Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Ajanta, Ellora: Dấu ấn Phật giáo vàng son một thời

Ajanta, Ellora: Dấu ấn Phật giáo vàng son một thời

Ước mong từ lâu về một chuyến chiêm bái hệ thống các hang động Phật giáo thuộc vùng Nam Ấn của chúng tôi giờ mới có cơ hội trở thành hiện thực. Nhân duyên đến từ một người bạn mà chúng tôi quen biết ghé thăm quý thầy tại trường Đại học Pune và có nhã ý mời chúng tôi tháp tùng cùng đoàn trong chuyến viếng thăm này. Nhận lời, chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị một số hành lý gọn nhẹ ngay trong đêm đó, sẵn sàng khởi hành vào sáng hôm sau, thực hiện niềm mong ước của mình là được tận mắt ngắm nhìn, những công trình kiến trúc có thể nói là công phu và lâu đời nhất thế giới này. Đó là quần thể động Ajanta và Ellora phía Nam Ấn Độ.
Đoàn chúng tôi gồm 5 người đó là ĐĐ Thích Quảng Trí, ĐĐ Thích Như Từ, chúng tôi là Tuệ Hải và hai em sinh viên là Trang và Vũ những người đã cùng Đại Đức Thích Như Từ ghé thăm trường trong ngày trước đó. Chuyến đi khởi hành vào lúc 5 giờ sáng khi mà mọi người còn đang yên giấc, thành phố Pune chìm trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu mùa mưa, những đám mây đen giăng mắc cả một vùng trời khiến chúng tôi không khỏi lo lắng cho cuộc hành trình chỉ mới bắt đầu này.
Xe chở chúng tôi dần xa thành phố, bình minh lúc này cũng bắt đầu ló rạng, những ngôi nhà thưa thớt ven đường dần hiện ra trước mắt chúng tôi, những ngôi làng của người dân thấp thoáng sau những ngọn đồi xa xa mở ra một vùng quê yên bình, song cũng quạnh quẽ đến lạ.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là quần thể hang động nổi tiếng thế giới Ajanta nằm sâu trong vùng núi cách khu làng của người dân khoảng 3,5 km. Động Ajanta nằm cách quận Aurangabad khoảng 99 km thuộc bang Maharastra, Ấn Độ. Những hang động trong quần thể này được xem như là một di sản văn hóa thế giới có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 2 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên. Tuy nhiên, sau đó chúng đã bị chìm vào quên lãng cùng với sự suy tàn của Phật giáo trên đất nước Ấn Độ huyền bí này. Mãi cho đến năm 1819, những hang động này mới được tình cờ khám phá bởi một người lính Anh quốc khi ông ta đi săn bắn đã tìm thấy lối vào hang động số 9 mà lúc đó còn bị cây rừng che khuất.
Toàn cảnh quần thể hang động Ajanta
Những hang động này được các tu sĩ Phật giáo khắc sâu vào dãy núi đá có hình móng ngựa, bên dưới là con sông Wagura chảy dài ôm bọc lấy chân dãy núi. Khi chúng tôi đến thì thời tiết ở đây vào cuối vào mùa khô, khí hậu nắng nóng khiến cho lòng sông trơ trụi toàn đá. Được biết, vào mùa mưa con sông này chảy từ độ cao hơn 200 feet (khoảng hơn 60 mét) và tạo nên một loạt các thác nước mà khi chiêm bái nơi đây, trong các hang động chúng ta có thể nghe được tiếng thác đổ mà âm vang của nó vang vọng vào vách núi tạo nên một bản hùng ca tráng lệ bởi sự kết hợp tuyệt vời của thiên nhiên Ajanta.
Ajanta có tổng số 30 động lớn nhỏ được đục khắc sâu vào vách núi, 27 động trong số đó là du khách có thể viếng thăm, chiêm bái số còn lại do sự bào mòn của thiên nhiên khiến cho chúng không còn an toàn cho du khách viếng thăm nên chính quyền địa phương đã hạn chế thăm viếng các động này.
Quần thể kiến trúc cổ Ajanta được chạm khắc vô cùng tinh sảo thể hiện qua ba kiểu kiến trúc thường thấy trong Phật giáo là kiến trúc tu viện, tháp thờ xá lợi Phật và tăng xá.
Lần lượt viếng thăm và quan sát khá tỉ mỉ những hoa văn họa tiết được chạm khắc trên vách đá và các hàng cột bên trong quần thể hang động này đã khiến chúng tôi vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi bước vào hang động số 4, hang động lớn nhất trong quần thể Ajanta. Quan sát toàn bộ chúng ta thấy đây là một hang động rất quy mô song còn dang dở chưa được hoàn thành. Hang động này có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau Tây lịch. Những dòng bia ký trên bệ thờ dưới chân tượng Phật cho biết đây là phẩm vật cúng dường của một thí chủ có tên Mathura. Cửa chính dẫn vào tiền sảnh được chạm khắc rất công phu cùng hai hàng cột với 28 trụ đá song song. Trên vách đá bao quanh phần nội động là một loạt các tăng phòng còn đang dang dở.
Cổ xưa nhất trong quần thể kiến trúc này là động số 10 có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Kiến trúc cũng như các bích họa bên trong ngôi tháp  cho chúng ta thấy được ngôi tháp này thuộc về một tông phái của Phật giáo Tiểu Thừa. Điểm đặc biệt của ngôi tháp này là những bức bích họa được tô vẽ trên trần nhà và các vách tường dù trải qua hàng ngàn năm song vẫn còn khá rõ nét khiến cho du khách không khỏi trầm trồ thán phục.
Ajanta còn lưu giữ được khá nhiều bích họa, nội dung trong các bức bích họa này mô tả về các giai đoạn trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca và các minh họa của những câu chuyện cổ trong Jataka (kinh Bổn Sinh).
Kiến trúc và kết cấu của các hang động trong quần thể này tương tự nhau. Hầu hết ngay giữa mỗi động là tôn tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngự trên kim cương tòa trong tư thế chuyển pháp luân và có hoa sen đỡ chân được khắc nổi trong một gian thờ đục sâu trong vách đá. Hai bên là tượng hai vị bồ tát. Hai vách tường đối diện trong các động tu viện hoặc tăng xá đều có phòng cho chư tăng ở để tu tập và nghiên cứu Phật pháp.
Kiến trúc của các động tháp thờ xá lợi Phật bao gồm một mô hình tháp được tạc bằng đá nguyên khối nằm ngay chính giữa. Bao quanh là hàng cột cách vách tường đá khoảng hơn một mét tạo thành lối hành lang để đi kinh hành nhiễu quanh tháp thờ. Ngoài mô hình tháp thờ được tạc giữa động tháp, Một số hang động có niên đại sau này còn thêm tượng Phật ngay trước tháp thờ cũng trong tư thế chuyển pháp luân như những hang động tu viện và tăng xá còn lại.
Say mê ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc và hội họa được thể hiện sinh động trong quần thể hang động Phật giáo Ajanta, chúng ta mới cảm hết được những giá trị và sự kỳ vĩ mà người xưa để lại. Một cảm xúc vô bờ khi ngắm nhìn những công trình còn dang dở, ẩn hiện đâu đây những bàn tay khéo léo của người thợ hay cũng chính là chư tăng đã thổi hồn vào đá khiến cho vật vô tri trở nên sinh động đến lạ thường. Hay mong muốn gởi đi những ước nguyện của mình để người đời sau tiếp nối những công trình còn dang dở như tiếp nối sự truyền thừa mạng mạch phật pháp để chảy mãi về sau?
Đoàn chúng tôi rời Ajanta khi cơn mưa chiều vừa ập xuống. Những cơn mưa đầu mùa chóng vánh không đủ độ ẩm để tiếp cho lộc non bật lá khiến núi rừng Ajanta trơ trọi và khô cằn. Chúng tôi vội vã đón chiếc xe buýt ra bãi đậu xe để trở lại Ellora tìm một khách sạn nghỉ ngơi lấy lại sức cho chuyến tham quan động Ellora vào sáng hôm sau. Ellora cách Ajanta khoảng 120 cây số, vì vậy chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian di chuyển và tìm khách sạn tại một thị trấn quanh đó để nghỉ đêm.
9h30’ sáng, bác tài xế đưa chúng tôi tham quan động Ellora, địa điểm chỉ cách khách sạn chúng tôi nghỉ khoảng 30 phút đường xe. Đường dẫn lên động Ellora được trải nhựa và rất thông thoáng. Xe du lịch có thể đưa khách đến tận chân núi. Phong cảnh ở đây thoáng mát bởi những rừng cây xanh rợp bóng mát.
Quần thể Ellora bao gồm 34 hang động chia thành ba khu riêng biệt nối tiếp nhau của ba tôn giáo chính là Phật giáo, Hindu giáo và Kỳ Na giáo hay đạo Lõa Thể. Trong đó 12 hang động đầu tiên là các hang động Phật giáo, hang động 13 đến 29 thuộc về Hindu giáo và bốn hang động còn lại nằm tách biệt là của Kỳ na giáo.
Tượng Phật niết bàn được tạc sâu vào đá núi, Ảnh: Định Tuệ
Các hang động Phật giáo tại đây cũng bao gồm ba kiểu kiến trúc tương tự Ajanta là động tu viện, động tháp xá lợi và động tăng xá có niên đại từ năm 500 đến 700 sau công nguyên. Nổi bật trong quần thể hang động Phật giáo ở Ellora là động số 5 với chiều sâu là 35,66 mét và chiều ngang 17 mét có hành lang bao quanh và  24 cột đá đỡ trần động. Phần nội động dường như được sử dụng hoặc để làm phòng ở cho khách hoặc là lớp học cho các vị tập sự. Trên tường của các hang động Phật giáo tại Ellora được chạm khắc tượng của các vị bồ tát, các hoa văn, họa tiết cũng rất mực tinh xảo và sinh động.
Nối bật nhất và cũng là trọng tâm trong quần thể kiến trúc cổ tại Ellora là hang động số 16 hay còn gọi là Kailasha của Hindu giáo. Động được tạc theo hướng từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong. Phần chính của công trình kiến trúc này là ngôi đền thờ chính giữa được tạc tách rời với phần núi bao quanh. Người ta nói rằng ngôi đền này được tạc trải qua mười thế hệ và phải mất 200 năm mới hoàn thành. Các công trình điêu khắc nghệ thuật được thực hiện trong nhiều giai đoạn và trải qua nhiều đời vua khác nhau.
Toàn cảnh đền Kailasha của Hindu giáo tại Ellora, Ảnh: Quảng Trí
Bước vào cổng chính của ngôi đền, chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi sự quy mô và hùng vĩ của các hạng mục kiến trúc nơi đây. Đối xứng hai bên của ngôi đền là hai thạch trụ và hai con voi đá uy nghiêm đứng chầu. Chính giữa là ngôi đền đặc trưng của Hindu giáo với một lầu trên cao thờ Linga. Mặt sau của ngôi đền là hàng loạt voi đá như tạo thành bệ đỡ cho ngôi điện thờ nằm phía trên. Tường của các vách núi bao bọc xung quanh là các gian phòng triển lãm hai tầng. Tất cả những hạng mục kiến trúc nơi đây đều vô cùng tuyệt diệu thể hiện trình độ đỉnh cao của nghệ thuật khắc đá Ấn Độ.
Nằm tách biệt với quần thể hang động Phật giáo và Hindu giáo khá xa là hệ thống bốn hang động của Kỳ Na giáo. Hang động số 32 là hang động nổi bật nhất trong bốn hang động này. Kết cấu của ngôi đền Kỳ na giáo này không khác gì lắm so với đền Kailasha của Hindu giáo. Phía trước gian chính thờ một vị thánh Kỳ na giáo là cổ tháp với nhiều nét điêu khắc độc đáo. Nằm lệch về một phía của cổ tháp là một thạch trụ và một con voi đá thay vì từng cặp được tạc đối xứng như đền Kailasha.
Bước ra khỏi ngôi đền Kỳ na giáo cũng là điểm cuối cùng trong chuyến đi mà đoàn chúng tôi cần đến. Trở lại khu trung tâm, hướng tầm mắt về những thạch động Phật giáo trong mây khói lam chiều của thắng tích Ellora, tiếng sóc kêu vang, tiếng khỉ gọi bầy và tiếng lòng ai thổn thức, hay cảm giác bùi ngùi về một thời huy hoàng của Phật giáo đã xa trên xứ Ấn. Bánh xe lăn tròn đưa khách tha hương tìm về chốn cũ, núi chập chùng mây lững lờ trôi, hình ảnh của những thạch động ghi dấu ấn vàng son một thời của Phật giáo giờ chỉ còn là phế tích như nhắn nhủ người rằng hãy ghi vào lòng hai chữ Sắc Không.
Tuệ Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét