Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

BIỂU TƯỢNG NÚI RỪNG TRONG SỬ THI RAMAYANA


BIỂU TƯỢNG NÚI RỪNG TRONG SỬ THI RAMAYANA

Trong tiến trình vận động và phát triển không ngừng của văn học nhân loại, văn học Ấn Độ có một vị trí đặc biệt. Từ rất sớm, văn hóa, văn học Ấn Độ đã có sự lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn học nhiều nước trên thế giới, trong đó Đông Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất, rõ nét nhất. Trong kho tàng văn học Ấn Độ, hiếm có tác phẩm nào lại có sự ảnh hưởng sâu, rộng và lâu bền ở Đông Nam Á và châu Á như các sử thi Ramayana, Mahabharata, được coi là thánh kinh của người Ấn Độ, là nền tảng đạo đức của Hinđu giáo, là bộ sử thi đồ sộ của nhân loại.
Sử thi Ramayana bao chứa một thời gian dài, một không gian kỳ vĩ, một tình sử ly kỳ. Để trở thành người anh hùng, nhân vật sử thi phải phá vỡ tính khép kín của thị tộc, bộ lạc và hoạt động trong một môi trường rộng lớn. Môi trường rộng lớn ấy dung chứa không gian rộng lớn đủ để nhân vật sử thi thi thố tài năng và thể hiện tính cách, phẩm chất lý tưởng của mình. Trong đó, không gian núi rừng được xem là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho văn hóa, văn học, nghệ thuật Ấn Độ nói chung và sử thi Ramayana nói riêng.
Núi rừng được người dân Ấn Độ coi là thánh đường hùng vĩ. Núi rừng vừa là không gian hành hương vừa là môi trường thử thách và đây cũng là một không gian chủ yếu trong sử thi Ramayana. Môtip này của sử thi liên quan đến những quy định chặt chẽ của tôn giáo về thời gian học tập, tu dưỡng, rèn luyện trong giai đoạn đầu đời (Bramacharya) của người Ấn Độ. Hoạt động hành hương là một trong những cách thức để thực hiện giải thoát. Đây là nét đặc trưng trong thi pháp nhân vật anh hùng và không gian hành hương được hiểu như thế giới của những con người rời xa cuộc sống xã hội, từ bỏ những bổn phận xã hội, sống tách biệt nơi rừng núi, chuyên tâm rèn luyện kỷ luật tinh thần cho những tiến bộ tâm linh.
Không gian núi rừng trở thành đặc thù, tác động sâu sắc tới nhận thức của người anh hùng Ấn Độ. Hiếm có một sử thi nào trên thế giới có thể so sánh được với những trang miêu tả về rừng thẳm nguyên sơ đầy sức quyến rũ trongRamayana. Đó như một bức tranh về cảnh trí thiên đàng nơi hạ giới: “Đây là con sông Manđakini. Đôi bờ của nó đẹp khôn tả luôn ầm vang tiếng kêu của thiên nga và loài cò, và trên đó sừng sững những cây có quả và cây hoa. Dốc của nó quả thực là đẹp. Em trông loài nai khát nước đang uống sục bùn ở cạnh bờ. Em trông các nhà tu khổ hạnh tết tóc đang tắm trong sông, và các nhà tu khác đang giơ cao tay khấn mặt trời. Ngọn cây và cành cây đầy những hoa và trái đang đu đưa trong gió. Tưởng hồ như chính ngọn núi cũng đang múa nhảy. Em trông kìa bao nhiêu cụm hoa chuyển động trong gió đang cúi lên dòng nước trong veo của Manđakini. Cảnh Chitrakuta và sông Manđanaki khiến người ta vui thú hơn là đời sống đô thị”(1).
Hành trình 13 năm lưu đày trong rừng của hoàng tử Rama và công chúa Xita cùng người em trai trở thành ý nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa của rừng không phải ở sự bao la mà nó ở cái sâu thẳm, sự u tịch. Rừng càng sâu thì càng xa rời cuộc sống trần tục với nhiều bon chen, danh lợi cá nhân. Việc hoàng tử Rama yêu cầu vợ và em trai càng đi sâu vào rừng mà chưa ai đặt chân đến chính là tránh xa cuộc đời bon chen để hòa nhập với thiên nhiên, để chia sẻ yêu thương và hòa hợp. Hết Chitrakuta đến Đanđaka rồi Panchavati… chính là hành trình xa lánh cõi đời bon chen để hòa nhập vào cuộc sống với muôn loài ở trong rừng, một cuộc sống chia sẻ, yêu thương, hòa hợp: “Đây là một thác nước nhỏ, kia là một suối con, cũng có một cái giếng, và các ngọn núi nom như một con voi toát mồ hôi thái dương. Ngọn gió nhẹ dịu dàng khiến mọi người vui thích khi nó đưa mùi hương hoa thơm ngát từ các hang núi tới… Anh cảm thấy hết sức vui sướng trong ngọn núi xinh đẹp này, có dồi dào hoa quả và tiếng chim ca hát… Các bậc tổ phụ của anh đã coi đời sống ở rừng như là cách thích hợp nhất để đạt tới sự cứu rỗi, niềm an ủi duy nhất cho nỗi đau khổ và lo âu trần thế sau cái chết”(2).
Ở Mahabharata, các Pandava cũng phải ẩn dật trong rừng 12 năm. Không gian núi rừng của những cuộc hành hương trong sử thi Mahabharata được miêu tả nhấn mạnh sự tĩnh mịch, thái hòa. Thiên nhiên hiện ra không phải trong những khoảng không rộng lớn mênh mông vô hạn, mà thường là thâm sâu cùng tận. Sự che chắn, biệt lập được nhấn mạnh. Hoặc bằng cây cối rậm rạp cản bước đến, hoặc bằng tầng tầng lá rợp ngăn ánh mặt trời chiếu rọi. Dù vắng người, rừng núi lại là thế giới trù mật của muôn loài sinh vật. Chằng chịt dây leo, chim và ong từng bầy, hoa nở không phải từng bông mà thành từng tấm thảm hoa, chiếc khăn hoa, những cơn mưa hoa,… Có điều đông mà không chen chúc, huyên náo vì vạn vật sống trong hòa hợp: dây leo mềm nương thân cây mạnh mẽ, ong rù rì cần mẫn bên hoa,… Mười hai năm lưu đày, Pandava đã dần dần đạt đến sự hòa nhập làm một vào cuộc sống và linh hồn của thiên nhiên rừng núi: tâm hồn họ trở nên tịch tĩnh và thái hòa. Đó là bức tranh hài hòa nhộn nhịp của núi rừng phía bắc Hymalaya, nơi người anh hùng Arjuna đặt chân tới với niềm vui hòa nhập cùng thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng chính là một cuộc hành hương tu luyện để đạt được vũ khí thần: “Trên núi, muôn ngàn loài cây cối xanh tươi, giữa những thảm cỏ xanh, vang lừng tiếng muôn loài chim ca hót. Những dòng sông uốn lượn, vang tiếng lảnh lót của vịt nước, thiên nga, cò hạc,… Trên bờ sông, tiếng những con chim công ngọt ngào như rót mật vào tai,…”(3).
Từ những nhận thức về núi rừng, trong sử thi Ấn Độ cũng xuất hiện kiểu miêu tả cái chết của người anh hùng hết sức mới lạ so với các sử thi phương Tây, cái chết được so sánh và gắn liền với hình ảnh núi rừng. Cái chết của quỷ vương Ravana được miêu tả qua lời của em trai hắn: “Anh nằm đây như một cây đại thụ, mang tấm lòng khoan hồng trong lá, nghị lực trong hoa, sự trầm tư trong quả, sự kiêu hùng trong rễ. Giờ đây anh bị giật đứt tận gốc rễ bởi một trận bão kinh hồn đã đổ tới trong hình thù Rama” (4). Trong sử thi Mahabharata, cái chết được ví như cây to bị nhổ bật bởi gió bão là hình ảnh phổ biến và được xuất hiện 7 lần: ‘Vút một cái, một mũi lao đầu hình lưỡi liềm bay tới cắm phập vào ngực ông, Bhagadatta đổ xuống như cây to trong gió bão…”(5), hay “thây của họ rải rác trên chiến địa như cây to bị sét đánh ngã…”(6).
Người anh hùng trong sử thi Ramayana không mưu cầu lợi ích vật chất ở thiên nhiên. Do đó, sức mạnh anh hùng của họ không phải được đo đếm được ở khả năng chế ngự mà chính là sự hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên. Thiên nhiên trong sử thi Ramayana chủ yếu là những khu rừng già sâu thẳm với những dòng sông hùng vĩ, những ao hồ trong lành, rực rỡ cỏ hoa. Vạn vật trong rừng tuy đông đúc nhưng lại sống hiền hòa, yêu thương: những cặp Kinnara lang thang khắp rừng, dây leo quấn quýt quanh cây xoài,… Sống trong rừng không phải giành giật, bon chen, hoàng tử Rama cảm thấy mọi tục lụy trĩu nặng được cởi bỏ, trở về với tâm hồn yên tĩnh. Chàng nhận xét: “Hãy coi núi này như Ayôđhya và sông Manđakini như là sông Xarayu… Bởi vậy anh tự cảm thấy vô cùng sung sướng. Khi mỗi ngày ba lần tắm trong con sông này, sống bằng trái và củ rừng, và ăn mật cùng với em, anh chẳng thèm khát gì ngay cả vương quốc Ayôđhya”(7).
Thiên nhiên rừng núi trong Ramayana thường xuất hiện nhiều hơn cả và có ý nghĩa hơn cả khi nhân vật người tình xa cách ngồi một mình: nhớ thương, mong đợi, sầu muộn, hay tức tối. Giữa nhân vật cô đơn và thiên nhiên có một mối tương thông lặng thầm nhưng sâu sắc mà núi rừng chính là bức đồ chiếu, là sự hồi quang của nội tâm con người, là cánh cửa mở vào tâm hồn nhân vật.
Trong cơn thịnh nộ khi mới mất Xita, hoàng tử Rama đe dọa sẽ hủy diệt tất cả nếu như chàng không tìm thấy Xita: “Núi kia, ta sẽ thiêu ngươi ra tro cùng với tất cả cây to, cây leo của ngươi, và sẽ chẳng có ai thăm viếng những đống hoang tàn đó nữa… Nếu suối không nói cho ta biết về người đẹp – như mặt trăng, ta sẽ khiến cho mi cạn sạch”(8) hay: “Anh sẽ bắn tên phủ mờ bầu trời làm cho bọn chúng cháy âm ỉ và khiến cho chúng hóa đờ đẫn. Anh sẽ chặn đứng sự chuyển vần của tinh tú, che khuất mặt trăng, cướp đoạt ánh sáng chói chang của mặt trời và của lửa, và đưa bóng tối bao phủ lên cõi trần. Anh sẽ nghiền nát núi, làm cạn đại dương, tiêu hủy mọi giống thực vật. Nếu như các thần không trả lại Xita cho anh, hoặc sống hay chết, anh sẽ tiêu diệt sự tạo sinh bằng cơn thịnh nộ của anh… Anh sẽ tiêu diệt cả ba cõi cùng với tất cả loài Quỷ, Raksaxa, và Pixacha ở đó”(9). Nhưng cũng có khi là thiên nhiên tương phản với cảnh ngộ nhân vật và càng khắc sâu tâm trạng trớ trêu đau xót của Rama: “Bây giờ là mùa xuân, mùa của tình yêu. Xem, ngọn gió nhẹ nhàng đang nhẹ thổi, hoa đang nở rộ, và rừng ngào ngạt hương hoa… những cây nở hoa đang trút trận mưa hoa có khác gì những giọt mưa từ trên trời đổ xuống. Cây cối rưng đọng trong làn gió thoảng đang tung hoa xuống, và hoa phủ đầy các gờ đá. Gió hình như đang đùa giỡn với hoa,… có bao nhiêu hoa đang lả tả rơi, và bao nhiêu là hoa đang rung rinh trên cành. Ngọn gió đùa làm lay động các cành nặng trĩu hoa, xua đuổi những đàn ong đang mải mê bay với những tiếng vo ve râm ran…”(10), hay: “Những con chim công điên cuồng đang cùng những con mái múa lượn trong cảnh vui vầy, đuôi xòe rộng, lấp loáng như rèm của sổ bằng pha lê… thấy công trống múa may, công mái cũng múa với niềm vui tình tứ; và công trống rang rộng đôi cánh đang vừa nhích lại gần bạn tình, vừa thốt ra tiếng kêu như thể đùa giỡn. Trông kìa, con mái bị tình yêu nung nấu, bước theo con trống…”(11).
Trong khi vạn vật đang tràn đầy sức sống thì Rama lại không có Xita xinh đẹp bên cạnh nói năng dịu dàng. Mùa xuân rực rỡ nồng nàn, không những không làm nảy nở niềm vui mà chỉ làm nhọn sắc thêm nỗi đau trong trái tim hoàng tử Rama: “Mùa xuân, như lửa, đang thiêu đốt anh đến là khổ – hoa Axôka đỏ là than hồng, tiếng vo ve của đàn ong là tiếng lửa vèo vèo, và lá màu đồng thau là ngọn lửa… Một khi mà anh không còn được trông thấy Xita nói năng dịu dàng, có đôi mắt xinh đẹp và mái tóc duyên dáng, thế thì cuộc sống có ích gì cho anh… Những ý nghĩ về nàng đang thiêu cháy anh, gió mùa xuân không thể quạt cho anh mát dịu được”(12).
Cũng có khi nỗi nhớ thương mãnh liệt đến thành ám ảnh sâu sắc, tràn vào cảnh vật, khiến cho Rama nhìn đâu cũng thấy hiển hiện hình bóng người yêu: “Hãy chú ý mà xem, cánh hoa sen nom giống mắt Xita của anh, và cơn gió hây hây từ rặng cây thổi tới mang theo hương sen khi đụng tới chỉ nhị có khác gì hơi thở nhẹ nhàng của nàng Xita”(13).
Tuy nhiên, ngay cả khi phải trải qua bao đau khổ gian nan để tìm kiếm Xita nhưng khi đối đầu với quỷ vương Ravana hoàng tử Rama vẫn chỉ đưa ra yêu cầu rất mức hòa bình: “Hãy trả lại Gianaki. Muôn loài sẽ sống yên ổn!” Có được thái độ đó là do rừng núi đã đem lại bài học chân lý cuộc đời cho Rama: “Sống là yêu thương hòa hợp”.
Thiên nhiên rừng núi được miêu tả qua điểm nhìn của nhân vật trong sử thiRamayana, vì thế còn là những bức họa tài tình, sinh động tâm hồn Ấn Độ, trái tim Ấn Độ đắm say, tinh tế, nồng nàn niềm vui của cuộc sống và tình yêu. Nếu như trong Mahabharata hình ảnh rừng núi huyền bí, trang nghiêm, thanh thản thì rừng núi trong Ramayana lại thấm thía gợi cảm hơn. Rừng núi trong Ramayana nâng đỡ, chở che những khát khao hạnh phúc trần thế thì trong Mahabharata lại hun đúc nuôi dưỡng những khát vọng tâm linh siêu thoát. Do đó, hợp lại, chúng thể hiện trọn vẹn các phương diện của tinh thần Ấn Độ, thỏa mãn tất cả những nhu cầu tâm lý của con người.
Khuyên con người trở về với đời sống tâm linh là chủ trương lớn nhất của tôn giáo Ấn Độ. Tìm về với thiên nhiên, hòa nhập cùng thiên nhiên sẽ giúp con người ta nhận ra được chính mình và nhận thức được thế giới xung quanh. Vì thế, hình ảnh núi rừng trong Ramayana được xem là một biểu tượng nghệ thuật đặc thù đóng vai trò quan trọng trong thể hiện người anh hùng mang đời sống tâm linh, nhân vật anh hùng Ấn Độ.
_______________
1, 2, 7, 8, 9. Ramayana, tập1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.215, 214, 215, 338, 339.
3, 4, 5, 6. Mahabharata, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.218, 221, 372, 337.
10, 11, 12, 13. Ramayana, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.5, 7, 6, 8.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011
Tác giả: Lê Thị Bích Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét