Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

SỬ THI RAMAYANA VÀ TRUYỀN THÔNG


SỬ THI RAMAYANA VÀ TRUYỀN THÔNG

Ths .Phạm Phương Chi
(Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)

(Bài đã báo cáo trong Hội thảo Khoa học Quốc tế về Sử thi tổ chức tại Buôn Ma Thuột, 2008)
 1. Có rất nhiều hướng tiếp cận sử thi Ramayana, với hai hướng chủ yếu là từ góc độ triết giáo Hindu và từ góc độ một tác phẩm văn học đặc trưng.
Ở Việt Nam phổ biến hướng phân tích sử thi Ramayana từ mĩ học Hegel. Bản thân người viết bài này, cách đây hai năm, đề xuất hướng nghiên cứu sử thi Ramayana từ mĩ học Ấn Độ. Cũng cách đây ba năm, người viết bài đã manh nha ý nghĩ tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại trong sử thi Ramayana[1] do được tiếp cận với một số tài liệu nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại. Song, quả thực, ở Việt Nam chưa biết đến xu hướng nghiên cứu sử thi Ramayana nói riêng và kho gia tài văn hóa cổ nói chung đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước hậu thực dân, đó là làm cho các gia tài được sống trong thế giới đương đại. Đây không chỉ là việc đem cảm quan của chủ nghĩa hiện đại hay hậu hiện đại nhìn vào các giá trị của tác phẩm (như cách tôi đã làm trong bài viết năm 2005), cũng không phải là cách đặt tác phẩm vào giá trị hiện tại để cân đo đong đếm tính xác thực của chúng. Trái lại, đây là cách khám phá sự vận động của tác sử thi Ramayana không chỉ trong lĩnh vực văn học mà trong tất cả các phương diện của đời sống hàng mà chủ yếu là trên các phương tiện truyền thông. Cơ sở của xu hướng này là trong thực tế, đời sống của sử thi Ramayana không giới hạn trên văn bản mà trong rất nhiều hình thức gồm nghi lễ, tín ngưỡng, thậm chí ngay trên đường phố, trong các hiệu buôn[2]. Đặc biệt, sử thi Ramayana ngày càng trở nên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông gồm điện ảnh, phim truyền hình, quảng cáo, áp phích, trò chơi.
Bài viết này giới thiệu một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu cho xu hướng này của TS Anindita Banerjee, giảng viên khoa Văn học so sánh, trường Đại học Cornell chuyên nghiên cứu về văn học, điện ảnh Nga và Nam Á với hi vọng là đem đến cho các học giả Việt Nam một một hướng tiếp cận mới đối với sử thi Ramayana và là một bổ sung về cách thức duy trì, bảo tồn di sản sử thi ở Việt Nam.
Bài viết này có tên “Kể chuyện cao cấp dưới ánh lửa: sử thi trong các phương tiện thông tin Ấn Độ đương đại” được trình bày tại Hội Văn học So sánh Quốc tế hồi tháng 8 năm 2004 tại Liberal Arts University (Hồng Kông). Ở đây, Anindita Banerjee, trên cơ sở khảo sát các phiên bản điện ảnh, truyền hình, hoạt hình về sử thi Ramayana diễn ra vào thế kỉ XX – XXI đã đánh giá ý nghĩa của việc sử dụng các hình ảnh trực quan như là một phương thức toàn cầu hóa và dân chủ hóa sử thi Ramayana. Thành công của bài viết là đã sử dụng hai khái niệm cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại là bội tín, vật thay thế để xem xét sử thi Ramayana trong các diễn ngôn của chủ nghĩa dân tộc văn hóa.
2. Thứ nhất, Anindita Banerjee hướng sử thi Ramayana về những cách lí giải không chính thống với rất nhiều hình thái đan xen. Cụ thể, ở đây, Ramayana được coi là một sử thi đang sống (a living epic), vượt lên ý nghĩa chỉ là một tác phẩm văn học đơn thuần để trở thành một phần của đời sống hàng ngày. Điều đó có nghĩa, không chỉ hình thức ngôn từ mà các hình ảnh, các hình thức trình diễn liên quan đến sử thi Ramayana đều được coi là đối tượng nghiên cứu. Theo Anindita Banerjee, sử thi Ramayana  đã cung cấp hệ thống từ vựng các tín hiệu cho việc khái niệm hóa và biểu đạt các sự vật trong thế giới; nó hiển hiện trong các hành vi xã hội, quyết định đạo đức và các hoạt động chính trị; nó dựng lên một nền tảng mà dựa vào đó, Ấn Độ cấu trúc nên sự đồng nhất và khác biệt của mình.
Khác với sử thi của Home thống nhất trong một văn bản duy nhất, các “truyền thống” của sử thi Ramayana rất đa dạng và xoay xung quanh một cốt truyện. Nguyên nhân của điều này là do sử thi Ramayana được dùng trong các cuộc đấu tranh chính trị và công cuộc chống lại sự xâm lấn và nhiễm bẩn văn hóa. Anindita Banerjee đã khảo sát lịch sử dịch chuyển sử thi Ramayana qua nhiều thế kỉ ở Ấn Độ từ đó nhận định sự thay đổi các quan niệm chính thống về nó. Trong suốt thế kỉ XX, sử thi Ramayana đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa ra mô hình chính trị lí tưởng ở phía nam tiểu lục địa. Trước đó vài thế kỉ, có vô vàn hình thức diễn xuất sử thi Ramayana bằng bản ngữ và hình thức kể chuyện kiểu này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Và trong mỗi lần được tái hiện, sử thi Ramayana có thêm màu sắc mới từ cốt truyện cho đến nhân vật với những mục đích chính trị, xã hội khác nhau. Ví dụ, trong vở diễn sử thi Ramayana ở vùng Tamil, nhân vật Ravana được khắc họa là anh hùng bi kịch hơn là một tên ác quỷ, phản bội lại cách hiểu áp đặt trước đây đối với văn bản Ramayana kinh điển. Trong tự sự Dalit, việc nhân vật Sita được khắc họa là một bản chất mạnh mẽ nguyên sơ hơn là nạn nhân của hệ thống nam quyền là công cụ cho nhà  văn, nhà hoạt động xã hội đương đại, Mahasweta Devi, nhấn mạnh tình trạng những người dân bản xứ vẫn tiếp tục bị đàn áp và bị cách li ra khỏi xã hội hiện nay. Như vậy, đời sống đa dạng, đa chiều của sử thi Ramayana qua các thể loại văn học, hìn thức diễn xướng khác nhau đã thay đổi các phạm trù đối lập có tính nhị nguyên như văn hóa cao-văn hóa thấp, văn hóa cổ điển-văn hóa đại chúng, văn hóa đặc tuyển-văn hóa đám đông, văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại - những phạm trù cấu thành nên “văn hóa thù địch” của chủ nghĩa hiện đại vốn được xác định bằng mối lo âu về “sự nhiễm bẩn”.
3. Theo Anindita Banerjee, truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng trong sự đảo lộn văn hóa này, đặc biệt đài truyền hình quốc gia Ấn Độ phô trương tập phim dài 78 phần về Ramayana suốt từ năm 1987 đến 1990. Anindita Banerjee đã miêu tả bầu không khí chính trị giai đoạn này để giải thích cho sự ra đời của bộ phim. Những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ XX chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cánh hữu Hindu. Những năm đầu của thập kỉ 90 của thế kỉ XX tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình mang tầm cỡ quốc gia nhằm tuyên bố nơi chôn rau cắt rốn của Ram. Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình này là vào tháng 1 năm 1992 ở một thị trấn  Ayodhya thuộc Bắc Ấn Độ, nơi có nhà thờ Hồi giáo xây từ thế kỉ 16 tên là Babri Masjid được coi là nơi sinh ra của Ram. Những người tuần hành đã xây một điện thờ khắc tên Ram vào ngay giữa điện thờ. Anindita Banerjee đánh giá rằng, vai trò của tập phim truyền hình Ramayana đối với các sự kiện này ở chỗ nó đã khuấy động một phong trào trình diễn nghệ thuật công chúng rộng rãi trên toàn quốc song hành với những cuộc mitting, sản xuất ra một đại tự sự về truyền thống Hindu, xây dựng hệ tư tưởng về tính Hindu (Hindutva). Các học giả đã ngay lập tức coi đây là yếu tốt quan trọng cần thiết trong việc nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc tôn giáo của Ấn Độ hậu thuộc địa.
Trước đây, hai bài nghiên cứu của Purnima Mankekar và Arvind Rajagopal đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa việc xem truyền hình và việc tạo thành chủ nghĩa dân tộc văn hóa, và nhất là vào bộ phim truyền hình dài tập Ramayana. Ở bài viết này, Anindita Banerjee mở rộng khái niệm xem truyền hình và truyền thông mà qua đó Ramayana đã trở thành “tự sự cấp cao” của một cộng đồng giả tưởng gồm các dân tộc Hindu. Những nghiên cứu trước đây bàn về ảnh hưởng của tập phim truyền hình Ramayana chủ yếu nhấn mạnh vào tầng lớp trung lưu sống ở thành phố biết chữ và sự giao thoa của các diễn ngôn mang tính văn học, trên truyền hình và nghệ thuật chính trị của phái cánh hữu Hindu. Ở đây, Anindita Banerjee đi theo một hướng khác, xem bộ phim dài tập này tất yếu có rất nhiều thành phần khán giả và quan hệ của khán giả với câu chuyện vượt lên trên địa hạt của việc biết chữ hay không biết chữ, văn học hay không văn học. Mỗi ngày chủ nhật gần hai năm, nhiều người xem phim không chỉ qua TV trong phòng khách mà còn tụ tập quanh mẫu ti vi bày bán ở cửa hàng điện tử hay một cái vô tuyến chung của cả làng ở những vùng nông thôn. Những kiểu trình diễn mang tính văn học trở nên xa lạ đối với thành phần bạn đọc này vì họ phần lớn là mù chữ. Anindita Banerjee băn khoăn liệu các truyền thống trình diễn “dân gian” có đưa lại một lăng kính khác đối với việc tiếp nhận phiên bản truyền hình Ramayana và liệu có một hệ thống cơ sở nào thống nhất những sự thể hiện dựa vào truyền thông câu chuyện về Ram trên toàn quốc.
Anindita Banerjee cố gắng tìm kiếm hệ thống như thế về mặt trong cái gọi là “văn học nghe nhìn”: một hệ thống đồng nhất và khác biệt bao gồm toàn bộ những hình ảnh được sản xuất nhờ máy móc. Để đi đến kết luận này, tác giả không chỉ xem xét bộ phim truyền hình dài tập, mà còn khảo sát các yếu tố khác bên ngoài bộ phim này như: đời sống phong phú của chính bộ sử thi, những tồn tại cả trước và sau khi chiếu bộ phim như tranh lịch, áp phích, các bộ phim ở kinh đô điện ảnh Bombay, tiểu thuyết có hình họa, internet và trò chơi điện tử. Các yếu tố được coi là các moment cấu thành nên cái gọi mô hình mô tả bằng tranh. Tác giả đã thảo luận sự phụ thuộc lẫn nhau, sự phản thân và bản chất thiên kiến của những bản miêu tả bằng tranh này, và nhấn mạnh đặc biệt đến cấu trúc, tính điển hình hóa và những hàm ẩn mang tính tự sự của chúng từ đó quay trở lại hai vấn đề mang tính nền tảng: Những hình ảnh này có tạo thành một kinh điển tương đương mà qua đó sử thi và các chức năng là biểu tượng của văn hóa quá khứ của nó, trở thành “một tác phẩm được tái sản xuất ở một thời đại nghệ thuật cơ giới hóa”? Và việc nghe nhìn hóa sử thi Ramayana ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ bộ ba giữa ngôn ngữ, văn học và lịch sử - những yếu tố cấu thành “tự sự cấp cao” của chủ nghĩa dân tộc văn hóa đầu thế kỉ XXI này.
4. Trên cơ sở lập luận của Eric Hobsbawm và Terrence Range trong Sự phát minh ra truyền thống (Nhà xuất bản Cambridge UP, 1983) cho rằng những cái trông có vẻ cổ xưa thực ra có nguồn gốc gần đây, Anindita Banerjeecho rằng để truy tìm gốc gác của việc thông tin hoá sử thi Ramayana cần phải bắt đầu từ một thể loại cổ nhất và thường gặp nhất là: nghệ thuật tranh áp phích và tranh treo lịch. Theo Anindita Banerjee, không cần thiết phải để ý đến sự cấu thành văn hoá và diện mạo có tính địa phương cục bộ, những hình ảnh được phong cách hoá cao này trang hoàng cho những bức tường ở các quán trà hạng trung cho tới các cơ quan kinh doanh thành đạt, thậm chí cho cả bàn thờ tại riêng của tất cả các tầng lớp. Thường thường, những bức tranh này được treo dọc theo tượng trong các ngôi đền; tượng và áp phích như là bản sao của nhau, đánh bóng lên cái gọi là tính xác thực lịch sử trong khuôn khổ một “truyền thống” biểu hiện. Những tấm áp phích này có mối quan hệ tương hỗ rất mạnh với các hình ảnh trên phim và truyền hình.
Để minh hoạ cho kết luận trên, Anindita Banerjee phân tích cụ thể bốn tấm áp phích tiêu biểu sưu tập được (xem phụ lục trang 1), gồm một bức vẽ lễ đăng quang của Ram và Sita, một bức vẽ Ram là nhà khổ hạnh, Ram làm vua và bức cuối cùng là cảnh Hanuman thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách xé toang lồng ngực để lộ hình ảnh của Ram và Sita bên trong. Theo nhà nghiên cứu, các bức này đều được nhãn quan hoá. Bức tranh đầu phác hoạ tất cả các nhân vật chính trong một cái khung. Mặc dù mỗi nhân vật là một đối tượng của sự sung kính, song sự tổng hợp thần tượng này ngay lập tức tạo nên trật tự bên trong về mặt giới, về quan hệ họ hàng và đẳng cấp: Sita dù ngang hàng nhưng vẫn thấp hơn một chút so với Ram, Laksman cúi đầu trước người anh ruột, và Hanuman, thành viên của một tầng lớp thấp hơn thì nằm phủ phục trước tất cả. Từ sự phân tích này, tác giả cho rằng điểm nhìn của người vẽ tranh ở đây không phải là của đám đông công chúng, trái lại, từ một ví trí tách biệt - chỉ có thể đạt được bằng cách tiến vào chốn linh thiêng của một ngôi đền với những chi phí cao hơn người thường. Ở bức thứ hai và thứ ba, theo tác giả, thành công  nhất là ở những chi tiết tả thực, phác hoạ hình tượng tiêu biểu cho giống đực. Hai bức tranh nhấn mạnh dấu hiệu đẳng cấp Brahmin (sợi dây thiêng, vòng hạt rudraksha, tóc cuốn lọn dài, áo choàng màu vàng) và Kshatriya, đẳng cấp võ sĩ với cung tên, vương miện, hoa tai của Ram. Hai vai trò này thể hiện vị trí siêu việt của nhân vật với những đặc trưng không thể trộn lẫn về tầm hiểu biết, sức mạnh và trí khôn. Ở đây, Ram và Sita còn được điển hình hoá về mặt địa lí và lịch sử: mẫu váy của Sita là của tầng lớp trung lưu phía Bắc Ấn thế kỉ XX, nhất là kiểu áo tay bồng. Hình ảnh Hanuman hành xác như là biểu tượng của lòng trung thành tuyệt đối được Anindita Banerjee coi như là khoảnh khoắc hiếm hoi của bạo lực được thăng hoa thành hiến dâng.
Đối tượng khảo sát thứ hai của Anindita Banerjee là một thể loại nằm giữa văn học và hình hoạ: đó là một seri truyện tranh (Amar Chitra Katha) do nhóm chiến đấu Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh phát hành. Mục đích của những tập sách có giá cả rất phải chăng này, theo Anindita Banerjee, là vừa để cải thiện tình trạng trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu phương Tây hóa đang thờ ơ đối với sách kinh điển và một phần nào đó là hướng dư luận tiếp nhận tranh hơn là truyện. Nhà nghiên cứu cho rằng tính có thể tiếp cận được là đặc trưng của thể loại này, thể hiện ở việc, các cuốn truyện tranh thường có hai loại chữ: một là bằng tiếng Anh, hai là bằng ngôn ngữ cổ. Ví dụ, tập truyên có tên Ramayana của Valmiki dưới đây (xem trang 2 của phụ lục), việc đề chữ Sanskrit ngay cạnh bức tranh vẽ cảnh đăng quang là thể hiện nguồn gốc của văn bản. Cũng ở những trang truyện tranh này, Anindita Banerjee cho rằng tính hiện thực trong các tranh vẽ Sita bước lên giàn hoả thiêu thể hiện sự tương đồng về chiến thuật thể hiện giữa nghệ thuật tranh lịch và lịch sử được tượng hình mang tính lai ghép này.
Đối tượng khảo sát thứ ba chiếm nhiều số trang nhất của tác giả là các bộ phim của Bollywood về Ram. Theo Anindita Banerjee, đây là thể loại thu hút lượng khán giả lớn nhất, mang tầm cỡ quốc gia, vượt qua các ranh giới về tầng lớp, ngôn ngữ, vùng miền và giới. Sử thi Ramayana đã cung cấp nguồn tư liệu khổng lồ về nhân vật, tình tiết, mẫu hành động và hệ thống giá trị cho Bollywood. Hàng loạt các bộ phim có nhân vật chính tên là Ram hay Laksman. Sự xuất hiện của Sita thậm chí còn đa dạng hơn. Cốt truyện của các bộ phim này, theo nhận định của Anindita Banerjee, là sự tổng hợp của các chuyển nghĩa gồm: người cha ốm yếu, bà mẹ kế độc ác, người mẹ chấp hành ngu xuẩn, sự trừng phạt và sự xa lánh của những người thân hiểm độc, tình trạng bị lừa của nhân vật chính, việc nhân vật thoát khỏi ác quỷ, cái chết của ác quỷ và việc quay trở về đoàn tụ. Thực tế, các bộ phim đã tạo ra hệ thống phản ánh sự chuyển động trong bản thân thể loại, khi giữa các bộ phim có chung diễn viên tham gia dù ngữ nghĩa của cốt truyện và nhân vật có sưu thay đổi. Chứng minh cho hệ thống quy chiếu phức tạp này, Anindita Banerjee xem xét một cách ngắn bọn ba bộ phim nổi tiếng ra đời gần thời gian với seri phim truyền hình về Ramayana. Bộ phim đầu tiên là Khalnayak (1993, nhân vật Ram do Jackie Shroff đóng). Ở đoạn cuối tả cảnh chiến thắng của bộ phim, nhân vật người em trai, do Sanjay Dutt đóng, tuyên bố “Nhìn xem, đó chính là Ram”. Ở đây, Anindita Banerjee phát hiện ra vai trò ảnh hưởng của tấm áp phích đối với cảnh diễn sự kiện đăng quang; đạo diễn đã dành một phiến đoạn dài cho cảnh đăng quang: nhân vật chính nữ và nam chính đứng ở mặt đất cao hơn trong khi Dutt quỳ gối ở trước mặt. Bộ phim thứ hai được Anindita Banerjee xem xét là Ram-Lakhan, sản xuất năm 1989, có chung diễn viên với bộ phimKhalnayak. Ở đây, cốt truyện trả thù được nhấn mạnh; diễn viên Madhuri Dixit, người đóng nữ anh hùng của Ram ở bộ phim ra đời sau, có tên là Ganga. Nhà nghiên cứu cho rằng đoạn có ý nghĩa nhất của bộ phim miêu tả sự hiểu lầm đối với Ganga, trong đó Ganga cải trang thành một gái điếm chơi trò antakshari với Ram. Đây là trò chơi phổ biến trong các nhóm có quan hệ họ hàng và bạn bè thân thiết, trong đó người đầu tiên hát một bài hát nổi tiếng, từ cuối của bài hát phải được người tiếp theo đỡ lấy để mở đầu cho bài hát tiếp theo của mình. Việc nhân vật Gangahát các câu thơ đôi từ bản Ramayana của Tulsidas (tác giả chuyển Ramayana sang tiếng Hindi) này cũng thấy trong bộ phim có sự tham gia cặp đôi Shroff và Dixit, sản xuất trước đó được Anindita Banerjee xem xét ở đây là Ram Teri Ganga Ma (1985). Ở bộ phim này, hình ảnh Ram và Ganga bị làm cho mất thiêng. Sự mất thiêng của nhân vật nữ và các cuộc thử nghiệm đức hạnh trong các bộ phim của Bombay ám chỉ tới tình hình chính trị của quốc gia.
Những bức tranh ở trang thứ 3 được Anindita Banerjee đưa ra để khảo sát nghệ thuật miêu tả lễ đăng quang, trong đó có lời tuyên bố của nhân vạt Sagar về cách chọn váy áo cho Sita trong lễ hỏa thiêu và cách thức trang hoàng giàn hỏa thiêu. Ở đây, Anindita Banerjee đọc ra những hàm ẩn về sự phân biệt giới, sự vay mượn cách nói của nhà triết học Naomi Zack đang dạy tại trường đại học State University of New York, Albany, sự giao lưu giữa nghệ thuật áp phích, điện ảnh Bollywood và phim truyền hình nhiều tập. Đoạn tranh tả cảnh hỏa thiêu đã bị các phương tiện đại chúng và các tổ chức nữ quyền la ối phản đối đến mức đạo diễn phải từ bỏ dự định tái hiện “một cách xác thực” cảnh Sita bước lên giàn hỏa thiêu. Thay vào đó, câu chuyện Lakshman phản đối quyết định của Ram và Ram với khả năng dự đoán siêu phàm biết trước việc Sita bị bắt cóc và việc Sita phải tìm kiếm sự che chở của Thần Lửa Agni; Sita không bị ô uế qua việc nhân vật không bị thiêu cháy được nhấn mạnh. Thực sự, giàn hỏa thiêu Sita được phác họa, theo Anindita Banerjee, chỉ là cái màn vì ống kính camera nhấn mạnh vào khuôn mặt bình thản trong ngọn lửa của nhân vật.
Sắc mặt điềm tĩnh của Ram, đặc biệt trong những khoảnh khắc giao tranh, không chỉ tăng thêm sức hấp dẫn cho những cảnh quay tĩnh trên nền động của tập phim truyền hình dài tập – mà trong thực tế, mọi chuyển động và trạng thái đều rất chậm – mà còn ngụ ý chuyển tải sự thông thái về đạo dharma, hình mẫu về đức hạnh trong các hành vi gia đình, xã hội, chính trị của nhân vật. Tính đàn ông - mẫu tư cách của tầng lớp kshatriya - của nhân vật Ram thể hiện qua các đoạn phân lớp trong kịch bản. Tuy nhiên, điều Anindita Banerjee đặc biệt thú vị là hình tượng Ram theo nghĩa này trong các áp phích được tầng lớp trên chấp nhận. Tính chất giống đực của nhân vật Ram được củng cố trong bộ phim truyền hình dài tập qua việc thường được xuyên củng cố sức mạnh và nguồn gốc “Aryan” của nhân vật. Đây là sự hội tụ, theo Anindita Banerjee, của những cách lí giải mà các nhà sử học đã tìm thấy dấu vết trong sự chiếm hữu mang tính dân tộc của chủ nghĩa phương Đông châu Âu. Lí thuyết về chủng tính Aryan vốn được nhà Ấn Độ học người Đức Max Mueller chính thống hóa này thấm đẫm quan niệm của những kẻ đặc tuyển chính gốc với ý thức mình là người thống trị - một phương pháp mà người Ấn Độ ở tầng lớp cao dùng để đạt sự đồng nhất về dân tộc. Tuy nhiên, theo Anindita Banerjee, việc nghe nhìn hóa mà qua đó cả đười ươi và các thị tộc ma quỷ bị coi là không phải hay bên dưới loài người gợi lại sự cứng nhắc trong hình tượng khi thể hiện quan niệm cái đồng nhất và khác biệt. Tính giao thoa của các phạm trù này được quy định nghiêm khắc nhờ lòng trung thành với chủ quyền đẳng cấp. Việc Hanuman tự làm thương không giống với cuộc thử lửa của Sita. Trái lại Anindita Banerjee cho rằng, tập phim truyền hình không ngần ngại tái hiện một ít máu trong hoạt cảnh đôi nhân vật thiêng ở trong hốc ngực một nhân vật khác là để đã đạt được vị trí “người con” từ Sita, trong khi các nhân vật quỷ rakshas bị cường điệu như là những người nam và nữ vô đạo đức, hám dục và đen tối.
Sự giao thao giữa cái dân tộc, chủng tộc, đẳng cấp và giới này còn được Anindita Banerjee khẳng định thêm qua những khảo sát về một loại hình truyền thông quan tâm đến sử thi Ramayana gần đây nhất là: trò chơi. Năm 2000, Công ty phần mềm đặt tại Chennai, Image Infotainment Ltd, phát hành đĩa CD “Ramayana tác động lẫn nhau” (phụ lục trang 4), trong đó chữ viết và lời nói bằng tiếng Sanskrit kế tiếp nhau (cùng với bản dịch tiếng Anh). Các trò chơi này đặc biệt hấp dẫn với công nghệ không gian ba chiều cho phép người xem có thể tham gia vào câu chuyện. Chúng tạo ra môi trường như thật trong đó người xem nhấn nút enter để điều khiển nhân vật, điều hành câu chuyện theo cách nhìn của mình và tự xử lí các tình huống bất ngờ mà mình gặp phải. Trong trò chơi Ramayana, người chơi có thể chọn là bất cứ nhân vật tốt nào, nhưng không được là Sita hay quỷ rakshas. Anh ta có thể  hứng thú với hành vi hung bạo đối với nhưng con quái vật độc ác - thường mang màu sắc tối hơn so với nhân vật anh hùng. Kết quả của câu chuyện trong đó người chơi tham gia vào không chỉ được dự đoán và được viết ra, mà từng bước một, khác với các trò  game khác, được thảo ra trên cơ sở việc trẻ em đã nắm rất rõ biểu tượng do chúng thường xuyên xem các tấm áp phích trên tường nhà mình, xem các bộ phim của Bollywood, tập phim truyền hình nhiều tập.
Theo Anindita Banerjee, trò chơi trên máy tính về sử thi Ramayana nằm trong xu hướng nghe nhìn hóa bất tận các văn bản của tất cả các thể loại trong một trạng thái nối liền giao thoa nhau của thế giới hiện đại. Sự xuất hiện của xu hướng này là để giải quyết mối quan hệ giữa hình ảnh mang tính hình tượng với người xem không biết đến văn bản, giữa quá khứ và hiện tại với nhiều sự đứt đoạn. Việc nghe nhìn hóa sử thi Ramayana gần đây trong giới truyền thông lấp đầy một mảnh vỡ giữa quá khứ và hiện tại, thế giới của sử thi và thế giới của hiện thực đương đại - một “sự giảm giá” theo cách nhìn của Erich Auerbach trong công trình nghiên cứu cổ điển về văn học châu Âu. Hệ thống từ vựng trong các bức tranh có vai trò lớn hơn cả từ ngữ trong việc mở rộng đời sống của lịch, áp phíc, tiểu thuyết truyện tranh, phim Bombay và trò chơi điện tử. Điều này cho thấy, theo Anindita Banerjee, “bằng cách chiếm hữu thủ thuật và công cụ của cái hậu hiên đại – với hai khái niệm chủ chốt là bội tín và vật thay thế  - sử thi Ramayana lại đạt được giá trị về chính trị, tư tưởng mới trong nghệ thuật hùng biện của chủ nghĩa dân tộc vốn căn cứ vào sự thuần khiết văn hóa, tôn giáo, chủng tộc, dân tộc”
Kết thúc bài viết, Anindita Banerjee miêu tả các bức tranh về cuộc biểu tình tuyên bố nơi sinh của Ram trong những năm cuối thấp kỉ 80 đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo các đảng phái chính của Ấn Độ, có những đội quân tình nguyện ăn mặc giống khi trông như đội quân Hanuman. Mục đích của các cuộc tuần hành này liên quan đến diễn biến phức tạp về chính trị, tôn giáo của Ấn Độ giai đoạn này. Với kết thúc này, Anindita Banerjee gián tiếp khẳng định đời sống “vẫn đang tiếp tục” của sử thi Ramayana. Ở đây, Anindita Banerjee không có ý định nhấn mạnh các kết luận về mục đích sử dụng mang tính chính trị, tôn giáo của sử thi Ramayana. Trái lại, sự liên quan đến các sự kiện chính trị ở đây mang tính khoa học, vừa là đối tượng khảo sát vừa là kết quả đạt được do việc áp dụng một phương pháp nghiên cứu đặc trưng. Qua những sự kiện này, Anindita Banerjee thấy được ảnh hưởng của sử thi Ramayana đối với thế giới trần tục thông qua rất nhiều phương diện trong đó có các phương tiện truyền thông, và cũng nhờ việc vận dụng hệ quy chiếu của chủ nghĩa hậu hiện đại để tìm hiểu vai trò của sử thi Ramayana đời sống văn hóa, chính trị, tôn giáo Ấn Độ đương đại mà Anindita Banerjee phát hiện ra những sự kiện chính trị liên quan đến bộ sử thi này.
5. Như đã nói ở trên, người viết bài giới thiệu này đã từng có ý tưởng về nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại trong sử thi Ramayana, tức là đặt một khái niệm mới vào một đối tượng cổ mà không thể ngờ bộ sử thi này “đang sống” trong thời hiện đại, một đời sống phức tạp, sinh động liên quan đến tất cả các phương diện từ văn hóa, nghệ thuật cho đến kinh tế, chính trị, xã hội. Ở đây, tính chất hậu hiện đại thấm nhuần không chỉ ở các khái niệm được vận dụng mà ngay cả đối tượng khảo sát (sự cộng gộp không chỉ văn học mà đan xen tất cả các thể loại truyền thông) và định hướng nghiên cứu (với các kết luận đưa ra liên quan các cơ sở xã hội, triết học, văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại như sự xóa nhòa ranh giới giữa giới, đẳng cấp, dân tộc). Thiết nghĩ đây là một hướng nghiên cứu mới về sử thi Ramayana rất bổ ích cần sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học Ấn Độ ở ViệtNam.
Mặt khác, hướng nghiên cứu hậu hiện đại dựa trên phương tiện truyền thông này cũng là một hướng có ích khi tiếp cận các tác phẩm văn học cổ của Việt Nam và thế giới. Hướng nghiên cứu này có tác dụng khám phá ra những chiều kích ý nghĩa mới của tác phẩm, làm cho tác phẩm được sống một đời sống mới trong thế giới đương đại và từ đó mà giá trị của tác phẩm được nối liền từ quá khứ tới hiện tại. Và đây cũng là một cách để bảo tôn di sản văn hóa cổ.
Cũng liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa cổ, người viết bài giới thiệu này muốn liên hệ đến tình hình bảo tồn sử thi Việt Nam hiện nay. Không thể phủ nhận thành tựu sưu tầm khổng lồ về sử thi các dân tộc ở nước ta những năm qua. Song vấn đề đặt ra là làm sao phổ biến các tác phẩm sử thi đó cho đông đảo quần chúng bạn đọc. Trong tình hình công nghệ thông tin phát triển chi phối thị hiếu bạn đọc, văn hóa nghe nhìn đang chi phối văn hóa đọc, việc chuyển hóa các sử thi thành phim và trò chơi điện tử cho trẻ em cùng các chiến dịch quảng bá bằng áp phích, trên truyền hình cần được đẩy mạnh hơn nữa. Tính hữu hiệu của biện pháp này thể hiện ở chỗ nó góp phần duy trì, quảng bá sử thi cổ qua việc làm cho chúng tham gia vào đời sống văn hóa, xã hội, nghệ thuật hiện tại.
Với mục đích là chia sẻ những cảm tưởng của một người yêu thích nghiên cứu văn học Ấn Độ bắt gặp một tư liệu rất mới liên quan đến lĩnh vực quan tâm của mình, nhất là về một sử thi đã được cày xới rất nhiều, với một hướng tiếp cận mới, có ý nghĩa không chỉ cho những người chuyên làm văn học Ấn Độ mà góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông hóa như là một cách thức phổ biến và gìn giữ kho tàng sử thi Việt Nam, bài giới thiệu này hi vọng là một đóng góp cho hội thảo.
Nguồn: Tác giả
CHÚ THÍCH:


[1] Xem bài viết Phạm Phương Chi Chủ nghĩa hậu hiện đại Ấn Độ, Tạp chí Văn học số 8 năm 2005
[2]  Ở một số hiệu buôn Ấn Độ, người ta đặt bàn thờ Rama ngay cửa ra vào để cầu may.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét