Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ nhờ phong thủy?


Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ nhờ phong thủy?


(Nguoiduatin.vn) - Là Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, nhiều người nói rằng, ngoài tài năng và sự tàn bạo, sở dĩ Tần Thủy Hoàng có thể thống nhất được Trung Quốc là nhờ bố cục phong thủy đắc địa của kinh đô Hàm Dương.
Thế nhưng, thành bởi phong thủy, bại cũng bởi phong thủy. Chẳng bao lâu sau khi thực hiện cuộc trấn áp khí thiên tử ở Nam Kinh, Tần Thủy Hoàng đột ngột lâm bệnh nặng rồi chết. Ba năm sau đó, đế quốc Đại Tần mà ông ta khổ công xây dựng đã bị thiêu rụi…

Thống nhất thiên hạ nhờ phong thủy

Trong con mắt của các nhà phong thủy, Tần Thủy Hoàng sở dĩ thành đại nghiệp, tiêu diệt lục quốc, thống nhất Trung Quốc, trở thành Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là nhờ địa thế lý tưởng của sông núi mà nước Tần chiếm giữ.

Kinh đô Hàm Dương của nước Tần nằm ở phía Nam của núi Cửu Trọng, phía Bắc của dòng Vị Thủy, cả núi lẫn sông đều vượng dương khí, vì vậy nơi đây mới có tên là Hàm Dương. Nếu như nói rằng, nước Tần có được vùng Quan Trung như hổ mọc thêm cánh thì có thể nói Hàm Dương chính là cái vuốt sắc nhọn và lợi hại nhất của con hổ ấy. Thậm chí, có người nói rằng, không có sự phù trợ của kinh đô Hàm Dương, sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng chưa chắc đã hoàn thành dễ dàng như vậy.
Nam Kinh
Nằm dưới chân ngọn núi Cửu Trọng tráng lệ và hùng vĩ, bình nguyên Tần Xuyên dài 800 dặm mênh mang, lúc ẩn, lúc hiện. Thành cổ Hàm Dương nằm ngay trong lòng của bình nguyên Tần Xuyên rộng lớn ấy. Vùng đất này có sản vật phong phú, đất đai màu mỡ, là nơi phát tích ra 12 vương triều Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường,… Có thể nói, Hàm Dương hoàn toàn không hổ danh là nơi đất tổ của “long mạch”.

Các nhà phong thủy cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản trong phong thủy là “y sơn, bàng thủy” (dựa vào núi và gần sông, biển). Núi giống như xương sống của đất và là kho thiên nhiên của con người. Còn sông, hồ, biển cả là suối nguồn sự sống của con người. Không có nước, con người không thể nào tồn tại được.

Trên bình nguyên Tần Xuyên rộng lớn, có một dòng sông Vị Hà chảy xuôi xuống phía Nam, tạo nên sự phong phú cho long mạch vùng đất Hàm Dương. Sông Vị Hà là nhánh lớn nhất của dòng Hoàng Hà, con sông lớn nhất Trung Quốc. Chính vì vậy, có thể nói sự giàu có của Hàm Dương nhờ một phần rất lớn vào dòng sông này.

Truyền thuyết kể rằng, vào ngày lập xuân, Tần Vương Doanh Chính muốn làm lễ tế trời bên dòng sông Vị Hà. Khi đoàn người náo nhiệt kéo tới chỗ được lựa chọn làm lễ tế thì phát hiện trong dòng nước chảy của sông Vị Hà phát ra những âm thanh lạ kỳ, trong khi mặt nước vẫn tĩnh lặng, không hề xảy ra điều gì bất thường.

Sau khi đại lễ bắt đầu thì bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo về che kín bầu trời. Khi mọi người còn đang hoảng hốt không hiểu lý do thì dòng Vị Hà sóng nổi cuồn cuộn, những ngọn sóng cao ngất tới tấp đánh vào bờ. Đoàn người tế lễ triều Tần vội vàng xông tới bảo vệ cho Tần Vương. Đúng lúc đó, đột nhiên từ dưới dòng nước bay vụt lên một con rồng màu xanh khiến bọt nước bay đầy trời. Tần Vương Doanh Chính đứng sững người, bình tĩnh quan sát tất cả sự việc đang xảy ra trước mắt mình.

 Con rồng xanh sau khi xuất hiện, bay vòng quanh trên bầu trời ba vòng rồi hướng về phía Tần Vương Doanh Chính gật đầu ba cái. Sau đó, còn rồng lại một lần nữa bay vút lên trời cao rồi lao xuống dòng nước sông biến mất. Một lúc sau, dòng sông Vị Hà trở lại vẻ tĩnh lặng ban đầu. Từ đó về sau, sông Vị Hà được Tần Vương Doanh Chính gọi là Thánh Thủy (Sông Thánh).

Nhờ có được sự giúp đỡ của thần sông Vị Hà nên sau khi thành đại nghiệp, thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng tự coi mình thuộc về “thủy đức”. Căn cứ theo quan niệm Âm dương Ngũ hành thì nhà Chu thuộc “hỏa đức”, nhà Tần thay thế nhà Chu, thống nhất Trung Quốc đương nhiên thuộc “thủy đức”. Thủy đức vượng nhất vào tháng 10, vì vậy, khi lập pháp, nhà Tần lấy tháng 10 làm tháng đầu của năm.

Trong Ngũ hành, thủy đức ứng với màu đen, vì vậy, nhà Tần rất chuộng màu đen, từ quần áo tới cờ quạt, tất thảy đều có màu đen. Con số biểu tượng của thủy là số 6, vì vậy, tất cả đều lấy con số 6 làm chuẩn. Chẳng hạn như ấn tín, mũ quan đều dài và cao 6 tấc, xe rộng 6 thước (khoảng 1,8 mét), xe ngựa dùng 6 ngựa và cứ 6 thước thì tính là một bộ… Trong những ghi chép của triều đại nhà Tần, ở đâu cũng có thể thấy được dấu vết của “thủy đức”.

“Y sơn, bàng thủy” không chỉ là tiêu chuẩn lựa chọn của phong thủy, mà về mặt quân sự cũng phát huy những ý nghĩa quan trọng. Từ khi trở thành một chư hầu hùng cứ một phương, nhà Tần đã rất nhiều lần dời đô và gần như tất cả các lần dời đô ấy đều có liên quan tới phong thủy. Chẳng hạn, ban đầu nhà Tần lấy vùng Tần Ninh (nay là huyện Hoa, Thiểm Tây) làm trung tâm chính trị là do Tần Ninh có núi Phượng Hoàng che chở, Bắc có sông Vị Thủy, Tây Nam có các kênh đào bao quanh.

Tiếp đó, nước Tần lại chuyển kinh đô về Ung Thành. Nguyên nhân cũng là vì Ung Thành phía Đông giáp sông Hoành Thủy, phía Tây dựa vào ngọn Linh Sơn, phía Nam giáp Hãn Hà, phía Bắc thì có ngọn Quân Pha. Về mặt quân sự, phía Nam có thể khống chế đường nối giữa Hán Trung và Tứ Xuyên, Tây có thể quản chặt đường giao thông phía Tây. Sau đó, nhà Tần lại dời đô một lần nữa.

Lần này là tới Lịch Dương. Phía Bắc của Lịch Dương là giáp với ngoại tộc, phía Đông thông với ba nước Tam tấn là Hàn – Ngụy – Triệu. Có thể thấy rằng, mỗi lần dời đô, nước Tần đều chú ý chọn được vị trí có ưu thế nhất về mặt quân sự, từ đó mở rộng bản đồ lãnh thổ của mình.

Tới thời Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc này quyết định định đô ở Hàm Dương vẫn là vì nguyên nhân “dựa núi, gần sông biển”, tiến thoái đều dễ dàng, nhờ vậy cuối cùng đã thành được đại nghiệp thống nhất Trung Quốc. Theo đó, có thể thấy rằng vị trí địa lý và hoàn cảnh có vai trò thế nào đối với sự phát triển của một vương quốc.

Có thể nói rằng, nhờ vào vị trí phong thủy cực kỳ đắc địa của Hàm Dương mà Tần Vương Doanh Chính mới có thể đánh bại 6 nước chư hầu, biến nước Tần từ một chư hầu trở thành một vương triều và bản thân mình thì trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử.

Trấn áp khí thiên tử ở Nam Kinh

Sau khi giành được thiên hạ, thống nhất đất nước, do không muốn có kẻ nhòm ngó thiên hạ do mình khổ công giành được, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện chuyến Đông du để trấn áp “khí thiên tử” ở vùng Đông Nam. Đó là chuyện xảy ra vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 37, tức năm 210, cũng là năm Tần Thủy Hoàng mắc bệnh và qua đời.
Tượng Tần Thủy Hoàng
Theo ghi chép của sử sách thì vào năm này, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện một chuyến Đông du về phía Đông Nam, xuất phát từ Tây An vào tháng 10, tới tháng 11 thì tới Vân Mộng rồi lên thuyền xuôi dòng sông đi xuống phía Nam. Khi Tần Thủy Hoàng đi tới vùng phụ cận Nam Kinh thì lên bờ ở bến Giang Thừa, vào trong thị trấn rồi tới Tiểu Đan Dương. Tiếp đó, theo đường thủy Thái Hồ đi tiếp xuống phía Nam, tới vùng Chiết Giang thì dừng lại.

Trên đường quay về, Tần Thủy Hoàng cũng qua sông ở đoạn Giang Thừa. Do chuyến Đông du của Tần Thủy Hoàng, Nam Kinh đã xuất hiện tuyến đường cao tốc đầu tiên, gọi là “Tần Hoàng trì đạo”. Vào thời bấy giờ, loại đường này gọi là quốc đạo, chỉ dùng cho hoàng gia. Đường này làm rộng và thoáng, cưỡi ngựa có thể chạy rất thoải mái và nhanh, do vậy mới có tên là “trì đạo” (trì nghĩa là cưỡi, phi ngựa).

Vì sao Tần Thủy Hoàng lại chọn tuyến đường này để thực hiện chuyến Đông du của mình? Theo sách “Dư địa chí” ghi chép, thì mục đích chủ yếu của Tần Thủy Hoàng là nhằm trấn áp “khí thiên tử” ở vùng Đông Nam. Chuyện kể rằng, trước đó, một thuật sỹ nói với Tần Thủy Hoàng rằng “Giang Đông (vùng Nam Kinh) có khí thiên tử”.

Vì vậy, Tần Thủy Hoàng mới quyết định lấy thực hiện chuyến Đông du, lấy chính bản thân mình ra để trấn áp khí thiên tử này. Sách “Cảnh Định kiện khang chí” cũng có chép, khi Tần Thủy Hoàng vượt sông, thuật sỹ nọ lại đoán khí, nói một cách chi tiết về thời gian và địa điểm của luồng khí thiên tử nọ với Tần Thủy Hoàng: “500 năm sau, Kim Lăng sẽ có thiên tử khí”.

Ý nghĩa của câu nói này chính là sau 500 năm nữa, tại Nam Kinh sẽ sản sinh ra một vương triều mới. Theo truyền thuyết thì thuật sỹ nọ chính là Từ Phúc, người một năm trước đó đã theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đi ra biển Đông cầu thuốc trường sinh bất lão. Từ Phúc cũng là ngự y của Tần Thủy Hoàng, vốn là người cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô ngày nay.

Tần Thủy Hoàng nghe thấy Từ Phúc nói như vậy thì thấy thất vọng vô cùng. Ông ta tự gọi mình là Thủy Hoàng (Hoàng đế đầu tiên) và mong muốn con cháu mình sẽ tiếp nối mình đến hàng vạn đời. Nay, theo lời của Từ Phúc thì sự thống trị của triều Tần cùng lắm cũng chỉ kéo dài được 500 năm. Như vậy là quá ngắn ngủi.

Vì thế, Tần Thủy Hoàng quyết định dừng chân tại Nam Kinh. Đây là lý do mà sử sách ghi chép về hành trình Đông du của Tần Thủy Hoàng đều có đoạn Tần Thủy Hoàng tới vùng phụ cận Nam Kinh thì dừng thuyền và lên bờ. Mục đích của Tần Thủy Hoàng là thay đổi phong thủy của đất Kim Lăng để trấn áp “khí thiên tử”, không cho phép mảnh đất này có thể sản sinh ra một vương triều mới thay thế triều Tần.
Kỳ 2: Chuyện mê phong thủy kỳ quặc của Tần Thủy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét