Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Con đường tơ lụa trên biển và giao lưu văn hoá Việt - Nhật


Con đường tơ lụa trên biển và giao lưu văn hoá Việt - Nhật

Hang Phổ Đà Sơn, động Huyền Không ở Ngũ Hành Sơn. Nơi được tạc tấm bia vào vách đá từ thế kỷ 17, ghi tên nhiều người Nhật góp tiền xây tượng Phật. Lưu ý: Tượng Phật Quan Âm hiện nay không phải bức tượng được làm ở thế kỷ 17!
(TBKTSG) - Cuối thế kỷ 19, khi đến thăm mũi Irago thuộc tỉnh Aichi miền Trung Nhật Bản, nhà nghiên cứu văn hoá Yanagida Kunio đã bắt gặp những quả dừa được sóng xô vào bờ. Đây là căn nguyên để ông viết cuốn sách Con đường trên biển (Kaijo no michi), đề xướng thuyết chủ trương rằng dân tộc Nhật có khởi nguyên từ phương Nam, thông qua quần đảo Okinawa.
Không chỉ có những quả dừa trôi dạt từ phương Nam đến.
Theo Nhật Bản thư kỷ (Nihon Shoki), cuốn sách lịch sử được hoàn thành năm 720 vào thời đại Nara (710-784), trong những năm Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi) nhiếp chính, ở bãi biển đảo Awaji phía Nam Kobe, tỉnh Hyogo có trôi dạt đến một khúc gỗ lớn. Dân trên đảo đem đốt chung với củi và phát hiện mùi hương thơm ngát, bay xa. Ngạc nhiên, dân đảo đem hiến dâng cho Thái Tử.
Nhật Bản thư kỷ cũng ghi “trầm thuỷ” (danh từ chỉ trầm hương) có xuất xứ từ Nhật Nam. Vào thời nhà Đường của Trung Quốc, Nhật Nam là tên gọi một phần đất Giao Châu, hiện nay thuộc vùng Trung bộ Việt Nam.
Từ xa xưa, dòng hải lưu “Hắc triều” (Kuroshio) được cho là tạo nhiều ảnh hưởng đối với sự hình thành nền văn hoá vùng Tây Nam Nhật Bản. Đó là nền văn hoá rừng lá chiếu sáng (là loại lá quanh năm màu xanh đậm, sáng lóng lánh) trải dài từ vùng Trung bộ Himalaya chạy qua phía Bắc Đông Nam Á, Tây Nam Trung Quốc, vùng núi Giang Nam và đến miền Tây Nhật Bản.
Theo dòng hải lưu đó, từ phương Nam đã trôi dạt đến Nhật Bản không chỉ những động thực vật mà còn cả con người và văn hoá. Lưu lộ của dòng “Hắc triều” bắt nguồn từ phía Đông quần đảo Philippines chạy ven qua bờ Nam Nhật Bản, thông đến tận ngoài khơi Sanriku ở Đông Bắc Nhật Bản rồi hướng ra phía Đông.
Đây cũng là đoạn cuối con đường tơ lụa trên biển. Những vùng biển mà “Hắc triều” chảy qua cũng là những kinh lộ của bão tố hàng năm. Vùng bão tố tập trung nhiều nhất là quanh vịnh Đài Loan. Phải chăng, danh xưng Đài Loan - vùng vịnh bão tố, bắt nguồn từ đó?
Dòng hải lưu “Hắc triều” và bão tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao lưu văn hoá giữa Nhật Bản và phương Nam. Ở thế kỷ thứ 8, những giao lưu về học vấn và văn hoá Phật giáo giữa Nhật Bản với Trung Quốc đã rất thịnh hành. Từ năm 630-894, Nhật đã gửi nhiều nhóm du học sinh đi Trung Quốc, học 2-3 năm rồi trở về để học hỏi thêm về văn hoá lục địa và tình hình quốc tế. Các lớp du học sinh này được gọi là Khiển Đường Sứ (hay Nhập Đường Sứ).

Nakamaro cũng là một người Nhật sống ở Trung Quốc nhưng có nhiều duyên nợ với An Nam. Ông là một văn tài nổi tiếng được người đời ca tụng, là bạn thơ của Vương Duy, Lý Bạch. Năm 716, khi mới 19 tuổi, ông đã được tuyển vào Khiển Đường Sứ và năm sau đó đã đến Trung Quốc. Sống ở Trung Quốc suốt 53 năm không một lần trở lại quê hương, Nakamaro là một người Nhật hiếm hoi được tiến quan và làm quan lớn thời nhà Đường.
Vào năm 734, Khiển Đường Sứ Phán quan Heguri Hironari (Bình Quận Quảng Thành) trên đường về nước không may gặp bạo phong, thuyền trôi dạt vào đất của vương quốc Champa, thuộc Trung bộ Việt Nam ngày nay, lúc bấy giờ là một vương quốc phồn thịnh với nghề mậu dịch. Hironari rất có thể là vị khách kỳ lạ đầu tiên từ Nhật Bản đến vùng đất này. Sau đó, Hironari quay lại Trường An đã được Abe no Nakamaro (1) (A Bội Trọng Ma Lữ) giúp đỡ tìm cơ hội về nước.
Thực ra, năm 752, ông được phép quy hương và giong buồm từ Tô Châu cùng với hoà thượng Giám Chân (2), nhưng đoàn thuyền đã gặp bão tố, tan nát ở gần Okinawa. Thuyền của hoà thượng Giám Chân may mắn trôi được đến Kyushu nhưng thuyền của Nakamaro lại trôi về phương Nam và cuối cùng dạt vào vùng Trung bộ Việt Nam ngày nay. Nakamaro đã phải theo đường bộ đi về phương Bắc đến Hải Phòng, từ đó dùng thuyền nhỏ ven theo bờ biển đến Quảng Châu rồi về Trường An.
Có thuyết cho rằng bài thơ của Nakamaro được đưa vào Vạn Diệp Tập (ManYoShu) - tập thơ nổi tiếng tiêu biểu cho nền văn hoá thi ca cổ điển Nhật, đã được tác giả cảm tác khi sắp sửa rời Tô Châu. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng bài thơ được cảm tác khi Nakamaro đi ngang qua vịnh Hạ Long trên con thuyền nhỏ tìm đường trở về Trung Quốc. Trong đó có đoạn: “Ama nohara, furi sake mireba, kasuga naru, mikasa no yama ni, ideshi tsuki kamo” (mà người viết tạm dịch là: “Mênh mông bầu trời xa/Chợt quay đầu nhìn lại/Ngõ quê Kasuga/Triền núi Mikasa/Vầng trăng xưa đây mà”).
Thế nhưng, sự liên hệ với Việt Nam của Nakamaro không chỉ có bấy nhiêu. Trở về Trường An, Nakamaro tiếp tục phò vua Đường Huyền Tông, sau khi dẹp loạn An Sứ được phong làm Tả Tán Kỵ Thường Thị, Trấn Nam Đô Hộ và sau cùng là An Nam Tiết Độ Sứ. Nhà Đường lúc này vào thời suy vi, sự chi phối các thuộc quốc yếu đi do các cuộc đấu tranh quật khởi của các dân tộc bị đàn áp liên tục diễn ra, do vậy, không phải tất cả các tiết độ sứ đã nhậm quan đều đã đến trấn nhậm thuộc địa. Nakamaro đã đến An Nam trấn nhậm chưa thì cho đến nay, sử lục vẫn không ghi rõ.
Mẫu vải nhuộm chàm sợi dọc từ An Nam (Việt Nam) hiện còn được lưu giữ tại Phòng Thương mại thành phố Matsuzaka, Nhật Bản.
Theo dòng hải lưu “Hắc triều”, sự giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được hình thành và phát triển. Theo Tabata Yoshiho, tác giả cuốn Giác thư về vải dệt Matsuzaka (Matsuzaka Momen Oboegaki) thì ở thế kỷ 17, vải nhuộm chàm dệt sọc dọc từ phố cảng Hội An đã được các thuyền mậu dịch Chu Ấn (thuyền được Mạc Phủ, tức chính quyền Nhật lúc bấy giờ, cấp phép thông thương bằng dấu ấn đỏ) đem về Ise, miền Trung Nhật Bản và gọi là “shima watari” (có nghĩa là vải ngoại nhập vào xứ đảo). Về sau, lấy ý từ những hình ảnh trên các mẫu vải đó, những người phụ nữ khéo tay vùng Matsuzaka đã dệt ra hàng loạt mẫu vải sọc dọc và thông qua kinh đô Giang Hộ (Edo) buôn bán ra toàn nước Nhật. Nhiều mẫu vải ở thời này hiện vẫn được gìn giữ trân trọng ở Matsuzaka.
Mặt khác, theo nghiên cứu của nghệ nhân đồ gốm Kato Takuo, người được Chính phủ Nhật phong là “nghệ nhân quốc bảo”, nhiều ý tượng, hoa văn trên đồ gốm Oribe xuất phát từ Ba Tư (Iran) mà Việt Nam là điểm trung chuyển các ý tượng đó. Những mẫu đồ gốm thế kỷ 11-12 được nghệ nhân Kato sưu tầm ở Seljuk, Iran có màu men và hoa văn giống những mẫu đồ gốm Oribe (3) chế tác ở Mino, Trung bộ Nhật Bản vào thế kỷ 16-17. Đồ gốm Oribe có màu sắc đẹp và có kiểu dáng đa dạng hơn so với đồ gốm được dùng trong trà đạo các thời kỳ trước đó nên được xem là cuộc cách mạng về mô-típ ý tưởng trong lịch sử phát triển đồ gốm Nhật Bản.
Gần đây, nhiều cuộc điều tra hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản cho thấy ở Hội An đã phát hiện nhiều mảnh vỡ đồ sứ Imari (Ý Vạn Lý) sản xuất ở Kyushu, miền Nam Nhật Bản, nằm thành tầng dưới lòng đất. Tất cả các vật phẩm này ngày xưa đều được vận chuyển bằng thuyền. Chính con đường hải đạo này là sân khấu hùng tráng do những chủ nhân ông của nó là các thương nhân người Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam trình diễn.
Giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản có bề dày lịch sử, sâu sắc và không ít yếu tố duyên nợ kỳ thú. Trong cảm xúc đó, xin cầu nguyện cho biển mãi êm đềm…
_________________________________________________
(*) Giáo sư Bùi Chí Trung giảng dạy tại Đại học Aichi Shukutoku (Nhật Bản) 
(1) Abe no Nakamaro: trong Đường Thư còn được ghi tên là Triều Hành.
(2) Hoà thượng Giám Chân là cao tăng ở chùa Đại Minh đất Dương Châu được mời sang lập giới đàn đầu tiên ở Nhật, chủ trì lễ đắc độ cho Thánh Vũ Thượng Hoàng và nhiều cao tăng khác ở Đông Đại Tự năm 754. Hoà thượng là người khai tổ cho Phật giáo Luật Tông Nhật Bản, sau đó sáng lập Đường Chiêu Đề Tự (ToShoDaiJi) và hiện nay còn phần mộ ở đó.
(3) Đồ gốm Oribe: Tên Oribe được gọi theo chức vị của Furuta Shigenari (Cổ Điền Trọng Nhiên, 1544-1615), một đại thần Bộ Nghi thức thời đó (Oribe có nghĩa là chức bộ). Ông là người đầu tiên sử dụng và phát triển mẫu đồ gốm này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét