Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh nói về học thuyết Pháp trị của Hàn Phi Tử: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền cần phải có trạng thái pháp trị tốt và nhà cầm quyền trí tuệ”


PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh nói về học thuyết Pháp trị của Hàn Phi Tử: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền cần phải có trạng thái pháp trị tốt và nhà cầm quyền trí tuệ”

Từ Đại hội Đảng lần thứ X, chúng ta đã xác định mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện các bộ luật và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Hiến pháp 1992 cũng đang được đặt ra sửa đổi theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong lịch sử tư tưởng cổ đại, đã có nhiều học thuyết tiến bộ mang giá trị phổ biến đến ngày nay. Theo dòng chảy tư duy chính trị và các ý nghĩa thời đại, chúng ta đã áp dụng khá nhiều điểm tiến bộ trong học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử. Vậy, trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta đã vận dụng tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử như thế nào? Ý nghĩa ra sao ?… Để hiểu rõ vấn đề quan trọng này, chúng tôi đã có bài đối thoại với PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà nghiên cứu các học thuyết chính trị thời cổ đại và là giảng viên chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
image0021 PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh nói về học thuyết Pháp trị của Hàn Phi Tử: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền cần phải có trạng thái pháp trị tốt và nhà cầm quyền trí tuệ”
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh – “Để hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta có thể áp dụng nhiều điểm tiến bộ trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử”
Học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử – một tiến bộ vượt bậc
PV: Trong tư tưởng pháp trị, Hàn Phi Tử có mong muốn là “khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thỏa lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành, biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, cha con giữ gìn cho nhau”. Là một nhà nghiên cứu chính trị, Giáo sư đánh giá như thế nào về tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Thông qua tư tưởng của Hàn Phi Tử, có thể thấy ông là một người có khả năng tư duy rất siêu phàm, học thuyết của ông tiến bộ thuộc vào bậc nhất trong lịch sử tư tưởng cổ đại. Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử là sự kết hợp của ba trường phái lớn: “Pháp”, “Thuật”, “Thế”. Dù thời đó có nhiều học thuyết như Nho gia, Mặc gia…, song đều bị Tần Thủy Hoàng chối bỏ và cho rằng Nho giáo chỉ là “cơm bụi canh bùn”, bắt đốt sách chôn nho, giết hại kẻ sĩ. Sau khi xem xong bộ học thuyết pháp trị, Lý Tư đã bày mưu giết Hàn Phi Tử và cướp bộ học thuyết này dâng lên Tần Thủy Hoàng. Đọc xong bộ học thuyết, Tần Thủy Hoàng tiếc nuối: Giá như ta được trò chuyện đàm đạo với người này thì chết cũng cam lòng. Tần Thủy Hoàng đã sử dụng học thuyết này và đã thống nhất được Trung Quốc năm 221 TCN. Mục đích chính của Hàn Phi Tử là “khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thỏa lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành, biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, cha con giữ gìn cho nhau”. Vì mục đích đó, cho nên, pháp trị hay pháp trở thành tiêu chuẩn khách quan để đánh giá, phân định phải – trái, tốt – xấu, đúng – sai của hành vi và là tiêu chuẩn để phân định danh phận. Pháp là cơ sở để mọi người biết rõ bổn phận trách nhiệm, là khuôn phép để khen – chê, thưởng – phạt. Sự hiện diện của pháp luật sẽ giúp nhân tâm, vạn sự quy về một mối. Lấy pháp làm chuẩn nên pháp là cái gốc của thiên hạ. Bởi vậy, từ mục đích, tính chất…đến ý nghĩa tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử tương đối hoàn chỉnh và tiến bộ so với đương thời, ngày nay vẫn được đánh giá rất cao bởi tính thực tiễn và có thể áp dụng để xây dựng nhà nước.
PV: Hàn Phi Tử hết sức coi trọng tác dụng của pháp luật, chủ trương xây dựng một lý luận pháp trị hoàn chỉnh, trong đó lấy “pháp” làm hạt nhân và có sự kết hợp chặt chẽ của 2 yếu tố, “thuật”, “thế”. Vậy vai trò cốt yếu của ba yếu tố trên là gì, thưa Giáo sư ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử là sự kết hợp của ba yếu tố, “pháp”, “thế”, “thuật”. Trong đó “pháp” là hạt nhân còn “thế”, “thuật” là yếu tố bổ trợ cho “pháp”.
“Pháp” là phương tiện để duy trì trật tự xã hội một cách hiệu quả và nhanh chóng. “Pháp” là những quy định thành văn, dán nơi công đường để trăm họ phải đọc khiến pháp luật phải thành cái quy cũ. Hàn Phi Tử cũng đã cho rằng, ở đời này không cần thợ may, thợ mộc giỏi mà chỉ cần người thợ trung bình và có cái thước chuẩn. Trong cai trị xã hội cũng vậy, không cần ông vua giỏi, chỉ cần ông vua trung bình nhưng ông vua ấy phải có cái thước chuẩn là pháp luật. Pháp luật phải thống nhất ổn định, dễ hiểu, như cái thước không được cong vênh và công khai để mọi người hiểu rõ. Pháp luật phải được thi hành triệt để, không ai nằm ngoài pháp luật, từ vua đến dân, từ trên xuống dưới đều phải tuân theo pháp luật. Hàn Phi Tử cũng cho rằng, trời không vì vật nào mà thay đổi bốn mùa, thánh nhân cũng không vì vật nào mà thay đổi luật pháp, vì vậy các pháp gia đòi hỏi nhà cầm quyền phải nêu gương pháp luật.
“Thế” chính là địa vị, là thế lực, là quyền uy của người cầm đầu chính thể. Hàn Phi Tử đề cao Tôn – Quân – Quyền tức là độc tôn quyền của vua, mọi người phải tuân phục quyền của ông vua. Vua phải giữ cho mình một cái quyền thế và ranh giới rõ ràng tránh các quan tiếm quyền. Hàn Phi Tử cũng đề cập đến “khi làm kẻ thuộc hạ mà giáo dục dân chúng không nghe, nhưng đến khi quay mặt về hướng nam làm vương thiên hạ thì lệnh ban ra được thi hành điều ngăn cấm bắt người ta thôi, do đó tài giỏi khôn ngoan không đủ để làm dân chúng phục theo mà cái “thế” và địa vị đủ làm cho người hiền giả cũng phải khuất phục vậy”. Như vậy, cái quyền uy thế mạnh này thay được cả hiền nhân. Còn “thuật” chính là cái dấu ở trong lòng, để nắm giữ quyền thần, pháp luật là công khai mà “thuật” thì không muốn cho người khác thấy. Đã là đế vương thì phải có các thủ thuật để hiểu rõ bản chất của quần thần, dân chúng để có thể thấu hiểu rõ phải trái, thị phi từ đó đưa ra hình phạt đúng đắn. Cùng với đó, “thuật” là phương tiện để củng cố, bổ nhiệm, miễn nhiệm trong tổ chức, tuyển chọn chức vụ quan trọng…
Như vậy, “thuật” và “thế” là hai điều kiện để thực hiện “pháp”, ba yếu tố trên luôn bổ trợ cho nhau, nếu thiếu đi một thì không thể nào có được nền pháp trị hoàn chỉnh mà chỉ gây thêm loạn trong dân chúng.
Nên kết hợp cả hai hệ tư tưởng
PV: Trong phép trị nước, an dân, Nho gia luôn đề cao đạo đức, nhân, nghĩa, lễ. Còn pháp gia thì lại trú trọng sức mạnh, xây dựng đất nước bằng luật pháp. Xét về khía cạnh nào đó thì, “pháp” trị và “đức” trị là hai hệ tư tưởng đối lập nhau, xin Giáo sư bình luận sâu hơn về mặt đối lập của hai hệ tư tưởng này ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Thời cổ đại của Trung Quốc có bốn học thuyết chính trị tiêu biểu. Trong mặt đối lập thì tiêu biểu nhất là Nho gia và Pháp gia. Tuy rằng cả hai học thuyết này cùng đi trả lời câu hỏi của thời kỳ bấy giờ là làm thể nào để ổn định xã hội, làm thế nào để tránh bạo loạn xẩy ra, song con đường thực hiện mục đích đó lại khác nhau.
Trong tư tưởng của Nho gia luôn đặt ra yêu cầu về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và chính danh. Yêu cầu sống theo lối người xưa theo tam cương, ngũ thường. Thu phục nhân tâm bằng đức của chính mình. Nếu lấy sức mạnh mà bắt người ta làm thì họ sẽ làm nhưng tâm không phục, còn lấy đức khuyến khích người ta làm thì họ sẽ làm và tâm họ phục theo. “Bản thân mà chính đáng thì không cần mệnh lệnh, người khác cũng thi hành”, có như vậy mới đưa xã hội vào ổn định.
Còn pháp gia cho rằng để ổn định được đất nước, yêu cầu nhất vẫn là dùng “pháp”, “thế”, “thuật”. Trong đó nhấn mạnh đến yếu tố pháp luật. Lấy pháp luật làm công cụ đắc lực để thống trị xã hội, biến pháp luật thành phương tiện, cẩm nang đặc biệt, nhằm đảm bảo cho sự cai trị thành công, và là chỗ dựa tin cậy vững chắc nhất để vua cai trị dân chúng. Theo quan điểm của pháp trị thì các quan hệ khác như vua tôi anh – em, chồng – vợ, cha – con đều tuyệt đối không tin tưởng mà luôn phải đề cao cảnh giác. Như vậy, theo Hàn Phi Tử những tình cảm kính trọng, thủy chung, chung hiếu đều là huyễn hoặc, xa vời, chỉ có pháp luật mới có thể đảm bảo trật tự. Nếu như kết hợp cả hai hệ tư tưởng đó thì thật hoàn chỉnh. Cầm thanh gươm chuyên chế đi thu phục, sau đó dùng đức để cai trị thì nước đó tất yếu sẽ cường mạnh.
PV: Thời phong kiến Việt Nam đã có nhiều đạo luật, trong đó có cả đạo luật vì dân và có cả các đạo luật hà khắc. Vậy tư tưởng dùng luật của các nhà phong kiến Việt Nam và tư tưởng dùng luật của Hàn Phi Tử khác nhau như thế nào về bản chất, mục đích, thưa Giáo sư ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Thời kỳ phong kiến Việt Nam, đã có nhiều đạo luật tiến bộ chăm lo cho lợi ích của dân. Trong đó, ý nghĩa nhất phải kể đến là Luật Hồng Đức thời Lê. Thời kỳ này đất nước được hưng thịnh, khắp nơi không có trộm cắp, không nhặt của rơi, nơi hang cùng ngõ kiệt không có tiếng khóc than oán hận…tuy nhiên việc tuân thủ theo luật còn rất nhiều hạn chế. Về sau có luật Gia Long thời nhà Nguyễn, luật này lại trở nên khắt khe hơn nhiều, xiết chặt lợi ích của dân đến mức thấp nhất. Luật Gia Long chịu ảnh hưởng của các bộ luật bên Trung Quốc nên không phản ánh được lòng dân, tất yếu sẽ bị khước từ và dân không thực hiện. Xét về điểm chung thì luật của các nhà phong kiến đều khắt khe vì trước hết họ phải củng cố địa vị độc tôn của dòng họ thứ đến mới phục vụ sự công bằng trong dân chúng. Một điểm khác nữa là khi xây dựng các bộ luật, thời phong kiến nước ta khá nặng về quy định chống ngoại xâm và chống thiên tai. Còn ở Trung Quốc, bài toán luật pháp của họ khác, thứ nhất là phải áp được dân số đông, thứ hai là dập tắt các kiểu tranh vương tranh bá. Nên đòi hỏi phải có thanh gươm chuyên chế, phải có pháp trị thật mạnh mới có thể thống nhất được.
Để quyền lực thuộc về nhân dân
PV: Như vậy, có thể nói học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử là một học thuyết tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định. Theo quan điểm riêng của Giáo sư, chúng ta nên áp dụng điểm nào nhất trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Sau tuyên ngôn độc lập năm 1945, nước ta đã xác định rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã là một nhà nước hợp pháp, hợp hiến. Nhà nước ta được tổ chức, hoạt động trên cơ sở quy định tại Hiến pháp, pháp luật và không ngừng được củng cố về mọi mặt nhằm đảm bảo lợi ích của dân theo tinh thần “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, xây dựng một chế độ “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Chúng ta xác định rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của mình và tính tất yếu của nó dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác –Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính tất yếu đó còn bắt nguồn từ xu thế của thời đại và xu hướng toàn cầu hóa, đòi hỏi chúng ta phải mở cửa hội nhập theo tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Từ yêu cầu xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN và qua tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử, chúng ta thấy có khá nhiều tiến bộ có thể áp dụng được, đặc biệt là vấn đề dùng pháp luật một cách nghiêm minh đúng đắn. Rồi các yêu cầu như pháp luật phải khách quan, pháp luật phải đặt nơi công đường để trăm họ được biết, pháp luật không bênh người sang, không phân biệt kẻ nghèo khó…, đều là những điểm chúng ta có thể vận dụng được. Đồng thời chúng ta cũng lưu ý rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta đã xác định pháp luật là tối thượng nhưng pháp luật nhà nước ta là do nhân dân đề xuất soạn ra chứ không phải ông vua chuyên chế tạo ra. Nhà nước pháp quyền XHCN là quyền lực thuộc về nhân dân, còn thời phong kiến quyền lực thuộc về ông vua.
PV: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một Nhà nước vừa phải thể hiện được các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, vừa khẳng định được bản sắc đặc thù của riêng mình. Vậy đặc thù của nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta chủ yếu là gì thưa Giáo sư ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Nhà nước pháp quyền luôn đảm bảo được tính tối cao của hiến pháp và pháp luật, pháp luật phải phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, chịu trách nhiệm trước công dân về hoạt động của mình… Ngược lại, công dân phải thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước, chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Để đảm bảo các yêu cầu trên thì nhà nước pháp quyền nói chung phải có một thể chế thích hợp, để đảm bảo pháp luật được thực thi và đảm bảo được vai trò của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp.
Còn ở nước ta, nhà nước pháp quyền XHCH là một kiểu tiến bộ dân chủ và có các đặc trưng như: Là nhà nước của dân do dân vì dân, dân ở đây là nhân dân lao động trong đó là liên minh công – nông – trí thức trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống bằng pháp luật, đồng thời không ngừng nâng cao coi trọng giáo dục đạo đức và pháp luật, pháp chế XHCN; Quyền lực thống nhất có sự phân công kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Nhà nước hoạt động, theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Nhà nước do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
PV: Để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Giáo sư đánh giá như thế nào về sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp hiện nay?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Chúng ta luôn có sự phân công giữa các cơ quan nhằm đảm bảo các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và vì lợi ích của nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã và đang chú ý đến khâu kiểm soát. Từ kết quả nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị của thế giới, người ta nói rất nhiều về kiểm soát. Quyền lực công mà không bị kiểm soát thì các cá nhân rất dễ đi vào lạm quyền, biến quyền lực chung thành quyền lực riêng của cá nhân, biến mục đích sử dụng quyền lực của đại đa số thành mục đích phục vụ cho lợi ích cá nhân. Từ đó hình thành nên những kiểu lợi dụng có quyền trong tay rồi mưu mô tính toán trà đạp lên lợi ích tập thể. Vì vậy vấn đề kiểm soát đang là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Kiểm soát tốt, thanh tra tốt mới có thể hoàn thiện tốt nền pháp trị XHCN, cũng từ đó mới mong hạn chế được vấn đề lạm quyền, tham ô, hối lộ… đang nhức nhối bấy lâu nay.
Chú ý đến đội ngũ lãnh đạo
PV: Khi bàn đến đạo đức, vai trò của người lãnh đạo, Hàn Phi Tử đã đặt ra tiêu chuẩn, “Bậc thánh nhân hiểu rõ cái thực tế của việc phải và trái, xét rõ thực chất của việc trị và loạn, cho nên trị nước thì nêu rõ pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, trừ bỏ cái họa trong thiên hạ”. Từ cái chuẩn mực đó, và xét trong thời gian gần đây, Giáo sư đánh giá như thế nào về một bộ phận lãnh đạo tắc trách, tham ô, bao che khiến lòng dân không phục ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Trong thời gian gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ trở nên thoái hóa, biến chất và đó đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Trắng – đen có lúc lẫn lộn vì vi phạm pháp luật không được xử lý một cách nghiêm túc. Riêng tính về luật chúng ta cũng đã có nhiều bộ luật đặc biệt theo xu hướng hòa nhập, nếu áp dụng tốt luật thì chúng ta sẽ loại bỏ được những cán bộ thoái hóa, biến chất đó nhưng từ trong truyền thống, chúng ta áp dụng luật là rất hạn chế. Khi chúng ta xây dựng đất nước, đều thống nhất là sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Vậy mà, một bộ phận không nhỏ được ủy thác lại lợi dụng quyền lực trong tay, không thực sự nghiêm túc theo pháp luật. Từ những thực trạng đó, chúng ta cần phải tìm những giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục hiện tượng này. Về giải pháp, tôi cho rằng phải có những chế tài thật mạnh đối với cán bộ vi phạm; phải phân định các mối quan hệ trong nội bộ các cơ quan, các quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân; không ngừng trao dồi đạo đức người cán bộ theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh…có như vậy chúng ta mới mong thu hẹp các đối tượng tham ô thoái hóa, dân mới có lòng tin vào người lãnh đạo, vào Đảng.
PV: Hàn Phi Tử có quan điểmrất đúng: “những người thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, còn những người thi hành pháp luật yếu thì nước yếu”. Để có một nước mạnh, từ quan niệm tiến bộ này, Giáo sư nghĩ sao về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống nhà nước, trong các cơ quan tư pháp và trong công tác thanh tra hiện nay ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Hàn Phi Tử đã nói đúng, không có nước nào mạnh hoàn toàn, cũng không có nước nào yếu hoàn toàn. Nước chỉ mạnh khi những người thi hành pháp luật tạo ra một sự công bằng, nghiêm túc theo pháp luật. Nếu như người cán bộ làm mất lòng tin của nhân dân thì tất yếu sẽ thiếu đi sự đoàn kết thống nhất. Đã là người cán bộ thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Là người cầm cán cân pháp luật họ phải xác định hai chữ “công bằng” trong đó chú ý đến tính nhân văn của con người, phải nắm rõ pháp luật để xử lý sao cho công bằng khách quan. Phải có những đội ngũ đó chúng ta mới thực hiện nghiêm pháp luật được. Còn trong thực tế, Đảng ta cũng đánh giá có một bộ phận không nhỏ đã thoái hóa, biến chất mới dẫn đến nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ xử rồi mà vẫn không thi hành được. Để có đất nước vững mạnh, chúng ta cần chuyên sâu hơn nữa, chú ý nhiều đến vấn đề xây dựng một đội ngũ lãnh đạo đủ sức, đủ tài có thể đảm đương gánh vác trách nhiệm mà nhân dân giao phó.

PV: Hàn Phi Tử quan niệm, nhà vua cũng chỉ là người bình thường như bao người khác. Cái làm cho đất nước trị hay loạn không phải là ông vua của nước đó ra sao, mà là nền pháp trị của nước đó như thế nào. Từ thực tiễn, Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Nhà nước nào cũng là nhà nước của một giai cấp xác định, không có nhà nước phi giai cấp. Khi nhà nước cầm quyền tức là vì nhân loại mà cầm quyền, để đạt được khát vọng nhân văn và khả năng thực tiễn để vươn tới tự do bình đẳng. Vì vậy, bất kể nền chính trị nào cũng bị chi phối bởi giai cấp, bởi nhân loại. Ở đây cũng nói đến trạng thái, nhân cách, trí tuệ của giai cấp cầm quyền. Ở đây xin nói thêm, về nhà lãnh đạo, vì ông vua là người soạn ra luật, nhưng nến ông vua ấy không đủ minh mẫn, trí tuệ để soạn ra luật thì sao ? hay như việc ông vua đó không sáng suốt, áp dụng sai luật pháp thì tất yếu lòng dân không phục. Hàn Phi Tử cũng đã nói đến, cần phải có trạng thái pháp trị tốt và cần phải có nhà cầm quyền trí tuệ. Nếu nói, có nền pháp trị thì không cần nhà lãnh đạo là một sai lầm. Nếu như vậy thì là quá tuyệt đối hóa pháp luật. Hai yếu tố đó kết hợp thì mới thành công.
PV: Hàn Phi Tử cũng lưu ý những nhà lãnh đạo, phải dựa vào pháp trị để làm cho đất nước giàu mạnh, song nếu “không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà làm giàu có cho các quan đại thần mà thôi”. Xét một khía cạnh khác, cái thuật ở đây Hàn Phi Tử muốn nói cácphương pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi cử, thưởng phạt của người lãnh đạo. Giáo sư đánh giá tư tưởng này như thế nào nếu nó được đề cao và áp dụng triệt để ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Cái thuật của Hàn Phi Tử là phải giữ kín trong lòng. Từ cái trong lòng đó để áp dụng vào mà thử lòng người. Ví dụ với thời phong kiến ở triều nhà Nguyễn cũng áp dụng điều này. Muốn thử lòng trung thì đưa người đó đi thật xa và cho người theo dõi, muốn thử người lòng kính thì lại cho ở gần, càng gần càng tỏ rõ bản chất xem có còn kính nữa không. Nó thuộc vào nghệ thuật dùng người, khâu đánh giá, điều chỉnh cán bộ, nếu không có nghệ thuật thì không đánh giá hết người tài, lại còn thiên kiến quan hệ với nhau. Giả định anh làm công tác đã tốt nhưng không có thuật chọn người thay thế, kế nhiệm thì đó cũng chưa phải là tốt. Hoàn toàn có thể vận dụng “thuật” của Hàn Phi Tử vào việc sử dụng cán bộ. Như tấm gương Hồ Chí Minh cũng đã nói đến thuật dùng người. Sau khi có đường lối đúng đắn thì chúng ta phải có cái thuật dùng người, người đó phải có cái tâm trong sáng gạt qua lợi ích cá nhân để phụng sự cộng đồng.
Còn nhiều vấn đề về một bộ phận không nhỏ biến chất đi lên bằng con đường luồn lách, chạy chức. Đó là con đường đối lập với văn hóa chính trị. Khi lên theo con đường như vậy họ không phải trả giá về rèn luyện đạo đức, họ lên như vậy và sau này họ cũng tuyển dụng như vậy thì quả là nguy hiểm. Muốn có xã hội ổn định thì yếu tố con người mới là quan trọng. Cần phải có các tổ chức giám sát, dựa vào nhân dân, cần phải mạnh, tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục, quản lý, tuyển dụng cán bộ vào bộ máy nhà nước.
Tính công bằng trong xã hội
PV: Hàn Phi Tử cũng cho rằng “luật pháp không phân biệt sang hèn”, “hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu… thưởng cho những kẻ cẩn thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh”. Ở đây, phạt và thưởng rất rõ ràng, vậy trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta đã áp dụng quan điểm này chưa, thưa Giáo sư ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Trong quan điểm pháp trị của Hàn Phi Tử, ông rất coi trọng đến thưởng và phạt. Thưởng cho người có công, phạt những người vi phạm, phạt cả những kẻ bao che tội phạm, khi xử phạt cũng không phân biệt sang hèn tức là bình đẳng trước pháp luật. Nhưng cũng lưu ý đến thưởng, bởi thưởng nhiều sẽ có kẻ hám hợi mà làm, làm vì được cái gì đó từ việc thưởng. Cho đến bây giờ, thưởng – phạt là rất cần thiết, để làm được điều này chúng ta cần chú ý đến các vấn đề như coi trọng hình thức, xét thi đua cũng mang trọng hình thức, lại có những thực trạng chạy chọt để được danh hiệu thi đua… Việc thưởng gần như là một phong trào, mà phong trào này chưa thực sự tạo ra sự công bằng mà theo kiểu háo danh. Còn một thực tế nữa là phạt chưa đủ sức răn đe, khi bị phạt thì người bị phạt lại tìm các mối quan hệ thân thiết để chạy án… Nếu như chúng ta áp dụng được tư tưởng trên của Hàn Phi Tử thì rất hữu ích, tuy nhiên cũng phải lưu ý đến những thực trạng háo danh, chạy chọt…, từ đó xác định rõ mục đích và tính chất của việc thưởng – phạt.
PV: Trong tư tưởng pháp trị luôn dựa vào pháp luật để đòi hỏi một sự công bằng, và ngày nay chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN cũng không nằm ngoài mục đích đó. Giáo sư có đánh giá như thế nào về nền dân chủ của nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay so với thời pháp trị độc tôn và với nền pháp trị ở một số nước trên thế giới ?
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Nói đến sự công bằng thường là nói đến mưu lợi của con người và Hàn Phi Tử cũng vậy. Có điều rằng: Anh muốn có công bằng pháp luật nhưng phải hiểu pháp luật đó là do ai đặt ra. Ví dụ: Thời phong kiến, luật là do vua soạn ra vậy thì ông vua đó phải đặt lợi ích của mình và lợi ích của dòng họ lên trên hết. Còn lợi ích của dân thì ít, vua muốn dân là đối tượng cai trị một chiều của mình. Theo mặt bằng đó thì có thể thấy những lợi ích của người dân là ngang nhau vậy nên cái công bằng mà Hàn Phi Tử muốn nói đến chỉ có thể là công bằng trong cái mặt bằng chung đó, chứ không thể là cái công bằng giữa dân với vua. Nói công bằng song cũng thực sự chưa công bằng.
Còn chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thì công bằng ở đây mang tính nhân văn hơn nhiều. Vì chúng ta xác định quyền lực là ở nhân dân lao động chứ không phải là ở ông vua. Vì vậy chúng ta mới phấn đấu để mọi người dân có quyền ngang nhau từ trên cao xuống thấp theo cái nghĩa là luật ấy do nhân dân đóng góp soạn thảo ra và ủy thác thẩm định cuối cùng là trong Quốc hội. Luật pháp mà chúng ta soạn ra là luật phản ánh nguyện vọng của dân nên tất yếu nó mang giá trị nhân văn và nó thực hiện các quyền con người, quyền công dân lao động một cách phổ quát chứ không phải thực hiện các quyền vô biên của ông vua trong thời Hàn Phi Tử.
Còn ở một số nước, nền pháp trị mạnh làm cho bầu không khí chính trị tăng lên, vì vậy nhiều tổ chức lợi dụng việc đó làm cho diễn biến hòa bình trở nên phức tạp hơn và chúng ta cần lưu ý đến điều đó.
PV: Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử có nhiều tiến bộ, song cũng có nhiều hạn chế. Từ mong muốn đất nước phát triển theo một khuôn khổ pháp luật, Giáo sư đánh giá như thế nào về những mặt hạn chế trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử và từ thành quả thực tế đã đạt được chúng ta có thể rút ra bài học gì trong thời gian hiện nay
PGS. TS Nguyễn Văn Vĩnh: Tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử quả là có nhiều tiến bộ mà chúng ta có thể áp dụng được, song tư tưởng đó cũng có mặt hạn chế của nó. Từ truyền thống đến ngày nay, vẫn có nhiều người có lý tưởng cao đẹp, phục vụ người khác mà không vụ lợi. Thế mà, theo quan điểm của Hàn Phi Tử thì hành động của họ chẳng qua vì cái lợi. Thực sự ông đã bỏ qua cái giá trị nhân văn của con người và độc tôn pháp luật. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là dựa vào dân, chủ quyền tối thượng thuộc về nhân dân. Phải hiểu được rằng pháp luật không sinh ra quyền con người mà pháp luật chỉ là công cụ để đảm bảo quyền của con người. Nếu làm khắt khe độc tôn pháp luật thì chúng ta sẽ làm thui chột các giá trị sáng tạo trong thời đại và tất yếu sẽ gây nên nền chính trị bất ổn trong đời sống nhân dân.
Không riêng gì học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử, mà chúng ta cũng cần lưu ý đến học thuyết vô vi thời bấy giờ và các học thuyết khác, song xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN chúng ta vẫn luôn chú ý đến những quyền con người trong thời đại mới để nhà nước đó thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Giáo sư. Kính chúc Giáo sư bước sang năm mới sức khỏe, vạn sự như ý !
NGUYỄN NGHĨA (thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét