Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Nhà Tần (221 - 206 TrCN) (Thời của pháp gia)


Nhà Tần (221 - 206 TrCN) 
(Thời của pháp gia)


1. Tần Thủy Hoàng 

Ở trên tôi đã nói đời Chiến Quốc có một thương nhân buôn cả vua. Thương nhân đó, Lã Bất Vi, có một người thiếp đẹp, khi biết nàng bắt đầu có mang đem dâng nàng cho một công tử của Tần làm con tin ở Triệu. Công tử đó về Tần làm vua, phong cho Lã làm tể tướng. Sau nàng hầu sinh con trai, vua Tần cho nối ngôi, tức Tần Thủy Hoàng. Hồi Tần Thủy Hoàng còn nhỏ, Lã nhiếp chính. Lần đó là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một thứ dân con buôn được cầm quyền chính như vậy. Không rõ ông ta buôn gì mà mau giàu như vậy - có lẽ là buôn ngựa - nhưng ông ta có học chút ít, thích bọn "thi, thư", chủ trương chính sách hoà bình. Lớn lên Tần Thủy Hoàng bãi chức ông ta mà dùng Lý Tư. Trong thời làm tể tướng, Lã bảo các môn khách chung nhau soạn bộ Lã Thị Xuân Thu, gần như một sử tư tưởng, học thuật cuối thời Chiến Quốc. 

Tần Thủy Hoàng tư cách tầm thường, tính tình hung dữ, rất tin dị đoan. Các sử gia đời sau đều theo Khổng học, rất chê ông ta, nhưng các sử gia phương Tây nhận ông là một trong những vĩ nhân cổ kim. Ông chỉ cầm quyền chưa đầy mười lăm năm mà làm cho nước Trung Hoa thay đổi hẳn, thống nhất về mọi mặt, mở mang thêm bờ cõi, thành một đế quốc lớn thời thượng cổ. 

Ông cho rằng công đức của mình ngang với Tam Hoàng Ngũ Đế, nên thụ xưng là Hoàng Đế, hiệu là Thủy Hoàng, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên, và muốn cho con cháu đời sau lấy danh hiệu: nhị thế, tam thế... cho đến vạn thế. Những danh từ xưng hô như trẫm, bệ hạ, đều do ông đặt ra. 

2. Tổ chức hành chính 

Ông bắt vương tộc sáu nước mà ông đã chiếm, cả gia đình các đại thần của họ nữa, phải dời lại Hàm Dương, kinh đô của Tần, như vậy để họ bị bứng hết rế, không sai ngóc đầu lên được. Đất đai của họ đem phát mãi hết. 

Ông chia đất của sáu nước thành quận, huyện. Thời Thương Ưởng, Tần đã chia làm nhiều huyện, mỗi huyện là một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình, có một viên quan thu thuế. Sau lập thêm quận ở những miền mới chiếm được. Quận là một quân khu lớn, nhất là ở những miền mới chiếm được. Vì muốn thống nhất quốc gia, vua Tần bắt huyện tuỳ thuộc quận, mỗi quận gồm nhiều huyện, viên chủ quận là một võ quan. Sau tổ chức lại, mỗi quận gồm một quận thú coi về dân sự, và một quân uý coi về quân sự. Ở trên cả, có một viên giám ngự sử chỉ chịu trách nhiệm với nhà vua, như vậy không một viên nào chuyên quyền được, không thể thành một ông chúa như trong thời phong kiến. Thời Tần Thủy Hoàng, Trung Hoa chia thành 36 quận, cũng như tỉnh ngày nay. 

3. Trọng nông 

Tần theo Pháp gia[1] khuyến khích binh, nông; ghét công, thương. Muốn nắm hết cái lợi thương nghiệp, triều đình đày hết phú thương có những xưởng sản xuất sắt lại miền Thiểm Tây và miền Tứ Xuyên. Sử chép coi hai trăm ngàn gia đình phú thương, tiểu thương bị đày tại xứ Thục và miền An Dương, ở phía nam Lạc Dương ngày nay, chắc là để làm ruộng. Ngày nay có nước cũng áp dụng chính sách đó. 

Nông dân được ưu đãi. Đất không còn là sở hữu của nhà vua nữa, mà của người làm ruộng. Người chủ ruộng có quyển bán ruọng và ai cũng có quyền mua. Chế độ đó gọi là danh điền, tạo nên một giới địa chủ; bọn đại địa chủ có những cơ sở rất lớn và dần dần thành một giai cấp có quyền hành tương tự như các chư hầu nhỏ thời trước, hoặc các lãnh chúa bên châu Âu thời trung cổ. 

Năm hay mười nhà họp nhau thành một liên gia, chịu chung trách nhiệm với nhau. Chế độ đó đem áp dụng ở khắp Trung Hoa cho tới đầu đời Hán. Tráng đinh nào cũng phải đi lính tới già. Gia đình nào có ba người đàn ông thì phải chia làm hai hộ. Hình luật tàn khốc hơn thời trước nhiều. 

4. Thống nhất văn tự, đồ đo lường, tư tưởng 

Thời Chiến Quốc, mỗi miền có một ngôn ngữ, người nước Yên không hiểu tiếng nước Sở, người nước Triệu không biết tiếng nước Việt - mà ngày nay cũng còn tình trạng người Quảng Đong ít học không hiểu nổi tiếng Bắc Kinh - Một viên quan Tần phải đi cai trị một nước khác, không hiểu ngôn ngữ nước đó thì khó làm tròn nhiệm vụ được. Ngay đến chữ viết cũng vậy. Những gì thiên tử nhà Chu thông báo cho các chư hầu đều viết bằng thứ chữ đại triện; nhưng thứ chữ đó không phổ biến và kẻ sĩ các nước thường dùng một lối chữ khác. 

Vì vậy tể tướng Lý Tư nghĩ tới việc thống nhất ngôn ngữ và văn tự. Chúng ta không biết ông thống nhất ngôn ngữ ra sao; về văn tự thì ông giản dị hoá lối đại triện, quy định một lối viết khác gọi là tiểu triện, và lối này thành thông dụng trong toàn cõi Trung Hoa. 

Ông lại thống nhất các đồ cân, lường (cả nông cụ, cày bừa...), như vậy để dễ tính thuế và thu thuế. Thuế trả bằng lúa, phải dùng thuyền, xe chở lại các quận và kinh đô. Cho nên lại phải thống nhất khoảng cách giữa hai bánh xe (xe đồng quy), nếu không thì những xe quá lớn vào những đường nhỏ không được. 

Quan trọng nhất là thống nhất tư tưởng. Về điểm này pháp gia (Lý Tư, Hàn Phi) chịu ảnh hưởng của Mặc Tử. Mặc Tử trước kia đã chủ trương "thượng đồng", nghĩa là bắt dân phải tán đồng lẽ phải với người trên, phải cùng một quan niệm tốt xấu với người trên. Không ai được có chủ trương riêng khác với chính sách của triều đình. Tần ghét nhất bọn nho sĩ, triết gia mở trường tư dạy đạo lý, chỉ trích chiến tranh và hình pháp tàn bạo. Tần chỉ muốn nhồi nặn dân chúng cho thành dễ bảo, rất có kỷ luật. Tư do tư tưởng, tự do ngôn luận là tội nặng nhất. Tứ thư và ngũ kinh của đạo Nho bị coi là cực kỳ phản động vì khiến dân nhớ tiếc trật tự cũ của chế độ phong kiến. Năm 213 TrCN, theo đề nghị của Lý Tư, Thủy Hoàng ra lệnh "đốt sách và chôn nho": đốt hết các bản tứ thư, ngũ kinh và bách gia chư tử trong dân gian, chỉ giữ lại một bản tàng trữ trong thư viện của triều đình. Các bộ sử của lục quốc cũng phải đốt hêt, chỉ được giữ những sách về kỹ thuật, như sách thuốc, sách trồng trọt, sách bói... Kẻ nào không tuân lệnh mà lén lút giữ thì bị kết tội là phản quốc. Có người phải giấu sách vào trong tưởng, có người lại ráng học thuộc lòng thư và kinh để truyền miệng lại đời sau. Năm chục năm sau (đời Hán) lệnh phần thư đó mới bãi bỏ, không ai có thể nhớ đúng tứ thư, ngũ kinh cả. Còn bản cất trong thư viện triều đình thì đã bị đốt theo với Hàm dương trong cuộc cách mạng của nông dân cuối đời Tần. 

Do đó mà sách đời Tiên Tần mất rất nhiều, cuốn nào còn lại thì cũng bị thêm bớt, sửa chữa, khó tin được là chính xác; lại thêm nạn nguỵ thư: người đời sau viết mà mượn tên người đời trước, để cho tác phẩm của mình có giá trị, như bộ Quản Tử chẳng hạn. 

Số nhà Nho bị chôn sống ở Hàm Dương là 460 người. Sau mỗi ngày một đông, đều bị đày ra ngoài biển. 

Các trường tư bị dẹp hết. Dân muốn học thì phải học các quan (bác sĩ) của triều đình, mà chỉ được dạy cho mỗi môn là pháp luật của quốc gia. 

5. Xây cất 

Thủy Hoàng giao hết việc trị nước cho Lý Tư, mà để thì giờ đi kinh lý các miền, xây đường sá, tổ chức các trạm và xây cung điện. 

Những đường từ kinh đô Hàm Dương đi bốn phương đều rộng, thẳng băng, có ba lối cho xe chạy, trồng cây hai bên lề, muốn vậy phải san núi, lấp thung lũng, tốn biết bao nhiêu nhân công! Theo Eberhard, đường rộng 7 mét rưỡi, nhưng theo Tsui Chi thì là 75 mét. Đường đó chỉ để cho vua và quan lớn đi, còn dân chúng thì phải dùng đường mòn ở hai bên. 

Khi chiếm được kinh đô một nước chư hầu nào, Thủy Hoàng sai người vẽ kiểu cung điện của nước đó để về xây dựng lại y hệt tại Hàm Dương, ở bên cung điện của ông, thành một dãy dài cả mấy dặm. Bao nhiêu đồng trong thiên hạ gom cả về để đúc những tượng nặng 24000 cân bày trong cung đình. 

Ngoài ra, ở gần kinh đô, ông còn xây một cung để nghỉ mát mùa hè, cung A Phòng, trên bờ sông Vị. Phải dùng 70 vạn tù nhân để cất, chở đá từ các núi phương bắc xuống, chở gỗ từ các rừng phương nam lên (coi bài A Phòng cung phú của Đỗ Mục đời Đường). 

Chưa hết, trong một khoảng mà bán kính dài trên trăm cây số chung quanh kinh đô, còn xây thêm 270 cung điện nữa. Bao nhiêu châu báu, nhạc công và vũ nữ của lục quốc, ông gom cả về đó để làm vui tai mắt cho ông. Tương truyền cuối đời Tần, kinh đô bị chiếm và đốt, ba tháng sau ngọn lửa mới tắt. Các vua Ai Cập, Babylone thời cổ cũng không xa xỉ hơn ông. 

Công trình kiến trúc lớn nhất, tới nay vẫn còn dấu vết là Vạn Lý Trường Thành. Sự thực nhiều khúc thành đã được các nước Yên, Triệu, Nguỵ xây từ thời trước, nay ông chỉ cho nối lại, kéo dài, củng cố thêm, để thành một thành duy nhất dải cả ngàn cây số. Ba trăm ngàn chiến sĩ với không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách... phải làm khổ sai trong một miền rừng núi trùng trùng điệp điệp, mùa đông thì lạnh buốt, nước đóng băng, mùa hè thì không khí nóng như nung, mù mịt cát bụi. Trên thành cất những đồn canh, và có đường rộng chạy ngựa được giữa các đồn với nhau. Không biết bao nhiêu lời than thở, bao nhiêu nước mắt của thân nhân những người đó, không vă, nhân thi sĩ nào chép lại hết được. Nhưng trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương, thương nhớ chồng, đi mười ngàn dặm đường để thăm chồng bị bắt đi xây thành, đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi. Chung quanh chỉ là rừng núi và đá. Không biết kiếm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng, khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng. Thành xây xong, giúp cho Trung Hoa ngăn được các rợ xâm lăng trong một thời gian, chứ làm sao ngăn cản được một cách vĩnh viễn. Hễ Trung Hoa suy, các rợ du mục thịnh lên thì họ lại vượt qua được trường thành, vào chiếm các cánh đồng phì nhiêu của Trung Hoa. Hiện nay thành nằm ở phía dưới biên giới, không còn dùng vào việc gì nữa, ngoài cái việc thu hút khách du lịch ngoại quốc[2].

6. Mở mang bờ cõi 

Mới hoàn thành sự thống nhất Trung Quốc, chưa kịp củng cố ở trong, Thủy Hoàng đã nghĩ đến việc mở mang bờ cõi ra nước ngoài. 

Các dân tộc du mục miền bắc gọi chung là Hung nô vẫn là mối lo từ đời Thương, Chu; họ thường xâm lấn biên giới, có chỗ sống lẫn lộn với người Trung Hoa; đầu đời Tần họ đã len lỏi vào Hà Nam, Thủy Hoàng vội chặn họ lại, sai Mông Điềm đem quân lên đánh, dồn họ về bắc, và đắp trường thành để ngăn họ. 

Yên ở phương bắc rồi, ông sai Đồ Thư đi đánh lấy Bách Việt, tức các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, và một phần Bắc Bộ nước ta, thời đó gọi là Âu Lạc (An Dương Vương). 

Vậy Thủy Hoàng đã lập được một đế quốc lớn vào bậc nhất thế giới và người phương Tây, do những thương nhân chở lụa sang bán, đã biết danh nhà Tần, gọi Trung Hoa là nước Tần. 

Chỉ trong mười mấy năm Thủy Hoàng thực hiện được bấy nhiêu công trình về nội trị, tổ chức hành chính, thống nhất ngôn ngữ, văn tự..., xây cất, đắp đường, mở mang cương vực, đáng gọi là vĩ đại. 

Nhưng dân chúng đã phải cực khổ biết bao. Dân Tần vốn còn bán khai, gần như dã man, hung hãn, không có văn học, nghệ thuật (tới năm 237 TrCN mà trong các buổi tế lễ, vẫn còn dùng nhạc cụ rất thô sơ là những vò bằng đất), có thể chịu được sự thiếu thốn, lao khổ vì họ quen rồi, còn dân lục quốc đã văn minh, rất uất hận dưới ách của Tần mà họ coi như mọi rợ, chỉ chờ cơ hội để nổi dậy. Đó là một nguyên nhân khiến Tần rất mau suy vong. 

7. Thủy Hoàng chết - Nhị Thế lên thay 

Trong một cuộc kinh lý, Tần Thủy Hoàng đã bị Trương Lương (Tử Phòng)[3] thuê võ sĩ đón đường ám sát hụt ở Bác Lãng Sa. Trong một cuộc kinh lý sau, năm 210 TrCN, ông bị bệnh, chết ở dọc đường, người ta phải chở lén thi thể ông về Hàm Dương, rồi mới tuyên bố cho dân biết, và chôn Thủy Hoàng trong một ngôi mộ đã xây sẵn ở Ly Sơn. Trong mộ chứa rất nhiều châu báu, có một bản đồ của một trăm con sông, trên đó sông Hoàng Hà, sông Dương Tử và biển Đông đều bằng thuỷ ngân. Hầm mộ ngà đêm đều thắp đèn đốt bằng dầu cá, một loại cá đặc biệt giống hình người. Quan tài hạ rồi, người ta nấu đồng để gắn phần mộ và đặt một cái máy để hễ có kẻ nào lén vào đào mả thì sẽ bị những mũi tên từ mọi chỗ phát ra tự động bắn vào. Tương truyền lăng đó do 70 vạn người xây cất trong nhiều năm. 

Thủy Hoàng băng rồi, thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao làm di chiếu giả, không lập thái tử Phù Tô mà lập thứ tử Hồ Hợi lên ngôi, tức Nhị Thế Hoàng Đế (Hoàng đế đời thứ nhì). 

Nhị Thế cũng hà khắc, tàn nhẫn như cha, giết nhiều vương tử, đại thần. Lý Tư bị Triệu Cao ghét, dèm pha, Nhị Thế giết cả ba họ (họ cha, họ mẹ, họ vợ) của Lý. Sau Triệu Cao lại giết Nhị Thế (207 TrCN), lập con Phù Tô, tên Anh, lên thay. Vương tử Anh (hay Tử Anh) lên ngôi rồi giết Triệu Cao, tiếp theo là Tần mất nước. Nhà Tần trước sau chỉ được mười bốn năm, từ vua tới đại thần, không người nào không bất đắc kỳ tử. Thời của Pháp gia thật ngắn ngủi và hết sức bi thảm. Nhưng phải thừa nhận rằng họ có công thống nhất Trung Quốc. 

8. Nhà Tần chấm dứt - Hạng Vũ và Lưu Bang 

Thủy Hoàng vừa mới chết là các anh hùng ở thảo dã nổi lên. Chỉ trong vài tháng, có sáu cuộc nổi loạn, đáng kể là Trần Thắng ở đất Kỳ (An Huy ngày nay), một nông dân đầu tiên phất cờ khởi nghĩa, nhưng sớm thất bại; rồi tới Hạng Tịch (cũng gọi là Hạng Vũ) ở đất Ngô (Giang Tô) và Lưu Bang ở đất Bái (cũng trong tỉnh Giang Tô ngày nay); 

Hạng Vũ là dòng dõi tướng nước Sở, Lưu Bang ở trong giới bình dân. Hạng Vũ không có học, nhưng có sức mạnh (nhấc nổi cái đỉnh nặng 500 cân), giỏi chiến thuật, đáng gọi là anh hùng. Lưu Bang cũng gần như vô học, làm đình trưởng (một chức nhỏ trong làng) cho Tần, tham tài, hiếu sắc, gặp thời loạn, thả một bọn tù, kết nạp được một số lưu manh và nông dân, lực lượng rất nhỏ, nhưng biết chiêu hiền đãi sĩ, may mắn được vài anh tài giúp đỡ: Tiêu Hà về việc tài chính (như tể tướng), Trương Lương làm mưu thần,[4] mỗi ngày một mạnh lên. 

Mới đầu Hạng Vũ và Lưu Bang đều lấy danh nghĩa là giúp một hậu duệ của vua Sở (Sở Hoài vương) để đánh Tần, hẹn với nhau ai vào được Hàm Dương (kinh đô Tần) trước thì được xưng vương, làm chủ Quan Trung (Tần). Lưu Bang vào được trước, vương tử Anh xin hàng. Nhà Tần chấm dứt. Lưu Bang nghe lời Trương Lương, vỗ về nhân dân, không cho quân lính cướp bóc đốt phá. 

Nhưng Lưu Bang tự lượng sức yếu hơn Hạng Vũ nhiều (lúc đó Hạng Vũ đã tới Hàm Cốc, cửa ngõ phía đông của Tần), nên đã nhường cho Hạng Vũ vào Hàm Dương xưng vương. Vào Hàm Dương, Hạng vũ không nghe lời can của Phạm Tăng, giết vương tử Anh, đốt cung điện nhà Tần, cung A Phòng lửa cháy ba tháng mới tắt, lại quật mộ Tần Thủy Hoàng lên để vơ vét vàng bạc châu báu. 

Hạng tôn Sở Hoài vương làm Nghĩa đế, rồi lại giết đi, tự lập làm Tây Sở Bá Vương (Bá vương nghĩa là vương làm bá chủ các vương khác), phong Lưu Bang làm Hán vương ở đất Ba Thục và đất Hán Trung (trên lưu vực sông Hán, miền Thiểm Tây)... và cả chục tướng nữa, mỗi người được làm vương một miền nhỏ. 

Lưu Bang vào Ba Thục, luyện tập binh mã, khai khẩn đất hoang ngày một mạnh lên, tranh ngôi vua với Hạng Vũ[5]. Hạng Vũ vì nóng nảy hiếu sát, tự phụ, không chịu nghe lời Phạm Tăng, chống cự được năm năm, sau bị quân Lưu Bang vây chặt ở Cai Hạ. 

Biết vận mình sắp hết, Hạng Vũ nửa đêm dậy uống rượu với ái cơ họ Ngu, xúc động, ứng khẩu hát: 

Lực bạt sơn hề, khí cái thế! 
Thì bất lợi hề, truy bất thệ! 
Truy bất thệ hề, khả nại hà? 
Ngu hề, Ngu hề, khả nại hà? 
(Sức nhổ núi chừ, hùng khí trùm đời! 
Thời chẳng gặp chừ, con "truy"[6] không chạy! 
Con "truy" không chạy, còn biết làm sao? 
Ngu ơi! Ngu ơi! Em rồi ra sao?)

Nàng Ngu hát theo: 

Đại vương ý khí tận, 
Tiện thiếp hà liêu sinh? 
(Đại vương ý khí hết, 
Tiện thiếp sống làm gì?) 

Hai người cùng khóc. Người chung quanh cũng khóc. Rồi nàng dùng gươm của Hạng Vũ, tự đâm cổ chết. 

Sáng sớm hôm sau, Hạng Vũ lên ngựa cùng với 800 quân phá vòng vây, qua sông Hoài, số quân theo kịp chỉ còn khoảng 100. Lạc đường, lại bị vây nữa. Một mình Hạng Vũ xông ra chém một tướng và cả trăm quân Hán. Phá được vòng vây, chạy tới Ô Giang (tỉnh An Huy), cùng đường, phải xuống ngựa, cầm gươm, một mình giết được mấy trăm quân Hán nữa, trên người bị hơn mười vết thương, tự đâm cổ mà chết (31 tuổi) chứ không cho quân Hán bắt sống. 

Vụ Cai Hạ và Ô giang đó vừa là một thiên chiến sử oai hùng, vừa là một thiên tình sử đẹp và cảm động, được Tư Mã Thiên chép lại trong bộ Sử Ký bằng một bút pháp rất cao, và được biết bao văn nhân thi sĩ đời sau đưa vào tiểu thuyết, tuồng. Đoạn trên tôi chép theo Sử Ký. 

Cuộc Hán Sở (Hán vương và Sở vương) tranh hùng tới đây chấm dứt. 

Lưu Bang thắng, lên ngôi thiên tử (202 TrCN), tức Hán Cao Tổ, rồi về cố hương ở đất Bái,bày tiệc rượu say sưa với bà con, làng xóm, ứng khẩu ca: 

Đại phong khởi hề, vân phi dương, 
Uy gia tứ hải hề, quy cố hương. 
An đắc mãnh sĩ hề, thủ tứ phương. 
(Gió lớn thổi chừ, may bay ngang, 
Uy khắp trong nước chừ, về cố hương. 
Sao được mãnh tướng chừ, giữ bốn phương.) 

Khí phách của hai người hiện rõ trong những bài hát đó: một kẻ là anh hùng tự phụ, lầm lỡ mà không tự trách lại trách thời bất lợi; một kẻ là hạng tầm thường, gặp thời, được người giúp mà nên một cách bất ngờ,chỉ lo cố giữ địa vị để hưởng thụ. 

*

Trong các đời trước, Thương và Chu đã có những cuộc cách mạng của Thành Thang, Vũ vương (đổi mệnh trời, nghĩa là đổi ngôi vua), toàn là của quý tộc. Tới cuối đời Tần mới bắt đầu có những cuộc cách mạng của nông dân, mà cuộc cách mạng của Lưu Bang là cuộc đầu tiên thành công (Trần Thiệp - cũng gọi là Trần Thắng - chỉ làm vua được sáu tháng rồi bị Tần diệt). 

Trong các đời sau, cho tới thế kỷ chúng ta, hầu hết các cuộc cách mạng đều do nông dân cả, và một số học giả phương Tây bảo không một dân tộc nào mà nông dân làm cách mạng nhiều như dân tộc Trung Hoa. 

Tôi nhận thấy điều này nữa: cầm đầu những cuộc cách mạng của nông dân hầu hết là người trong giới bình dân, vô học hay rất ít học, tài năng không có, tư cách tầm thường, và chỉ bọn họ mới thành công; còn, hạng tài cao, anh hùng cái thế thì thất bại như Hạng Vũ vì nóng nảy, hiếu sát như trên đã nói; bọn học rộng, hiểu nhiều, sáng suốt, đức lớn, hồi xưa gọi là kẻ sĩ thì chỉ làm cố vấn, quân sư, mưu sĩ được thôi, có lẽ họ khác nông dân về ngôn ngữ, lối suy tư, lối sống, tự xét không lôi cuốn nổi nông dân mặc dầu được nông dân trọng; rốt cuộc chỉ hạng như Lưu Bang là làm nên sự nghiệp lớn: nông dân nghe họ và họ biết nghe lời kẻ sĩ. Vậy thì gây cách mạng là hạng bình dân mà cách mạng thành công được là nhờ kẻ sĩ. Xưa như vậy mà nay cũng vậy. 

---
[1] xem chương sau
[2] Trường thành ngày nay không hoàn toàn như đời Tần, vì về sau đã được các triều Bắc Nguỵ, Đường, Minh đắp thêm. Nó bắt đầu từ Thanh Hải đến Triều Tiên, dài 4500 dặm, cao từ 15 đến 30 thước, chân thành rộng 25 thước. 
[3] Sau Trương Lương giúp Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) diệt Tần; nhưng cũng như Phạm Lãi, công thành thân thoái, Trương không ham phú quý, bỏ đi ở ẩn.
[4] Về sau được thêm Hàn Tín nữa, cầm quân rất giỏi, đời gọi mà tam kiệt
[5] Vì vậy Ba Thục thành đất phát của nhà Hán, cho nên sau này Khổng Minh khuyên Lưu Bị lui về Ba Thục.
[6] Truy là con tuấn mã tạp sắc

VẤN ĐỀ NÔNG DÂN VÀ KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN TRUNG QUỐC DƯỚI THỜI PHONG KIẾN


VẤN ĐỀ NÔNG DÂN VÀ KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN TRUNG QUỐC DƯỚI THỜI PHONG KIẾN
Võ Minh Tập


I. Sự hình thành xã hội phong kiến TQ:
Vào cuối thời Xuân thu-chiến quốc, những tiến bộ về công cụ, kỉ thuật sản xuất không chỉ làm cho diện tích gieo trồng ngày một mỡ rộng, năng xuất và tổng sản lượng nông nghiệp tăng nà còn làm cho xã hội biến đổi sâu sắc.
Giai cấp địa chủ: những quan lại và nông dân giàu đã tập trung trong tay nhiều của cải. Bằng quyền lực của mình, họ còn tước đoạt thêm nhiều ruộng đất công. Do đó một giai cấp mới hình thành, bao gồm những kẻ có ruộng tư, vốn là những quan lại và những nông dân giàu, gọi là giai cấp địa chủ.
Nông dân tự canh: Cùng với quá trình hình thành giai cấp địa chủ, nông dân giờ đây cũng bị phân hóa. Một bộ phận giàu có đã gia nhập bóc lột. Một số khác vẫn giữ được ruộng đất để cày cấy, họ là nông dân tự canh.
Nông dân lĩnh canh: số còn lại là nông dân công xã, rất nghèo không cs ruộng hoặc quá ít, buộc phải xin nhận ruộng đất của bọn địa chủ để cày cấy. Khi nhận ruộng họ phải nộp một phần hoa lợi cho địa chủ gọi là tô ruộng đất. Tầng lớp xã hội mới này gọi là những tá điền hay nông dân lĩnh canh.
Như vậy, quan hệ chủ yếu trước kia là quan hệ bóc lột của quí tộc đối với nông dân công xã dần dần nhường chỗ cho quan hệ bóc lột địa tô cuảt địa chủ với nông dân lĩnh canh-quan hệ phong kiến xuất hiện. Xã hội phong kiến hình thành ở TQ vào những thế kỉ cuối trước công nguyên đã thúc đảy sự thống nhất lãnh thổ và hình thành chế độ phong kiến.

II. Nguyên nhân của phong trào:
II.1. Mâu thuẫn giai cấp:
Dưới triều đại phong kiến TQ nông dân là lực lượng sx chính là tầng lớp xã hội căn bản. Đời sống của họ phụ thuộc vào ruộng đất, nhưng đa số ruộng đất nằm trong tay địa chủ phong kiến. Họ phải nhận ruộng đất của địa chủ để cày cấy, và phải nộp tô, thuế hết sức nặng nề, ngoài ra họ còn phải đi phu, lao dich rất khổ cực.
Vào cuối mỗi triều đại mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, chiến tranh triền miên, nhân dân sống trong cảnh cùng cực do tô, thuế quá nặng, sưu dịch triền miên, nạm đói kém thường xuyên xảy ra cho nên nông dân nổi dạy khởi nghĩa.
II.2. Mâu thuẫn dân tộc:
Dưới thời phong kiến TQ đã từng bị các thế lực bên ngoài xâm lược và cai trị (quân Mông thế kỉ XIII-lập ra nhà nguyên) cho nên các cuộc khởi nghgiac nông dân diễn ra chống lại các thế lực ngoại xâm giành độ lập dân tộc.

III. Tóm tắc các cuộc khởi nghĩa:
Lãnh đạo
Triều đại
Diễn biến
Kết quả
Trần Thắng 
Ngô quảng
Cuối Tần
- Năm 209TCN cuộc khởi nghĩa nổ ra được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, ll phát triển nhanh chóng
- Trần Thắng tự xưng làm vua (hiệu Trương sở)
- Nghĩa quân chia làm ba cánh quân tấn quân vào quân tần
- Cuộc khởi nghĩa nổ ra nữa năm thì bị đàn áp
- Làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống Tần trong cả nước, góp phần làm nhà Tần suy và sụp đổ
Xích Mi
Lục Lâm
Cuối 
Tây Hán


Hoàng Cân (khăn vàng)
Cuối 
Đông Hán


Vương Bạc, Lý Mật, Đậu Kiến Đưqcs
Tùy


Hoàng Sào
Cuối 
Đường
- Năm 874, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Sơn Đồng.
- Cuối 879, Hoàng Sào đem quân tấn công Trường An, nhà Đường hoảng sợ bỏ chạy
- 880, Hoàng Sào tự xưng làm Hoàng đế (tên nước Đại Tề)
- Năm 884, bị quân Đường đánh bại, Hoàng Sào phait tự tử
-- Làm cho nhà Đường suy và sụp
Chu Nguyên Chương
Cuối 
Nguyên
- 1351, khởi nghĩa bùng nổ
- 1367 Chu Nguyên Chương đem quân ra đánh miền Bắc, nêu roc mục đích: Đánh đuổi giai cấp thống trị Mông cổ, khôi phục chủ quyền TQ
- 1368, CNC lên ngôi hoàng đế (tên nước là Minh) sau đó tấn công Đại Đô, quân Nguyên bỏ chạy.
- 1387, TQ được thống nhất hoàn toàn.
- Cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi
- TQ đã giành được độc lập, thoát khởi ách ngoại xâm, thống trị của Mông cổ.
Lý Tự Thành
Cuói 
Minh
- 1627, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Thiểm Tây.
- 1644, Lý Tụ thành lên ngôi hoàng đế ở Tây An (tên nước Đại Thuận) sau đó tấn công Bắc Kinh. Vua Minh là Sùng Trinh phải treo cổ tự tử. Nghĩa quân làm chủ Kinh thành được 43 ngày
- Ngô Tam Quế phối hợp với quân Mãn Thanh đàn áp nên cuộc khởi nghĩa thất.
- Nhà Minh sụp nhà thanh lập
Hồng Thú Toàn
Thanh 
Làm chủ 17/18 tỉnh kéo dài 14 năm
Thanh + Đế quốc dập tắt

IV. Đặc điểm:
- Mang tính tự phát.
- Các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh nông dân thường nổ ra vào cuối mỗi triều đại, khi vương triều thối nát, mâu thuẫn xã hôi gay gắt.
- Qui mô rộng lớn, phạm vi toàn quốc (Hoàng Sào, Lý Tự Thành).
- Nhiệm vụ chính của các cuộc khởi nghĩa: chống pk, song có cuộc khởi nghĩa Chu Nguyên Chương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ gpdt.
- Có khi giành được thắng lợi, chính họ lại quay trở lại con đường cũ trực tiếp bóc lột đồng minh của mình (chu nguyên chương)
- Kết cục thất bại
Nguyên nhân:
Nông dân vì qua khổ đã nổi dậy chống lại kẻ trực tiếp áp bức bóc lột mình, giành quyền sống chứ họ hoàn toàn chưa nhận thức được về quyền lợi giai cấp. Do đó chưa có một phong trào nào nêu được khẩu hiwwuj đấu tranh.
Khi lật đổ rồi, họ nghĩ đã xong nhiệm vụ, quay về làm ăn. Cho nên thành quả của họ lạo bị các tập đoàn pk kiến cướp lấy leo lên ngai vàng (Lưu Bang, Lý Uyên…).
Do điểm yếu có tính chất cố hữu của nông dân (Không thống nhất lực lượng, thiếu đoàn kết cục bộ địa phương).
Không có hệ tư tưởng riêng, không đại diện cho quan hệ sản xuất mới.
V. Tác dụng và ý nghĩa:
Phong trào nông dân có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử TQ, thường đánh dấu sự sụp đổ của một triều đại, tạo điều kiện cho sự ra đời một triều đại khác.
Phong trào nông dân và sự suy vong của các triều đại giúp vua quan đương thời rút ra bài học “thu thuế nặng thì dân oán sầu, dân oán sầu thì nước nguy, nước nguy thì vua chết”.
Vì thế sau các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào buổi đầu của mỗi triều đại, các vua quan TQ đều thi hành chính sách “khoan thư sức dân”, như giiamr thuế, miễn lao dịch, giảm hình phạt…
Với ý nghĩa đó, phong trào nông dân có tác dụng thúc đẩy tiến bộ của xã hội tương đối rõ rệt.
VI. Nét tương đồng và dị biệt:
VI.1. Tương đồng:
Diễn ra vào cuối mỗi triều đại, khi vương triều đã thối nát, hổn quan, mâu thuẫn xã hội.
Mục tiêu chống pk (hoặc chống giai cấp pk) để thay thế triều đại, không thay đổi mô hình xã hội.
Diễn ra liên tục mang tính chu kì.
Qui mô ngày càng rộng lớn (hoàng sào, Lý Tự Thành, Thái Bình Thiên Quốc).
Đều mang tính tự phát, không thống nhất ll, mang tính cục bộ địa phương, thiếu đoàn kết, không có hệ tư tưởng riêng và không đại diện cho một tầng lớp xã hội mới, nên dễ bị đàn áp và thất bại.
VI.2. Dị biệt:
Ngoại trừ cuộc khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương vào cuối triều Nguyên là kết hợp đấu tranh giai cấp với giải phóng dân tộc. Còn các cuộc klhowir nghĩa khác chỉ là đấu tranh giai cấp

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

QUAN HỆ TRUNG QUỐC VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY GIAI ĐOẠN 1644 - 1842


QUAN HỆ  TRUNG QUỐC
VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY
GIAI ĐOẠN 1644 - 1842


Nguyễn Văn Tận     
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế


Sau khi tìm ra được con đường biển sang Ấn Độ, các nước phương Tây tăng cường các mối quan hệ giao lưu buôn bán với phương Đông trong đó có Trung Quốc. Bắt đầu từ thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đã đến Ma Cao thuộc tỉnh Quảng Đông để buôn bán. Năm 1535, người Bồ Đào Nha đã thuê Ma Cao với hai vạn lạng vàng mỗi năm để lập cứ điểm buôn bán. Ma Cao vì thế trở thành tô giới đầu tiên của người châu Âu ở Trung Quốc.Sau người Bồ Đào Nha là thương nhân các nước Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Nga, Mỹ lần lượt có mặt trên đất nước Trung Quốc. Theo sau các đoàn tàu buôn là các các nhà truyền đạo  phương Tây.


 Năm 1580, một tu sĩ người Ý tên là Matteo Ricci thuộc phái Dòng tên của đạo Ki Tô đến Ma Cao truyền đạo. Ông ta đã dâng lên nhà vua hình chúa Ki Tô, một bản kinh Cựu Ước, một cây thánh giá, hai đồng hồ quả lắc và một bản đồ thế giới. Vua nhà Minh lúc bấy giờ là Van Lịch đã cho phép ông xây dựng giáo đường ở Bắc Kinh.


                Năm 1644, nhà Thanh thiết lập nền thống trị của mình trến đất nước Trung Quốc. Sau khi chinh phục được Trung Quốc, trên lĩnh vực đối nội nhà Thanh tập trung củng cố nhà nước trung ương tập quyền và tiến hành chính sách áp bức dân tộc còn trên lĩnh vực đối ngoại, nhà Thanh vẫn tiếp tục thực thi chính sách mở cửa cho phép các nước phương Tây đến buôn bán và truyền đạo. Theo sau các đoàn tàu buôn là các giáo sĩ mặc áo choàng đen đến Trung Quốc để truyến đạo. Triều đình nhà Thanh từ Thuận Trị cho đến 30 năm đầu thời Khang Hi đã tạo điếu kiện thuận lợi cho các giáo sĩ phương Tây truyền bá đạo Thiên chúa, thậm chí còn được ưu đãi, một số được phong chức quan và được giao nhiệm vụ soạn lịch. Với chính sách khoan dung trên đã làm cho đạo Thiên chúa ở Trung Quốc phát triển rất nhanh. Đến cuối thế kỷ XVII, số lượng tín đồ đã lên đến hơn 10 vạn người. Tuy nhiên, do   Ki Tô giáo rất khắt khe trong việc chỉ cho phép được thờ một thần duy nhất là chúa Giê Su và không cho phép thờ bất kỳ vị thần nào khác.Trong khi đó, các tu sĩ Dòng tên lại khoáng đạt hơn cho phép các tín đồ ở Trung Quốc không những được thờ Khổng Tử mà còn thờ phụng cả tổ tiên. Điều đó đã làm cho các tu sĩ dòng Thánh Dominique và dòng Frăngcois dAssise phản đối và tâu trình lên Giáo Hoàng. Năm 1704, Giáo Hoàng ra lệnh cho các tu sĩ Dòng tên yêu cầu các tín đồ ở Trung Quốc không được thờ Khổng Tử, tổ tiên. Những tu sĩ nào không tuân lệnh thì phải về nước. Vua nhà Thanh lúc đó là Khang Hi là người  không kỳ thị tôn giáo nhưng do trong qúa trình truyền đạo, các giáo sĩ phương Tây đã ngấm ngầm tiến hành các hoạt động lôi kéo quần chúng, vẽ bản đồ, điều tra lương thực và số binh mã ở các tỉnh cùng với  sự cấm đoán của Giáo Hoàng nên đã ban hành sắc lệnh cấm hẳn việc truyền đạo.  Các vua kế vị Khang Hi tuân thủ một cách triệt để sắc lệnh trên cho nên về sau quan hệ giữa nhà Thanh với các nước phương Tây trở nên căng thẳng.


         Từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi, chính quyền phong kiến Mãn Thanh thực thi chính sách “đóng cửa” trong quan hệ với các nước phương Tây. Nếu như trong thời kỳ Khang Hi trị vì triều đình phong kiến Mãn Thanh cho phép các thuyền buôn của các nước phương Tây đến buôn bán ở các cửa biển Quảng Châu, Ninh Ba, Định Hải và Hạ Môn thì đến năm 1757, nhà Thanh chỉ cho phép thuyền buôn nước ngoài đến trao đổi hàng hóa ở Quảng Châu và ra lệnh đóng 3 cửa biển trên. Trước tình hình đó, các nước thực dân phương Tây đã tìm mọi cách để mở cửa Trung Quốc. Trong số các nước thực dân phương Tây thì tư bản Anh là nước quan tâm mở cửa Trung Quốc bằng mọi giá kể cả việc sử dụng vũ lực. Bởi vì, so với các nước phương Tây khác, tư bản Anh là nước không những có ưu thế về hải quân, thương thuyền mà còn chiếm ưu thế trong việc sản xuất hàng hóa và buôn bán với Trung quốc. Đời Khang Hi, công ty Đông Ấn của Anh đã thiết lập được mối quan hệ buôn bán ở Quảng Châu. Đến năm 1764, tổng giá trị hàng nhập khẩu của nước Anh tư bản với Trung Quốc là 120 vạn lạng bạc, chiếm 63% tổng giá trị hàng hóa Anh mua của Trung Quốc là 170 vạn lạng bạc, chiếm 47% hàng hóa của các nước phương Tây mua của Trung Quốc. Trong quan hệ buôn bán tư bản Anh mua của Trung Quốc nhiều loại hàng hóa như đồ sứ, hàng dệt và chè, trong khi đó người Trung Quốc mua rất ít hàng hóa của Anh.


           Để bù đắp vào sự thiếu hụt trên, thực dân Anh đã yêu cầu triều đình Mãn Thanh mở thêm cửa biển để cho tàu bè của Anh đến buôn bán. Năm 1793, chính phủ Anh cử Mac Cartrey đang làm Tổng đốc Mađrat của Ấn Độ đến Bắc Kinh  thương thuyết, yêu cầu mở 3 thương cảng mới, nhường tô giới cho Anh và  cho phép nước Anh có một đại diện ở trong triều đình Mãn Thanh. Vua nhà Thanh lúc bấy giờ là Càn Long với thái độ trịnh thượng đã từ chối đề nghị của sứ thần Anh và ngạo mạn tuyên bố: “Trung Quốc có đủ tất cả các sản phẩm cho nên không cần dùng sản phẩm nước ngoài. Vả lại, nước Anh muốn tiếp thu văn minh Trung Quốc thì văn minh Trung Quốc cũng không thể đem gieo ở nước Anh được vì lễ nghi, luật lệ Trung Quốc khác xa Anh”


          Năm 1816, thực dân Anh lại cử sứ giả đến Bắc Kinh để xin ưu đãi về thương mại nhưng vẫn bị từ chối. Trước chính sách cứng rắn của nhà Thanh, thực dân Anh đã sử dụng thuốc phiện làm công cụ để xâm nhập vào lãnh thổ Trung quốc. Trong khi đó, thực dân Pháp vẫn sử dụng ưu thế truyền thống của mình là dùng đạo Thiên chúa làm công cụ xâm lược chủ yếu. Riêng Mỹ , trong thời kỳ này chưa đủ sức cạnh tranh với Anh, Pháp nhưng vẫn tìm cách để len chân vào trị trường Trung Quốc rộng lớn. Năm 1784, các tàu buôn của Mỹ  đã xuất hiện ở miền duyên hải Trung Quốc. Đến đầu thế kỷ XIX, Mỹ  đứng hàng thứ hai sau Anh trong quan hệ buôn bán thuốc phiện với Trung quốc (chiếm khoảng từ 10 đến 20% khối lượng buôn bán của Anh). Mặc dù, việc buôn bán thuốc phiện của các thương nhân Anh phải qua môi giới trung gian nhưng với phương sách đó, thực dân Anh đã đưa được một khối lượng lớn thuốc phiện vào lãnh thổ Trung Quốc.


           Năm 1838, các thuyền buôn của Anh đã đưa vào lãnh thổ Trung Quốc 40.000 thùng thuốc phiện, mỗi thùng tương đương 70kg. Hậu quả của việc buôn bán thuốc phiện đã tác động một cách nghiêm trọng đối với đời sốïng kinh tế - xã hội của nhân dân Trung Quốc. Bạc trắng của Trung Quốc chạy ra ngoài ngày một nhiều. Đồng thời với điều đó, nạn buôn bán thuốc phiện  đã làm suy nhược thể lực và tinh thần của người Trung Quốc.


          Triều đình phong kiến Mãn Thanh nhiều lần ra lệnh cấm hút thuốc phiện, nhưng càng cấm thì dân chúng lại càng hút nhiều hơn.


            Năm 1838, vua Đạo Quang ban hành sắc lệnh trừng trị nghiêm khắc đối với những người nghiện thuốc phiện, thậm chí xử tử cả người hút lẫn người bán và cử Lâm Tắc Từ làm khâm sai đại thần kiêm Tiết chế thủy sư  đến Quảng Châu để thực hiện lệnh cấm buôn bán thuốc phiện.


            Tại đây, Lâm Tắc Từ một mặt củng cố lại lượng quân đội, tăng cường phòng thủ ở các cửa biển nhưng đồng thời một mặt khác tỏ rõ thái độ kiên quyết với thực dân Anh yêu cầu các thương nhân Anh  phải nộp toàn bộ số thuốc phiện đang tích trữ. Kết quả Lâm Tắc Từ đã thu được 20.000 thùng và đem đốt toàn bộ số thuốc phiện đó và đổ xuống biển. Ngoài ra, Lâm Tắc Từ còn thông báo cho các nước phương Tây biết chính sách cấm đoán và trừng phạt của triều đình nhà Thanh đối với những người buôn bán thuốc phiện.


            Với chính sách cứng rắn trên đã làm cho âm mưu của thực dân Anh trong việc dùng thuốc phiện để mở cửa Trung Quốc bị thất bại. Quan hệ giữa nước Anh tư bản với triều đình phong kiến Mãn Thanh vì thể trở nên căng thẳng.


            Năm 1840, thực dân Anh quyết định sử dụng vũ lực bắt Trung Quốc phải mở cửa. Cuộc chiến tranh Trung - Anh mà lịch sử quen gọi là chiến tranh thuốc phiện bùng nổ trong tình hình như vậy. Cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai năm ( 1840 - 1842) kết thúc bằng sự thất bại của triều đình phong kiến Mãn Thanh. Nhà Thanh buộc phải ký Điều ước Nam Kinh (1842) với những điều khoản chủ yếu sau đây:

 -  Trung Quốc cắt Hương Cảng cho Anh.

 - Mở 5 cửa biển Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Ninh Ba, Thượng Hải cho thương nhân châu Âu đến buôn bán cùng với việc cho phép người Anh đến cư trú và lập lãnh sự quán tại các nơi đó.

 -  Bồi thường cho Anh 21 triệu bảng.

-  Hàng hóa xuất nhập khẩu phải do hai bên bàn bạc.

        - Công văn hai nước trao đổi với nhau một cách bình đẳng. Thương nhân người Anh được tự do buôn bán tại các cửa khẩu đã được thông thương.     


           Đây là điều ước bất bình đẳng đầu tiên Trung Quốc ký với các nước phương Tây nhưng là màn dạo đầu để cho Trung Quốc ký tiếp các hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây khác mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Trung Quốc - giai đoạn Trung Quốc trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.


                Một vài nhận xét: Nhìn lại quan hệ Trung Quốc  với các nước phương Tây thời nhà Thanh giai đoạn 1644 -1842, chúng ta thấy đây là giai đoạn các nước phương Tây tìm mọi cách để xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Trong đó hai công cụ mà các nước phương Tây thường sử dụng đó là truyền giáo và buôn bán thương mại.


          Đối với công việc truyền giáo, trong thời kỳ đầu các nước phương Tây đã tạo nên được những cơ sở trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều giáo đường được thành lập, số lượng tín đồ theo đạo Ki Tô ngày càng đông. Chính sách khoan dung, không kỳ thị tôn giáo của các triều đại phong kiến Trung Quốc đã cho phép các giáo sĩ phương Tây tiếp cận đựơc văn  minh Trung Quốc và giới thiệu những thành tựu văn minh Trung Quốc sang các nước phương Tây. Ngược lại, thông qua các nhà truyền đạo, Trung Quốc cũng tiếp thu được các thành tựu khoa học, kỹ thuật của phương Tây. Song do tính chất khắt khe của đạo Thiên chúa cấm tín đồ không được thờ thần nào khác ngoài chúa Giê Su cùng với tính chất không thiện chí của các giáo sĩ phương Tây trong việc lợi dụng công việc  truyền đạo để dọn đường cho quá trình xâm lược Trung Quốc nên về sau nhà Thanh thực thi chính sách cấm đạo gắt gao. Con đường xâm nhập Trung Quốc bằng chính sách truyền đạo của các nước phương Tây cuối cùng bị thất bại.


                Đối với hoạt động thương mại, Trung Quốc cũng giống như các nước phương Đông khác đều cho phép các nước phương Tây đến trao đổi mua bán. Nhưng do các nước thực dân phương Tây trong đó chủ yếu là thực dân Anh tiến hành các hoạt động trái phép ở miền duyên hải Trung Quốc nên đến thời Càn Long, nhà Thanh đã hạn chế việc mở cửa chỉ cho phép mở một cửa biển duy nhất ở Quảng Châu. Hơn nữa, việc buôn bán của các nước phương Tây được kiểm soát một cách gắt gao và phải thông qua môi giới trung gian là các thương nhân Trung Quốc. Do không được phép đi lại trên lãnh thổ Trung Quốc và không được phép bán hàng trực tiếp cho nên các nước phương Tây không những không phát triển được công việc buôn bán mà còn mất nhiều nguồn lợi to lớn. Đặc biệt, trong quan hệ buôn bán hai chiều các nước phương Tây thường bị nhập siêu đã dẫn đến hậu quả không tốt đối với sự phát triển kinh tế trong nước.


                Để khắc phục tình trạng trến, các nước  phương Tây mà cụ thể là nước Anh tư bản sử dụng lợi thế của việc buôn bán thuốc phiện để mở toang cánh cửa của Trung Quốc. Việc buôn bán thuốc phiện đã vấp phải sự chống đối kịch liệt của triều đình phong kiến Mãn Thanh và đã làm cho chính sách xâm nhập của các nước thực dân phương Tây bằng con đường buôn bán thuốc  phiện cuối cùng cũng bị thất bại.


                Không còn cách nào khác, các nước phương Tây mà chủ yếu là  thực dân Anh sử dụng phương sách cuối cùng là tiến hành chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Sự bùng nổ cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất và việc ký Điều ước  Nam Kinh (1842) là hệ quả tất yếu của sự căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước thực dân phương Tây giai đoạn 1644 - 1842.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Nguyễn Hiến Lê. Sử Trung Quốc, quyển II, Nxb Văn hóa, Hà Nội (1997)

2.     Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quí. Lịch sử Trung Quốc, nxb Giáo Dục, Hà Nội (2001)

3.     Will Durant. Lịch sử văn minh Trung Quốc - Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn (1972)



TÓM TẮT

Quan hệ Trung Quốc với các nước phương Tây giai đoạn (1644 - 1842) là một trong những mối quan hệ mang tính chất đặc trưng so với các mối quan hệ khác cùng thời.Bài viết nhằm làm rõ tính chất đặc trưng đó thông qua việc thực thi chính sách “mở cửa”và “đóng cửa” của Trung Quốc trong quan hệ với các nước phương Tây và chính sách của các nước phương Tây mà tiêu biểu là chính sách xâm nhập bằng thuốc phiện của thực dân Anh đã đưa đến sự bùng nổ cuộc chiến tranh Trung - Anh hay còn gọi là cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất.Hệ quả của nó là việc Trung Quốc buộc phải ký với Anh Điều  ước Nam Kinh vào năm 1842. Đây là hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên Trung Quốc ký với thực dân Anh nhưng là màn dạo đầu để cho Trung Quốc ký tiếp các hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây khác mở đầu cho giai đoạn Trung Quốc trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.


THE RELATION BETWEEN CHINA
AND THE WESTERN COUNTRIES IN THE PERIOD 1644-1842

     Nguyen Van Tan
College of SciencesHue University


SUMMARY

The relation between China and the Western countries during the period (1644-1842) is one of the relations which has specific characters in comparison with other ones at the same time. This article aims at clarifying those characters through carrying out the “open” and “close” policies of China in relation with the Western countries and the policies of the Western countries, especially the policy of  infiltrating drug by the  English colony which resulted in breaking into the England - China War or the first drug war. The consequency of that was China  had obliged to sign the Nam Kinh Treaty with England in 1842. This is the first unequal treaty signed by China and England; however, it was the first step for China to continue signing the other unequal treaties with other Western countries that began the period when China became a half - colonial and half- feudal country.