Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Ai Cập cổ đại: mỹ thuật - triết học

Vẽ lên giấy là chuyện phổ biến ngày nay vì giấy sẵn, màu sẵn, ai cũng có thể vẽ được (chỉ  khác nhau là đẹp hay xấu mà thôi). Thế nhưng thuở xưa ai chế ra giấy? Ai vẽ tranh lên giấy đầu tiên?

Phán xử người chết
Theo thiển ý của chúng tôi, đây là những điểm khởi đầu quan trọng của lịch sử mỹ thuật. Ai chế ra giấy đầu tiên?


Cái đánh dấu sách
Từ “giấy” trong tiếng Pháp là “papier”, trong tiếng Anh là “paper”. Cả hai đều bắt nguồn từ chữ papyrus trong tiếng La Tinh và chữ này lại bắt nguồn từ chữ gốc của Ai Cập “papyri”- tên của một loại lau sậy mọc ven sông Nin. Người Ai Cập cổ đại đã cắt xén, ép rồi phơi khô để làm thành một loại giấy cổ xưa nhất, còn rõ thớ sậy nhưng khá phẳng phiu để có thể viết chữ và vẽ tranh lên.

Kỷ lục thế giới thuộc về cuốn “Châm ngôn của Ptahoteb” viết trên giấy papyrus khoảng 2500 năm trước công nguyên (cách đây gần 4500 năm) được mệnh danh là “cuốn sách tối cổ của nhân loại”. 2300 năm sau “cuốn sách tối cổ” đó, người Trung Quốc cũng chế ra giấy nhưng loại giấy này còn thô, mặt chưa phẳng, khó viết chữ lên trên. Mãi đến đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên, giấy mới chính thức ra đời ở Trung Quốc. (Lịch sử văn hóa Trung Quốc- Nxb Khoa học Xã hội- Hà Nội 1993- trang 780). Đương thời với Ai Cập và Trung Quốc cổ đại, các nền văn minh sớm khác của nhân loại cũng chỉ khắc văn tự lên đá, gỗ, đồng và viết lên da thuộc.
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, người Ai Cập cổ đại đã chế ra giấy đầu tiên trên thế giới.
Ai vẽ tranh lên giấy đầu tiên? Đương nhiên, lại vẫn là người Ai Cập. Họ làm giấy để viết chữ. Nhưng chữ cổ Ai Cập là chữ tượng hình nên viết cũng là vẽ, tuy không thể nói đó là tranh.
Bức tranh thực sự trên giấy chỉ xuất hiện khi người Ai Cập cổ đại quyết định làm sách “hướng dẫn người chết sống lại để tiếp tục kiếp sau”. Các học giả phương Tây gọi đó là “Tử thư” hay “Sách của người chết” (Book of the Dead-Livre des morts) đúng ra, căn chuẩn tiếng Ai Cập cổ, tên sách phải là “Từ cái chết bước ra ban ngày” (theo Nhật Chiêu- Câu chuyện văn chương phương Đông- Nxb Giáo Dục 1998). Vì mê tín, người Ai Cập cổ đại tin rằng chết chưa phải là hết, mà là chuẩn bị chuyển sang kiếp sống khác. Muốn cho việc chuyển kiếp được trót lọt thì phải bảo quản tốt thi hài- do đó mà có tục ướp xác. Chu đáo hơn, người ta còn bỏ vào quan tài những cuốn cẩm nang hướng dẫn cho người chết để sang kiếp sau, người chết có thể ra khỏi bóng tối địa ngục, vượt sa mạc mênh mông, tránh được các quái vật, tìm đúng cửa công đường của thần Osiris- vua của địa ngục.
Tiếp đó người chết phải biện minh công- tội trước Osiris và 42 vị phán quan (đại diện cho 42 quận cổ của Ai Cập). Trái tim của người chết sẽ được Anubis- vị thần chuyên ướp xác có đầu chó rừng đem cân. Oái oăm thay, “quả cân” lại là một chiếc lông chim đà điểu nhẹ bay do nữ thần công minh, chính trực Maat điều khiển. Thăng bằng tức là thiện- người tốt sẽ bất tử và sống hạnh phúc. Lệch tức là ác- kẻ xấu sẽ lập tức bị hung thần Sobek đầu cá sấu nuốt chửng.
Để cho kẻ mù chữ cũng có thể hiểu. Người ta phải vẽ tranh minh họa. Khoảng 1500 năm trước công nguyên (cách đây khoảng 3500 năm), các sách của người chết đã được sản xuất nhiều và buôn bán khắp cõi Ai Cập (vẫn theo Nhật Chiêu- sách đã dẫn).
Vẻ đẹp của những bức tranh tối cổ
Gọi là tối cổ vì quá xa xưa. Bạn hãy ngẫm mà xem, 26 thế kỷ trước khi Thái Luân- viên quan Trung Quốc- chế ra giấy thì người Ai Cập cổ đại đã hoàn thành “cuốn sách tối cổ của nhân loại” rồi (cuốn “Châm ngôn của Ptahoteb”). Người ta có thể chê giấy papyrus chưa hoàn hảo nhưng rõ ràng đó là loại giấy có thể viết và vẽ lên thoải mái.
Về việc chế tạo sách của người chết, Ai Cập cổ đại quan niệm phải vẽ đẹp và dễ hiểu bởi phục vụ người chết là ưu tiên số một của xã hội thời đó. Theo họ cuộc sống hiện tại là tạm bợ, chỉ có kiếp sau- nếu được chuẩn bị tốt- mới là vĩnh cửu. Do đó cần phải viết và vẽ đẹp. Vẽ càng đẹp thì hiệu quả càng cao.
Chỉ có điều trớ trêu là cho người chết chứ không phải cho người sống chiêm ngưỡng. Tất nhiên, xét về chất lượng nghệ thuật cổ Ai Cập thì tranh trên giấy papyrus không được xếp ở hàng đỉnh cao như Kim tự tháp (kiến trúc), tượng và chạm nổi (điêu khắc), tranh tường (bích họa). Các tranh trong “sách của người chết” chỉ được xếp loại nghệ thuật hạng hai, vì nó mang nặng tính trang trí với các chỉ dẫn tỉ mỉ, chất lượng biểu cảm chưa đặc sắc.
Tuy vậy, công bằng mà nói thì loại tranh này  cũng có một số giá trị riêng, không thể phủ nhận, đáng được ca ngợi
.- Mặt giấy papyrus không trắng mà ngà ngà, tạo thành độ nền trung gian rất thuận tiện cho loại hòa sắc trang trí ít màu. Thớ sậy cũng rất gợi cảm (tương tự như nền giấy điệp của tranh Đông Hồ- VN).

- Bảng màu Ai Cập cổ rất ít màu: chỉ có trắng, đen, nâu, đỏ, xanh cây, vàng nghệ (đôi khi là vàng dát), xanh chàm, nhưng vẫn hấp dẫn, do đậm, nhạt mạnh, phối màu khéo. Ví dụ: trang phục trắng tinh đã tôn lên màu da bánh mật của hai người trợ tế trong tranh “Nghi lễ mở miệng”.
- Màu tô khá tinh tế. Không phải ai cũng có nước da nâu đậm: hai cô gái có da màu hồng, thầy quản tế đội mặt nạ Anubis có chân tay màu vàng nghệ. Không phải tất cả đều là mảng bẹt: con bò tế được vờn màu ở yếm, đôi vợ chồng đứng trong vườn được vờn màu ở vai áo và nút buộc ở bụng.


Hai vợ chồng đang ngợi ca thần Osiris
- Bố cục tranh Ai Cập rất chặt chẽ với các khoảng đặc rỗng hợp lý nhưng không kém phần sáng tạo, thậm chí táo bạo do cách phân tầng, phân đoạn, và nhấn mạnh trọng tâm câu chuyện.
- Nhịp điệu động tác là cách mà các nghệ nhân vô danh ngàn xưa đã làm cho tranh papyrus Ai Cập trở nên sinh động. Ví dụ trong tranh “Nghi lễ Mở miệng”: hai cô gái đang khóc đứng khóc ngồi, còn hai người trợ tế cùng bước đi nhưng tay giơ, tay hạ cho ta cảm giác về sự nối tiếp của chuyển động.
- Nét không chỉ là đường viền hình thể mà nét còn thay đổi màu và đậm nhạt, có lúc tỉa rõ tinh vi, lại có lúc chỉ gợi tả và buông lơi. Đặc biệt có những tập hợp nét vạch-chấm làm cho các mảng màu đỡ đơn điệu (chấm trên da báo, vạch ngắn xếp hàng trên vai xác ướp tập hợp vạch chéo trên váy của người quản tế).
Thay lời kết
Mấy nghìn năm đã trôi qua nhưng những bức tranh đầu tiên trên giấy của lịch sử văn minh nhân loại do các hoạ sĩ vô danh Ai Cập vẽ vẫn hấp dẫn, đáng được quan tâm và nghiên cứu. Chỉ xin lưu ý các bạn đọc về giá trị kinh tế của nó ở thị trường du lịch- một trong hai nguồn thu cơ bản của ngân sách quốc gia Ai Cập (du lịch và kênh đào Xuy-ê). Ngày nay, người Ai Cập lại sản xuất giấy papyrus theo công thức xưa rồi  in hoặc vẽ lại các trích đoạn trong “Sách của người chết” và cuối cùng bán cho du khách vốn đông nườm nượp chiêm ngưỡng các Kim tự tháp. Xin đơn cử: một miếng tranh papyrus in mẫu tự Ai Cập cổ, chế thành cái đánh dấu sách rất xinh xắn có giá một đô la, du khách nào cũng thích mua, kể cả các du khách Việt Nam sang Ai Cập mới đây- đầu 2004.
Nguyễn Đức Hòa


2. Một bài thơ viết trên giấy cói (Bảo tàng lịch sử quốc gia)



Memphis, Ai Cập. Triều đại thứ 19, năm 1204 trước Công nguyên

Champollion đã đọc những tác phẩm đầu tiên của văn học Ai Cập.
Jean-François Champollion (1790-1832), học giả người Pháp là người đầu tiên giải mã chữ tượng hình Ai Cập cổ đại trong thế kỷ 19đã tiến hành công việc của mình dựa trên việc nghiên cứu những tài liệu văn bản và chữ khắc trên đá còn lưu lại.
Trên đường đi thăm Ai Cập lần đầu tiên, Champollion đã đến thăm bộ sưu tập của François Sallier (1764-1831), một quan chức hải quan ở Aix-en-Provence, Pháp. Ông đã nghiên cứu các cuộn giấy cói ở đây, bao gồm cả bài thơ được viết trên giấy cói này, ông đã xác định (chính xác đến chừng mực nào đóđây thuộc thể loại thơ ngợi ca hay kinh cầu nguyện tán dương   một pharaonMột ghi chú trên những trang tài liệu đã được Champollion viết trên mười bốn tờ giấy vuông vắn trong tháng 2 năm 1830 khi quay trở lại Ai Cập. Hai năm sau đó, ông đã quan sát kỹ lưỡng loại giấy cói này lần đầu. Năm 1839, Bảo tàng Anh cũng tiến hành mua loại giấy  này sau khi Sallier chết.
Tác phẩm viết tay này được viết bởi một thầy tu, là một hình thức viết thảo chữ viết tượng hình. Nó được sao chép từ một bài thơ cổ điển “bài học của vua Amenemhat” viết bảy thế kỷ trước đó. Các dấu chấm màu đỏ đánh dấu sự kết thúc của dòng thơ, trong khi các ký hiệu ở đỉnh của lề giấy là hiệu chỉnh riêng của người ghi chép. Bài thơ được viết ký tự “I” bởi một người sao chép trong kho tàng có tên là Inena- người đã ghi lại bài thơ trên giấy cói vào ngày 20 tháng 1 năm 1 của mùa đông năm 1204 trước công nguyên.
Trang Nhung dịch

3. Tìm thấy một chiếu chỉ thời Ai Cập cổ đại

Trong khi làm việc tại vùng châu thổ sông Nile một nhóm các nhà khảo cổ học Đức và Ai Cập đã phát hiện một bia đá có niên đại cách đây 2.200 năm, trên bia này có khắc ba ngôn ngữ khác nhau nhưng có cùng một nội dung về cải cách bộ lịch và ca ngợi vua Ptolemy.
Mảnh đá granite này có màu xám, cao 99cm và rộng 84cm tình cờ được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại vùng khai quật của thành phố Bubastis. Đây là một chiếu chỉ của hoàng gia được viết bằng tiếng Hy Lạp cổ đại, ngôn ngữ bình dân và bằng chữ tượng hình đã đề cập đến những vấn đề trong triều đại của vua Ptolemy III Euergetes I vào năm 238 trước công nguyên.
Bia khắc này có 67 dòng chữ Hy Lạp và 24 dòng chữ bình dân với những đường nét của chữ Hieroglyphs phác thảo sự cải cách của bộ lịch và ca ngợi vua Ptolemy.
Chiếu chỉ này rất quan trọng vì nó đề cập đến những cải cách cụ thể trong lịch Ai Cập cổ đại mà nó không được thực hiện cho tới 250 sau đến thời Julius Caesar.
Đ.TÂM (Theo IOL) 
Việt Báo (Theo_TuoiTre)
4. Khảo cổ học - 134 trong 1 (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Trong ngôi đền Karnak ở Ai Cập, Emmanuel Lazore, kiến trúc sư và là thành viên của trung tâm hợp tác Pháp – Ai Cập về nghiên cứu những ngôi đền Karnak (CFEETK) vừa hoàn tất việc khảo sát để tạo nên những bức ảnh phục chế 134 cây cột đá. Nhóm nghiên cứu của Emmanuel Lazore đã áp dụng công nghệ tạo điểm, lần đầu tiên cho phép các nhà khoa học có thể kiểm tra được tất cả những hình trang trí trên 134 cây cột đá của đền Karnak.
Karnak gồm ba chính điện ở trung tâm Luxor, thành phố của các Pharaon. Trong chánh điện lớn nhất và nổi tiếng nhất, có tới 134 cây cột đá với chiều cao gần 20m, được dựng lên dựa theo hình ảnh thần cây papyrus. Những hình chạm khắc dày đặc trên những cây cột đá khổng lồ được đặt trong 1 kiến trúc tổng thể vĩ đại đã làm Emmanuel Lazore kinh ngạc đến xúc động. Ông viết: “Những hình chạm khắc trên những cây cột đá này là những trang viết đầy đủ nhất về lịch sử của 8 vị Pharaon”. Karnak là trung tâm tôn giáo lớn nhất của Ai Cập cổ đại từ năm 2100 TCN và kéo dài trong suốt 8 thế kỉ.
Nhiệm vụ đầu tiên của các nhà khoa học là thực hiện việc phục chế lại toàn bộ khung cảnh tôn giáo và các chữ viết chú giải trên các cây cột đá trong điện thờ thần mặt trời Amon-Rê. Tiếp theo, họ phải sưu tầm, góp nhặt và phân tích tỉ mỉ để hiểu 1 cách rõ ràng về kết cấu và kĩ thuật xây dựng điện thờ và bảo tồn thông tin trong đó. Thực vậy, các yếu tố kiến trúc của điện thờ đang bị hủy hoại ngày càng nhanh do ô nhiễm môi trường, việc tăng lượng muối đã phá hủy kết cấu của cát, sự chênh lệchu nhiệt độ quá lớn trong ngày và nhất là sự hư hại gây ra bởi hơn 6000 khách du lịch mỗi ngày đều muốn chạm tay vào những cây cột đá.
Năm 2005, sau khi dạt được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp, dự án của Emmanuel Lazore chínhd thức được triển khai. Mục tiêu lúc đầu của dự án chỉ là kiểm tra, thu thập lại những tài liệu đã có từ trước nhưng sau đó, những cây cột khổng lồ với những nét điêu khắc tinh xảo đã lôi cuốn các kiến trúc sư của trung tâm CFEETK vì “Cho đến nay, chưa có một công trình phục chế nào được hoàn thành vì các cây cột đều hình tròn – đây là trở ngại lớn cho công việc phục chế khi sử dụng những công cụ truyền thống, như: phục chế trên nhựa hay trên ảnh...

Để khắc phục những khó khăn trên, nhóm nghiên cứu đã áp dụng công nghệ chụp ảnh 3D. Công nghệ ảnh này cho phép chúng ta ghi lại hàng nghìn thông tin chỉ trong vài phút với độ chính xác lên đến vào milimét, nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra một mô hình số ba chiều của điện thờ. Hơn thế, từ những kết quả đã đạt được, các nhà Ai Cập khảo cổ học có thể vào tới những nơi không có lối vào trên điện thờ hay phục dựng lại với độ chính xác cao một chi tiết của cột đá đã bị hư hại hay thậm chí là bị phá hủy.
Công nghệ thứ hai được áp dụng trong việc phục chế đền Karnak được gọi là “phép đo ảnh”. Công nghệ này cho phép xác định kích thước và thể tích của một vật thể, từ những kích thước được thực hiện trên những bức ảnh toàn cảnh sự vật. Để thực hiện công việc này, các nhà khoa đã sử dụng 4 chiếc máy ảnh đặt trên những chiếc thước cao tới 8m để xác định những chiều cao khác nhau. Một chiếc máy tính được đặt dưới chân cột sẽ kiểm soát sự gióng khung, đảm bảo dộ phối hợp đồng thời của 4 chiếc máy ảnh. Hơn 4000 hình ảnh đã được ghi lại. “Đây quả là nhiệm vụ nặng nề”, Emmanuel Lazore nhớ lại, “bởi vì chúng tôi chỉ có 1 tháng để chụp ảnh, ghi lại tất cả các thông số trên 134 cây cột, với tổng diện tích hơn 1,5hecta trong điều kiện thiếu khoảng trống và thiếu ánh sáng. Vì trong 1 ngày, ánh sáng ở đây thay đổi liên tục, điều đó lý giải tại sao những bản âm thường rất tối và chúng tôi buộc phải chỉnh sửa lại chúng trên máy tính.”
Khi tất cả những công việc này được hoàn thành thì một chuyến phưu lưu mới, đầy khó khăn đang chờ các nhà khoa học ở phía trước, đó là việc xử lí thông tin, lắp ráp các bức ảnh, v.v.. Một chặng đường dài cần phải vượt qua. Liệu rằng những cây cột đá khổng lồ này sẽ khoác thêm lên mình nó những bí mật về công việc phục chế? Chúng ta hãy chờ xem.
Bích Hằng (dịch) [Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009]
5. THẾ GIỚI QUAN CỦA NGƯỜI AI CẬP (triết học Ai cập cổ đại)

Ai Cập đã để lại những đền đài mênh mông và những lăng miếu rộng lớn. Những công trình ấy và số lượng lớn lao các văn tự tượng hình ở đấy làm cho người ta phải ngạc nhiên, vì lợi ích và ý nghĩa của các công trình ấy không dễ dàng hiểu được đối với con người ngày nay. Người Hy Lạp cổ đại, gần gũi chúng hơn rất nhiều về thời gian cũng đã coi những kim tự tháp ở Giza như một biểu hiện phi lý về lòng tự đắc của vua chúa và mang tính áp đảo. Tuy nhiên, những công trình ấy vẫn giữ được vẻ oai nghiêm và mất cái vẻ đồ sộ đáng ngại của chúng nếu ta nhận ra ở đấy kết quả của các quan niệm về vũ trụ của người Ai Cập và những lời giải đáp mà các quan niệm đó đem đến cho những vấn đề đặt ra trong xã hội họ, theo những cách suy nghĩ và hành động mà chúng ta ngày nay coi là vừa xa lạ, vừa gần gũi.
 
Cái siêu phàm không thể rút nhỏ lại bằng sự phân tích tuyến tính. Cùng một quá trình hoặc một hiện tượng có thể nhận thức thông qua nhiều hình ảnh, nhiều truyện kể thần linh khác nhau. Bầu trời khôn dò là một đại dương, một mái nhà, một con bò cái, một cơ thể đàn bà. Một hình ảnh đã ăn sâu vào truyền thuyết đều là thích đáng, dù đối với ta hình như là trái ngược, và cho phép xử lý, quản lý cái thần linh. Sự “đa dạng trong các cách tiếp cận” đó thường biểu hiện qua một cách suy nghĩ nhị nguyên, cái toàn bộ được quy lại còn là sự đối lập và hợp nhất của hai dạng thức: nhà nước và sa mạc, thượng và hạ Ai Cập. Ngoài ra, ngôn ngữ, chữ viết và hình vẽ là cái gì khác nữa chứ không chỉ là những biểu tượng ước lệ. Giữa cái mà người ta gọi bằng tên và vẽ thành hình với sự vật, có sự giao cảm. Vì vậy, các từ tạo ra các sự vật – bởi thế trong các truyện kể về tạo lập thế giới có nhiều cách nói đồng âm dị nghĩa – và chính lời nói đã câu thúc sự vật. Đó chính là hai nguyên lý của cái tư duy được gọi là “phương thuật”. Chuyển tải “những lời nói của thần linh” hệ thống văn tự tượng hình bao gồm những hình ảnh mượn trong thiên nhiên và ra đời đồng thời với các nghệ thuật đồ họa, đã chỉ ra hiện thực. Việc vẽ ra một sinh linh, kèm theo đầy đủ tên gọi của nó, là nhị hóa nhân cách của nó. Say mê gần như cuồng si việc thể hiện một cách lâu bền bằng lời nói và bằng hình vẽ cái hiện thực để rồi làm cho nó vững mạnh thêm bằng một phương thuật cao cường, đó là đặc trưng của văn hóa thời các pharaông và giải thích tại sao lại có những thành tích thần kỳ về kiến trúc và bi ký như thế.
 
Chân trời của người Ai Cập trải từ miền “đất đen” chật hẹp (Kemet, sinh ra Kemi là tên của Ai Cập bằng tiếng côpt) tức là thung lũng đất bồi bằng phẳng của sông Nil đến miền “đất đỏ” (desheret) là hoang mạc Sahara vô biên bao quanh, khô hạn và nhấp nhô. Miền Đen là không gian được trồng trọt, nhân hóa, quen thuộc. Miền Đỏ thì khủng khiếp, quái dị. Những đám cư dân thưa thớt, lạc hậu và hiếu chiến qua lại đấy và những cuộc xâm lược xuất phát từ xa hay gần đều từ các đường mòn của miền ấy mà tràn đến. (Gebel trong chữ tượng hình hàm ý “xa lạ”). Nhưng hoang mạc lại trải dài đến tận đường chân trời, nơi mặt trời sinh ra và chết đi; những đá núi trơ trơ bất di bất dịch của nó, những miền cát tinh khiết của nó niềm nở đón nhận những người chết và che giấu những cuộc tái sinh. Một khối chất lỏng vô biên bao quanh vũ trụ rắn đặc, hiện ra trên bề mặt trái đất dưới hình thức biển cả. Nước đó là vòm trời, nơi mọc lên các tinh tú. Nó chảy vào con sông ngầm dưới đất, nơi đêm đêm mặt trời, trôi từ tây sang đông, và từ nơi ấy mỗi năm tràn lên một dòng nước mới: cơn lũ của sông Nil.
 
Chứa đầy những sinh linh bí ẩn, nửa tỉnh nửa mê, đại dương ấy và các bóng đêm lan tràn khắp cả không gian cho đến ngày mà mặt trời, thần Rê-Atum, mọc lên, đẩy các bóng đêm dày đặc ra ngoại vi. Một quả gò nhô ở nơi thượng đế đã tổ chức ra thế giới hiện tại, thổi vào đó không khí, ánh sáng, sự sống, đồng thời phải chiến đấu với những thế lực của hư vô. Rồi thượng đế tạo ra chư thần và loài người, động vật và cây cỏ. Đó mới chỉ là “Lần Đầu Tiên”. Mỗi tối mặt trời già đi, mỗi sáng trẻ lại và được rửa sạch trong nước, mặt trời thượng đế lại tái lập vũ trụ và giao chiến; mỗi ngày con quái vật Apopi lại đe dọa cuộc lữ hành của mặt trời Rê về trời, nhưng Rê vẫn trông nom giữ gìn phép tắc công minh, tức là Maat mà thần đã thiết lập và đã thành sự sống của thần. Các sinh vật thì phải già đi và trẻ lại ở dương thế này, theo nhịp điệu của một chu kỳ vĩnh cửu (neheh) theo gương mặt trời, cho đến ngày phải chết để đi vào cảnh tĩnh tại vĩnh hằng (djet), như Orisis vậy. Bao giờ Atum trở lại trạng thái thụ động ban đầu thì sẽ không còn có không gian, thời gian.
 
Phản ánh sự đa dạng trong các cách đề cập và tự nhận khác nhau của các địa phương, nhiều huyền thoại, nhiều giáo lý thuật lại theo cách của mình sự nghiệp của vị thần sáng thế hơn cả, ra đời ở Heliopolis, thì chính Rê-Atum đã sắp đặt ra mọi vật; nhưng theo các giáo sĩ ở Memphis thì lại là Ptah, thần đất, đã xuất hiện trước tiên rồi nâng bầu trời lên cao và sinh ra mặt trời. Các nhà bác học thì nói rằng Thượng đế đã thai nghén vũ trụ trong tâm mình (nghĩa là trong trí mình) và cho vũ trụ ra đời qua mồm mình (nghĩa là bằng lời nói sáng thế).
 
Tư tưởng thời các pharaông coi tính nhị nguyên trong tình dục là bộ phận không thể tách rời trong quá trình tạo ra sự sống rất lâu trước khi những tụng ca thời Tân Đế chế tụng dương Thượng đế là “cha và mẹ”. Hai thần tích Kamutef và “Con mắt của Rê” xác định vị trí của đàn bà. Mọi nam thần thành niên đều được kèm theo một nữ thần vừa là con gái, vừa là vợ, lại vừa là mẹ của mình. Thần do nữ thần ấy sinh ra rồi lại làm cho nữ thần ấy hoài thai vì mình chính là con trai của nữ thần và  là “Bò đực của Mẹ mình” (Kamutef). Ngoài ra, nữ thần đồng hành ấy lại còn là con mắt của thần nữa, nguồn của lửa và ánh sáng, con mắt ấy đã nổi giận bỏ thần và thần đã phải làm lành. Là hình ảnh của tính hai mặt của cái thiêng liêng, nữ thần vừa là Hathor trung hậu, là khát khao và hoan lạc, vừa là Sekhmet hiểm độc, là con sư tử gây ra các tai ách và con rắn hổ mang, có thể tiến công quân thù và những kẻ tội lỗi.
 
Hai cặp thần linh từ thần tạo thiên lập địa mà ra, tượng trưng cho việc sắp đặt vũ trụ vật chất: không khí, ánh sáng, lửa, đất và trời. Thế hệ tiếp theo, gần với thân phận loài người nên phải đối phó với những bi kịch của con người: vấn đề quyền lực và cái chết. Osiris bị Seth giết, nhờ Isis và Nephthys chạy chữa mà sống được một cuộc đời mới, và được quyền bá chủ đối với cái chết và những người chết. Con trai của thần ra đời sau khi cha chết là Horus chinh phục lại vương quyền trên mặt đất mà chú là Seth đã chiếm đoạt. Nhân vật Seth này, kẻ gây nhiễu loạn, phải đến tôn giáo các thời gần đây mới thành ra một thứ Satan tuyệt đối. Đó là một nhân vật khó hiểu. Tính hung hãn thần thánh của Seth là điều không thể tránh né và làm cho sự sống đi vào cõi vĩnh hằng, và đã giúp Rê cùng với pharaông chống lại người ngoài và con quái vật của hư vô. Vì vậy mà đã sinh ra những thần thoại trái ngược nhau: quyền lực chia đôi giữa Horus bá chủ xứ Đen và Seth bá chủ xứ Đỏ; hay là Seth vua miền Nam và Horus vua miền Bắc, liên minh với nhau khăng khít; hay là Horus đuổi Seth đi và trị vì một mình trên thế giới đã được tổ chức, và thần thoại này là phổ biến nhất.
 
Những hình tượng và ý niệm chồng chéo lên nhau đó được dùng làm hậu thuẫn cho một nền thần học chính trị, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa Ai Cập đến nỗi các nhà sử học phải gọi rất chính đáng là lịch sử và văn hóa thời các “pharaông”, chữ pharaông do Kinh thánh đạo Cơ đốc truyền lại cho chúng ta, là danh hiệu đặc biệt của vua Ai Cập. Nhà vua ấy thay mặt thần linh và theo giáo lý là kẻ có vai trò duy nhất trong quá trình kinh tế, xã hội và chính trị. Là hiện thân của Horus từ những thời thái cổ, rồi là con trai của Rê từ thời Kim tự tháp vĩ đại, cho nên vua là “thần linh hoàn thiện” giữ vai trò các thần linh mà chính mình là hình tượng, là người thừa kế và là kẻ phụng sự. Vua hợp nhất ở mình cả Horus và Seth. Vua lên ngôi là Horus lên ngôi và đồng thời là một lần xuất hiện mới của mặt trời, là bắt đầu một kỷ nguyên mới. Vua giữ gìn Maat giữa loài người và bảo đảm an ninh bằng cách đẩy lùi các quân man dân và áp đặt trật tự Ai Cập ra ngoài thung lũng sông Nil. Chỉ vua mới được ký thác trí năng chính trị và sức mạnh siêu phàm bảo đảm chiến thắng và chỉ mình vua ban hành pháp lệnh và bổ nhiệm tất cả các chức vụ. Được thụ truyền giáo lý và học nhiều biết rộng, vua duy trì đời sống của thần linh bằng nghệ thuật và lễ nghi.
 
Cơ sở giáo lý của nền chính thống của vua không phải là tục cha truyền con nối, mà là một sự tiền định trực tiếp, một sự chọn lựa của Thượng đế; đó là điều đã được minh họa bởi thuyết cho rằng vua là do chính thần linh sinh ra (huyền thoại về hôn phối với thần linh). Từ lúc đội các vương miện lên đầu và đính con rắn hổ mang trên trán là Horus mới đã đi vào thế giới thần linh. Thành một nhân vật siêu phàm, vua đi vào vĩnh cửu. Lăng mộ của vua, những lễ nghi khi an táng mua, đều cho thấy rõ sự khác nhau ấy với người thường: các Kim tự tháp của Cựu Đế chế và Tân Đế chế với những đền miếu mênh mông, các lăng tẩm ở Thung lũng các Vua và các “Lâu đài Triệu Năm” của Tân Đế chế. Một trong những thắng lợi về mặt xã hội hiếm hoi trong suốt lịch sử Ai Cập là sự “dân chủ hóa các đặc quyền tang lễ” đặt ra cho những người thường, trong những Thời kỳ trung gian, khi chính quyền trung ương suy yếu. Nhưng mỗi một Đế chế khi khôi phục được nền thống nhất quân chủ lại đặt ra những sự phân biệt mới.
 
Tất nhiên, Ai Cập cổ đại không hề quan niệm, cũng không hề thực hành chế độ dân chủ. Ai Cập đã nâng lên đến mức cao nhất, đã sáp nhập vào vũ trụ quan của mình, thuyết ủy thác quyền lực siêu nhiên cho một thủ lĩnh. Không thích trừu tượng hóa, người Ai Cập “trước khi có triết học” không có chữ để chỉ “Nhà nước” cũng như “Dân tộc” nhưng lại trao cho bản thân vua mặt trời tất cả những thuộc tính của Nhà nước. Những từ khác nhau để chỉ nhà vua không dùng cho vua chúa nước ngoài được, và khi nói đến Pharaông là người cổ đại bao hàm cả tình cảm dân tộc của mình vào đấy, cho dù những người kể chuyện biết thừa ông thần ấy cũng cùng chung những sự yếu hèn về vật chất và tinh thần với loài người. Các thư lại và tăng nhân nuôi dưỡng lòng trung thành với nền quân chủ và sau cùng mở rộng lòng trung thành đó ra quy mô thế giới để có thể dễ dàng chấp nhận những kẻ thống trị nước ngoài, làm một Đế quốc toàn cầu: các vua Ba Tư Cambysé và Darius, Alaexandre Đại đế, Augustus người La Mã.
 
Cái xã hội nhất thể ấy mà các bản thánh thi ca tụng sự nhất thống của việc khia thiên lập địa và bí quyết của đấng sáng thế đã vừa triệt để thờ đa thần lại vừa ngoan cố sùng bái ngẫu tượng. Dân tộc Ai Cập đã tính đến tất cả các thần linh mà họ mới được biết qua các truyền thuyết xa xưa của mọi xứ sở. Tên tuổi, sự tích, thuộc tính chủ yếu, biểu tượng thần thánh của mỗi thần linh đều làm cho thần thánh đó độc đáo “có một không hai”. Mỗi “thành hoàng” đều được dân xã mà thần là “chúa tể” sùng mộ, và thần bảo đảm hạnh phúc cho dân. Nhưng “tất cả các nam thần, nữ thần” đều đồng thời được thừa nhận là cha hay mẹ của pharaông và nhà vua phải lo phụng dưỡng tất cả các thần và mong được tất cả các bảo hộ.
 
Với thời gian, người ta tổ chức lại cho hợp lý số thần quá đông ấy bằng những cuộc đồng nhất hóa và quy định đẳng cấp. Như vậy, mọi thần chính là một tỉnh là một biểu hiện của chính mặt trời: người ta gọi là Amon-Rê, Montu-Rê, Sobek-Rê. Sau cùng, Tất cả các thần trên lý thuyết, đều trở thành những hình dạng hay là con đẻ của một Thượng đế duy nhất xa xôi, trong khi bản thân các thần đều đưa ra một con đồng cho Nhà nước lễ bái và địa phương sùng bái để được đến gần Đấng thần linh ở nơi thần ngự trị và để coi như là thần hiển hiện ra. Vụ đảo chính sáng suốt của vau Akhenaton nổi tiếng bắt dân chỉ thờ các mặt trời ta nhìn thấy (Aton) đã không thành công lâu dài, hơn nữa tôn giáo đa thần đã nhào nặn sâu sắc không những tính duy linh khoan dung của người Ai Cập mà cả những cơ cấu kinh tế và xã hội của nước này.
 
Chỗ đứng của đàn ông và đàn bà là ở đâu trong vũ trụ mà tất cả cái tập thể dường như đã được quan niệm và quản lý bằng những lời liên lạc giữa một sinh linh độc nhất bằng xương bằng thịt là nhà vua với thần linh thiên hình vạn trạng? Không gian của cá thể ở đây rộng lớn đến kinh ngạc! So với các dân tộc khác ở Cận Đông cổ đại thì Ai Cập thật “hiện đại” đến lạ lùng. Những kẻ phù sinh đều bình đẳng trước đấng sáng tạo và trên nguyên tắc chỉ được thăng tiến nhờ sự tuyển chọn đúng đắn của pharaông. Không có tầng lớp quý tộc trên phương diện quy chế, không có cấp bậc trung gian nào giữa Nhà nước và cá nhân. Con người được xác định bằng tên họ của bố mẹ sinh ra mình và bằng tên họ của bố mẹ sinh ra mình và bằng chức tước của mình trong bộ máy hành chính. Năng lực pháp luật của đàn bà ngang với đàn ông, hơn nữa, gia thất là của đàn ông nhưng hoạt động của người vợ đều hướng về vai trò được đề cao của đàn bà là vai trò “nữ chủ nhân của gia đình”. Niềm mong ước có được hạnh phúc trong gia thất đã biểu lộ rất đẹp trong các hình ảnh trong lăng mộ và trong văn chương. Người ta rất mong có con và trẻ con được chăm sóc tốt, không phải để lưu truyền nòi giống, mà còn vì niềm hạnh phúc mà con cái mang lại và để cho cha mẹ chúng được sống lại qua những nghi thức cúng lễ. Ở làng nào của có ý thức cộng đồng rất mạnh.
 
Maat quy định phải giúp đỡ những người nghèo khó, và ngay từ thiên niên kỷ thứ III, những sách đạo lý đã nói đến sự từ thiện và làm phúc bằng những lời báo trước các tôn giáo của Abraham. Những sách đạo lý ấy, tuy mang tính gia trường và hình thức, song vẫn khuyên bảo người ta nên có cách cư xử đúng mực, khiêm tốn, đừng hoa chân múa tay, tất cả một kỷ luật được thể hiện điển hình trong các bức tranh và pho tượng thời các pharaông.
 
Sự trung gian của nhà vua vốn có mặt ở mọi nơi, không hề xóa bỏ những quan hệ trực tiếp giữa cá nhân với chư thần. Tất nhiên người thường dân không làm chức vụ giáo sĩ thì không được vào các đền lớn (những ngôi đền chính như thể những nhà máy để duy trì năng lượng của vũ trụ), nhưng ở ngoài cổng các nơi linh thiêng, trong những tiểu thánh đường của các làng và trong thâm tâm, họ vẫn cầu nguyện các thần linh mà họ chọn và xin những lời sấm truyền để giải quyết những vấn đề sức khỏe và sự nghiệp của họ. Vả lại, những lý thuyết về tên họ, về chữ viết, về hình ảnh, vẫn cho người ta một phương tiện thần thông để cầu được ân huệ của thần linh ngay trong khi còn sống: một pho tượng, một tấm bia, đặt vào một nơi thiêng liêng sẽ biến người ta thành kẻ đồng tịch, đồng sàng với thần và làm cho người ta được thừa hưởng gián tiếp “lễ vật mà Vua cúng cho thần”, lễ vật ấy cho phép thần ban cho người ta sự phát đạt, tuổi thọ và hứa cho người ta mồ yên mả đẹp.
 
Vì có một địa bàn mà ở đó quan niệm thời các pharaông dành cho con người khả năng khẳng định bản ngã của mình bằng cách sử dụng tất cả các phương thuật của nghệ thuật, của văn tự, và của lễ nghi để bảo đảm được vĩnh viễn thi hài đã ướp của mình, tên tuổi của mình, linh hồn cơ động của mình (bai) và năng lượng cá nhân của mình (ka). Một cuộc đời vĩnh hằng sẽ đến với người ta, cuộc đời thực sự là vương giả vì mỗi người đều sẽ hóa thành Osiris, cuộc đời thực sự là thánh thần vì mỗi người sẽ trở thành bạn đồng hành của mặt trời. Bắt đầu từ Trung Đế chế, đạo đức của con người trở thành điều kiện quyết định cuộc sống con người ấy. Nếu trong các đền chỉ có các pharaông đại diện và nói hộ cho loài người, thì mọi người Ai Cập đều tùy theo tài sức của mình và công trạng của mình mà tự biểu lộ qua lăng mộ của mình.
 
Những người con của Mặt trời đạt tới đỉnh cao đầu tiên của mình trong Thiên niên kỷ thứ III trước CN. Những minh chứng của thế giới quan thời các pharaông được thể hiện trong những “Thành phố Kim tự tháo” rải rác trong vùng Memphis, nơi tiếp giáp giữa hai xứ. Mỗi triều vua, những người nông dân lại tạo lập trong thung lũng một khu trồng trọt mới, trong khi một thành phố của nhà vua được xây dựng ở ven sa mạc. Thành phố đó phụng sự một ngôi đến, nơi mà Horus đang trị vì và thờ phụng các thần linh. Chỗ linh thiêng của những nơi linh thiêng nhất trong đền chính là Kim tự tháp, hình ảnh của chiếc gò nguyên sơ và đường đi của mặt trời, trong đó sẽ tái sinh Osiris mới. Chung quanh là mộ của các vương công và đại thần, đầy những hình ảnh về công việc làm ăn hàng ngày, rồi đến mộ của các giáo sĩ và những người có đất nơi dựng tháp, tất cả hợp thành một đô thị những người chết bên trên đô thị [những người] còn sống. Là kỷ vật của một công cuộc chinh phục đất đai, chuỗi kim tự tháp phản ảnh cách sắp xếp vũ trụ của người Ai Cập trước khi trở thành bộ sưu tập lăng mộ nổi tiếng và đáng kinh ngạc mà ta ngày nay khâm phục biết bao.
 
 
(*) JEAN YOYOTTE, người Pháp, là chuyên gia về lịch sử Ai Cập thời Pharaông hậu kỳ. Ông đã nghiên cứu địa lý lịch sử và địa lý tôn giáo của Ai Cập cổ đại từ những nguồn tài liệu thành văn và những dữ kiện khảo cổ học. Ông đã chỉ đạo đoàn khai quật của Pháp ở Tanis cho đến năm 1985. Ông đã xuất bản nhiều sách, trong đó có cuốn Le trésor des pharaons (1988, Kho báu của các pharaông) và cuốn Dictionnaire des pharaons (1968, Tự điển các pharaông) với sự cộng tác của P. Vernus.
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét