Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Nhận định bước đầu về giá trị và hạn chế của tư tưởng" Tu, Tề, Trị, Bình" trong Nho giáo


Nhận định bước đầu về giá trị và hạn chế của tư tưởng" Tu, Tề, Trị, Bình" trong Nho giáo

Trần Thị Thúy Ngọc

Triết học là một hệ thống tri thức lý luận chung nhất về thế giới, về vũ trụ, về con người, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới đó. Trong đó, dù có những hạn chế do điều kiện, hoàn cảnh và thời điểm mà nó được sản sinh, triết học phương Đông, với những thành tựu và giá trị mang tính chất nhân loại tiến bộ, đóng một vai trò không nhỏ vào việc hình thành nên diện mạo tri thức triết học chung của thế giới. Ở đây, trong bài viết này, chúng tôi chọn tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” trong Nho giáo của triết học phương Đông để minh chứng cho nhận định trên.
Nho giáo là sản phẩm tư tưởng ra đời trong một thời đoạn chuyển mình dữ dội của lịch sử Trung Quốc – thời Xuân Thu. Đây là thời kỳ đánh dấu sự suy sụp của chế độ chiếm hữu nô lệ và cùng với đó là sự định hình của chế độ phong kiến đặc thù phương Đông. Định chế Tông pháp – quản lý đất đai theo huyết thống của nhà Tây Chu (với nền chính trị thần quyền – nhận mệnh trời cai quản dân – để nhất luật vương hữu hoá toàn bộ của cải đất đai, chia đất đai cho con em cai quản và nhận cống nạp từ các nước chư hầu) - dần bị thay thế bằng chế độ tư hữu ruộng đất với những cuộc chiến tranh tương tàn giữa các liệt quốc vốn là anh em họ hàng để tranh giành, cướp bóc đất đai của nhau mà thời Xuân Thu là bước dạo đầu(1). Vấn đề thời đại đặt ra lúc đó là, tiếp tục duy trì những điển chương chế độ nhà Chu vốn rực rỡ một thời với quan hệ xã hội là quý tộc chủ nô cai quản đất nước bằng quan hệ huyết thống hay phá bỏ nó để thiết lập một trật tự hoàn toàn mới cho tương ứng với một lực lượng sản xuất đang lớn mạnh? Hệ tư tưởng Nho giáo chính là sự đáp ứng cho khuynh hướng đầu tiên đó.
Tư tưởng “tu, tề, trị, bình” mà chúng ta nói tới nằm trong Đại học(2)– cuốn sách được các nhà Nho đánh giá là chứa học vấn sâu rộng về chính trị, là cuốn sách tất yếu phải đọc để thi cử, làm quan, vi chính. “Tu, tề, trị, bình” cũng chính là tư tưởng triết học về chính trị - xã hội mang đầy đủ đặc thù của Nho giáo nói riêng và định hướng chính trị mà Nho giáo theo đuổi nói chung. Trong bốn nội dung nói trên, “tu thân” – tu dưỡng đạo đức cá nhân - được coi là trung tâm và là gốc để tiến hành những việc rộng lớn hơn, mà việc cuối cùng là “cai trị cả thiên hạ” (bình thiên hạ). “Tu thân” thuộc về đời sống đạo đức cá nhân và chính là cái gốc để tiến vào đời sống chính trị - xã hội. “Tu, tề, trị, bình” nói rõ trật tự trước sau, quan hệ lẫn nhau giữa cá nhân với gia đình, gia đình với quốc gia, quốc gia với thiên hạ, nó thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa chính trị thống trị với luân lý đạo đức và qua đó, nó khiến Nho giáo trở thành một học thuyết chính trị đạo đức đặc biệt của Trung Quốc.
Tại sao nhà Nho lại khuyến khích con người phải tu thân? Nội dung của tu thân là gì? Những ai phải tu thân và vì sao nó có vai trò quan trọng tới nhường ấy? Khổng Tử đặc biệt coi trọng tới việc tu thân của người cầm quyền. Ông nói: “Tu thân để an dân”; “Tu thân để lạc nghiệp”; “Tu thân để an bách tính”(3). Ông cho rằng, sự tu dưỡng đạo đức cá nhân của người thống trị có thể dẫn đến lạc nghiệp, an dân, trị quốc và điều chỉnh quan hệ nội bộ của giai cấp thống trị. Khi người cầm quyền đã có đủ đạo đức thì chỉ cần dùng đạo đức của mình là đã đủ cai trị xã hội và vì thế, đối với ông, hình pháp là thứ thừa thãi, bất đắc dĩ mới phải dùng. Người thống trị nếu thi hành đức chính thì thần dân trăm họ sẽ hội tụ lại, giống như các ngôi sao khác vây quanh sao Bắc đẩu(4). Ông thậm chí còn tuyệt đối hoá sức mạnh của đạo đức, cho rằng đạo đức của kẻ cầm quyền có thể cảm hoá đạo đức của dân chúng như gió thổi thì cỏ phải rạp xuống.
Không chỉ nói về vấn đề tu thân đối với tầng lớp thống trị, Không Tử còn chỉ ra tác dụng của tu thân đối với tất cả các tầng lớp khác trong xã hội khi quy ra mối quan hệ trực tiếp giữa gia đình với đất nước. Ông khẳng định, chưa từng có kẻ nào biết hiếu, đễ (yêu kính cha mẹ, anh em, người trên trong gia đình) mà lại thích làm loạn (xã hội) cả(5). Mệnh đề này có thể thuyên thích thành: một đứa con hiếu, một người em ngoan trong gia đình chắc chắn sẽ là một công dân tốt cho xã hội. Ở chỗ khác, ông khẳng định, “Hiếu, từ thì trung vậy”(6). Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa: người dân có hiếu, có từ thì mới có thể trung với vua; còn kẻ cai trị có hiếu có từ thì mới được dân chúng trung thành với mình. Người cai trị nêu gương cảm hoá thì dân chúng tự khắc làm điều thiện. Khổng Tử khuyên dân chúng tuân thủ theo hiếu, đễ, mục đích để “Gần thì phụng sự cha mẹ, xa thì phụng sự vua”. Do có mối liên hệ trực tiếp giữa hiếu, đễ với trung quân và hiếu, đễ với nền nhân chính nên Khổng Tử khẳng định rằng, “Hiếu đễ là gốc của điều nhân vậy”(7). Như vậy, đòi hỏi phải tu thân đầu tiên chính là phải biết hiếu, đễ, phải tự sửa mình trong chính những mối quan hệ thân gần với mình nhất, đó là quan hệ gia đình.
Trong ba mệnh đề còn lại là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ta có thể nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa gia đình với xã hội. Gia đình là chỗ dựa cơ bản nhất cho một quốc gia và ngược lại, đất nước chẳng qua chỉ là một gia đình mở rộng mà trong đó, ông vua chính là người cha lớn nhất với con cái là tất cả dân chúng. Cho nên, lời khẳng định “Hiếu, từ thì trung” còn có một khía cạnh nữa để phân tích. Đó là, phẩm chất trung với vua chẳng qua là cách gọi khác đi của chữ hiếu, biết hiếu với cha mẹ thì chắc chắn sẽ hiếu với vua, trung với vua, vì vua là nguồn sống cho cả xã hội, là người đẻ ra dân chúng (vì vua là con trời, là cha của loài người; vì dưới gầm trời này không đâu không là đất của vua, ăn nhành cây, động ngọn cỏ, săn thú rừng đều là động vào tài sản của vua, phải nhớ ơn vua đã nuôi sống mình như nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ).
Tông pháp của gia đình liên kết với quân quyền có tính chính trị tạo thành một thể không phân tách, quan hệ vua tôi không tách rời quan hệ cha con, anh em. Học thuyết này đã dựa vào quan hệ huyết thống tông tộc để sắp đặt, điều chỉnh quan hệ đẳng cấp có tính xã hội. Do vậy, quan hệ vua tôi có tính xã hội hàm chứa cả quan hệ cha con có tính gia đình. Quan hệ đẳng cấp có tính cưỡng bức được thiết lập trên quan hệ thân tộc có tính tình cảm, chủ động.
Cách quan niệm các mối quan hệ theo lối này của Nho gia đã biến tất cả các mối quan hệ xã hội trở thành những quan hệ họ hàng mà trong đó, người với người đối xử với nhau có tiêu chuẩn đầu tiên là phải hoà mục, thân ái như tình máu mủ. Chính vì thế, người ta có thể hy sinh nhiều chuẩn mực xã hội minh bạch, rõ ràng khác để đổi lấy sự “dĩ hoà vi quý”. Có thể nói, Nho giáo đã cung cấp cho chế độ chính trị nô lệ nhà Tây Chu một cơ sở lý luận tương đối hoàn bị và gây dựng nên một mô hình xã hội lý tưởng, đó là xã hội đại đồng – xã hội dưới sự dẫn dắt của nền chính trị đạo đức và ai ai cũng lấy tu thân làm gốc.
Qua những phân tích ở trên, có thể thấy, Nho giáo đã nhận ra một điểm tựa bất biến của con người, đó là tình cảm huyết thống và dùng ngay nó để làm nền móng xây dựng một mô hình xã hội duy trì bằng đạo đức huyết thống. Nói một cách khác, Khổng Tử đã gia cố về mặt lý luận cho cái ngôi nhà Tông pháp dột nát của Tây Chu. Đó là điểm tài tình của Khổng Tử và những người kế tục ông xét về mặt ý thức hệ.
Xét ở góc độ giá trị, tư tưởng triết học Nho giáo nguyên thuỷ hàm chứa những giá trị nhân bản sâu sắc. Chẳng hạn, nó khẳng định bước khởi đầu của xã hội người được xác lập nên từ gia đình, khẳng định nhân tính của con người lý tưởng phải được thể hiện ngay trong những việc cá nhân bình thường nhất: anh không thể là một nhân cách hoàn chỉnh nếu anh không phải là đứa con hiếu, người em ngoan của gia đình; anh cũng không thể là người công dân tốt cho xã hội nếu anh không biết tử tế ngay với những người thân gần nhất xung quanh mình trong gia đình, v.v.. Đó là những điểm sáng tư tưởng luôn luôn chứa những triết lý xã hội và nhân văn sâu sắc.
Song, nếu thổi phồng những tình cảm huyết thống đó lên thành những phẩm chất đạo đức xã hội như Khổng Tử đã làm thì bản thân những đạo đức gia đình đó không đủ để bao quát hết mọi lĩnh vực mà phẩm chất xã hội cần và do đó, sẽ nảy sinh những bất cập như một phần hạn chế đã bàn ở phía trên. Ngay trong xã hội Việt Nam, các quan hệ công việc dường như đều phải nhìn qua lăng kính kiểu quan hệ họ hàng, như gặp ai dù quen biết hay không, chúng ta đều dùng các thứ bậc theo kiểu họ hàng để xưng hô (anh, chị, cô, chú, bác, v.v.); để thiết lập tình thân; “nhất thân nhì quen” vẫn là thông lệ phổ biến ngầm khi cần phải tính toán bất cứ việc gì, dù là việc chung hay việc riêng; “câu chuyện làm quà” là bước dạo đầu thuận lợi bên cạnh những rạch ròi công việc khô khan, v.v.. Có thể kể ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác nữa của Nho giáo đối với sự phát triển xã hội. Song, chúng ta cũng không thể quy hết lỗi về cho Nho giáo, bởi nó là bất cập của chính môi trường xã hội đã sinh ra và nuôi dưỡng Nho giáo - xã hội Đông Á.
Từ trên, có một vấn đề cần rút ra về mặt phương pháp luận là, nếu ta thừa nhận Nho giáo coi trọng gia đình và các mối quan hệ gia đình là hợp lý thì ta chỉ nên giới hạn nó trong phạm vi gia đình với tư cách bước khởi đầu cho xã hội và khi đó, nó sẽ làm nên giá trị của Nho giáo. Còn nếu ta tuyệt đối hoá gia đình và nhìn xã hội giống như một gia đình kiểu Nho giáo, thì đó cũng chính là hạn chế của Nho giáo. Theo chúng tôi, để thay đổi tính chất cái xã hội đã bị Nho giáo ăn sâu bám rễ và chứa đầy hạn chế bất cập cho sự đổi mới và tiến bộ xã hội, chỉ phê phán Nho giáo thôi là đủ, mà vấn đề là phải triệt tiêu tận gốc cái mầm mống thị tộc huyết thống vẫn đang được bảo lưu dai dẳng trong lòng xã hội hiện đại; bởi nhờ có nó, Nho giáo mới tồn tại được lâu dài đến vậy.
 

(1) Xin tham khảo: Quách Mạt Nhược. Trung Quốc xã hội sử. Nxb Nhân dân Trung Quốc, 2001.
(2) Đại học là một trong bốn cuốn sách (Tứ thư) sĩ tử bắt buộc phải học để đi thi (quy định này bắt đầu có từ đời Hán) là Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử.
(3) Luận ngữ. Hiến vấn, câu 42.
(4) Luận ngữ. Vi chính, câu 1.
(5) Luận ngữ. Học nhi, câu 2.
(6) Luận ngữ. Vi chính, câu 20.
(7) Luận ngữ. Học nhi, câu2
Nguồn: vietriethoc.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét