Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

TƯ TƯỞNG NHÂN NGHĨA VIỆT NAM


TƯ TƯỞNG NHÂN NGHĨA VIỆT NAM

TS. Nguyễn Minh Hoàn
Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trong truyền tư tưởng của người Việt Nam, tư tưởng nhân nghĩa là một trong những tư tưởng cốt lõi phản ánh vào đó một hệ thống các quan điểm về triết lý nhân sinh, triết lý xã hội, triết lý chính trị, triết lý quân sự, triết lý ngoại giao,... Tư tưởng nhân nghĩa đạt đến một bước phát triển mới ấy đã được thể hiện trong tư tưởng của Nguyễn Trãi. Cũng chính tư tưởng nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đã phát triển ấy từ truyền thống tư tưởng nhân nghĩa trong văn hoá Trung Hoa đã góp vào việc nâng tầm tư duy truyền thống của người Việt Nam hướng đến chủ nghĩa nhân đạo. 
I. Tư tưởng nhân nghĩa trong truyền thống triêt học Trung Hoa
Tư tưởng nhân nghĩa xuất hiện rất sớm trong truyền thống triết học Trung Hoa. Những tư tưởng và những quan điểm khác nhau về nhân nghĩa phản ánh đời sống tinh thần của người Trung Hoa, và những quan điểm này cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng truyền thống phương Đông nói chung trong đó có tư tưởng truyền thống của dân tộc Viêt Nam nói riêng trong mọi giai đoạn lịch sử đến nay.
Trong văn hóa Trung Quốc nói chung, khái niệm "nhân" (人 và đức "nhân" (仁) là hai khái niệm gần nhau nhưng không phải đồng nhất với nhau. Thuyết văn giải tự giải thích chữ "nhân" (仁) mang hàm nghĩa "hai người" thân thích, yêu thương như một (仁 : 亲 也 。 从 人 从 二  Nhân: thân dã, tòng nhân tòng nhị). Cũng trong Thuyết văn giải tự, khái niệm "nghĩa" được hiểu là mối quan hệ hài hoà lợi ích (利 者 , 義 之 和 也 lợi giả, nghĩa chi hoà dã). Khái niệm "nghĩa" còn là sự biểu thị mối quan hệ giữa cá nhân của cái tôi – cái "ngã" (我) và với cái quần thể cộng đồng – mang đặc tính sống bầy đàn của loài sơn dương (羊). Cái tôi bản ngã là cơ sở để con người yêu thương lẫn nhau trước khi ra nhập vào đời sống cộng đồng, vì làm nhân trước hết là do nơi mình (为 仁 由 己). Như vậy, nhân nghĩa (仁 義) là mối quan hệ giữa con người với chính mình (仁 lòng nhân); mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân (hai người 从 人 从 二); mối quan hệ giữa con người và cộng đồng người (nghĩa 義).
Khái niệm "nhân" và "nghĩa" trong một số kinh điển Trung Hoa
Trong Kinh thi những quan niệm về nhân (仁, "benevolent") và nghĩa (義, "righteousness") đã thể hiện những tư tưởng sâu sắc về con người và mối quan hệ giữa những con người trong xã hội.Kinh thi là một bộ sách gồm có những câu ca dao rất cổ của Trung Hoa được Chư hầu sưu tầm để hiến lên Thiên tử theo kỳ hạn năm năm một lần. Những câu thi ca được Thiên tử tiếp nhận và liệt vào nhạc quan, lấy đó để xét phong tục tốt hay xấu, biết việc chính trị nên hư.
Mặc dù, nhân 仁 và nghĩa 義 trong Kinh thi được đề cập đến rất ít, và  tuy được trình bầy tách rời nhau nhưng đều có nghĩa chung là phẩm đức của con người theo mệnh trời. Những khái niệm ban đầu này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm về con người (人) và lòng người (đức nhân, 仁) trong tư tưởng của người Trung Hoa. Trong câu phú 洵美且仁 (tuân mỹ thả nhân), hay 其 人 美 且 仁 (kỳ mỹ thả nhân) đều có nghĩa là sự tín thực, là vẻ đẹp tao nhã, thanh lịch, sự chân mỹ, và là lòng nhân từ; hay cũng là đức nhân của người cao quý. Còn với điều nghĩa 義 trong bài phú 文 王 (Văn Vương, 7) viết: 命 之 不 易 、 无 遏 尔 躬 。 宣 昭 義 问 、 有 虞 殷 自 天 。 上 天 之 载 、 无 声 无 臭 。 仪 刑 文 王 、 万 邦 作 孚, thì điều nghĩa chính là mệnh trời nên phải được lưu hành khắp thiên hạ để muôn nước được hưng khởi, và người lưu hành được điều nghĩa Â thì chỉ có bậc Thiên tử mà thôi. Thế nên, vua Trụ vì cách tuyệt với điều nghĩa nên chịu hoạ diệt vong. Cũng theo nghĩa đó trong bài phú 荡 (Đãng, 3):文 王 曰 咨 、 咨 女 殷 商 。 而 秉 義 类 、 强 御 多 怼 。 流 言 以 对 、 寇 攘 式 内 。 侯 作 侯 祝 、 靡 届 靡 究, điều nghĩa còn được nhấn mạnh hơn ở sự chính đạo và đối lập với sự bất lương, sự hung tàn. Vì thế, việc vua Ân Thương chỉ dùng sự hung bạo, bất nghĩa đưa đến một triều đình chỉ toàn một lũ trộm cướp, và việc gây nên những tai hoạ suy đồi là tất yếu.
Còn trong Kinh thư, một bộ sách kinh điển của Nho giáo, thì điều nghĩa lại được nhấn mạnh là một hợp lực của sức mạnh có nguồn gốc từ mệnh trời: 强 而 義 (cường nhi nghĩa); 同 力 , 度 德 ; 同 德 , 度 義 (đồng lực, độ đức; đồng đức, độ nghĩa).
Cũng với ý nghĩa là sức mạnh, trong Kinh Dịch, lòng nhân 仁 cũng được giải thích từ nguồn gốc của vũ trụ siêu hình sinh thành biến hoá, và đó cũng là cái gốc của đạo đức nhân luân. TrongHệ từ, hạ (系 辞下) viết: "Đức lớn của trời là sự sinh, cái quý giá nhất của thánh nhân là đứng vững, cái để giữ được sự vững bền ấy chỉ có thể là lòng nhân" 天 地 之 大 德 曰 生 , 圣 人 之 大 宝 曰 位 。 何 以 守 位 曰 仁 (Thiên hạ chi đại đức viết sinh, thánh nhân chi đại bảo viết lập. Khả dĩ thủ vị viết nhân). Trong Kinh dịch, không chỉ "nhân" mới thuận theo đạo trời đất, mà "nghĩa" cũng thuận theo đạo trời đất. Kinh Dịch, Thuyết quái truyện viết:"Để lập đạo trời thì có âm và dương, để lập đạo đất thì có nhu và cương; để lập đạo người, thì có nhân và nghĩa" (立 天 之 道 。 曰 阴 与 阳 。 立 地 之 道 。 曰 柔 与 刚 。 立 人 之 道 。 曰 仁 与 義) (Lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa). Như vậy, so với trong Kinh thi, thì cả hai quan niệm "nhân" và "nghĩa" trong Kinh thư đã được quan niệm rõ hơn với cùng một nguồn gốc ở đạo trời. Tuy nhiên, lòng nhân còn có nghĩa là sự hợp lực sức mạnh đồng lòng của con người để bẻ gãy được "loại kim" ngăn cách giữa họ (二 人 同 心 , 其 利 斷 金 nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim, Kinh dịch, hệ từ).
Tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử
Trên cơ sở kế thừa tư tưởng nhân, nghĩa trong Kinh thi; Kinh thư; và Kinh dịch do chính Khổng Tử san định, trên cơ sở đó những tư tưởng Nho gia sau này vẫn nhấn mạnh đến giá trị của những tư tưởng về nhân và nghĩa theo những nội dung trên đâyTuy nhiên, tuỳ từng điều kiện lịch sử mà những tư tưởng nhân nghĩa sau này được thể hiện ở những sắc thái khác nhau.
Một trong những nội dung cơ bản của học thuyết nhân nghĩa của Khổng Tử xuất phát từ quan điểm: "Nhân" (仁) là "yêu người" (爱 人, ái nhân). Nhưng để yêu người thực sự bằng lòng "Nhân" thì phải"hiểu người" (知 人, trí nhân) "Luận ngữ, Nhan Uyên". Â Do đó, "Nhân" và "Nghĩa" (義) lại có nội dung gần nhau. Vì "Nghĩa" (義) được nhấn mạnh là sự "cư xử cho thích hợp (nghi)" – dựa trên việc "hiểu người" (義 者 宜也, nghĩa giả nghi dã, Lễ ký, Trung Dung). Chính với những quan điểm cơ bản phản ánh mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân với cộng đồng, và cả hai mối quan hệ đó lại đều xuất phát từ lòng nhân và sự hiểu biết về sự đối xử phải theo đúng lòng nhân hợp với mệnh trời, thì đây lại chính là cơ sở của tư tưởng công bằng - thể hiện ở điều nghĩa (義, "righteousness").
Trong tư tưởng của Khổng Tử, chính vì nhân và nghĩa luôn thể hiện phẩm đức của người quân tử hướng đến mối quan hệ đề cao sự công bằng – mà cũng chính là điều nghĩa (義, "righteousness"). Tức là, điều nhân không chỉ là phẩm đức bên trong mà còn được thể hiện ở việc hướng đức nhân ấy tới hoà nhập vào môi trường của cộng đồng người. Nhưng làm được điều ấy đòi hỏi người có lòng nhân phải có "trí, 知" để biết tìm đến môi trường sống đạt được hoà lòng nhân của mình với lòng nhân của cộng đồng: (里 仁 為 美 。 擇 不 處 仁 , 焉 得 知? Lý nhân vi mỹ. Trạch bất xứ nhân, yên đắc trí, Luận Ngữ, Lý nhân). Đến lượt mình, "trí, 知" lại là sự hiểu biết của người quân tử để tuỳ thời mà càng làm cho đức nhân hậu của mình được tăng thêm (知 者 利 仁 trí giả lợi nhân, Luận Ngữ, Lý nhân). Hơn nữa, nếu người quân tử bỏ mất lòng nhân thì làm sao được gọi là quân tử?. 君 子 去 仁 , 惡 乎 成 名? (quân tử khử nhân, ố hồ thành danh?Luận Ngữ, Lý nhân).
Với quan niệm như vậy thì lòng nhân chỉ gắn với phẩm đức của người quân tử. Và để giữ được lòng nhân, đòi hỏi người quân tử phải làm theo những tôn chỉ: Người có lòng nhân phải "khắc chế lòng tư dục, làm theo điều lễ, để mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy lòng nhân là do nơi mình, có phải do ở người khác đâu?" (克 己 复 礼 为 仁 。 一 日 克 己 复 礼 , 天 下 归 仁 焉 。 为 仁 由 己 , 而 由 人 乎 哉? khắc kỷ phục lễ vi nhân, nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên, Luận ngữ, Nhan Uyên). Khổng Tử quan niệm không chỉ người quân tử mới có lòng nhân mà còn phải đem lòng nhân đó thực hiện khắp trong thiên hạ, trước hết là với những người thân với mình: "đạo nhân, nghĩa là người, trước hết phải yêu thương người thân của mình" (仁 者 人 也 , 亲 亲 为 大 Nhân giả nhân dã, thân thân vi đại, Lễ ký, Trung dung). Và thực hiện  được lòng nhân còn thể hiện ở việc "đề cao tu dưỡng bản thân để đưa trăm họ đến cuộc sống thái bình" (修 己 以 安 百 姓 tu kỷ dĩ yên bách tính, Luận ngữ, Hiến vấn). Nhưng người quân tử không chỉ "tu kỉ" theo điều nhân mà còn "thi hành lòng nhân đến trăm họ, cứu tế đến cả nhân gian" (博 施 于 民 而 能 济 众 bác thi ư dân nhi năng tế chúng, Luận ngữ, Ung dã). Nhưng việc đối xử hợp với điều nghĩa phải theo lẽ công bằng (義, "righteousness") từ người thân cho đến người trong thiên hạ luôn phải xuất phát từ sự đối xử bình đẳng giữa người và người. Đó là sự đối xử với người chẳng khác gì như đối xử với chính mình: "Mình muốn đứng vững thì làm cho người đứng vững, mình muốn thông đạt thì cũng làm cho người thông đạt" (己 欲立 而 立 人 , 己 欲 达 而 达 人 Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân, Luận ngữUng dã), và làm theo lòng nhân theo cách ấy cũng chính là thực hiện được điều nghĩa – sự công lý (義, "righteousness").
Nhân và nghĩa trong quan niệm của Khổng Tử có nội dung và mục đích gần với nhau. Nếu đức nhân muốn được thể hiện đúng đắn thì đòi hỏi người quân tử phải có sự hiểu biết – "trí, 知". Ngược lại, thực hiện việc nghĩa cũng vì mục đích thực hiện lòng nhân với trăm họ (務 民 之 義 vụ dân chi nghĩa, Luận ngữ, Ung dã), và làm được điều đó có thể đạt đến điều "trí" (可 謂 知 矣 khả vị tri hĩ, Luận ngữ, Ung dã). Cũng chính bởi chỉ người quân tử mới "khắc kỷ"; "tự kỷ" mà có được sự hiểu biết để thực hiện điều nhân, nghĩa, nên người quân tử mới phân biệt được những điềuphải trái không thiên vị, tức thực hiện được "lẽ công bằng" (義, "righteousness") đã nói trên. Vì thế "duy chỉ có bậc nhân từ mới biết yêu người và ghét người một cách chính đáng" (唯 仁 者 能 好 人 , 能 惡 人 duy nhân giả năng hảo nhân, năng ố nhân, Luận ngữ, Lý nhân). Với mục đích thực hiện điều nghĩa – lẽ công bằng ấy – là ở sự quên mình "vong tư", thế nên "kẻ sĩ thấy nguy hiểm lao vào cứu mạng chỉ nghĩ tới điều nghĩa chứ không tới nghĩ tới điều lợi" (士 見 危 致 命 , 見 得 思 義 sĩ kiến nguy trí mạng, kiến đắc tư nghĩa, Luận ngữ, Tử Trương). Đây chính là điều để phân biệt giữa bậc quân tử và kẻ tiểu nhân, vì việc nghĩa chỉ của người quân tử mà không phải của hạng thứ dân (君 子 喻 於 義 , 小 人 喻 於 利 quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi, Luận ngữ, Lý nhân). Cũng vì lẽ đó, "người quân tử ra làm quan là để thi hành cái nghĩa lớn trung quân ái quốc mà thôi, chứ không phải mưu cầu phú quý" (君 子 之 仕 也 , 行 其 義 也, Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã, Luận ngữ, Vi tử Nhưng với quan niệm như trên đã thấy, vì nhân; nghĩa đều là mệnh trời nên "mục đích của thực hiện việc nghĩa đích thực là đạt đến cái đạo" (行 義 以達其道 hành nghĩa dĩ đạt kỳ đạo, Luận ngữ, Quý thị).
Tư tưởng của Mạnh Tử về nhân nghĩa
Kế tục những tư tưởng của Khổng Tử về nhânnghĩa với tư cách là thực hiện lẽ công bằng thể hiện ở mối quan hệ của lòng nhân bên trong hướng ra thực hiện việc nghĩa nơi ngoài (何 以 謂 仁 內 義 外 也 Hà dĩ vị nhân nội, nghĩa ngoại dã, Mạnh Tử, Cáo Tử thượng), Mạnh tử đã đưa ra tư tưởng đầy đủ hơn về sự gắn liền giữa nhân và nghĩa, hay đó cũng chính là tư tưởng "nhân nghĩa" (仁 義, "righteousness"). Với quan niệm ấy, Mạnh Tử đã nhấn mạnh chủ yếu đến sức mạnh của nhân nghĩa nhằm vào mục tiêu việc gạt bỏ được chiến tranh bạo tàn, củng cố ổn định trật tự xã hội. Trong tình huống ấy của xã hội đương thời, mục tiêu lớn nhất là: "dùng nhân nghĩa thuyết phục vua Tần và vua Sở vui lòng nghe theo sẽ bãi hết các sư đoàn của tam quân. Binh lính trong tam quân ấy sẽ hướng theo điều nhân nghĩa. Rồi đến, kẻ làm tôi vì mộ nghĩa nên thờ vua. Kẻ làm con vì mộ nhân nghĩa nên thờ cha. Kẻ làm em vì mộ nhân nghĩa nên thời anh. Như vậy, vua tôi, cha con, anh em, rốt cuộc đề bỏ tuyệt điều lợi" (先 生 以 仁 義 說 秦 楚 之 王 , 秦 楚 之 王 悅 於 仁 義 , 而 罷 三 軍 之 師 , 是 三 軍 之 士 樂 罷 而 悅 於 仁 義 也 。 為 人 臣 者 懷 仁 義 以 事 其 君 , 為 人 子 者 懷 仁 義 以 事 其 父 , 為 人 弟 者 懷 仁 義 以 事 其 兄 , 是 君 臣 、 父 子 、 兄 弟 去 利 , 懷 仁 義 以 相 接 也 。 然 而 不 王 者 , 未 之 有 也 。 何 必 曰 利?Mạnh Tử, Cáo tử hạ). Cũng vói mục đích nhằm tránh cho xã hội rơi vào thảm cảnh chiến tranh liên miên, Mạnh Tử khuyên người làm Vua: "hà tất phải nói tới lợi? Chỉ cần nói tới nhân nghĩa mà thôi" (王 何 必 曰 利 ? 亦 有 仁 義 而 已 矣 Vương hà tất viết lợi? Diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hĩ, Mạnh TửLương Huệ Vương, thượng). Với những quan điểm ấy thì khái niệm nhân nghĩa luôn đối lập với khái niệm đoạt "lợi" (利) dẫn đến sự "bất nghĩa" (bất công) (不 義, "unrighteousness").
Nhưng Mạnh Tử lại cực lực phản đối việc người ta dùng điều nghĩa 義, "righteousness") để đánh đồng mối quan hệ giữa các hạng người đã luôn được xác định bằng mối quan hệ hai chiều về quyền và nghĩa vụ theo thứ bậc tôn ti giữa họ. Khi phê phán thuyết "vị ngã" (為 我) của phái Dương chu; đặc biệt là thuyết "kiêm ái" (兼 愛) của phái Mặc gia, Mạnh Tử cho rằng: "họ Dương vị ngã là không có vua, họ Mặc kiêm ái là không có cha. Không vua, không cha tức là loài cầm thú" (楊 氏 為 我 , 是 無 君 也 ; 墨 氏 兼 愛 , 是 無 父 也 。 無 父 無 君 , 是 禽 獸 也 Dương thị vị ngã, thị vô quân giã; Mặc thị kiêm ái, thị vô phụ giã. Vô phụ, vô quân thị cầm thú, Mạnh TửĐằng Văn Công, hạ). Vậy trong quan điểm của mình, Mạnh Tử đã cho thấy điều nghĩa không phải là mực thước để đo sự bình quân, mà phải trở thành mực thước quy định mối quan hệ hai chiều giữa các hạng người khác nhau trong xã hội một cách công bằng theo đúng điều nghĩa (義, "righteousness") để duy trì được một xã hội có trật tự thứ bậc.
Tư tưởng Đạo gia về nhân nghĩa
Nhưng đây không phải duy nhất Mạnh Tử dùng khái niệm "nhân nghĩa", mà bên cạnh đó tư tưởng của Lão gia, Mặc gia,.. cũng có khái niệm "nhân nghĩa" của mình. Mặc dù, mỗi trường phái có một cách quan niệm về "nhân nghĩa" nhưng những quan niệm khác nhau ấy vừa có điểm chung, vừa có sắc thái riêng.
Với Lão Tử, nhà tư tưởng sáng lập trường phái Đạo gia, người sống cùng thời với Khổng Tử, cũng cho rằng nhân nghĩa là bắt nguồn từ mệnh trời, nhưng Lão Tử không cho rằng nhân nghĩa là đức lớn của trời, vả lại "có nhân nghĩa là do đạo trời bị phế bỏ" (大 道 废 , 有 仁 義 đại đạo phế, hữu nhân nghĩa). Vì vậy, nhân nghĩa không phải để đem ra thi hành trong thiên hạ, mà ngược lại phải đoạn tuyệt với nó để trở lại với đạo trời. Thế nên: đoạn thánh bỏ trí, dân lợi trăm lần; Đoạn nhân bỏ nghĩa, dân trở lại hiếu thuận; Bỏ trí xảo, bỏ điều lợi, đạo tặc không còn (绝 圣 弃 智 , 民 利 百 倍 ; 绝 仁 弃 義 , 民 复 孝 慈 ; 绝 巧 弃 利 , 盗 贼 无, Đạo đức kinh, 19). Nói cách khác, nếu người quân tử của Nho giáo phải có hiểu biết "trí" (知) về nhân nghĩa, thì ngược lại Đạo gia không cần biết "bất trí" (不 知) đến nhân nghĩa thì mới thực sự là sống có nhân nghĩa – đúng theo lẽ công bằng (仁 義, "righteousness"). Bởi vì, trong xã hội lý tưởng ấy—thời chí đức—"dân chúng như bầy nai hoang dã. Họ đoan chính mà không hề biết đó là nghĩa; họ thương yêu lẫn nhau mà không hề biết đó là nhân; họ thành thực mà không hề biết đó là trung; họ đảm đương việc mà không hề biết đó là tín; họ hành động chất phác và sử dụng lẫn nhau mà không hề biết đó là ban tặng" (民 如 野 鹿 。 端 正 而 不 知 以 為 義 , 相 愛 而 不 知 以 為 仁 , 實 而 不 知 以 為 忠 , 當 而 不 知 以 為 信 , 蠢 動 而 相 使 不 以 為 賜 , 莊 子 • 天 地). Như vậy, nội dung tư tưởng nhân nghĩa của Đạo gia nhấn mạnh đến sự thuần phác của con người.
II. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong truyền thống tư tưởng  Việt Nam
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi (阮 廌 1380–1442)  được hình thành từ một hệ thống các quan điểm của triết lý nhân sinh, triết lý xã hội, triết lý chính trị, triết lý quân sự, triết lý ngoại giao,. . . và là tất cả những triết lý trong một thể thống nhất ấy lại được bao trùm bởi cả một vũ trụ quan ông. Như vậy, tư tưởng của Nguyễn Trãi là sự thống nhất giữa đạo trời và đạo người thể hiện chung ở chủ nghĩa nhân đạo. Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Nguyễn Trãi là kết quả của sự kế thừa quan điểm triết học truyền thống phương Đông nói chung, của dân tộc nói riêng. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã trở thành một tư tưởng nhân nghĩa tiêu biểu nhất của truyền thống tư tưởng dân tộc, bởi nó chính là sự hội tụ những tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc truyền lại, rồi tiếp tục lưu chảy trong truyền thống tư tưởng nhân nghĩa của người Việt Nam sau này.
Tư tưởng nhân nghĩa ấy của Nguyễn Trãi đã được thể hiện trong một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Quân trung từ mệnh tậpBình Ngô đại cáoỨc Trai thi tậpQuốc âm thi tậpDư địa chí.
Trước hết, tư tưởng nhân nghĩa vẫn luôn thể hiện tư tưởng nhân nghĩa truyền thống, bởi nhân nghĩa vẫn là cái gốc của đạo trời, nên "Bại nghĩa thương nhân, trời đất cơ hồ muốn dứt" (敗 義 傷 仁, 乾 坤 幾 乎 欲 息, Bình Ngô đại cáo). Nhân nghĩa cũng vẫn là cái gốc của đạo người lãnh đạo, người cai trị dân, vì:  "Ðạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc"; cho nên đó cũng chính là cái gốc của sự ứng xử của người lãnh đạo, của bậc quân vương đối với người dân: "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, viện công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu" (Lại thư trả lời Phương Chính). Mục đích "an dân" được thực ở người quân tử theo đạo trời để bảo vệ sự sống (an dân), rằng: "đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân" (Thư dụ hàng (các tướng sĩ) thành Bình Than). Phải chăng đây vẫn là sự thể hiện tư tưởng mà trong Kinh dịch, Hệ từ hạ đã viết (天 地 之 大 德 曰 生 thiên địa chi đại đức viết sinh).
Lòng nhân nghĩa đó trong tư tưởng của Nguyễn Trãi chính là sức mạnh bảo vệ quốc gia dân tộc, được thể hiện bởi vai trò của bậc trung quân ái quốc. Đây cũng là tư tưởng đã được thể hiện trước đó ở thời kỳ chống sự xâm lược của nhà Nguyên. Hịch tướng sĩ (諭 諸 裨 將 檄 文 Dụ chư tì tướng hịch văn) cũng nhấn mạnh: "Tự cổ các bậc nghĩa sĩ trung thần đã từng diệt thân để cứu nước" (自 古 忠 臣 義 士 以 身 死 國 何 代 無 之 Tự cổ trung thần nghĩa sĩ, dĩ thân tử quốc hà đại vô chi).
Trong thực tiễn của lịch sử dân tộc Việt Nam, lúc tình huống càng nguy cấp trước sự xâm lược, thì càng là lúc mà lòng nhân nghĩa thể hiện được sức mạnh to lớn, và vẫn tất yếu giành được thắng lợi: "Chính lúc cờ nghĩa nổi lên, đương khi thế giặc mạnh" (義 旗 初 起 之 時, 正 賊 勢 方 張 之 日 nghĩa kỳ sơ khởi chi thời, chính tặc thế phương trương chi nhật, Bình Ngô đại cáo); "kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều". Lý do này cũng là ở sức mạnh của nhân nghĩa, vì "yếu" chỉ là kém hơn sức mạnh quân sự, nhưng mạnh hơn bởi sự hợp lực đức nghĩa của "kẻ nhân giả" (仁 者). Còn "ít" chỉ là nhỏ hơn về số người, nhưng mạnh hơn cũng bởi sự hợp lực sức mạnh lòng nhân của "kẻ nghĩa giả" (義 者). Quả đúng là đức nhân và việc nghĩa là một sức mạnh: 强 而 義 (cường nhi nghĩa); 同 力 , 度 德 ; 同 德 , 度 義 (đồng lực, độ đức; đồng đức, độ nghĩa); và (二 人 同 心 , 其 利 斷 金 nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim).
Nhưng tư tưởng nhân nghĩa truyền thống Việt Nam, còn là việc dùng sức mạnh nhân nghĩa để chống bạo tàn: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân làm biến đổi cường bạo" (以 大 義 而 勝 兇 殘, 以 至 仁 而 易 彊 暴, Bình Ngô đại cáo). Sức mạnh nhân nghĩa được thực hiện bằn thu phục nhân tâm của kẻ xâm lược: "công tâm" (攻 心). Mặc dù đây là tư tưởng trước đó đã được nói đến ở thời Tam Quốc (攻 心 為 上 , 攻 城 為 下 ; 心 戰 為 上 , 兵 戰 為 下 công tâm vi thượng, công thành vi hạ; tâm chiến vi thượng, binh chiến vi hạ). Nhưng tư tưởng "công tâm" mà Nguyễn Trãi nhấn mạnh đã được nâng thành tư tưởng có tầm chiến lược và được sử dụng như một nghệ thuật.
Việc vận dụng quan điểm nhân nghĩa như một nghệ thuật trong tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện ở chỗ nhân nghĩa vừa là phương tiện vừa là mục tiêu. Nhưng cũng chính vì là nghệ thuật dùng nhân nghĩa trong điều kiện thực tiễn lịch sử phải là sức mạnh được tập trung vào công cuộc giải phóng dân tộc, đó là: "dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội". Đặc biệt, trong hoàn cảnh đó phải thực hiện cả "quyền mưu làm gốc để trừ kẻ gian tà"; và "nhân nghĩa làm gốc để giữ vững bờ cõi" (權 謀 本 是 用 除 奸 仁 義 維 持 國 勢 安 Quyền mưu bản thị dụng trừ gian; nhân nghĩa duy trì quốc thế an). Cũng chính vì nhân nghĩa để thắng hung tàn, mà quyền mưu thì dùng trừ gian, do đó "quyền mưu" chính là nhân nghĩa trong thời kỳ chống xâm lược.
Tư tưởng nhân nghĩa thể hiện theo tinh thần trên còn bao hàm cả sự khoan dung. Khi Nguyễn Trãi soạn Chiếu thư cho vua Thái tổ đã giải quyết tốt tình huống bang giao với phương Bắc ngay sau khi nước nhà giành độc lập:
Lúc ấy, các Tướng sĩ và nhân dân ta, đều thâm thù sự tàn bạo của người Minh, nên đều mật khuyên Hoàng đế nhân dịp giết chết cả đi. nhưng ngài dụ rằng:
"Việc phục thù trả oán, là tình thường của mọi người, nhưng không ưa giết người, là bản tâm của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết, thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc, để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới đời sau, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng  người, để dứt mối chiến tranh tới muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử sách, tiếng thơm sẽ truyền tới ngàn thu, há chẳng đẹp lắm ư?". Các bầy tôi đều bái phục độ lượng khoan hồng của Hoàng đế."
Lấy việc thực hiện tinh thần nhân nghĩa thời kỳ này so với thời trước đó vào thời Trần thì tinh thần nhân nghĩa trên đây trong tư tưởng Nguyễn Trãi là đỉnh cao phát triển tư tưởng nghĩa.
"Trong lịch sử đời Trần có vụ sau khi nhà Nguyên thất trận hai lần nên phải chịu hòa hiếu bang giao với nước ta. Vua Nhân Tôn liền sai quan đưa bọn tướng tá tù binh Mông Cổ về Tàu như Tích Lệ, Cơ Ngọc, Phàn Tiếp. Riêng tướng Ô Mã Nhi là tên đã giết hại nhiều người Việt, để rửa hận cho nhân dân Việt nên vua mới dùng mưu của Trần Hưng Đạo đem ra giữa bể rồi sai người đánh đắm thuyền cho chết đuối. Về sau vua Dực Tôn (1829–1883) xem hồ sơ vụ này có phê bốn chữ "Bất nhân phi nghĩa".
Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của việc thực hiện nhân nghĩa chính là để "an dân" (安 民). Nhưng chưa hết, thực hiện phương tiện nhân nghĩa để thực hiện mục tiêu an dân đã tạo một nấc thang mới trong sự phát triển tư tưởng nhân nghĩa thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, khi mà việc nhân nghĩa không phải chỉ tuyệt đối hoá ở mệnh trời, được thể thông qua người quân tử như trong tư tưởng truyền thống, mà ở Nguyễn Trãi thì: "việc nhân nghĩa cốt ở an dân" (仁 義 之 舉, 要 在 安 民), cần được hiểu rằng: cốt ở yên dân (要 在 安 民 yếu tại an dân) là nhân nghĩa xuất phát từ chính việc người thay cho mệnh trời, mà ở đây chính là dân lành? Xuất phát từ quan điểm đó là tư tưởng thể hiện lòng biết ơn dân: "Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày". Tất nhiên, lòng biế đã có trong tư tưởng Nho giáo: "Bách tính không đủ ăn thì vua đủ ăn sao được" (百 姓 不 足 , 君 孰 与 足? bá tính bất túc quân thục dữ túc, Luận NgữNhan Uyêt ơn dân không phải chỉ có riêng của Nguyễn Trãi, màn), nhưng lòng biết ơn dân cũng là mục đích an dân, vì dân, lo cho dân, để rồi: "nơi thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu".
Ngay trong thời đại của mình vào thế kỷ XV, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã được thực tiễn trả lời những giá trị của nó, không dừng lại ở đó, cho đến nay những tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét