập trung quy mô lớn trên mảnh ruộng của nô lệ không còn thích ứng nữa, nô lệ không còn chịu lao động gắng sức trên ruộng công, hàng loạt ruộng công bị bỏ hoang hoặc hóa công thành tư. Đồng thời lúc đó người ta ồ ạc đến vùng đất mới khai hoang ngoài ruộng công, biến thành ruộng tư. Cơ sở kinh tế tồn tại dựa vào chế độ nô lệ – chế độ tỉnh điền – dần dần tan rã.
Cùng lúc đó các nước chư hầu để tăng tài chính thu nhập đã bắt đầu cải cách chế độ thuế khóa. Nước Tề khoảng trước thế kỷ VII tr. CN, thi hành “án điền nhi thuế”. Nước Lỗ năm 594 tr. CN thi hành “sơ thuế mẫu”. Nước Sở năm 548 tr. CN thi hành “thư thổ điền”, “lượng nhập tu phú”, nước Trịnh năm 538 tr. CN thi hành “tác khâu phú”, nước Tần năm 408 tr. CN thi hành “sơ tô hòa”. Điều này chứng minh rằng nhà thống trị khẳng định chế độ tư hữu ruộng đất trong chính sách của họ. Đồng thời, việc cải cách chế độ thuế này đánh dấu quan hệ sản xuất phong kiến bắt đầu hình thành.
Thời kỳ cuối Xuân Thu, chế độ tư hữu ruộng đất phát triển thêm bước nữa. Đấu tranh giai cấp ngày càng ác liệt, thúc đẩy sự phân hóa và đấu tranh trong nội bộ giai cấp thống trị. Ở nước Lỗ, Lý Tôn Thị, Thúc Tôn Thị và Mạnh Tôn Thị hiệu là “Tam hoàn”, hợp nhau chống lại công thất, sau đó khống chế chính quyền nước Lỗ. Nước Tấn thời Bình Công, chính quyền do sáu nhà Hàn, Triệu, Ngụy, Tri, Phạm, Trung Hành khống chế. Sau này ba nước Triệu, Hàn, Ngụy tiêu diệt Phạm, Tri, Trung Hành, khống chế Tấn thất. Năm 403 tr. CN, Chu Uy Liệt Vương thừa nhận ba nước chư hầu Triệu, Hàn, Ngụy, nước Tấn không còn nữa.
Điền thị nước Tề vốn là hậu duệ của công tử Hoàn. Công tử Hoàn thời Tề Hoàn Công tự chạy đến Tề. Đến giữa thời Xuân Thu, thế lực Điền thị dần dần mạnh lên, cho dân chúng nghèo khổ vay, cho mượn đấu lớn, thu về đấu nhỏ, làm như vậy để được lòng dân. Điền Khất dùng vũ lực đánh bại hai nhà Quốc thị và Cao thị của Tề, lập công tử Dương Sinh làm vua tức là Tề Điệu Công, Điền Khất làm tướng, nắm toàn bộ quyền quân sự chính trị của triều Tề. Sau khi Điền Khất chết, con trai của ông Điền Thường thế vị. Năm 481 tr. CN, Điền Thường lại làm cuộc chính biến, giết Tề Giản Công, lập Tề Bình Công, nhà họ Điền càng khống chế chính quyền nước Tề, vua nước Tề trở thành vua bù nhìn của họ Điền.
Cuối thời Xuân Thu đến đầu thời Chiến Quốc, giai cấp địa chủ mới đã nổi lên đấu tranh kịch liệt hàng loạt, giành được chính quyền ở các nước, trải đường đi cho chế độ phong kiến.
Trong hoàn cảnh chính trị biến động như vậy, học thuyết Nho gia ra đời. Người sáng lập học thuyết Nho gia là Khổng Tử.
Khổng Tử, họ Khâu, tự Trọng Ni, tổ tiên của ông là quý tộc nước Tống, sau đó chạy nạn đến nước Lỗ, thành người Lỗ. Cha của ông Thúc Lương Hột đã từng làm đại phu nước Lỗ. Khổng Tử còn nhỏ đã mất cha, gia đình sa sút, đã từng làm “ủy sử” quản lý kho và “thặng điền” trông coi bò dê, sau thời trung niên từng làm chức Tư Khấu. Sau khi từ chức đi chu du các nước, đến khắp nơi tuyên truyền học thuyết, cuối đời trở về nước Lỗ. Ông gần cả nửa đời đi giảng thuyết. Lời nói của Khổng Tử được học trò của ông ghi lại thành “Luận ngữ”. “Luận ngữ” là căn cứ chủ yếu để nghiên cứu tư tưởng Khổng Tử.
Khổng tử sống vào cuối thời Xuân Thu “lễ băng nhạc hoại”, ông cho rằng nhiệm vụ của ông là thống nhất thiên hạ bảo vệ thiên tử nhà Chu và xây dựng lại văn võ Chu Công. Ông nghiên cứu những thay đổi cải cách và lịch sử hưng suy của ba triều Hạ, Thương, Chu, đi đến kết luận “Ân nhân vu Hạ lễ”, “Chu nhân vu Ân lễ”. Ý nói chế độ ba đời đó là kế thừa nhau, tuy có giảm hoặc tăng nhưng về cơ bản là không thay đổi, từ đó cho thấy triều nhà Chu cũng tiếp tục bách thế không thay đổi, quyền uy thiên tử tất yếu phải khôi phục. Chư hầu, khanh, đại phu vượt quá bổn phận quyền uy của mình thì nên kết thúc. Ông chủ trương “thiên hạ hữu đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất”, “thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại phu”, “thiên hạ hữu đạo, tắc thứ dân bất nghị”. Đối với Khổng Tử để thực hiện mục đích này có hiệu quả phải dùng “chính danh”. Chính danh tức là, “chính” cái danh thống trị chế độ nô lệ, khiến cho vua tôi cha con phải ở đúng cái vị trí của mình, tuân thủ danh phận của mình, không vượt qua vị trí, không vượt qua lễ, để khôi phục và bảo vệ trật tự thống trị của Nhà nước chế độ nô lệ từ sau Ân Chu và chế độ đẳng cấp chế độ nô lệ. Khổng Tử cho rằng để thực hiện “chính danh”, chỉ đơn thuần dựa vào thủ đoạn chính trị thôi chưa đủ, vì vậy ông chủ trương ngoài “chính” và “hình” ra cần phải mượn “đức” và “lễ”, và lấy “đức” và “lễ” làm công cụ thống trị chủ yếu. Ông nói: “đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn chi vô sĩ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ thả cách”. Tức là nói dùng biện pháp chính trị hình phạt để trị dân, chỉ có thể giảm được tội phạm, nhưng không làm cho dân có lòng tự giác xấu hỗ; nếu dùng đạo đức và lễ giáo dẫn dắt nhân dân, thì người dân không chỉ tự giác, biết xấu hổ mà còn biết thành tâm quy phục. Khổng Tử cho rằng người làm chính trị chân chính có thể lấy “đức” trị nước, thì giống như các vì sao quay về chầu sao Bắc cực, sẽ được nhân dân ủng hộ.
Khổng Tử cho rằng, muốn thực hiện “đức trị” (lễ trị), tất yếu phải đề xướng “nhân”   học, tức là mỗi người tu dưỡng nội tâm, hình thành đức tính “nhân” hoàn mỹ vô khuyết. “Nhân” là hạt nhân tư tưởng lý luận Khổng Tử. Nhưng “nhân” không phải tất cả mọi người đều đạt được. Có thể thấy rằng, người tiểu nhân thuộc giai cấp bị trị căn bản là không nằm trong số người có nhân. “Nhân” là đức hạnh tốt đẹp của những nhân sĩ thượng tầng. Khổng Tử giải thích chữ “nhân” ở nhiều góc độ khác nhau, “nhân giả ái nhân”, “khắc kỷ phục lễ vi nhân” là hai định nghĩa chủ yếu nhất về chữ “nhân” của ông.
“Nhân giả ái nhân” bao hàm hai tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất là giữa quân tử với nhau phải thân nhau, yêu nhau, xem người khác bình đẳng với mình. Có hai cách làm cụ thể, một là “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, đây là mặt tích cực. Hai là “kỷ sở bất dục vật thi vu nhân”, đây là mặt tiêu cực. Kết hợp hai phương pháp này chính là đạo “trung thứ”  忠恕 của Khổng Tử. Tầng nghĩa khác đó là quân tử phải yêu thương tiểu nhân, tức là “phiếm ái chúng”. Chủ trương nhà thống trị phải “tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời”. Khổng Tử chủ trương “ái nhân” 爱人, mục đích là làm giảm mâu thuẫn giai cấp sâu sắc. Tuy nhiên, trong quan hệ xã hội đẳng cấp nghiêm trọng như vậy, Khổng Tử đề xuất tư tưởng “ái nhân”, ở một mức độ nhất định phản ánh ý thức trọng con người, có ý nghĩa tiến bộ nhất định. Tư tưởng này hợp với yêu cầu thay đổi địa vị thân phận của người lao động.
Ý nghĩa của “khắc kỷ phục lễ vi nhân” là phải tự khắc chế mình, để cho hành vi của mình phù hợp với quy phạm điều lễ, tất cả những điều không lễ như nghe, nhìn, nói, làm đều phải khắc chế, đây có thể xem là nhân đức. Làm được bước này mâu thuẫn nội bộ giai cấp thống trị mới điều hòa được, những tranh đoạt trong giới quý tộc chủ nô và giai cấp địa chủ mới từng bước xóa mờ, nhân dân cũng được cái gọi là ân huệ của giai cấp thống trị mà không đấu tranh nữa. Cho nên “nhân” học mà Khổng Tử đề xướng xuất phát điểm là điều chỉnh mối quan hệ giai cấp, ngăn chặn cách mạng, mục đích là duy trì sự thống trị của quý tộc chủ nô đang suy yếu. Ông kết hợp chặt chẽ chữ “nhân” trong phạm trù lý luận và chữ “lễ” trong phạm trù chính trị, hình thành một thể thống nhất không thể phân tách được.
Khổng Tử thiên về thiên mệnh, cho rằng trời có nhân cách, có ý chí, là chủ tể tối cao giới tự nhiên, con người không thể trái ý trời, tất cả đều do trời định.
Khổng Tử đề cao thiên mệnh, nhưng lại có thái độ hoài nghi đối với quỷ thần, “mạc năng sự nhân, yên năng sự quỷ”, “kính quỷ thần nhi viễn chi”, thể hiện ý chú trọng nhân sự và hiện thực.
Khổng Tử là một nhà giáo dục. Cả đời ông theo sự nghiệp giáo dục. Ông dạy học sinh lễ nhạc thi thư, lấy điều lễ trói buộc học trò. Khổng Tử liên kết giữa chính trị và giáo dục, làm công cụ bảo vệ chế độ nô lệ. Khổng Tử đề xướng “học nhi ưu tắc sĩ”, phản đối học sinh tham gia lao động sản xuất, khinh rẻ nhân dân lao động, quở mắng những thỉnh cầu học làm ruộng làm vườn, cho đó là “tiểu nhân”, điều này ảnh hưởng không tốt đến giáo dục đời sau.
Khổng Tử thu nhận đệ tử dạy học, cho dù là phục vụ cho mục đích chính trị của ông, nhưng do ông liên tục theo đuổi sự nghiệp dạy học, về mặt phương pháp dạy học và tư tưởng giáo dục đã tìm ra được những cái phù hợp với quy luật nhận thức, được người đời sau lấy đó làm gương.
Khổng Tử dạy học, mở trường tư, cống hiến trong việc đánh bại “học tại quan phủ”, giáo dục quý tộc lũng đoạn. Trong thực tế phá giới hạn đẳng cấp, lĩnh vực, chủng tộc, thu nhận con em nhà nông, dân thường vào học, đề xuất chủ trương “hữu giáo vô loại”. Đây là học thuật không thay đổi, kết quả tất yếu của xu hướng lịch sử thứ dân nghị chính, và việc đề xuất khẩu hiệu này thúc đẩy sự phát triển của xu hướng lịch sử.
Trong thực tiễn dạy học, Khổng Tử giáo dục học sinh không được không hiểu mà giả vờ hiểu, “biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, tức là biết vậy”. Đây là nguyên tắc quan trọng của ông trong giáo dục. Ông còn xem trọng kích thích tính tự giác chủ động của học sinh. Ông nói: “Tri chi giả bất như hảo chi giả, hảo chi giả bất như lạc chi giả”, ý nói là người biết đạo thì theo không kịp người yêu thích, người yêu thích theo không kịp người vui với thực hành. Ông còn xem trọng học tập với nhau, lấy dài thế ngắn, dạy cho học sinh phải “cứ hỏi đừng sĩ diện”.
Về mặt phương pháp giáo dục Khổng Tử có nhiều cống hiến đem lại hiệu quả cho người đời sau. Như “học nhi thời tập chi”, “ôn cố nhi tri tân”, “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” v.v., cho thấy ông rất chú ý dùng phương thức gợi ý để bồi dưỡng năng lực tư duy của học sinh. Trong giáo dục ông chủ trương “bất phẫn bất khải, bất phi bất phát”, tức là học sinh không đạt được trình độ không thể không học, không giảng cho anh ta; lúc muốn nói lại nói không ra thì không gợi ý cho anh ta. Ông yêu cầu học sinh có thể làm được “cử nhất phản tam” để tri thức học được có thể quán thông được. Khổng Tử còn chủ trương “nhân tài thí giáo”, có cách dạy khác nhau đối với học sinh có tư chất khác nhau, tức là “trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã”. Cũng tức là đối với người có trình độ bậc trung trở lên có thể giảng cho anh ta tri thức cao thâm, những người có trình độ không đạt đến bậc trung thì không nên truyền thụ cho anh ta tri thức cao thâm, có truyền thụ anh ta cũng không thể nào tiếp thu được. Trong dạy học Khổng Tử lấy tri thức bốn môn “đức hạnh, ngôn từ, chính sự và văn học” dạy người, đào tạo ra những nhân tài có học vấn.
Cả cuộc đời Khổng Tử theo đuổi học vấn, là một đại học giả “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, học trò của ông lấy câu “khéo dẫn dắt người từng bước” để ca ngợi ông. Để bảo tồn văn hóa, cũng vì nhu cầu dạy học, Khổng Tử thu thập, chỉnh lý các trước tác “thi”, “thư”, “lễ”, “nhạc”, “dịch”, “xuân thu”. Những văn hiến này là tài liệu quý báu để nghiên cứu chế độ điển chương cổ đại, tình hình xã hội kinh tế, chính trị, văn hóa. Công lao Khổng Tử chỉnh lý, bảo tồn di sản văn hóa Trung Quốc là rất lớn.
Đến đây, học phái Nho gia lấy Khổng Tử làm hạt nhân ra đời. Học phái Nho gia làm cho văn hóa truyền thống Trung Quốc đạt được thành tựu rực rỡ.
(2). Kỷ thuật khoa học thời Xuân Thu
Thời Xuân Thu, người ta có thể vận dụng một cách thành thục số học và bao nhiêu tri thức vào các hoạt động kiến trúc thành thị, đo lường đất đai, trưng thu thuế. Thiên văn lịch pháp cũng có tiến bộ lớn. “Xuân Thu” ghi lại rất rõ ràng hiện tượng nhật nguyệt thực, vào giữa năm 242 có ghi có 37 lần nhật thực, trong đó 30 lần được chứng minh là có thể tin cậy được. Lần đầu tiên nhất là nhật thực toàn phần ngày 22 tháng 2 năm 720 tr. CN, sớm hơn ghi chép của phương Tây là 135 năm. “Xuân Thu” năm Lỗ Văn Công mười bốn (năm 613 tr. CN) tháng bảy thu có ghi “tinh bội nhập ư Bắc đẩu”. Nhà thiên văn học công nhận đây là “sao chổi Ha-lây”ghi chép sớm nhất thế giới, sớm hơn ghi chép của Châu Âu hơn 670 năm. Trong “Tả truyện” ghi lại hai lần nhật nam chí (đông chí), một lần vào năm Lỗ Hy Công năm (năm 655 tr. CN), một lần vào năm Chiêu Công hai mươi (năm 522 tr. CN), một trăm ba mươi ba năm giữa hai lần này, có ghi tháng nhuận 48 lần, mất một lần nhuận, tính tổng cộng tháng nhuận 49 lần, đây chính là phương pháp thập cửu niên thất nhuận nổi tiếng. Nó không chỉ chính xác hơn lịch pháp đời Thương, mà còn dùng lịch pháp này sớm hơn Châu Âu một trăm sáu mươi bảy mươi năm.
Y học thời Xuân Thu cũng đạt được thành tựu cao. Phương pháp chẩn đoán bệnh đã có bắt mạch, xem sắc, nghe giọng, tả hình v.v.. Bác sĩ nổi tiếng có ghi lại như Y Hoãn, Y Hòa, v.v.. Y Hoãn và Y Hòa đều là danh y nước Tần. Y Hoãn đã từng trị bệnh cho Tấn Cảnh Công. Về sau, Tấn Bình Công lại lâm trọng bệnh, Y Hòa đến nước Tấn, sau khi chẩn đoán, xác định bệnh của Bình Công không phải do ăn uống sinh ra, cũng không phải do quỷ quái theo, mà là kết quả của tham luyến nữ sắc, dục vọng quá độ, không có thuốc cứu chữa, ít nhất ba năm, nhiều nhất mười năm sẽ phải chết. Đến năm thứ mười quả nhiên Bình Công không trị được nữa mà chết. Về mặt bệnh lý học, Y Hòa cho rằng lục khí âm, dương, phong, vũ, án, minh không điều hòa là nguyên nhân gây ra bệnh. Từ đó về sau trên cơ sở lý luận này các nhà y học phát triển thành lục tà (lục khí): phong, hàn, thử (nóng), thấp (ẩm ướt), táo (khô), hỏa, trở thành một trong những chứng cứ quan trọng trong tác phẩm y học nổi tiếng “Nội kinh – tố vấn”.
Văn hóa khoa học thời Xuân Thu, đặc biệt là thành tựu thiên văn lịch pháp và y học có ảnh hưởng rất lớn đến các thời đại sau.
(3). Sự xác lập chế độ phong kiến và trăm nhà đua tiếng
Thời Chiến quốc, chiến tranh giữa các nước càng ác liệt hơn. Để củng cố và tăng cường sự thống trị của giai cấp địa chủ, “phú quốc cường binh”, các nước trước sau đã thay đổi luật pháp ở mức độ khác nhau.
Nước thực hiện thay đổi luật pháp trước tiên là nước Ngụy, do Ngụy tướng Lý Khôi chủ trì. Nội dung chủ yếu của biến pháp là: thứ nhất, tiếp tục xóa bỏ chế độ thế khanh thế lộc; thứ hai, “tận lục giáo dục”, phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện “bình địch pháp”, cân bằng giá lương thực; thứ ba, chế định “pháp kinh”, tăng cường pháp trị. Nước Ngụy sau khi thay đổi luật pháp trở thành nước lớn mạnh nhất thời tiền Chiến quốc.
Sau đó, nước Sở dưới sự chủ trì của Ngô Khởi cũng tiến hành cải cách. Nội dung chủ yếu của cải cách là xóa bỏ chế độ “thế khanh thế lộc”, tăng cường xây dựng chế độ quan chức; cắt giảm nhân viên thừa; thực hiện chính sách thưởng phạt rõ ràng. Sau đó, các nước Triệu, Hàn, Tề, Yên v.v. cũng tiến  hành cải cách. Mục đích của những cải cách này đều là muốn xóa bỏ ảnh hưởng tàn dư của chế độ nô lệ, phát triển kinh tế, đổi mới chính trị, làm mạnh quân sự.
Trong các nước, nước Tần là nước có chính trị, kinh tế, quân sự lạc hậu nhất, nhưng để tranh hùng với sáu nước phía đông, Tần Hiếu Công tin dùng cải cách Thương Ưởng. Nội dung chủ yếu của cải cách Thương Ưởng là: thứ nhất, xóa bỏ tỉnh điền, lập bờ ruộng dọc ngang, thừa nhận ruộng đất tư hữu, cho phép mua bán ruộng đất; thứ hai, trọng nông ức thương, khuyến khích khai thác canh tác; thứ ba, dựa vào công trạng mà hưởng tước vị, xóa bỏ chế độ “thế khanh thế lộc”; thứ tư, thống nhất độ đo lường; thứ năm, ban hành pháp luật, thực hiện chế độ liên tọa; thứ sáu, thúc đẩy tiến hành phổ biến huyện chế; thứ bảy, cải cách xóa bỏ những tục cũ, cấm cha con, anh em ở cùng nhà; thứ tám, đốt kinh điển Nho gia, cấm lưu giữ trong nhân dân. Cải cách Thương Ưởng đạt được thành quả lớn, làm cho chính trị nước Tần được củng cố, kinh tế phát triển, quân đội cường mạnh, đạt đến trình độ “chư hầu đều sợ”, do vậy mà nước Tần sau này có thể tiêu diệt sáu nước, thống nhất Trung Quốc, xây dựng nền móng.
Sau khi các nước thực hiện cải cách thời Chiến Quốc, dần dần thành lập chế độ chính trị quân chủ tập quyền. Đặc điểm chủ yếu của chế độ này là, ở trung ương thành lập cơ cấu trung khu đứng đầu là tướng, chức quan chủ yếu có tướng , tướng , và các quan phân công cai quản binh, hình, tiền, cốc. Ở địa phương, dần dần thúc đẩy chế độ quận huyện, dưới quận là huyện. Quan đứng đầu quận gọi là “quận thủ”, nắm việc hành chính trong quận. Đứng đầu huyện gọi là “huyện lệnh”, nắm việc hành chính trong huyện. Quận thủ, huyện lệnh đều do trung ương bổ nhiệm. Như vậy, trung ương và địa phương như cánh tay khiển bàn tay, bàn tay khiển ngón tay, vận hành thoải mái, về mặt chế độ xóa bỏ ảnh hưởng tàn dư chế độ phân phong từ thời sau Tây Chu. Về mặt quân sự, các nước đều thực hiện chế độ trưng binh, số lượng quân đội tăng lên rất nhanh, quân sự luyện tập nghiêm khắc, quân quyền tập trung vào tay vua, lấy hỗ phù điều binh.
Thời kỳ Chiến Quốc việc xác lập mối quan hệ sản xuất phong kiến đã thúc đẩy sức sản xuất phát triển mạnh mẽ. Nhân dân lao động được giải phóng khỏi chế độ nô lệ hà khắc, lao động một cách nhiệt tình. Do vậy nền kinh tế xã hội mau chóng phồn vinh.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, đồ sắt được sử dụng phổ biến. Công cụ sản xuất nông nghiệp nông dân đời sau dùng như cày, rìu đều có đầy đủ. Việc sử dụng rộng rãi các công cụ sản xuất nông nghiệp bằng sắt rất có lợi cho quá trình khai khẩn đất hoang, nâng cao hiệu xuất canh tác, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thời Chiến Quốc, các nước đều chú trọng xây dựng thủy lợi. Như nước Ngụy có công trình dẫn nước Chương Hà, nước Tần có đập nước Đô Giang do Lý Băng xây dựng. Do thủy lợi phát triển, Hoàng Hà được đào, có thể thông Tống, Trần, Tào, Vệ, và gặp nhau với sông Tế, Nhữ, Hoài, Tứ, v.v, tây thông qua Hán thủy, Vân mộng trạch, đông thông qua Tế Thủy, nam thông qua Tam giang, Ngũ hồ. Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp có tiến bộ lớn, thể hiện chủ yếu ở các mặt thâm canh, bón phân, nắm vững nông thời, xem trọng kỹ thuật trồng trọt, v.v..
Thủ công nghiệp thời Chiến Quốc cũng rất phát triển. Ngoài thủ công nghiệp gia đình tức những gia đình vừa làm nông kết hợp thủ công, có thủ công nghiệp độc lập tách rời khỏi nông nghiệp, phân thủ công nghiệp nhà nước và tư nhân. Thủ công nghhiệp tư nhân là tính chất sản xuất hàng hóa, chủ yếu có các nghề làm muối, luyện sắt, đồ sơn, đồ đồng, đồ gốm, dệt may, chế tạo xe, thuyền, xây dựng, v.v..
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng phát triển, xuất hiện rất nhiều đại thương nhân lớn độc lập. Hàng hóa lưu thông phát triển, trên thị trường Trung Nguyên có thể mua được hàng hóa sản xuất từ các nước. Tiền tệ trung gian trao đổi cũng được dùng phổ biến, các nước đều có tiền đúc của nước mình, như đao tệ nước Yên, tề, bố tệ nước Hàn, Triệu, Ngụy, tiền tròn lỗ vuông của Tần và Chu, bính kim nước Sở, v.v.. Các nước đều quy định độ đo lường. Rất nhiều thành đô có tính chất đô thị thương nghiệp, và quy mô luôn được mở rộng. Ví dụ như đô Lâm Tri Thành nước tề có bảy mươi nghìn hộ dân rất phồn vinh hưng thịnh. Dùng ngôn ngữ hiện tại có thể hình dung là: nối vạt áo người với nhau có thể hợp thành trướng, giơ tay áo lên có thể hợp thành màn, mọi người nhất loạt vẩy mồ hôi thì giống như một trận mưa. Giữa các đô thị lại có con đường lớn tương thông, giao thông rất thuận tiện.
Thời Chiến Quốc, do xã hội kinh tế phát triển, xã hội đối diện với thời đại có biến cố lớn, quan hệ giai cấp, quan hệ xã hội đan xen phức tạp, các tầng lớp, các giai cấp đều cải tạo thế giới theo thế giới quan và ý chí của mình, thế là trong lĩnh vực văn hóa học thuật xuất hiện cục diện “trăm nhà đua tiếng”. Tham gia đua tiếng có rất nhiều học phái, mỗi học phái đại biểu cho giai cấp, tầng lớp, tập đoàn chính trị nhất định. Sử gọi các học phái này là “bách gia chư tử”, trong đó chủ yếu có Nho, Mặc, Đạo, Pháp, Danh, Âm Dương, Binh, Nông, Tung Hoành, Tạp, v.v.. Học thuyết Nho gia mà Khổng Tử là hạt nhân cũng trong trào lưu đua tiếng này mà đạt được sự phát triển bước đầu.
(4). Văn học nghệ thuật và khoa học thời Chiến Quốc
Chư tử thời Chiến Quốc hầu như đều là các nhà tản văn ưu tú. Họ hấp thu ngôn ngữ dân gian, tư tưởng thoáng đạt, ngôn ngữ phong phú. Trong đó được đánh giá cao nhất là bốn nhà văn Trang Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, có ảnh hưởng lớn đến đời sau.
Thơ ca thời Chiến Quốc đạt được thành tựu lớn. Nhà thơ nước Sở hấp thu tinh hoa của dân ca phương nam, dung hợp với truyền thuyết và thần thoại cổ đại, sáng tạo ra thể loại thơ mới “Sở từ”. Sở từ dùng phương ngôn, thanh điệu của nước Sở, viết những bài thơ, bài văn vần dài có phong cách dân gian và địa phương đặc sắc. Khuất Nguyên là nhà thơ tiêu biểu. Ông là người nước Sở, tên Bình. Tác phẩm của ông hiện lên hình ảnh sông núi, sản vật, phong tục và ca vũ của nước Sở, còn có nhiều thần thoại, truyền thuyết, quan trọng là phản ánh sâu sắc tình hình nước Sở thời biến loạn giữa và cuối Chiến Quốc, biểu hiện tình cảm của nhà thơ đối với quốc gia và dân tộc mình.
Hội họa thời Chiến Quốc cũng tương đối phát triển, chủ yếu là vẽ nhân vật, chim, thú, mây, rồng, thần tiên, …
Khoa hoc kỹ thuật thời Chiến Quốc cũng đạt thành tựu cao. Về thiên văn học có “Cam thạch tinh kinh”. Trong sách có ghi lại vị trí của một trăm hai mươi hằng tinh, so với kết quả quan sát ngày nay cũng tương đối chính xác.
Y học thời Chiến Quốc phát triển mạnh. Nhà y học đã hiểu giải phẩu nhân thể, biết tình hình nội tạng, huyết quản và tuần hoàn máu. Trị bệnh đã có nhiều phân khoa, như nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, … Phương pháp chẩn đoán đã biết vọng, văn, vấn, thuyết. “Hoàng đế nội kinh” phản ánh thành quả cao của y học đương thời. Nhà y học nổi tiếng là Biển Thước, ông không chỉ tinh thông nội khoa, mà còn hiểu biết về phụ khoa, nhi khoa, ngũ quan khoa. Sự tích trị bệnh của ông được người đời sau kể cho nhau nghe.
3. Thời kỳ văn hóa truyền thống Trung Quốc phồn vinh và suy yếu
Sau thời Chiến Quốc, văn hóa truyền thống Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển dài từ triều Tần cho đến cuối triều Thanh. Giai đoạn này kéo dài khoảng hai nghìn năm. Văn hóa truyền thống Trung Quốc trong giai đoạn này từ hoàn thiện đến phồn vinh, lại từ phồn vinh đi đến suy yếu. Sau đây chúng tôi phân giai đoạn để trình bày lịch trình này.
(1). Tần Hán: thời kỳ hoàn thiện của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Chúng tôi gọi thời Tần Hán là thời kỳ hoàn thiện của văn hóa truyền thống Trung Quốc có hai lý do: thứ nhất, về mặt chính trị chế độ trung ương tập quyền được thiết lập và củng cố; thứ hai, về mặt tư tưởng học thuyết Nho gia xác lập địa vị độc tôn.
a.     Xây dựng và củng cố chế độ trung ương tập quyền
Sau khi Tần thống nhất Trung Quốc, lấy chế độ nước Tần trước kia làm cơ sở, có bổ sung và phát triển thêm, tạo ra chế độ chính trị chủ nghĩa chuyên chế trung ương tập quyền có hệ thống và hoàn bị. Nội dung chủ yếu của chế độ này có ba mặt. Thứ nhất, vị thống trị tối cao của đất nước gọi là Hoàng đế, có quyền lực chí cao vô thượng. Mệnh lệnh của hoàng đế và những từ ngữ chuyên dùng tự xưng của hoàng đế không cho phép người khác sử dụng. Thứ hai, cơ cấu trung khu gồm có thừa tướng, thái úy, ngự sử đại phu, cùng với chư khanh phụng thường, lang trung lệnh, vệ úy, thái bộc, đình úy, thiếu phủ, tông chính, v.v.. Thứ ba, hành chính địa phương thiết chế hai cấp quận và huyện. Các quan chủ yếu của quận gồm quận thủ, quận úy và giám ngự sử. Các quan chủ yếu của huyện gồm huyện lệnh (trưởng), huyện thừa, huyện úy. Đơn vị cơ sở dưới huyện là hương, hương có tam lão lo việc giáo dục, sắc phu lo việc tư pháp và thu thuế, du khiếu lo việc trị an. Dưới hương còn có thập do mười hộ hợp thành, ngũ do năm hộ hợp thành. Hộ là chỉ một gia đình cá thể có nam làm ruộng nữ dệt vải.
Để phòng sự phản khán của quý tộc cũ, sau khi tiêu diệt sáu nước, Tần Thủy Hoàng áp dụng một số chính sách quan trọng, trong đó chủ yếu nhất là: thứ nhất, di dời quý tộc và hào phú của sáu nước cũ một trăm hai mươi nghìn hộ về các nơi Hàm Dương, Nam Dương, Ba Thục, v.v. diệt thế lực chính trị, kinh tế của họ; thứ hai, thu lại binh khí của sáu nước lưu tán trong nhân dân, tập trung đến Hàm Dương; thứ ba, phá hủy thành quách sáu nước thời chiến; thứ tư, xây dựng trì đạo trong phạm vi toàn quốc, lấy Hàm Dương làm trung tâm, phía đông đến Hà Bắc, Sơn Đông ngày nay, phía nam đến Giang Tô, Triết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam ngày nay, phía tây đến Cam Túc ngày nay, lại xây dựng đường thẳng, từ Cam tuyền thẳng đến Cửu Nguyên. Những con đường được xây chủ yếu là để phục vụ nhu cầu chính trị và quân sự.
Về mặt kinh tế Tần Thủy Hoàng còn áp dụng thống nhất tiền tệ, thống nhất độ đo lường, thống nhất xe cộ, thực hiện chế độ ruộng tư trên toàn quốc, biện pháp thu thuế theo mẫu. Chính sách văn hóa chủ yếu là thống nhất văn tự. Những chính sách này có tác dụng quan trọng đối với việc bảo đảm thu thuế, lao dịch của vương triều phong kiến, thúc đẩy phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.
Để tăng cường thống trị tư tưởng chính trị, Tần Thủy Hoàng nghe theo kiến nghị của thừa tướng Lý Tư, tập trung “thi”, “thư” và những lý luận của bách gia thiêu hủy, lịch sử gọi là “phần thư” (đốt sách). Năm thứ hai, Tần Thủy Hoàng đem chôn bốn trăm sáu mươi phương sĩ và Nho sinh, lịch sử gọi là “khanh Nho” (chôn sống Nho sinh). Biện pháp đốt sách chôn Nho tuy là vì củng cố thống nhất, ngăn chặn căn nguyên “dĩ cổ phi kim”, nhưng là phá hoại tàn khốc văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Sau khi chính quyền Tây Hán thành lập, kinh tế xã hội sa sút, số lượng lớn nông dân bỏ quê hương đi lưu vong, ngân khố trống rỗng, tài chính khó khăn. Trước tình thế bị tàn phá như vậy, nhà thống trị Tây Hán do Lưu Bang đứng đầu không thể không áp dụng chính sách giảm nhẹ thuế má, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định trật tự phong kiến. Chính sách này thực hiện mấy chục năm thời đầu nhà Hán, tình hình chính trị đất nước tương đối ổn định.
Thời Hán Vũ Đế chính trị, tài chính, sức mạnh quân sự của nhà nước phong kiến đều rất lớn mạnh. Nhưng mâu thuẫn và đấu tranh giữa trung ương và vua chư hầu, giữa giai cấp địa chủ và đông đảo nhân dân, giữa các dân tộc cũng ác liệt. Trước tình hình như vậy, Hán Vũ Đế tăng cường trung ương tập quyền hơn nữa. Về mặt chính trị, chủ yếu áp dụng biện pháp bốn phương diện. Thứ nhất, ở trung ương do Thượng thư lệnh, thị trung, cấp sứ trung, thường thị, v.v. trong cung thân tín của hoàng đế tham dự và quyết sách, hình thành “trung triều”, hoặc còn gọi là “nội triều”, quyền lực của thừa tướng giảm đi; cơ cấu trung khu trước đây gọi là “ngoại triều”, là cơ cấu chấp hành. Thứ hai, tăng cường giám sát địa phương. Phân cả nước thành mười ba khu giám sát, gọi là Châu (bộ). Thứ ba, thực hiện “thôi ân lệnh” và “phụ ích chi pháp”, phân cắt lãnh địa của vương chư hầu, hạn chế sự phát triển thế lực chính trị của vương chư hầu. Thứ tư, hình pháp nghiêm khắc, sử dụng “khốc sử”, khống chế và đánh vào thế lực quý tộc, quan liêu, cường hào, duy trì kỷ cương phong kiến. Về mặt kinh tế, áp dụng một số biện pháp cải cách mở rộng thu nhập tài chính. Về mặt quân sự, tăng cường sức mạnh quân sự trung ương. Trước sau hình thành kỳ môn quân, võ lâm quân, võ lâm cô nhi, dùng làm lực lượng vũ trang theo hoàng đế. Về mặt tư tưởng, “bài xuất bách gia, độc tôn Nho thuật”, dùng tư tưởng Nho gia để thống nhất và thống trị tư tưởng chính trị đạo đức nhân dân. Tín nhiệm sử quan, lấy tư tưởng Nho gia làm tiêu chuẩn tiến thối. Còn thành lập thái học, lấy kinh điển Nho gia làm sách vở, chiêu mộ thái học sinh, bồi dưỡng quan lại cho nhà nước phong kiến.
Sau khi Lưu Tú thành lập chính quyền Đông Hán, xét tới các quyền thần đương chính thời Tây Hán, ra sức tăng cường sức mạnh hoàng quyền, sức mạnh chủ nghĩa chuyên chế trung ương tập quyền.
Thứ nhất, ức chế công thần. Lưu Tú ban chức cao lễ hậu cho công thần, nhưng không cho họ tham dự việc quan trọng chính sự.
Thứ hai, giảm chức quyền tam công, mở rộng quyền lực thượng thư.
Thứ ba, tăng cường cơ cấu giám sát và khống chế các địa phương.
Thông qua những biện pháp trên, Lưu Tú tập trung quyền lực quân sự chính trị về trung ương, cuối cùng tập trung về tay hoàng đế, bảo vệ có hiệu quả quyền lực thống trị và bóc lột nhân dân.
Thời kỳ đầu Đông Hán xây dựng nước, kinh tế suy yếu, để ổn định trật tự xã hội, khôi phục sản xuất, củng cố nền thống trị phong kiến, Lưu Tú áp dụng hàng loạt các chính sách kinh tế xã hội.
Thứ nhất, phóng thích nô tỳ, ban bố mệnh lệnh cấm sát hại nô tỳ.
Thứ hai, thực hiện giảm binh giảm hành chính, nhẹ tô ruộng.
Thứ ba, thực hiện “độ điền”, tức là thanh tra ruộng đất, hộ khẩu, tuổi tác. Mục đích của biện pháp này là hạn chế số ruộng cường hào địa chủ chiếm và số lượng người nô dịch, và tiện cho Nhà nước thu thuế.
Hàng loạt biện pháp kinh tế, chính trị mà Hán Quang Võ Đế thực hiện có hiện quả rất lớn đối với việc tăng cường thống trị phong kiến, củng cố trung ương tập quyền.
b.     Xác lập địa vị độc tôn học thuyết Nho gia
Tần Thủy Hoàng để bảo vệ sự thống trị tập quyền trung ương đã thực hiện “đốt sách chôn Nho”, độc tôn Pháp gia, nghiêm cấm truyền bá học thuật riêng. Chính sách này khống chế tư tưởng, tàn phá văn hóa.
Thời kỳ đầu Tây Hán, học thuyết bách gia chư tử sôi động trở lại. Nhà thống trị phong kiến thời kỳ đầu Tây Hán để cho nhân dân sợ uy lực lật đổ sự thống trị nhà Tần, khôi phục kinh tế xã hội, ổn định thống trị phong kiến, đặc biệt tôn sùng tư tưởng “hoàng lão”.
Tư tưởng hoàng lão là một loại tư tưởng cổ. Theo “Sử ký”, sớm nhất có thể tìm về các cụ thời Chiến Quốc. Lục truyện đến Cái Công, Cái Công truyền cho Tào Tham. Kỳ thực, trở thành một hệ thống tư tưởng không thể chỉ giới hạn trong mối quan hệ thầy truyền cho đệ tử, mà nó đã sớm lưu truyền rộng rãi trong xã hội đương thời. Lục Giả, Tiêu Hà, Tào Tham đều là những người tôn thờ tư tưởng cổ xưa. “Tân ngữ” của Lục Giả là tác phẩm đại biểu của tư tưởng cổ xưa này.
Đặc điểm chủ yếu của tư tưởng cổ là lấy vô vi mà trị. Loại tư tưởng này chiếm địa vị chi phối đầu thời Hán, điều này do điều kiện chính trị, kinh tế thời kỳ đầu nhà Hán quyết định: một là kinh tế chưa khôi phục; hai là thế lực chư hầu lớn mạnh; ba là thế lực quý tộc Hung Nô uy hiếp. Sau khi trải qua giai đoạn này, đến thời Hán Vũ Đế, kinh tế đã khôi phục và đi đến phát triển, thế lực của chư hầu đã suy yếu, trung ương tập quyền đã được củng cố, vương triều Tây Hán đã đủ sức mạnh để chống lại Hung Nô quấy nhiễu. Sau khi tình hình thay đổi, tư tưởng cổ xưa đã không còn thích hợp với thời kỳ mới, thế là bị phái Nho học mới thay thế.
Người tạo ra phái Nho học mới là Đổng Trọng Thư. Ông là người Quảng Xuyên (nay là tỉnh Hà Bắc), làm tiến sĩ thời Hán Cảnh Đế. Thời Hán Vũ đế chiêu mộ hiền tài học sĩ, ông với tư cách hiền tài  dâng “thiên nhân tam sách”, triển khai một cách có hệ thống tư tưởng triết học chủ nghĩa duy tâm và tư tưởng chính trị tôn quân, có tác phẩm “Xuân thu phồn lộ”.
Đổng Trọng Thư nói yêu cầu phàm không phải là học thuyết Nho gia Khổng Tử đều phải bỏ hết, làm cho Nho học trở thành tư tưởng chỉ đạo “đại thống nhất”. Hán Vũ đế chuẩn theo lời tấu của ông, bắt đầu thi hành chính sách trị quốc “phế truất bách gia, độc tôn Nho thuật”. Từ đó tư tưởng Nho gia trở thành độc tôn.
Tư tưởng Đổng Trọng Thư có các mặt sau:
Thứ nhất, Đổng Trọng Thư cho rằng vua người thọ mệnh trời, thực hiện thống trị. Nếu vua vô đạo, thì trời giáng họa xuống để cảnh cáo và làm khiếp sợ. Nếu vua không hối cải trước những tai họa đó thì sẽ “ tổn hại”. Cho nên vua phải “hành đạo”. Đây chính là học thuyết “thiên nhân cảm ứng” của ông. Ông cho rằng sách “Xuân thu” ghi những tư liệu hiện tượng thiên văn trong thời kỳ dài, tập trung rất nhiều nội dung về mối quan hệ giữa trời và người, cho nên đời sau nói đến họa khác thường phải lấy “Xuân thu” làm căn cứ.
Thứ hai, Đổng Trọng Thư chủ trương “đại nguyên của đạo từ thiên mà ra, thiên không thay đổi, đạo cũng không thay đổi”. Đây không chỉ là vũ trụ quan mà còn là lịch sử quan của ông. Ông cho rằng triều Tần là loạn thế, giống như “gỗ mục tường nát”, không thể chỉnh đốn được, triều Hán lên thay, mới có thể “thiện trị”, đây gọi là “cánh hóa”. Cánh hóa không chỉ biểu hiện ở chỗ thay đổi sắc phục, chế độ lễ nhạc, mà còn biểu hiện ở chỗ bỏ những tệ nạn trong chính sách triều Tần. Cũng tức là nói, thay đổi mà không ảnh hưởng đến lý luận thiên đạo bất biến, không ảnh hưởng đến cơ sở thống trị phong kiến.
Thứ ba, về vấn đề nhà vua phải nên cai trị như thế nào, ông chủ trương làm theo đạo trời. Theo ông cái lớn nhất của đạo trời là âm dương, dương là đức, âm là hình, cho nên nhà vua cai trị phải vận dụng cải hai âm dương, đức hình đều dùng. Thiên đạo lấy dương làm chủ, lấy âm hỗ trợ cho dương, cho nên nhà vua cai trị cũng nên lấy đức làm chủ, lấy hình bổ trợ cho đức. Cái mà ông gọi là đức chủ yếu là chỉ nhân, nghĩa, lễ, nhạc, nhân luân cương thường. Ông dựa vào quân thần, phu phụ, phụ tử làm tam cương của vương đạo, và cho rằng tam cương có thể cầu ở trời, tương ứng với thiên địa, âm dương, đông hạ, không thể thay đổi. Ông chủ trương lập trường học để giáo hóa rộng rãi, bởi vì đây là cái hoàn bị nhất củng cố sự thống trị phong kiến.
Học thuyết của Đổng Trọng Thư trên cơ bản là mượn tư tưởng âm dương gia giải thích lại kinh điển Nho gia. Học thuyết Nho gia loại mới này phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, chính trị từ sau thời Hán Văn, Cảnh đế, có tác dụng tích cực đối với việc thống nhất củng cố quốc gia. Chủ trương “cánh hóa” và “dĩ đức vi chủ dĩ hình bổ đức” của ông có thể giúp ngăn ngừa bạo chính, làm hòa dịu áp bức bóc lột nhân dân. Nhưng hạt nhân tư tưởng của Đổng Trọng Thư là bảo vệ trật tự phong kiến, thần hóa chuyên chế hoàng quyền, cho nên học thuyết của ông cuối cùng cũng là công cụ thống trị của giai cấp địa chủ.
Từ sau khi Hán Vũ đế loại bỏ bách gia, độc tôn Nho thuật, kinh học hưng thịnh trở lại. Thời kỳ đầu nhà Hán kinh điển Nho gia chỉ có thể nhờ vào học trò học thuộc lòng ghi lại mà còn tồn tại, lại ghi lại bằng thứ văn tự “khang thư” thông dụng lúc bấy giờ. Sau đó, vẫn là thời Hán, ở nơi ở cũ của Khổng Tử phát hiện kinh điển Nho gia được lưu lại từ thời Chiến quốc. Những kinh điển này đều được viết bằng thứ văn tự cổ thời chiến quốc, nên được gọi là “Cổ văn kinh”, những kinh thư viết bằng thứ chữ khang được lưu lại do học trò học thuộc được gọi là “kim văn kinh”.
Kim văn kinh và cổ văn kinh không chỉ hình thể chữ khác nhau, mà các chương kinh cũng có khác biệt, và giải thích nội dung kinh học cũng có sự khác biệt lớn. Kim văn kinh học “vi ngôn đại nghĩa”, phát huy ý nghĩa hiện thực của kinh văn,  cổ văn kinh học thì xem trọng chương cú huấn hỗ của kinh văn, xem kinh điển Nho gia là thứ tư liệu lịch sử cổ đại, bao gồm rất nhiều chế độ chính trị xã hội cổ đại nên noi theo. Giữa hai phái có giới hạn rất nghiêm khắc, cũng có phương pháp học thuật khác nhau, gọi là “gia pháp”. Kim văn kinh học xuất hiện tương đối sớm, mà Đổng Trọng Thư đã nhờ kim văn kinh “xuân thu công dương truyện” mà được Hán Vũ đế vận dùng, cho nên trước kiến nghị của Đổng Trọng Thư mà lần lược được lập làm học quan. Ví dụ như “thi” có ba nhà Tề, Lỗ, Hàn; “thư” có Âu Dương, Đại tiểu hạ hầu; “dịch” có Thi, Mạnh, Lương Khâu; “lễ” có Đại tiểu Đới; “Xuân thu” có Công Dương, Cống Lương, v.v., trước sau đều được lập tiến sĩ. Cổ văn kinh xuất hiện sau, gặp sự bài xích của phái Kim văn kinh, trong thời gian dài không được lập làm học quan. Quan điểm giữa hai học phái và vấn đề tranh lợi lộc đan xen nhau. Thời Hán Thành đế phái người đi thu thập các sách còn lưu giữ trong thiên hạ, cha con Lưu Hướng, Lưu Hâm đảm nhiệm công tác chỉnh lý số lượng lớn sách thu thập được, còn phát hiện Cổ văn kinh thư “Xuân thu tả thị truyện”, “Mao thi”, “Dật lễ”, v.v.. giữa hai phái này đã có những cuộc tranh luận. Sau đó Vương Mãng chấp chính, rất cần những căn cứ cải cách chế độ từ trong kinh thư, Lưu Hâm lại là nhân vật quan trọng của tập đoàn Vương Mãng, cho nên Cổ văn kinh học “Xuân thu tả thị truyện” v.v. cũng được lập học quan. Cuộc đấu tranh giữa hai phái Kim Cổ văn kinh kéo dài mãi đến Đông Hán. Thực chất của sự đấu tranh này là tranh sủng ái, xem ai được nhà thống trị tối cao sủng ái. Do chúng thống nhất nhau ở điểm căn bản là phục vụ thống trị phong kiến, nên những năm cuối Đông Hán có xu hướng hợp lại.
Biểu hiện ở mặt khác của sự thịnh đạt Kinh học đó là kinh học sấm vĩ hóa được bắt đầu từ Kim văn kinh học. Đổng Trọng Thư lúc tuyên dương chủ trương của họ, giảng về điềm lành điềm dữ, đó là điểm khởi đầu, đến những năm cuối Tây Hán xuất hiện học thuật về sấm vĩ. Sấm là lời đoán kì dị dựa vào thiên mệnh. Vĩ đối lập với kinh, là sách mượn danh Khổng Tử lấy những lời kỳ dị giải thích kinh. Nội dung của sấm vĩ có giải kinh, có học thuật, có luận thiên văn, lịch số, địa lý, nhiều nhất là nói về những chuyện lạ thần linh, trong đó có tư tưởng âm dương ngũ hành. Những nội dung này ngoài bao hàm một số tri thức khoa học tự nhiên có ích và truyền thuyết cổ sử ra, phần lớn là những giải thích nhiệm ý hoang đường khiên cưỡng. Vương Mãng, Lưu Tú xưng đế, đều lợi dụng vào sấm vĩ này. Lưu Tú lấy sấm vĩ làm công cụ thống trị quan trọng, thậm chí xuống chiếu, thực thi các biện pháp chính trị dùng người, dùng những lời sấm khiên cưỡng. Sấm vĩ trên thực tế vượt qua địa vị kinh thư. Lưu Tú ban bố đồ sấm trong thiên hạ, làm cho nó trở thành kinh điển pháp định. Hán Chương đế hội nhà Nho ở Bạch Hỗ Quan, thảo luận ý nghĩa kinh, do Ban Cố viết thành sách “Bạch Hỗ thông đức luận”, bộ sách này tập hợp có hệ thống học thuật sấm vĩ và âm dương ngũ hành, làm cho nó và Kim văn kinh học hợp thành một. Học thuật sấm vĩ phủ lên học thuyết Nho gia màu sắc thần bí, là một sự phân kỳ trong lịch sử phát triển Nho gia.
c.     Sự hưng khởi của Phật giáo và Đạo giáo
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, cuối thời Tây Hán truyền vào Trung Quốc qua Trung Á. Thời kỳ đầu Phật giáo truyền vào Trung Quốc, tín đồ phần nhiều là vua chúa quý tộc, lúc đó người ta xem Phật giáo là một loại thờ tự, gần giống như phương thuật thần tiên, vả lại còn lý giải ý nghĩa giáo lý Phật giáo là thanh hư vô vi, giống như học thuyết hoàng lão.
Thời Đông Hán, những tư tưởng vu thuật và học thuyết hoàng lão trong dân gian kết hợp lại, dần dần hình thành tư tưởng đạo giáo thời kỳ đầu và các trước tác phản ánh tư tưởng này. Thời Đông Hán, “Thái bình thanh dự thư” là kinh điển chủ yếu của Đạo giáo. Nó phần lớn là dựa vào học thuyết âm dương mà giải thích đạo trị quốc, “Thái bình thanh dự thư” còn tuyên truyền đem tài sản cứu người nghèo, phản ánh nguyện vọng mong muốn cuộc sống tốt đẹp của nhân dân nghèo khổ, dễ dàng cho tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ hiểu và tiếp thu.
Cùng lúc đó, còn xuất hiện một phái khác của Đạo giáo, là đạo năm đấu gạo.
d.     Sử học, văn học và nghệ thuật
(Nói về Sử ký, Hán thư, tản văn, v.v..)
e.     Sự phát triển khoa học kỹ thuật
(Nói về bốn khoa học truyền thống cổ đại Trung Quốc: nông, y ,thiên, tính)
(2). Tam Quốc Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều: dung hợp văn hóa
Chúng tôi gọi thời kỳ Tam Quốc Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều là thời kỳ dung hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc, có ba lý do: thứ nhất, thời kỳ này các dân tộc thiểu số phía bắc ồ ạc di chuyển vào và bị Hán hóa, xuất hiện sự dung hợp giữa văn hóa các dân tộc thiểu số và văn hóa Hán; thứ hai, thời kỳ này tư tưởng Nho gia suy yếu, một số Nho sĩ thích ứng với nhu cầu của giai cấp địa chủ, dùng tư tưởng Đạo gia giải thích kinh điển Nho gia, xuất hiện sự dung hợp tư tưởng Nho gia và tư tưởng Đạo gia; thứ ba, cùng với sự du nhập mạnh mẽ của Phật giáo, xuất hiện sự dung hợp văn hóa Đông Tây đương thời.
a.      Hán hóa dân tộc thiểu số
b.      Sự ra đời của Huyền học
c.      Sự phát triển Phật giáo và Đạo giáo
d.      Sự phát triển văn học nghệ thuật
e.      Sự phát triển khoa học kỹ thuật
 (3). Tùy Đường: thời kỳ văn hóa phồn vinh
Chúng tôi gọi thời Tùy Đường là thời kỳ văn hóa truyền thống Trung Quốc phồn vinh là bởi vì thời kỳ này chính trị cường thịnh, kinh tế văn hóa phồn vinh.
a.     Chính trị cường thịnh
Về phương diện chính trị, nội dung của cải cách bao gồm:
-         Cải cách quan chế trung ương
-         Địa phương lập châu, huyện
-         Cải cách binh chế
-         Chế định luật mới
-         Khoa cử tuyển sĩ
Thời kỳ đầu nhà Đường, Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông chế định, ban hành hàng loạt chế độ chính trị, kinh tế. Về mặt chính trị, nhà Đường kế thừa nhà Tùy. Nhà đường cải cách: quan chế, binh chế, mở mang trường học, khoa cử tuyển sĩ, …
b.     Sự phồn vinh nền kinh tế Tùy Đường
Nông nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông, mậu dịch, v.v. phát triển mạnh.
c.     Sự phồn vinh văn hóa
Thời Tùy Đường văn hóa tôn giáo rất phát triển. Để tăng cường thống trị dân chúng về tinh thần, các nhà thống trị đời Đường tích cực mở mang tín ngưỡng tôn giáo.
Đạo giáo Trung Quốc tôn Lý Nhĩ làm giáo chủ, hoàng thất triều Đường cũng họ Lý, họ lấy Đạo giáo cũng cố vương quyền. Đạo giáo đặc biệt phát triển ở thời Huyền Tông. Huyền Tông ra lệnh vẽ hình Lão Tử, tôn đệ tử của Lão Tử là Chân nhân, thiết lập thế lực cho Đạo giáo. Hai kinh và các châu huyện phủ lúc đó đều có xây miếu Huyền Nguyên hoàng đế, cả nước có 1687 Đạo quán, Đạo sĩ có hơn 15.000 người. Đời Đường không ít hoàng đế chết vì ăn tiên đơn do các đạo sĩ luyện thành, nhiều hoàng đế sủng ái đạo sĩ vì mê tín pháp thuật.
Phật giáo đời Đường đến thời Vũ Chu thì được sủng ái, vượt lên trên Đạo giáo. Phật giáo đời Đường chủ yếu gồm các phái Thiên Thai tông, Pháp Tương tông, Hoa Nghiêm tông và Thiền tông.
Thời kỳ này văn, sử, nghệ thuật đều rất phát triển.
(4). Ngũ Đại đến Thanh: thời kỳ dậm chân tại chỗ và suy yếu
Sau đời Đường văn hóa truyền thống Trung Quốc có chiều hướng đi xuống, có bốn nguyên nhân chính:
Thứ nhất, chủ nghĩa chuyên chế phát triển mạnh kiềm hãm tư tưởng. Bắt đầu từ Bắc Tống đến Minh Thanh, các triều đại tăng cường thống trị chuyên chế, làm cho tư tưởng của quần chúng bị trói buộc.
Thứ hai, chiến tranh kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa. Từ cuối triều Đường đến Thập Quốc Ngũ Đại, Tống, Liêu, Hạ, Kim, Nguyên, khu vực Hoàng Hà thường xuyên xảy ra chiến tranh.
Thứ ba, khoa cử tuyển chọn hiền tài hai triều Minh Thanh, người ta chuyên nghiên cứu bác cổ, thi lấy công danh, không quan tâm đến học vấn thực tế, gây trở ngại cho phát triển văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Thứ tư, nhà thống trị thực hiện chính sách bế quan tự thủ, cản trở văn hóa truyền thống Trung Quốc tái sinh và phát triển.
a.      Sự phát triển kỹ thuật thủ công nghiệp
b.      Tư tưởng triết học
c.      Sử học và văn học
d.      Loại thư và tòng thư
e.      Sự phát triển khoa học kỹ thuật
4. Giai đoạn chuyển hình và tái sinh của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Sau chiến tranh nha phiến, văn hóa truyền thống Trung Quốc bước vào thời kỳ chuyển hình và tái sinh. Gọi là chuyển hình tức là trước sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, văn hóa truyền thống Trung Quốc không thể không thay đổi quỹ đạo vận hành trước đây. Gọi là tái sinh tức là văn hóa truyền thống Trung Quốc mang diện mạo mới thích ứng với tình hình mới. Trong thời kỳ này, có ảnh hưởng lớn đến văn hóa truyền thống Trung Quốc, đó là: chiến tranh Nha phiến, phong trào Dương vụ, phong trào Duy tân biến pháp, cách mạng Tân Hợi, phong trào Ngũ tứ văn hóa mới. Sau đây, chúng tôi nói về những phong trào, sự kiện ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống Trung Quốc.
a.     Chiến tranh nha phiến và phong trào dương vụ
Thời kỳ chiến tranh Nha phiến. Năm 1840 chiến tranh Nha phiến bùng nổ, mở toang cánh cửa đóng chặt của Trung Quốc. Văn hóa phương Tây cận đại do thực lực hùng hậu tỏ ra tính ưu việt của nó. Văn hóa phương tây mở con đường chinh phục thế giới bằng phương thức dã man, nó dùng sợi dây điều ước bất bình đẳng, mang tính xâm lược và nô dịch để đẩy dân tộc Trung Hoa vào trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa, đồng thời cũng đưa văn hóa truyền thống Trung Quốc vào trong hệ tham chiếu mới. Văn hóa truyền thống Trung Quốc đối diện trước thử thách trước đây chưa từng có. Từ đó về sau, những người Trung Quốc tiên tiến đại biểu như Lâm Tắc Từ đối diện với hiện thực, mở mắt ra nhìn thế giới, bắt đầu quá trình gian khổ học tập phương Tây.
Lâm Tắc Từ (1785 – 1850), cha của ông làm nghề dạy học, gia cảnh thanh hàn. Lâm Tắc Từ từ nhỏ đã cần cù hiếu học, năm 1811 đỗ tiến sĩ, đã từng làm quan ở các nơi như Chiếc Giang, Giang Tô, Hà Nam, Quảng Đông, Thiểm Tây, Vân Nam, v.v., đảm nhiệm qua các chức đạo viên, bố chính sử, tổng đốc, v.v.. Tháng 3 năm 1839, Lâm Tắc Từ làm khâm sai đại thần đến Quảng Châu lãnh đạo một cuộc đấu tranh vĩ đại cấm thuốc chống Anh. Tại Quảng Châu, Lâm Tắc Từ đụng độ trực tiếp với chủ nghĩa tư bản phương Tây, ông dần dần nhận ra rằng, đóng cửa không thể giữ biên cương bảo vệ đất nước, chỉ có hiểu phương Tây, biết mình biết người, mới có thể chống lại ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Do vậy, ông một mặt phái người đến vùng Quảng Châu thăm dò tin tức của giặc, đến Áo Môn tìm hiểu động thái các nước phương Tây, mua sách vở, báo chí của phương Tây, một mặt tổ chức lực lượng tiến hành phiên dịch, biên soạn “Hoa sự di ngôn”, “Tứ châu chí”, “luật lệ các nước”. Lâm Tắc Từ học một cách như khát như đói các tài liệu này, tìm cơ hội trực tiếp tiếp xúc với người ngoại quốc tìm hiểu tình hình, từ đó mà thu nhận được các tri thức về nhiều mặt  như chính trị, quân sự, kinh tế v.v. của các nước phương Tây. Trên cơ sở này, ông đề xuất chủ trương “học tập giặc để chống giặc”. Ông đến Áo Môn và Xingapore mua đại pháo 200 môn do phương Tây chế tạo, dùng để trang bị các pháo đài, còn mua thuyền chiến của phương Tây chế tạo, tổ chức nhân lực bắt chước chế tạo vũ khí loại mới của phương Tây, để tăng cường sức mạnh quân sự. Lúc đó, xã hội Trung Quốc tối tăm lạc hậu, vương triều nhà Thanh trên là hoàng đế, dưới là cả bọn quan đại thần đều vì “thiên triều”, che mắt bịt tai, chẳng biết một tý gì về thế giới bên ngoài Trung Quốc. Họ không biết lạc hậu, lại còn nói những kỹ thuật tiên tiến của phương Tây là “kỹ thuật kỳ lạ dâm xảo”, ngoan cố bài xích. Trước tình hình này, Lâm Tắc Từ đề xướng học tập khoa học kỹ thuật phương Tây, có thể gọi là nhìn xa trông rộng.
Ngụy Nguyên (1794 – 1857), người Hồ Nam, xuất thân trong gia đình địa chủ. Trong chiến tranh Nha phiến ông từng làm mộ liêu. Chiến tranh nha phiến thất bại, Ngụy Nguyên vô cùng đau buồn. Để đất nước mạnh lên ông chủ trương học tập phương Tây, phát triển công nghiệp quân sự dân tộc, cải tiến thiết bị quốc phòng và trang bị vũ khí để tăng cường khả năng phòng vệ. Ông đề xuất rất nhiều phương pháp thực thi và kiến nghị cụ thể. Ví dụ như hỏa khí phương Tây phải học tập, ngoài ra, phàm những gì có ích cho dân dùng đều phải học tập, nhập vào và chế tạo. Cách suy nghĩ của Ngụy Nguyên phản ánh nguyện vọng mãnh liệt, mong muốn Trung Quốc phồn vinh cường mạnh của người Trung Quốc tiên tiến lúc bấy giờ, đây là tích cực, là tiến bộ. Tư tưởng phú quốc cường binh của Ngụy Nguyên có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau.
Do những đề xướng của một số người như Lâm Tắc Từ, Ngụy Nguyên, việc nhập kỹ thuật quân sự phương Tây đã đạt được thành quả bước đầu. Từ chiến tranh Nha phiến đến năm 1861, chế tạo vũ khí và những chiến thuật công phòng có liên quan đến phương Tây xuất hiện. Học tập nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự chủ yếu là do một bộ phận phần tử tri thức tiến bộ tự giác làm, mục đích của họ chính là phú quốc cường binh, ngăn cản sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản, trong tình hình lúc bấy giờ điều này thật đáng quý.
Thời kỳ phong trào Dương vụ
Hai lần thất bại chiến tranh Nha phiến, khiến cho lớp sĩ tri thức của giai cấp thống trị triều Thanh bỏ thái độ tự cao tự đại, họ thử học tập khoa học kỹ thuật tiên tiến của chủ nghĩa tư bản phương Tây để bảo vệ sự thống trị của chủ nghĩa phong kiến. Nhân vật đại biểu có Lý Hồng Chương, Trương Chi Đồng, v.v.. Họ cho rằng Trung Quốc muốn được tự cường ắt phải học vũ khí sắc bén của nước ngoài, muốn học tập vũ khí sắc bén của nước ngoài chi bằng tìm vũ khí chế tạo. Thế là, bắt đầu từ niên đại 60 thế kỷ XIX, những người này ồ ạt bắt chước phương pháp của các nước chủ nghĩa tư bản phương Tây, chế tạo pháo và thuyền loại mới, luyện tập lục quân và hải quân theo cách mới, làm công nghiệp quân sự cận đại và xí nghiệp dân dụng, mở đường sắt, bưu điện, trường học, cho học sinh ra nước ngoài du học, làm thành một cao trào Dương vụ.
Phong trào Dương vụ trước sau được ba mươi năm, đại thể được chia thành hai giai đoạn. Từ niên đại 60 đến niên đại 70 là giai đoạn một của phong trào Dương vụ. Giai đoạn này chủ yếu là “tự cường”, đồng thời với việc mua pháo súng nước ngoài, phái Dương vụ còn xây dựng hàng loạt công nghiệp quân sự ở các tỉnh An Huy, Giang Tô, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Cam Túc, v.v., trong đó, nổi tiếng nhất là Tổng cục chế tạo Giang Nam do Lý Hồng Chương bắt đầu lập ra ở Thượng Hải năm 1865 và Cục cơ khí Kim Lăng lập ra ở Vũ Hoa Đài Nam Kinh; cục chính trị thuyền Phúc Châu do Tả Tôn lập ra ở Phúc Châu năm 1866; cục cơ khí Thiên Tân do tam quốc thông thương đại thần Sùng Hậu lập ra ở Thiên Tân năm 1867. Sau đó các tỉnh củng cố lại lực lượng vũ trang trong nội hạt mình quản lý, cũng rầm rộ tự liệu kinh phí, từ năm 1869 đến năm 1890 tiếp tục thành lập các cục cơ khí, cục thuốc pháo, cục súng đạn ở Tây An, Phúc Kiến, Lan Châu, Quảng Đông, Sơn Đông, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Các Lâm, Triết Giang, Vân Nam, Sơn Tây, Đài Loan, Hồ bắc, v.v., tổng số có hơn mười bảy cục, trong đó lớn nhất là xưởng pháo súng Hồ Bắc do Trương Chi Đồng lập ra ở Hồ Bắc năm 1890. Những xí nghiệp này trên đại thể là sản xuất cơ khí dựa vào tổ chức công xưởng tư bản chủ nghĩa phương Tây, sản phẩm của nó tuy không phải là hàng hóa, nhưng sức lao động mà công nhân bán ra là hàng hóa, nó mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Loại công nghiệp quân sự do quan lại làm pha trộn chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa phong kiến là hình thức trung gian mà xí nghiệp phong kiến chuyển mình lên xí nghiệp tư bản, công nghiệp quan  phủ thuê lao động sản xuất cơ khí đã không giống với ngày trước, đây là bước mở đầu của công nghiệp cận đại Trung Quốc.
Từ niên đại 70 đến niên đại 90 là giai đoạn thứ hai của phong trào Dương vụ. Giai đoạn này lấy phương châm “cầu phú”. Chính phủ nhà Thanh bắt đầu kinh doanh và đề xướng các hạn mục khai thác quặng, vận chuyển, dệt may, luyện gang, v.v., xí nghiệp dân dụng chủ yếu có công ty vận chuyển Đệ Nhất Gia cận đại Trung Quốc thành lập ở Thượng Hải năm 1870; cục quặng Khai Bình thành lập ở Loan Châu năm 1877; tổng cục điện báo Thiên Tân thành lập năm 1880; xưởng dệt gấm cơ khí đầu tiên ở Thượng Hải thành lập năm 1882; xưởng sắt Hán Dương xây dựng từ 1890 đến 1893. Ngoài ra còn có con đường sắt vận chuyển than đầu tiên tổng chiều dài là 11km từ Đường Sơn đến Tư Cá Trang khởi công xây dựng từ năm 1880, sau đó đường sắt này kéo dài đến Lô Đài, tháng 4 năm 1888 lại kéo dài đến Đường Khiết, tháng 8 đến Thiên Tân, sau cùng đường sắt này kéo dài đến Sơn Hải quan, tổng cộng là 348km. Năm 1887 đến năm 1893, ở Đài Loan xây dựng đường sắt từ Cơ Long đến Tân Trúc, toàn bộ dài 77km. Đến chiến tranh Giáp Ngọ, tổng số xí nghiệp dân dụng trên 40 cái, đường sắt khoảng 425km. Ngoài những ngân hàng cận đại ra, các loại xí nghiệp cận đại khác trên đại thể đã đầy đủ.
Trong lúc hưng khởi thành lập các xí nghiệp dân dụng cận đại, phái Dương Vụ còn chuyển trọng tâm công nghiệp quân sự từ đất liền ra biển xây dựng phòng thủ trên biển bằng phương thức mới. Năm 1875 thông qua chính phủ triều Thanh phê chuẩn, kế hoạch trong mười năm xây dựng ba nhánh hải quân Nam Dương, Bắc Dương, Aùo Dương. Năm 1884 ba nhánh hải quân này đã có quy mô bước đầu, mỗi nơi có đại thần Nam Dương, đại thần Bắc Dương, đại thần Phúc Kiến, v.v.
b.      Phong trào Duy Tân và cách mạng Tân Hợi
c.      Phong trào tân văn hóa Ngũ Tứ
d.      Sự truyền bá các loại tư tưởng học thuật
III. Đặc điểm của văn hóa truyền thống Trung Quốc
Văn hóa truyền thống Trung Quốc chủ yếu có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, văn hóa truyền thống Trung Quốc là văn hóa lấy con người làm gốc không mang tính tôn giáo. Chủ nghĩa lý tính và tinh thần nhân văn của văn hóa truyền thống Trung Quốc tạo nên tính thế tục không tôn giáo của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nó lấy chủ nghĩa nhân bản loại trừ chủ nghĩa thần bản, lấy tinh thần lý tính áp chế cuồng mê tôn giáo. Văn hóa Trung Quốc chú ý vào nhân sinh hiện thực, theo đuổi hạnh phúc của thế giới thực tại, rất ít quan tâm đến linh hồn trở về và giải thoát khỏi thế giới; nó khẳng định giá trị nhân sinh, vốn không gửi thác sự sinh tồn vào thế giới hư ảo bên kia. Tính thế tục này của văn hóa làm cho dân tộc Trung Hoa cần cù khắc phục khó khăn, tinh thần vụ thực phong phú, tránh rơi vào hư vọng tôn giáo. Nhưng tính thế tục này làm cho tinh thần dân tộc rơi vào lý tính thực dụng, chỉ biết phấn đấu, mà không có tinh thần ý thức phê bình hiện thực và vượt qua hiện thực.
Thứ hai, văn hóa truyền thống Trung Quốc có giá trị cộng đồng. Đơn vị gốc là gia đình và chế độ nhà – nước nhất thể của xã hội truyền thống Trung Quốc hình thành nên giá trị quan tính cộng đồng của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, cá nhân không thể độc lập tồn tại, gia tộc, quốc gia mới có giá trị tuyệt đối vượt trên cá thể, giá trị cá thể tất nhiên phải nằm dưới giá trị cộng đồng, nếu không thì không có lý do tồn tại. Người ta nên tự giác đè nén, hạ thấp giá trị tồn tại của mình. Giá trị quan cộng đồng này có thể ngăn ngừa sự bành trướng của tính xấu chủ nghĩa cá nhân, có thể giúp điều hòa mối quan hệ giữa với người, duy trì đoàn kết tập thể, xã hội, cuối cùng là cố kết lực hướng tâm của dân tộc. Nhưng tính cộng đồng lại cản trở ý thức cá nhân, làm cho cá thể không có cơ hội phát triển. Đồng thời, quan niệm này cũng trở thành vũ khí tư tưởng bảo vệ sự thống trị chuyên chế vương quyền phong kiến.
Thứ ba, văn hóa truyền thống Trung Quốc hướng về đạo đức. Một trong những khác biệt giữa xã hội truyền thống Trung Quốc và phương Tây là không có chặt đứt triệt để sợi dây gắn bó huyết thống, Nho gia đưa lý luận gia đình, huyết thống tình thân vào hệ tư tưởng của mình, hình thành lễ giáo tông pháp, tập hợp triết học, tôn giáo, chính trị, pháp luật, đạo dức, văn nghệ thành nhất thể, trong đó đạo đức giữ vị trí chi phối, hình thành khuynh hướng đạo đức là trung tâm văn hóa truyền thống Trung Quốc. Truyền thống đạo đức trung tâm này khiến Trung Quốc trở thành nước lễ nghi, cũng khiến cho nhân dân Trung Hoa trở thành một dân tộc có ý thức đạo đức mạnh mẽ, làm giảm dục vọng con người do xã hội rối ren gây ra. Nhưng khuynh hướng đạo đức trung tâm này lại mang diện mạo ôn nhu vì sự thống trị của chủ nghĩa chuyên chế phong kiến, làm cho lễ giáo tông pháp phong kiến trở thành công cụ tư tưởng hợp lý bảo vệ sự thống trị tàn bạo đó.
Thứ tư, nhất nguyên hóa chính trị xã hội và quyền uy văn hóa. Quyền uy chính trị của xã hội truyền thống Trung Quốc là quân quyền, mà quyền uy văn hóa lại là Nho học. Hai điều này hợp thành nhất thể, tạo thành quyền uy xã hội nhất nguyên hóa hợp nhất chính giáo, thánh vương nhất thể mang màu sắc Trung Quốc. Nó bảo vệ duy trì Trung Quốc được thống nhất ổn định lâu dài. Nhưng loại quyền uy chính trị văn hóa nhất nguyên hóa này cũng trói buộc tư tưởng con người, hình thành truyền thống kinh học tư tưởng xơ cứng, kéo dài thời gian tồn tại của xã hội phong kiến Trung Quốc, cản trở nghiêm trọng sự tiến  bộ xã hội.
Thứ năm, tính phong tỏa và bảo thủ của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Điều kiện địa lý Trung Quốc khép kín, văn hóa phát triển độc lập đã làm cho văn hóa Trung Quốc bị phong tỏa và hình thành luận thuyết trung tâm Hoa Hạ. Tính bảo thủ của văn hóa truyền thống Trung Quốc thể hiện ở trọng kinh nghiệm, bảo thủ truyền thống, tôn thượng quyền uy, bài trừ cải cách sáng tạo cái mới. Văn hóa phong tỏa và bảo thủ này loại trừ một cách có hiệu quả những xâm nhập văn hóa có tính chất lạ, đồng hóa các dân tộc đi chinh phục, bảo vệ tính độc lập và tính trường tồn của văn hóa dân tộc, điều tự hào là nó làm cho dân tộc Trung Hoa trở thành dân tộc lâu đời mà duy nhất chưa từng bị đứt đoạn văn hóa truyền thống trong số các nền văn minh cổ đại trên thế giới hiện nay. Đây là sự thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nhưng tính bảo thủ này lại làm cho xã hội phong kiến Trung Quốc bị đình trệ trong thời kỳ dài.
IV. Những khu biệt văn hóa truyền thống Trung Quốc
Văn hóa Trung Tây là văn hóa khác nhau về bản chất, tồn tại sự khác biệt lớn, có thể phân tích vài phương diện sau:
Thứ nhất, “thiên nhân hợp nhất” và “chinh phục tự nhiên”. Về mối quan hệ năng động giữa con người và tự nhiên, văn hóa truyền thống Trung Quốc xem trọng mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên, chủ trương “thiên nhân hợp nhất”; văn hóa phương Tây lại nhấn mạnh sự đối lập giữa con người và tự nhiên, chủ trương “chinh phục tự nhiên”, “chiến thắng tự nhiên”.
Đối với mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, quan điểm tư tưởng cổ đại Trung Quốc trên đại thể phân thành ba loại. Một là thuyết thuận theo tự nhiên “nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” đại biểu là Lão Trang; hai là thuyết chinh phục tự nhiên “nhân định thắng thiên” “chế thiên mệnh nhi dụng chi” đại biểu là Tuân Tử; ba là thuyết thiên nhân hợp nhất của Nho gia lấy “Chu dịch đại truyện” làm đại biểu, thuyết này có vị trí chủ đạo. “Dịch truyện” chủ trương: hợp với thiên địa là đức, hợp với nhật nguyệt là minh, hợp với tứ thời là tự, hợp với quỷ thần là cát hung. “Trung dung” thì chủ trương quan điểm “dữ thiên địa tham”. Mạnh Tử đề xướng “thân thân, nhân dân, ái vật”. “Thiên nhân hợp nhất” của Nho gia là khái niệm cổ điển nhất, phổ biết nhất trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, tư tưởng cơ bản của nó gồm bốn vấn đề: thứ nhất, con người là một bộ phận của tự nhiên, là một trong những yếu tố mà giới tự nhiên không thể thiếu; thứ hai, giới tự nhiên có quy luật phổ biến của nó, con người cũng nên tuân theo quy luật này; thứ ba, nhân tính tức thiên đạo, các nguyên tắc đạo đức và quy luật tự nhiên là thống nhất nhau; thứ tư, lý tưởng của nhân sinh phải hài hòa giữa thiên và nhân. Ở Trung Quốc, “thiên nhân hợp nhất” không chỉ là khái niệm cơ bản của Nho học, nó cũng là chỗ quy tụ và nguyên điểm của các hệ tư tưởng khác.
Nguồn gốc tư tưởng của văn hóa phương Tây về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên có thể tìm ở kinh điển của Cơ Đốc giáo – “Thánh kinh”. “Thánh kinh” cho rằng thế giới là do thượng đế sáng tạo ra, người cũng là do thượng đế tạo ra. Thượng đế dựa vào hình tượng của mình mà tạo ra con người, rồi phái họ đi cai quản tất cả những gì mà thượng đế đã tạo ra. Cách giải thích này và thuyết “nguyên tội” nhân loại đều chứa đựng quan niệm tư tưởng về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thứ nhất, người ở ngoài giới tự nhiên, có quyền lực thống trị tự nhiên; thứ hai, người phải trong đấu tranh gian khổ chinh phục, chiến thắng tự nhiên mới có thể tìm được sự tồn tại của bản thân mình. Tư tưởng này ảnh hưởng rất sâu sắc, ở mức độ cao tạo nên thái độ cơ bản về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong văn hóa phương Tây. Thời cận đại một số nhà tư tưởng nổi tiếng ở phương Tây đề xuất “tri thức chính là sức mạnh”, chủ trương theo đuổi khoa học kỹ thuật. Điều này làm cho quan niệm chinh phục tự nhiên càng khắc sâu vào con người.
Thứ hai, “đơn vị gia tộc” và “đơn vị cá thể”. Trong mối quan hệ giữa người này với người khác, với tập thể và với xã hội, văn hóa Trung Quốc lấy gia tộc làm đơn vị gốc, chú ý nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, chú trọng mối quan hệ hài hòa trong giao tiếp; văn hóa phương Tây lấy cá nhân làm đơn vị gốc, chú trọng quyền lợi và tự do cá nhân.
Đơn vị gia đình Trung Quốc có nguồn gốc từ công xã gia đình chế độ gia trưởng đã biến chất, biểu hiện của nó là gia đình được xem trọng hơn cá nhân, đặc biệt xem trọng mối quan hệ luân lý giữa các thành viên trong gia đình, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của từng thành viên gia đình. Như phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ kính, v.v., nhấn mạnh ý thức đạo đức, mong muốn đồng cam cộng khổ.
Vai trò cá nhân phương Tây bắt nguồn từ gia đình cá thể sở hữu tài sản cá nhân, thể hiện là đề cao tự do cá nhân, quyền lợi và tính độc lập, thiếu tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình. Vai trò cá nhân rõ ràng mang tính ưu việt, nó làm cho gia đình phương Tây dân chủ, bình đẳng hơn gia đình Trung Quốc, cũng làm cho người phương Tây dựa vào chính sức mình mà phấn đấu, sống độc lập, phát triển, không quá dựa vào cha mẹ, gia đình.
Thứ ba, “hòa hiệp các nước” và “thực dân ngoại xâm”. Về mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc, văn hóa truyền thống Trung Quốc chủ trương “hòa hiệp các nước”, tức là dưới tiền đề bảo vệ quốc gia dân tộc mình, thông qua giáo hóa đạo đức tạo mối quan hệ tốt giữa các quốc gia dân tộc, để cùng phát triển. Đây là truyền thống tốt đẹp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Trung Hoa.
Trong mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc, phương Tây luôn cạnh tranh, đấu tranh, rất nhiều nhà tư tưởng phương Tây chủ trương chinh phục thế giới bên ngoài, thậm chí là thống trị thế giới. Những tư tưởng này luôn được nhà chính trị áp dụng và hành động. Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản phương Tây thời cận đại chính là quá trình phương Tây mở rộng xâm lược, biến Á, Phi và Châu Mỹ thành đất thực dân. Đây là một chứng minh tốt nhất chứng tỏ văn hóa phương Tây chủ trương “thực dân ngoại xâm” .
V. Văn hóa truyền thống Trung Quốc và tinh thần dân tộc Trung Hoa
Bất kỳ dân tộc nào cũng có tinh thần dân tộc đặc biệt. Tinh thần dân tộc là tín niệm tinh thần và sự lựa chọn giá trị mà dân tộc có được trong quá trình đáp lại sự khiêu chiến của thiên nhiên. Nó là động lực, là cột trụ tinh thần mà dân tộc dựa vào để tồn tại và phát triển, cũng là thái độ sống cơ bản nhất của một dân tộc. Tinh thần dân tộc là do văn hóa dân tộc ngưng tụ mà thành, văn hóa là tiền đề và điều kiện để tinh thần dân tộc hình thành, và tinh thần dân tộc là hình thức biểu hiện của văn hóa truyền thống.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc vĩ đại thâm sâu, lâu đời, có Nho học với lịch sử hơn hai nghìn năm giữ vị trí hạt nhân trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, là nội dung chủ thể của nó. Vậy thì tinh thần dân tộc Trung Hoa trong truyền thống Trung Quốc, trong bối cảnh văn hóa truyền thống Trung Quốc, trong sự ảnh hưởng dài lâu của Nho học là thế nào? Giáo sư Trương Đại Niên trường Đại học Bắc Kinh dùng hai câu trong “Chu dịch đại truyện” để khái quát như sau: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, “địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”. Ý là thiên thể vận hành mãi mãi không có lúc dừng, quân tử theo đạo trời thì phải nổ lực không ngừng; địa thế bình thuận nâng đỡ vạn vật, quân tử theo đạo đất thì phải biết bao dung. “Tự cường tự tức” tức là luôn luôn phấn đấu, đáp lại sự khiêu chiến của tự nhiên và xã hội, thể hiện dân tộc Trung Hoa có sức sống mãnh liệt và tinh thần tự cường không cuối đầu trước khó khăn. “Hậu đức tải vật” tức là bao dung vạn vật, dĩ hòa vi quý, lấy nhẫn nhục làm cao thượng, thể hiện dân tộc Trung Hoa có tấm lòng rộng lượng và tinh thần nhẫn nhục. Dân tộc Trung Hoa có đầy đủ hai loại tinh thần, nổ lực hướng lên, cống hiến hết sức mình vì sự phát triển của nhân loại.
Tinh thần dân tộc được tích lũy từ lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng nó không phải khô cứng mà mang đặc trưng thời đại rõ ràng, tinh thần dân tộc trong những thời đại khác nhau có nội dung và đặc điểm khác nhau. Trong thời đại giao lưu thế giới ngày nay, Trung Quốc đang tiến hành cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị chưa từng có trước đây, cùng với những thay đổi của hoàn cảnh nhân văn trong nước và cục diện thế giới, làm thế nào để xây dựng tinh thần dân tộc Trung Hoa thế kỷ XXI mang đặc điểm thời đại mới, đã trở thành nhiệm vụ lịch sử mà nhân dân Trung Quốc không thể chối từ. Tinh thần dân tộc Trung Hoa mới tuy có đặc điểm và nội dung khác khi so sánh với tinh thần dân tộc truyền thống, nhưng tuyệt không phải là chia cắt truyền thống, càng không phải là tạo ra một cái khác, mà là dưới tiền đề nội dung mới phù hợp với yêu cầu của thời đại, tiến hành cải tạo, phát triển văn hóa truyền thống đặc biệt là Nho học, tiến hành kế thừa, phát huy, làm cho tinh thần dân tộc trở nên sống động.
Chúng ta ngày nay làm thế nào kế thừa truyền thống ưu tú từ trong văn hóa truyền thống đặc biệt là Nho học truyền thống, để xây dựng tinh thần thế kỷ XXI?
Thứ nhất, tinh thần chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa yêu nước trung trinh báo quốc, thiên hạ vì công. Trong sự sinh tồn và phát triển dân tộc trong thời kỳ dài, do kết cấu xã hội gia đình bản vị và truyền thống xem trọng văn trị giáo hóa, dân tộc Trung Hoa đã nuôi dưỡng chủ nghĩa tinh thần quần thể và dần dần ngưng tụ lại thành chủ nghĩa yêu nước sâu sắc đối với tổ quốc. Trong “Thượng thư” có “dĩ công diệt tư”, “Mặc Tử” nhấn mạnh “đề cao công nghĩa”, v.v., đều nhấn mạnh tinh thần cống hiến cho cộng đồng, quốc gia. Người Trung Quốc xưa nay xem “thiên hạ vi công” làm lý tưởng giá trị, và trở thành thái độ nhân sinh tích cực. Những câu danh ngôn thể hiện thái độ đối với tổ quốc như “trước buồn vì cái buồn của thiên hạ, sau vui vì cái vui của thiên hạ”, “lấy chuyện thiên hạ làm trách nhiệm của mình”, thiên hạ hưng vong, chồng có trách nhiệm”, v.v. đều tập trung biểu hiện tinh thần chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Trung Hoa. Trong đạo đức truyền thống Trung Quốc, tinh thần yêu nước được xem là một loại “đại tiết”. “Kiến nghĩa dũng vi”, “đương nhân bất nhượng”, “sát thân thành nhân”, “sá sinh thủ nghĩa”, “tôn thượng khí tiết” giáo dục tinh thần chính nghĩa thị phi của người Trung Quốc, tạo nên chính khí dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là chủ đề luôn được đặt ra. Chỉ cần nhân loại xã hội còn dựa vào hình thái dân tộc, quốc gia mà sinh tồn, thì chủ đề yêu nước còn được con người xem trọng và nhấn mạnh.
Trung Quốc có truyền thống chủ nghĩa yêu nước lâu đời, từ khi dân tộc Hoa Hạ Tiên Tần hình thành đến thời đấu tranh quyết liệt chống xâm lược thời cận đại, nam nữ Trung Hoa đã viết nên những chương chủ nghĩa yêu nước làm động lòng người, lịch sử còn lưu lại những con người sáng ngời và những sự kiện khắc sâu trong lòng người. Từ thời cận đại đến nay, dân tộc Trung Hoa đối diện với nguy cơ dân tộc hết sức nghiêm trọng, do sự xâm lược của các nước phương Tây phương Đông, dân tộc Trung Hoa đứng trước nguy cơ lịch sử vong quốc diệt chủng. Nhưng, những con người anh hùng của dân tộc Trung Hoa đã vì máu thịt của mình mà xây dựng trường thành sắc thép kiên quyết không thối lui, phá tan âm mưu tiêu diệt Trung Quốc, chia cắt Trung Quốc của các cường quốc. Ngày nay Trung Quốc nhất định phải tiếp tục truyền thống chủ nghĩa yêu nước sáng ngời của tổ quốc, tăng thêm lòng tin và niềm tự hào dân tộc, đề cao sức mạnh tổng hợp toàn dân, xây dựng trường thành chủ nghĩa yêu nước thời đại mới.
Thứ hai, xem trọng tinh thần tự thể nghiệm, lời nói đi đôi với việc làm, bồi dưỡng hành động thực tiễn. Truyền thống đạo đức Trung Quốc đặc biệt xem trọng “lời nói đi đôi với việc làm”, “thể nghiệm”. Nho gia chủ trương “thân mà không chính thì ra lệnh cũng không ai làm, thân mà chính thì tuy không ra lệnh người ta cũng làm”, “hành thì gần với chữ nhân”. Tuân Tử cho rằng “miệng có thể nói, thân có thể làm, nước quý vậy, … lời nói thiện, thân làm ác, nước ghét vậy”. Trong tư tưởng cao quý sừng sững này, đồng thời với nhân cách đạo đức và tín niệm, điều quan trọng nhất là thực tiễn. Mạnh Tử nói “mọi người đều có thể trở thành Nghiêu Thuấn”, Khổng Tử đề xướng “tu kỷ”, “khắc kỷ”, Tăng Tử yêu cầu phải thường xuyên “ba lần tự kiểm thân mình”, Mạnh Tử nói “tu tính”, “dưỡng thân”, “lương tri”, “lương năng”, mãi đến Tống Nho chủ trương “tôn đức hành”, Vương Dương Minh đời Minh đề xướng “tri hành hợp nhất”, v.v., đều đặc biệt chú ý tính thực tiễn của đạo đức. So sánh với các dân tộc khác, nhân dân Trung Quốc quan trọng nhất là “hành”, “thực tiễn”, “tự thể nghiệm”, đây là một đặc trưng quan trọng của Nho gia, có ảnh hưởng tích cực đối với các đời sau.
Thứ ba, tinh thần tiến thủ phấn phát hướng thượng, tự cường tự tức. Phấn phát hướng thượng, tự cường tự tức là phẩm chất vượt qua chính mình, không ngừng tiến thủ, nó thể hiện ý chí bất khuất kiên cường phấn đấu. Đòi hỏi con người phát huy tính chủ động, tính năng động, nổ lực hướng lên, tích cực tiến thủ. “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” trong “Đại học – Lễ ký”, “Minh sinh giả cường” đề xuất trong “Lão Tử” chính là thể hiện tinh thần nói trên. Chính tinh thần phấn phát hướng thượng, tự cường tự tức ngưng tụ làm mạnh mẽ sức hướng tâm của dân tộc, ấp ủ phẩm chất tự tin, tự tôn, tự lập của dân tộc Trung Hoa.
Thứ tư, tinh thần sáng tạo không thay đổi. Lịch sử xã hội Trung Quốc tiến bộ không tách rời khỏi cải cách sáng tạo, có thể nói tinh thần cải cách sáng tạo của dân tộc Trung Hoa là một trong những động lực phát triển xã hội. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, cải cách của Quảng Trọng nước Tề làm cho Tề Hoàn Công “cửu hợp chư hầu, nhất khuông thiên hạ”; cải cách Thương Ưởng nước Tần làm thay đổi cục diện nước Tần bị chư hầu “Nhung Địch thị chi” (xem thường Nhung Địch), làm nên lịch sử vương triều nhà Tần thống nhất thiên hạ; cải cách của Hiếu Văn đế Bắc Ngụy thúc tiến đại dân tộc dung hợp, trên ý nghĩa đó chuẩn bị điều kiện cho Tùy Đường sau này thống nhất. Thực tiễn chứng minh, mỗi một lần cải cách trong lịch sử Trung Quốc đều làm cho Trung Quốc tiến một bước lớn. Tinh thần cải cách sáng tạo của người Trung Quốc là truyền thống ưu tú của văn hóa truyền thống Trung Quốc, đáng được chúng ta ngày nay tiếp nhận, kế thừa và phát huy.
Thứ năm, theo đuổi tinh thần hoàn thiện nhân cách và lý tưởng nhân sinh. Trong văn hóa truyền thống Trung quốc, xem việc theo đuổi cảnh giới tinh thần tôn cao và thực hiện lý tưởng đạo đức là một nhu cầu ở tầng cao nhất trong các nhu cầu của con người. Khổng Tử nói “sáng nghe đạo tối có thể chết cũng được”; “người nhân không ưu phiền”; “theo cái đẹp lại phải theo cái thiện” v.v, thể hiện tinh thần Nho gia theo đuổi sự thống nhất cao độ chân thiện mỹ và lấy thiện làm hạt nhân. Các nhà tư tưởng trong lịch sử đòi hỏi con người tự mình hoàn thiện nhân cách, tự mình thực hiện đạo đức, chủ trương “chính tâm thành ý”, “tôi một ngày tự xem lại mình ba lần”, “phú quý bất năng dâm, bần hàn bất năng, uy vũ bất năng khuất”, v.v.. Nhưng những điều này không phải là giá trị cuối cùng mà người Trung quốc theo đuổi, mục đích của “tu”, “tề” là “trị”, “bình”, là thực hiện lý tưởng nhân sinh, thực hiện “thiên hạ đại đồng”, tức “thiên hạ hữu đạo, dĩ đạo tuẫn thân; thiên hạ vô đạo, dĩ thân tuẫn đạo”, “vi thiên địa lập tâm, vi sinh dân lập mệnh, vi vãng thánh kế tuyệt học, vi vạn thế khai thái bình”, “phú thiên hạ, cường thiên hạ, an thiên hạ”. Tinh thần này đã ngưng tụ trong việc theo đuổi giá trị đặc biệt của dân tộc Trung Hoa, trở thành động lực tinh thần cho dân tộc Trung Hoa phát triển.
Tóm lại, nhân loại đang bước vào một nghìn năm thứ hai sau Công nguyên, Trung Quốc phải kế tục truyền thống Nho học, và phát dương quang đại nó, làm nên tinh thần dân tộc mới của dân tộc Trung Hoa, làm cho dân tộc Trung Hoa bước vào thế kỷ XXI với diện mạo tinh thần mới mẻ.
Nguồn: Người dịch
Tài liệu dịch:
 Vu Ngữ Hòa, Vương Cảnh Trí, Chu Tân 2002: Khái luận văn hóa truyền thống Trung Quốc, NXB Đại học Thiên Tân, Thiên Tân [于语和,王景智,周滨 2002中国传统文化概论,天津大学出版社,天津]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét