Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

tư liệu về chế độ công xã nguyên thủy, phần 2


1. Gene bí hiểm khiến người cổ đại biết nó

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học vẫn đau đầu bởi một câu hỏi. Điều gì đã khiến cho tổ tiên của chúng ta thoát khỏi kiếp vượn người và tiến hóa mạnh đến như vậy

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tin rằng, họ đã giải thích được mắt xích bị thiếu trong chuỗi tiến hóa đó: một gene nhân đôi có tên SRGAP2, xuất hiện ở “người vượn” cách đây khoảng 2,5 triệu năm. Gene này đã giúp tế bào não của chúng ta chuyển động nhanh hơn, kết nối rộng hơn, nhờ đó mà bộ não trở nên phức tạp và tiến hóa hơn.

Trình bày trên tạp chí Cell, nhóm tác giả tin rằng quy trình này sẽ giúp giải thích vì sao loài người lại sớm hình thành nên tiếng nói, các hành vi phức tạp và làm chủ được công cụ, trong khi loài vượn thì không.
Gene gốc và bản sao của SRGAP2 đều sản sinh ra những loại protein phát triển não giống hệt nhau. Tuy nhiên, bản sao của SRGAP2 lại giúp cho các neuron thần kinh phát triển các tua gai thần kinh (dendrite) dài hơn, nhờ đó mà thu được xung điện từ các tế bào khác nhanh hơn, hiệu quả hơn.
“Có vẻ như điểm đột biến này đã giúp cho người vượn Australopithecus chuyển biến thành người Homo Sapiens”, Giáo sư Franck Polleux thuộc Viện nghiên cứu Scripps, California cho biết trên DailyMail. “SRGAP2 là một trong khoảng 30 gene nhân đôi ở người sau khi chúng ta “tách” ra khỏi loài vượn”.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư môn di truyền học Evan Eichler của Đại học Washington tin rằng đây chính là tác nhân tạo ra những thay đổi đột phá ở não người và chức năng não.
Các tác giả cũng hy vọng rằng, ngoài việc giúp giải thích nguồn gốc của loài người, phát hiện trên còn cung cấp những manh mối để điều trị các bệnh rối loạn thần kinh như: tự kỷ, động kinh...


2. Lửa có thể xuất hiện cách đây 1 triệu năm

Tổ tiên loài người đã lần đầu tiên quây quần xung quanh đống lửa cách đây 1 triệu năm, sớm hơn 300.000 năm so với giả thuyết trước đây.
Các chuyên gia Đại học Toronto (Canada) và Đại học Jerusalem Hebrew (Israel) đã tìm thấy dấu vết tro đốt củi và những mẩu xương động vật cháy thành than được bảo quản tốt trong các hang động ở Nam Phi.
Cả tro và xương có vẻ đều được đốt tại chỗ, chứ không phải do gió thổi hoặc bị nước cuốn vào hang, theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Phát hiện cho thấy nghệ thuật tạo lửa có thể bắt đầu từ thời của người đứng thẳng, tên khoa học là Homo erectus, loài người đầu tiên phát triển kỹ năng săn bắn - hái lượm.
Những di vật này được phát hiện tại hang Wonderwerk, khu khảo cổ nổi tiếng gần sa mạc Kalahari, nơi lưu giữ vô số dấu vết của con người cổ đại.

Báo Telegraph dẫn lời Michael Chazan, đồng giám đốc dự án, cho biết: “Kết quả phân tích đã đẩy lùi thời gian loài người dùng lửa thêm 300.000 năm nữa, cho thấy các tổ tiên sơ khai của loài người như Homo erectus có thể đã bắt đầu làm quen với lửa trong đời sống hằng ngày”



3. Nông nghiệp châu Âu có nguồn gốc từ Trung Đông

Kết quả một công trình nghiên cứu công bố trên tờ Khoa học (Mỹ) ngày 26/4 đã hé lộ cách người nông dân sống ở thời kỳ đồ đá di cư từ vùng Địa Trung Hải lên phía Bắc để sinh sống bằng nghề săn bắn, hái lượm.Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện bí mật trên sau khi tiến hành phân tích mẫu DNA của bốn mẫu khảo cổ người châu Âu sống ở thời kỳ đồ đá.
Phát hiện này giúp khai sáng một vấn đề vẫn luôn gây tranh cãi trong lịch sử loài người lâu nay - đó là nền văn minh nông nghiệp đã dịch chuyển từ Trung Đông đến châu Âu như thế nào.
Nông nghiệp châu Âu có nguồn gốc từ Trung Đông
Trước nay, các nhà khoa học cho rằng nghề nông bắt nguồn từ Trung Đông cách đây khoảng 11.000 năm, và đã vươn tới hầu hết lục địa châu Âu vào khoảng 5.000 trước.
Phát hiện mới nhất đưa ra giả thuyết rằng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đã được dân cư sống ở khu vực Địa Trung Hải du nhập vào châu Âu và đưa bí quyết của họ vào nghệ thuật săn bắn - hái lượm ở bán cầu Bắc.
Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận này sau khi sử dụng phương pháp phân tích DNA tiên tiến đối với bốn mẫu khảo cổ người tiền sử còn sót lại ở Thụy Điển - được xác định là một nông dân và ba "chuyên gia" săn bắn hái lượm sống cách đây khoảng 5.000 năm.
So sánh dữ liệu gene của hai nhóm người đến từ hai nền văn hóa khác nhau, sống vào cùng một thời kỳ nhưng cách nhau khoảng 400km về mặt địa lý này với dữ liệu gene của người hiện đại ở châu Âu, các nhà khoa học nhận thấy những người sống bằng nghề săn bắn - hái lượm ở thời kỳ đồ đá có nhiều khác biệt về gene so với người hiện đại nhưng giống nhất với người Phần Lan, trong khi người nông dân thời tiền sử có cấu trúc gene gần với người Địa Trung Hải.
Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng điều này chứng tỏ nghề nông đã lan rộng khắp châu Âu nhờ làn sóng di dân từ Địa Trung Hải lên phía Bắc.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận người châu Âu ngày nay có ảnh hưởng gene rất mạnh từ những nông dân di cư ở thời kỳ đồ đá, thông qua một số gene của tộc người săn bắn - hái lượm sống cùng thời kỳ.



4. Bữa ăn 8 nghìn năm của người tiền sử

Hai giáo sư khảo cổ sinh vật học Hà Lan vừa công bố những nghiên cứu về một bữa ăn thịt bò rừng nướng ngoài trời có niên đại 7.700 năm của người tiền sử trên tạp chí Khoa học Khảo cổ tháng 7/2011. Đây được coi là bằng chứng trực tiếp sớm nhất về kỹ thuật săn bắn, xẻ thịt, đun nấu và ăn thịt thú của người tiền sử.
Bữa “barbercue” nguyên thủy này diễn ra tại một địa điểm khảo cổ ngày nay thuộc thung lũng Tjonger, Hà Lan.
Di chỉ còn lại cho thấy, sau khi giết được một con bò rừng Á Âu khổng lồ (aurochs), những kẻ đi săn lang thang đã xẻ thịt bằng một lưỡi đá, rồi đem nướng. Các thành viên bữa tiệc đã hút phần tủy sống ở xương con vật trước khi họ “chén” thịt sườn chín.
Di chỉ bếp nướng có niên đại 7.700 năm hé lộ về kỹ thuật nấu và ăn tiệc Barbercue của tổ tiên chúng ta.
Di chỉ bếp nướng có niên đại 7.700 năm hé lộ về kỹ thuật nấu và ăn tiệc Barbercue
của tổ tiên chúng ta. 
(Ảnh minh họa: Discovery).
Làm thế nào thợ săn tiền sử có thể hạ được con mồi hung dữ này?
Giáo sư Wietske Prummel, nhà khảo cổ sinh vật học thuộc trường Đại học Groningen, một trong hai tác giả nghiên cứu nhận định trên tờ Discovery: “Hoặc là con vật này đã sập vào một cái bẫy chông và rồi những người đi săn lấy đá nhọn đập vào đầu cho đến chết; hoặc là nó đã bị nhóm người bắn cung với mũi tên bằng đá cho đến chết”.
Sau khi giết chết con bò rừng, nhóm thợ săn đã cắt chân nó và hút tủy sống”, ông Prummel và đồng nghiệp là Marcel Niekus luận giải trên một lưỡi đá được tìm thấy ngay cạnh bộ xương con bò khai quật.
Tiếp tục, nhóm thợ săn lột lấy bộ da và xẻ thịt thành những tảng lớn để dành mang về nơi cư trú gần đó. Những vết chặt còn lại trên lưỡi đá cho thấy thịt được xẻ, tách khỏi xương một cách rất cẩn thận”.
Sau nữa, nhóm người đi săn nướng phần xương sườn dính thịt còn lại và có lẽ cả những miếng thịt nhỏ trên một đống lửa ngoài trời. Rồi họ ăn chúng ngay tại chỗ, “phần thưởng cho cuộc săn bắn thành công của họ”, như lời ông Prummel.
Cuối cùng, chiếc lưỡi đá, có lẽ đã cùn đi do phải chặt quá nhiều, bị bỏ lại và bị cháy xém bởi ngọn lửa dùng để nướng thịt.
Người nguyên thủy có thể dùng bẫy chông để bẫy bò rừng lấy thịt làm thức ăn
Bữa ăn nguyên thủy này diễn ra vào khoảng hơn 1000 năm trước khi những kẻ canh tác nông nghiệp đầu tiên biết thuần hóa gia súc đến định cư tại Tjonger.
Giáo sư Niekus cho biết: “Nhóm người này sống vào khoảng Thời kì Đồ đá Trung Muộn. Họ là những nhóm đi săn lang thang. Săn bắn hẳn là một phần quan trọng trong hoạt động sinh tồn của họ”.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh thêm những người tiền sử trên sinh sống trong một khu vực khá rộng và thường xuyên lui tới Tjonger để săn bò rừng. Sau thời kì Đồ đá, khu vực này rất hiếm người sinh sống mãi cho đến thời kì Trung cổ muộn (Late Medieval), có lẽ do vùng này bị ngập nước.
Bò rừng hẳn đã là loại thức ăn tốt nhưng không phải là phổ biến đối với những nguyên thủy ưa ăn thịt. Có thể do bò rừng là loài vật khổng lồ và thợ săn không phải lúc nào cũng giết được chúng.
Xương bò rừng đã được khai quật thấy ở những vùng định cư sớm khắp châu Âu. Tuy nhiên xương nai đỏ, hoẵng, lợn lòi hoang và nai sừng tấm thậm chí còn phổ biến hơn.
Khi những người nông dân đầu tiên tới châu Âu khoảng 7500 năm trước đây, họ đã sử dụng địa bàn sinh sống của bò rừng để làm nơi cư ngụ và canh tác khiến chúng dần dà mất đi môi trường sống thích hợp và dẫn đến tuyệt vong.


5. Lửa được phát hiện muộn tại châu Âu

Một nghiên cứu mới cho rằng, lửa được con người sử dụng ở châu Âu muộn hơn so với lâu nay người ta vẫn tưởng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mỹ National Academy of Sciences.
Hai nhà khoa học Wil Roebroeks, của Đại học Leiden tại Hà Lan, và Paola Villa, thuộc Đại học Colorado ở Mỹ, đã tổng hợp tài liệu nghiên cứu tại 141 điểm khảo cổ khắp châu Âu và xác nhận rằng lửa được bắt đầu sử dụng cách nay khoảng từ 300.000 năm đến 400.000 năm.

Ngọn lửa là một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của người cổ đại. Ảnh: NAS
Trước đó, lửa đã được sử dụng tại Israel và theo nhà khảo cổ học Villa, có những mẫu xương bị cháy đã được phát hiện tại các hang động ở Nam Phi cách nay khoảng 1 triệu năm. Vấn đề đặt ra sau phát hiện này là làm thế nào con người lúc đó chịu được lạnh khi không có lửa. Các nhà khoa học cho rằng thời đó, họ vận động rất tích cực và có chế độ ăn giàu protein, chủ yếu là thịt và hải sản sống.

Trước đây, theo nhà khảo cổ học Richards W. Wrangham, tại Đại học Harvard trong tác phẩm“Bắt được lửa: Làm thế nào việc nấu ăn biến chúng ta thành người”, con người có thể đã bắt đầu biết làm chín thức ăn cách nay khoảng 2 triệu năm nhưng những bằng chứng củng cố giả thuyết này đã bị hủy hoại theo thời gian.
Theo Người Lao Động

6. Người tiền sử từng sống ở sa mạc Sahara

Người tiền sử đã từng lang thang qua sa mạc lớn nhất thế giới - sa mạc Sahara - trong khoảng 5.000 năm, các nhà khảo cổ phát hiện.
Phần phía đông Sahara có diện tích tương đương khu vực Tây Âu
Phần phía đông Sahara có diện tích tương đương khu vực Tây Âu (Ảnh: BBC)
Phần phía đông Sahara của Ai Cập, Sudan, Libya và Chad đã từng là nơi sinh sống của dân du mục - những người đi theo các cơn mưa từ sa mạc này cho đến đồng cỏ. Sau khi nơi này trở nên khô cằn cách đây 7.000 năm, đã có một cuộc di cư khổng lồ xuống sông Nile và các khu vực khác của châu Phi.
Trên tờ Khoa học, các nhà khoa học nói mối liên quan giữa khí hậu và việc định cư của con người ngày xưa là bài học cho ngày nay.
“Các cuộc xung đột hiện nay như tại Dafur do sự suy giảm của môi trường đã từng diễn ra trong quá khứ”, tiến sĩ Stefan Kropelin tại Trường ĐH Cologne, Đức nói. “Cuộc đấu tranh vì thức ăn, nước uống và đồng cỏ vẫn là 1 vấn đề lớn tại khu vực Sahara hiện nay. Quá trình này đã bắt đầu từ hàng ngàn năm trước và có truyền thống lâu đời”.
Phía đông Sahara - với diện tích hơn 2 triệu km2, tương đương khu vực Tây Âu và hiện là khu vực gần như không có người hay thú - đã cung cấp cho các nhà khảo cổ một cái nhìn về quá khứ.
Tiến sĩ Kropelin và đồng nghiệp là tiến sĩ Rudolph Kuper đã thu thập mẫu vật có niên đại 10.000 năm của người cổ xưa, nghiên cứu hơn 100 địa điểm khảo cổ trong hơn 30 năm (đây được xem là cuộc nghiên cứu lớn nhất về vấn đề này) và đã phát hiện Sahara từng là khu vực ẩm ướt có người sinh sống.
Khoảng 13.000-14.000 năm trước, Sahara rất khô nóng. Nhưng sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường cách nay 10.500 năm đã đem mưa và khí hậu tương tự gió mùa đến đây. Người tiền sử từ miền nam bắt đầu di cư xuống và sống gần các sông, hồ. Họ cùng săn bắt, sinh hoạt và chơi đùa với nhau.
Khi Sahara đột ngột khô hanh, người tiền sử dần dần di cư xuống thung lũng Nile và các nơi khác. Theo Kuper, sự phân chia nhóm người và ngôn ngữ sau này có nguồn gốc từ tình trạng khô cằn của Sahara. “Sự thay đổi của môi trường là động cơ của quá trình tiến hóa ở châu Phi”, ông nói.
T.VY

7. Người tiền sử đã ở Indonesia một triệu năm trước

Các nhà khoa học Australia cho rằng người tiền sử đã sinh sống trên đảo Flores của Indonesia ít nhất một triệu năm trước đây, sau khi tìm thấy tại một di chỉ khảo cổ những công cụ bằng đá có niên đại vào thời kỳ tông người Hominin (một tông trong phân họ người Homininae) cư ngụ trên đảo.

Nhờ phát hiện này, giờ đây, các nhà khoa học đang suy luận rằng giống người bí hiểm nói trên có thể đã tiến hóa thành giống người lùn Hobbit nổi tiếng của đảo Flores.
Khai quật di chỉ khảo cổ.
Theo tiến sĩ Adam Brumm, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Khảo cổ của Đại học Wollongong, các nhà khoa học đã tìm thấy một địa điểm tại lòng chảo Soa ở trung tâm đảo Flores, nơi những người tiền sử đã cư ngụ ít nhất 120.000 năm.

Tiến sĩ Brumm và nhóm các nhà khoa học đến Indonesia để tìm hiểu xem loài người sinh sống ở ngay ngưỡng cửa của Australia từ bao giờ đã đào được một số công cụ bằng đá thô sơ trong một lớp trầm tích được bao bọc bởi những lớp tro bụi của núi lửa. Phân tích bằng kỹ thuật Argon cho thấy những công cụ này có niên đại khoảng một triệu năm.

Ông Brumm cho biết các nhà khoa học không thể đào sâu được nữa nên hiện hoàn toàn không có khái niệm nào về thời gian tông người Hominin cư ngụ trên đảo là bao lâu, có thể là hai triệu năm.

Tiến sĩ Brumm nói rằng phát hiện nói trên tạo ra một vài tin tưởng cho lý thuyết nói rằng chính tông người huyền bí Hominin là tổ tiên của giống người lùn Hobbit (có tên khoa học là Homo Floresiensis) trên đảo Flores.

Những nghiên cứu gần đây dựa trên những đặc điểm nhất định của bàn chân, não bộ, hộp sọ, bàn tay, cách tay và xương vai của người Hobbit trên thực tế gợi mở rằng giống người này có thể đã tiến hóa từ một nhóm giống loài còn nguyên thủy hơn nhiều, đó là người Homo erectus (người đứng thẳng), một dòng dõi đã tiệt chủng của giống người Hominid (các thành viên của họ Hominidae, bậc trên của phân họ Homininae) có nguồn gốc từ châu Phi.

Theo tiến sĩ Brumm, chắc chắn cánh cửa còn để ngỏ cho khả năng rằng dòng dõi mới huyền bí của giống người Hominid có thể đã hiện diện đâu đó ở Đông Nam Á và có khả năng là trên đảo Flores vào một thời điểm cực kỳ sớm.

Tiến sĩ Brumm hy vọng sẽ tìm ra nhiều bằng chứng hơn khi ông cùng các đồng nghiệp mở rộng cuộc nghiên cứu về tổ tiên của loài người.

Công trình của các nhà khoa học Australia đã được đăng tải trên Tạp chí Tự nhiên ngày 18/3./


8. Con người biết mặc quần áo từ khi nào?

Theo một nghiên cứu mới về sự tiến hóa của loài rận, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, con người bắt đầu mặc quần áo từ cách đây 170 nghìn năm đúng vào thời điểm con người vượt ra khỏi châu Phi và di cư đến những vùng khác.
Tờ Daily Mail cho biết, do quần áo trang phục không thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài vì vậy, trước nay việc sử dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống để xác định thời gian con người bắt đầu mặc quần áo là không thể.
Chính vì thế, tiến sĩ David Reed, chuyên gia nghiên cứu động vật có vú thuộc Đại học Florida cùng các cộng sự của mình đã chuyển sang nghiên cứu sự phân kỳ tiến hóa của các con rận khi chúng chuyển từ da đầu con người xuống quần áo từ đó xác định thời điểm con người bắt đầu biết mặc quần áo.

Con người bắt đầu mặc quần áo cách đây 170 nghìn năm. (Ảnh minh họa)
Chúng tôi muốn tìm một phương pháp khác để xác định thời điểm con người bắt đầu mặc quần áo. Bởi vì chúng ta biết rằng loài rận ở quần áo chỉ xuất hiện khi trang phục đã xuất hiện trong đời sống của con người”, David Reed nói.
Loại rận sống trên da đầu con người (còn gọi là con chí) là loài rận xuất hiện sớm nhất. Sau đó, khi con người biết mặc quần áo thì loài rận này bắt đầu phân hóa làm 2, một loài chuyển sang sinh sống trên phần da của cơ thể còn gọi là rận quần áo.
Vào khoảng 100 nghìn năm trước, con người mới bắt đầu di cư đến những vùng lạnh và cao hơn. Điều này cũng có nghĩa là, từ trước đó 70 nghìn năm, con người đã bắt đầu biết mặc quần áo.
Nghiên cứu này đã chứng minh rằng, con người đã có một khoảng thời gian rất dài không có quần áo lẫn lông trên cơ thể để giữ ấm. Các nghiên cứu trước đó đều khẳng định, thời điểm cơ thể con người bắt đầu rụng hết lông xảy ra cách ngày nay khoảng 1 triệu năm. Mà con người chỉ bắt đầu mặc quần áo khi lông trên cơ thể đã rụng hết.
Trước đó , vào năm 2003, một nghiên cứu về rận quần áo của Mark Stoneking và một số nhà khoa học tại Học viện Max Planck, nước Đức đã phát hiện ra rằng con người bắt đầu biết mặc quần áo từ cách đây 107 nghìn năm.
Tuy nhiên, dựa trên những dữ liệu và phương pháp tính toán mới, các chuyên gia của Đại học Florida đã phát hiện ra rằng, loài chí và rận bắt đầu phân hóa cách đây 170 nghìn năm. Nghĩa là từ thời điểm này, con người bắt đầu biết mặc quần áo.
Ian Gilligan, thuộc Đại học Quốc gia Australia nói: “Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp con người tìm hiểu sâu hơn về sự tiến hóa cũng như phương thức di cư của con người. Con người hiện đại có thể bắt đầu mặc quần áo một cách thường xuyên để giữ ấm khi lần đầu tiên họ phải đối mặt với kỷ Băng hà”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét