Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Một số phương diện trong tư tưởng Nho gia cổ đại


Một số phương diện trong tư tưởng Nho gia cổ đại



KHỔNG PHU TỬ


A
Thời cổ đại, Trung Quốc là một trung tâm văn hóa lớn của vùng Đông Bắc Á và cũng là một trong ba trung tâm văn hóa lớn của phương Đông. Ảnh hưởng của văn hóa – tư tưởng của Trung Quốc đối với các nước lân cận rất đậm nét, trong đó có Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Trong dòng vận động và phát triển liên tục của những trào lưu tư tưởng- văn hóa Trung Hoa, do hoàn cảnh lịch sử, tư tưởng Nho gia phát sinh từ xã hội cổ đại ngày càng chiếm được địa vị chủ chốt trong suốt thời kì trung đại ở Trung Quốc và các quốc gia phong kiến lân cận. Trong số những nhà tư tưởng của Nho gia cổ đại, Khổng Tử ( 551- 478 trước CN) và Mạnh Tử (372- 298 trước CN) có vị trí quan trọng nhất.
          Tuy nhiên, bản thân học thuyết Nho giáo cũng từng bước vận động biến đổi theo suốt chiều dài của chế độ phong kiến Trung Hoa,  bao gồm những giai đoạn chính như giai đoạn Hán Nho,  Tống Nho và Nho giáo thời Minh – Thanh. Ở các nước chịu nhiều ảnh hưởng Nho giáo sự khúc xạ tư tưởng này cũng không nhỏ. Vì thế việc tìm hiểu những quan niệm cơ bản của nho gia nguyên thủy qua hai yếu nhân nói trên là một việc làm cần thiết.
          Về vấn đề này, đại văn hào Lỗ Tấn đã có gợi ý rất quan trọng. Ông cho rằng cần phân biệt Khổng Tử trong lịch sử với Khổng Tử được thần thánh hóa về sau vì dần theo chiều hướng thoái hóa của chế độ phong kiến, các nho sĩ trong các triều đại sau chỉ khai thác những khía cạnh lạc hậu vốn có nhưng không đậm nét trong học thuyết của Khổng Tử  để làm công cụ đè nén và đầu độc tinh thần nhân dân. Xét trên quan điểm lịch sử cụ thể, Khổng Tử phát ngôn cho một giai cấp mới mẻ đang từng bước phấn đấu để thay thế cho giai cấp chủ nô thị tộc phản động trước đó.
          Tìm hiểu hai đại biểu nói trên của Nho gia, chúng tôi chú trọng đến những vấn đề có ý nghĩa nhân bản trong học thuyết của họ, vì đó chính là đóng góp lớn lao nhất của Nho giáo nguyên thủy cho lịch sử tư tưởng Phương Đông nói riêng và nhân loại nói chung.



B

I- Trước Khổng Tử, tư tưởng thần bản đóng vai trò thống trị trong xã hội Hạ - Thương- Tây Chu:
- Biểu hiện rõ nhất là người Trung Quốc nhìn nhận rõ thủy tổ của mình là các thần- qua hệ thống Tam Hoàng , Ngũ Đế.
- Hệ thống văn bản ( giáp cốt văn) còn truyền lại cho đến nay được xác định có từ đời Ân- Thương. (nhà nước chiếm hữu nô lệ - khoảng thế kỉ XVI đến thế kỉ XI trước CN), cho thấy Các Vương nhà Thương đều nhận mình là con Trời, con Thần, rất coi trọng việc bói toán, cầu đảo. Vì thế dưới Vương, người ta coi trọng Vu, Chúc , Sử ( những người bói toán, giải quẻ, ghi chép lời quẻ có ứng nghiệm không). Rõ ràng tư tưởng thần bản đang độc chiếm địa vị thống trị.
Các sách ra đời sau đó cũng thể hiện lập trường này: “ Nhà Hạ chịu mệnh trời” (Kinh Thư - Thiên Thiệu cáo), “Trời tùy thời mà tìm người chủ cho dân” ( Kinh Thư-  Thiên Đa phương)
- Đến thời Tây Chu, bắt đầu mầm mống của sự hoài nghi Thiên mệnh bởi vì sự yêu thương của Thượng đế thể hiện qua mệnh trời nhưng mệnh trời bất thường (Kinh Thi- Đại nhã) , làm sao để hóa giải sự bất thường đó để Thiên tử tồn tại vĩnh viễn? Và người ta đã phải dựa vào đức, đức là phẩm chất của hành vi con người - Đức năng thắng mệnh . Như vậy đến Tây Chu (1066- 770 trước CN), tư tưởng trên tuy vẫn còn mang cái vỏ thần bản nhưng đã lấp lánh ý nghĩa nhân bản. Thời Tây Chu kết thúc vào năm 770 trước CN và cũng là thời kì suy tàn của chế độ chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc và mở ra một thời kì loạn lạc, chiến tranh khốc liệt gọi là Đông Chu bao gồm hai giai đoạn Xuân Thu (770- 475 trước CN) và Chiến Quốc ( 475 – 221 trước CN)
II- Xuân Thu- Chiến Quốc- thời kì nở rộ của các học thuyết tư tưởng – văn hóa Trung Hoa, thời kì “ bách gia tranh minh”.
- Về kinh tế có bước phát triển một quan trọng, cơ cấu xã hội nhiều thay đổi. Các lực lượng mới thực sự có thế lực nhưng không thuộc tầng ớp quý tộc thị tộc trưởng thành mạnh mẽ. Đó là tầng lớp địa chủ, ngày càng leo cao, chui sâu vào bộ máy quyền lực, tranh giành địa vị với tầng lớp quý tộc thị tộc đã dần mất hết vai trò lịch sử.
- Tầng lớp sĩ ra đời nhanh chóng và là tầng lớp đã xây dựng nên những hệ thống tư tưởng triết học lớn, luôn đấu tranh để tranh giành ảnh hưởng với nhau, tiếp thu, thâm nhập lẫn nhau qua tiến trình lịch sử. Sử cũ gọi các nhà tư tưởng đó là ‘Bách gia chư tử” và thời kì này là thời kì ‘ Bách gia tranh minh”.
- Có mấy học phái nổi bật lên như sau:
+ Phái Đạo gia với hai nhân vật Lão Tử ( Người cùng thời với Khổng Tử tác giả Đạo Đức kinh (?)) , Trang Tử  ( 369? - 286 ? trước CN - tác giả Nam Hoa kinh)
+ Phái Nho gia : Khổng Tử ( 551-478 trước CN), Mạnh Tử (372- 298 trước CN, tác giả Mạnh Tử ), Tuân Tử ( 315-230 trước CN- tác giả Tuân Tử)
+ Phái Mặc gia của Mặc Địch ( 479 ?-381?- tác giả Mặc Tử)
+ Phái Pháp gia với đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử ( 280?- 233? Trước CN- tác giả Hàn Phi Tử).
….Trong quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng Trung Hoa, học thuyết Nho gia không phải là một học thuyết được hoàn chỉnh và vận dụng sớm nhất nhưng nó lại đóng vai trò trụ cột tư tưởng tinh thần cho chế độ phong kiến Trung Hoa từ đời Hán Vũ Đế cho đến thời cận đại. Và cũng từ đó, vị hoàng đế nhiều tham vọng này đã phế trất bách gia độc tôn nho giáo. Theo ý nghĩa đó, bách gia chư tử không bao gồm Nho gia.
III- Một số phương diện trong tư tưởng Nho giáo cổ đại qua hai đại biểu xuất sắc nhất – Khổng Tử và Mạnh Tử :
          1- Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử - Chung quanh vấn đề Thiên Mệnh:
- Trong quan điểm về thế giới, xuất phát từ tư tưởng của Kinh Dịch, Khổng Tử cho rằng vạn vật trong vũ trụ luôn sinh thành, biến hóa không ngừng theo đạo của nó. Sự vận động và biến đổi ấy của vạn vật bắt đầu từ mối liên hệ, tương tác giữa hai lực “âm “ và “ dương”, trong một thể thống nhất “ thái cực”. Cái lực vô hình mạnh mẽ giữ cho âm dương, trời đất tương thôi, trung hòa để vạn vật sinh hóa không ngừng ấy, Khổng Tử gọi là đạo, là thiên lí:  “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vận hành, vạn vật vẫn sinh sôi” (Luận ngữ. Dương Hóa , 18); “cũng như dòng nước chảy, mọi vật đều trôi đi, ngày đêm không ngừng, không nghỉ” ( Luận ngữ- Tử Hãn,16).
Nhưng vì đạo hay thiên lí là cái huyền vi, sâu kín, mầu nhiệm , mạnh mẽ, lưu hành khắp vũ trụ, định phép sống cho vận vật, con người ta không thể cưỡng lại được nên Khổng Tử gọi đó là thiên mệnh và vì thế ông cho Trời có ý chí, làm chủ tể vũ trụ, chi phối mọi lẽ biến hóa cho hợp lẽ điều hòa. Khổng Tử nói “Đạo của ta thi hành ra được cũng do mệnh trời, mà bị bỏ phế vong cũng là do mệnh trời” (Luận ngữ, Hiến vấn, 38); “làm sao cãi được mệnh trời” và “ sống chết có mệnh, giàu sang tại trời” (Luận Ngữ, Nhan Uyên, 5). Như vậy, thế giới quan của Khổng Tử vừa chứa đựng yếu tố duy vật chất phác và tư tưởng biện chứng tự phát vừa thể hiện quan điểm duy tâm khách quan.
Yếu tố tiến bộ nhất trong tư tưởng của Khổng Tử là ở chỗ ông không tán thành quan điểm cho rằng, con người cứ nhắm mắt dựa vào thiên mệnh. Ông luôn yêu cầu con người phải chú trọng vào sự nỗ lực học tập, làm việc tận tâm, còn việc thành bại như thế nào, lúc đó mới là tại ý trời ( không oán trời , không trách người, ở dưới thì học và lớn lên thì thành đạt (cho nên) biết dược ta ấy là trời)
- Mạnh Tử đã đẩy tư tưởng thiên mệnh đến đỉnh cao của chủ nghĩa duy tâm, khi cho rằng “ Chẳng có việc gì xảy ra mà không do mệnh trời. Mình nên tùy thuận mà nhận lấy cái mệnh chính đáng ấy…” . Ông còn cho rằng “ Hễ mình hết lòng hết dạ thì mình biết được cái bản tính của mình, hễ biết được cái bản tính của mình thì biết được trời rồi đó”. Từ đó ông cho rằng mọi người không phải đi tìm chân lí ở ngoài thế giới khách quan mà chỉ cần suy xét ở trong tâm, “ tận tâm” của mình mà thôi.  Do đó, xét trên phương diện thế giới quan, Mạnh Tử đã thể hiện rõ nét chủ nghĩa duy tâm và cách nhận thức của Mạnh Tử rất tiêu biểu cho tư tưởng triết học phương Đông . Giáo sư Cao Xuân Huy có nhận xét: “Triết học Phương Đông nói chung không tách Tôi ra khỏi vũ trụ. Vũ trụ với tôi là một. Tôi ở trong vũ trụ và vũ trụ cũng ở trong tôi, cho nên tôi biết tôi và vũ trụ cùng hiện hữu, không phải nhờ giác quan, mà một cách trực tiếp, hồn nhiên, ngay lập tức” (Cao Xuân Hạo- Tiếng Việt- Văn Việt- Người Việt; NXB Trẻ, TpHCM, 2001, trang 371) và gọi đó là tính chủ toàn trong tư tưởng triết học phương Đông – mà tiêu biểu là triết học Lão Trang và Ấn Độ giáo , để phân biệt với tính chủ biệt trong tư tưởng triết học phương Tây.
Có thể rút ra một nhận xét về điểm này: phải chăng đến thời đại của mình, Mạnh Tử  đã tiếp thu một số yếu tố của triết học Đạo gia để tiếp tục phát triển tư tưởng của Khổng Tử thiên về phía duy tâm.
2- Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử-- Chung quanh vấn đề nhân nghĩa:
a- Khổng Tử đề cao chí của con người, đề xướng đứcnhân :
- Chí phân biệt con người với các sinh vật khác. Con người nào cũng có chí nên con người bình đẳng với nhau. Khổng Tử so sánh “Trong đám ba quân, chủ soái của ba quân có thể bị bắt sống nhưng kẻ thất phu không thể đoạt lấy cái chí của nó” ( thất: đơn lẻ, kẻ thất phu là kẻ nghèo hèn cùng cực nhất trong xã hội)
-  Chữ nhân bao gồm cả thương lẫn ghét: Yêu người có đức nhân để phát triển đức nhân, ghét người bất nhân cũng là làm điều nhân. Chữ nhân chỉ áp dụng cho con người chứ không áp dụng cho tất cả vạn vật sinh tồn trên thế gian.
          Như vậy nhân là đức tính hoàn thiện, là cái gốc đạo đức của con người nên nhân chính là đạo làm người. Đạo làm người hết sức phức tạp phong phú nhưng theo Khổng Tử, chung quy lại là cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người, mình muốn lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạtGốc rễ của điều nhân là hiếu đễ. Con hiếu không bao giờ xâm hại đến bề trên. Người hòa thuận với anh em là người có thể hòa thuận với cộng đồng xã hội. Nhân, lễ , trí, dũng tuy có giá trị độc lập nhưng phải lấy nhân làm đầu.
          b- Khẳng định tính thiện của con người, bên cạnh chữ nhân, Mạnh Tử bổ sung chữ nghĩa, hoàn chỉnh phạm trù nhân – nghĩa:
- Trước hết ông bàn về tính của con người. nếu Khổng Tử đề cao chí của con người thì Mạnh Tử khẳng định “Nhân chi sơ tính bản thiện” tính được giải thích là bắt nguồn từ tâm trời phú và nhờ vào hoàn cảnh giáo dục. Con người phải tích cực rèn luyện để “tồn kì tâm, dưỡng kì tính”.Người có tính thiện là người có lương tri (không cần dạy vẫn biết), lương năng ( hành động không cần tính toán mà vẫn phù hợp với đạo lí).
- Mạnh Tử bàn sâu về việc tổ chức đời sống tinh thần của con người và luôn nhấn mạnh đến chữ nghĩa, xác định “ nghĩa’ là thích nghi ( Nghĩa giả nghi dã), chủ yếu là thích nghi với nhân. Ông coi nhân là tâm của con người, nghĩa là đường đi của con người ( nhân, nhân tâm dã; nghĩa, nhân lộ dã – Cáo Tử - thượng). Như thế nhân nghĩa có ý nghĩa là một giá trị phổ biến đối với con người, xã hội. Chữ nghĩa trong quan niệm của Mạnh Tử , như vậy, bao hàm ba tiêu chuẩn : Hợp thiên lí; hợp với nhân tâm ( Mạnh tử rất đề cao vai trò của dân, nhân tâm ở đây do đó cũng có nghĩa là dân tâm) và phù hợp vớithời thế
          Mở đầu Bình Ngô đạo cáo, Nguyễn Trãi viết “ Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân. Điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo” là hoàn toàn phù hợp với tiên đề nhân nghĩa của Nho giáo. Có coi “nhân nghĩa” là một giá trị phổ biến của xã hội loài người thì Nguyễn Trãi mới lấy đó làm tiền đề chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam sơn. Và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa trước hết là vì lí do nhân bản và dân bản tập trung trong mục tiêu cao nhất là giành cho được độc lập dân tộc. Tư tưởng chiến tranh nhân dân vì chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là đỉnh cao trong lịch sử trung đại Việt Nam là vì thế.
          3- Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử -- Về đường lối chính trị xã hội:
a- Khổng Tử không chủ trương thống nhất Trung Quốc mà muốn duy trì hiện trạng như thời Tây Chu (1066-771 trCN). Khổng Tử luôn tôn Chu, tôn sùng Chu Công. Ông thừa nhận chế độ tông pháp nhà Chu, chủ trương “chính danh”, “định phận”:  Vua lấy lễ mà khiến tôi; tôi lấy trung mà thờ vua” ( Luận ngữ- Bát dật ) “ Vua phải làm tròn phận sự của vua, bề tôi phải làm tròn phận sự của bề tôi, con phải làm tròn phận sự của cha, con phải làm tròn phận sự của con” ( quân quân, thần thần, phụ phụ , tử tử - Luận ngữ; Nhan Uyên); không như thế xã hội tắc loạn “ có thóc lúa đấy liệu ta có giữ được mà ăn không?!”.
Đối với khổng Tử nhân là nội dung, lễ là hình thức. Lễ ở đây không phải mang tính chất nghi lễ của tôn giáo mà là quy tắc ứng xử trong xã hội. Lễ được thể chế hóa, văn bản hóa cuối thời Tây Chu. Trong Lễ kí , lễ gồm 300 quy tắc lớn được diễn giải thành 3000 quy tắc nhỏ. “ Nhân là cái nền tơ lụa trắng tốt mà trên đó người ta mới vẽ nên những bức tranh đẹp” ( ( Luận ngữ, Bát Dật, 8). Ông khuyên người “ta chớ xem điều trái lễ, chớ nghe điều trái lễ, chớ nói điều trái lễ và chớ làm điều trái lễ” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1). Từ đó , ông kết luận người bất nhân không thể thi hành được lễ. Gốc rễ của điều nhân là hiếu đễ. Con hiếu không bao giờ xâm hại đến bề trên. Người hòa thuận với anh em là người có thể hòa thuận với cộng đồng xã hội. Nhân, lễ , trí,  dũng tuy có giá trị độc lập nhưng phải lấy nhân làm đầu.
          Điểm mới mẻ của Khổng Tử thể hiện rõ trong chủ trương dùng người, bao gồm ba điểm: tôn hiền (tôn trọng người có đức độ), nhiệm năng ( giao nhiệm vụ cho người có năng lực) và cử trực (tiến cử, cất nhắc những người ngay thẳng). Với quan điểm này, Khổng Tử đã phát ngôn cho nguyện vọng của tầng lớp quý tộc địa chủ đang lên trong xã hội đấu tranh với quý tộc cũ đã mất vai trò lịch sử.
b- Thời Mạnh Tử sống xã hội chuyển biến cực kì mạnh mẽ. Đồ sắt được sử dụng phổ biến, nông cụ được cải tiến, năng suất lao động tăng, đời sống tư tưởng đã bớt trì trệ. Trong bối cảnh đó, giai cấp cầm quyền thu được nhiều lợi hơn, hàng hóa tiêu dùng ngày càng dồi dào hơn. Phương án cải tạo xã hội phải trả lời hai vấn đề:
-        Vấn đề đại thống nhất để phát triển kinh tế, văn hóa
-        Vấn đề tôn vương ( nhà Chu)
Thứ nhất, ông muốn xóa bỏ tình trạng chư hầu cát cứ, để đất nước tập trung về một mối. Ông phân biệt vương với bá, vương đạo với bá đạo. Ông cho rằng bá nào mạnh nên phấn đấu để thành vương thay thế nhà Chu. Như vậy ông đã hoàn toàn đoạn tuyệt với tư tưởng tôn Chu của Khổng Tử, là điều kiện tư tưởng để đại thống nhất Trung Hoa sau bao thế kỉ loạn lạc, chiến tranh xâu xé. Ông quan niệm bất cứ ai cũng có thể làm Nghiêu Thuấn. Như vậy là ngôi vương không phải là đặc quyền của một dòng họ, tư tưởng đó đã đánh đổ đặc quyền thống trị của quý tộc thị tộc. Ông cho rằng, vương quyền là do Trời ban cho và thông qua vua chúa hiền minh để thực hiện ý chí của Trời .” ( Mạnh Tử- Vạn Chương) . Người làm vương phải theo vương đạo, thi hành nhân chính bao gồm giảm hình phạt, nhẹ thuế khóa, tạo điều kiện để dân an cư lạc nghiệp , tăng gia sản xuất để người người có hằng sản ( của ăn của để), từ đó làm cơ sở để giáo hóa cho dân có “ hằng tâm”. Vương không độc chiếm quyền lợi mà phải “dữ dân đồng lạc”
          Học thuyết của Mạnh Tử như vậy đã giải quyết hai vấn đề- Đại thống nhất Trung Hoa và vấn đề tư tưởng tôn Chu- theo hướng ủng hộ đại thống nhất Trung Quốc.
Thứ hai, Mạnh Tử khác Khổng Tử thể hiện tính chất linh hoạt trong sinh hoạt tư tưởng. Mạnh tử là người đầu tiên ông là người đầu tiên nhận định có hệ thống về nhân vị ( triết học về con người)
Mạnh Tử đề cao vai trò người dân: “ Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” ( Mạnh tử - Tận tâm – hạ) bởi vì nếu không có dân sẽ không có nước, không có nước thì không có vua, kẻ thống trị nếu không được nhân dân ủng hộ thì chính quyền sớm hay muộn gì cũng phải sụp đổ. Mệnh đề này thể hiện tư tưởng dân bản. Nó có tác dụng cảnh báo đối với nhà cầm quyền đương thời: Phải thi hành chính sự như thế nào đó để được lòng dân, cũng có nghĩa là bảo về lâu dài quyền lợi của nhà cầm quyền. Vì thế ông đưa ra lời kêu gọi phải thực hiện chế độ “bảo dân”, ‘dữ dân đồng lạc”.  Đoạn luận giải về sự rộng hẹp của vườn nuôi chim thú của Chu Văn Vương so với vườn của Tề Tuyên Vương thể hiện thật sinh động chủ trương này: “ Vườn chơi của Chu văn vương rộng bảy chục dặm nhưng người kiếm củi, cắt cỏ có thể vào đó để kiếm củi cắt cỏ, người đánh bẫy gà rừng, săn thỏ cũng có thể vào đó kiếm con gà con thỏ. Chu Văn Vương cùng với trăm họ vui hưởng cái vườn đó vì vậy trăm họ cho nó là quá nhỏ chẳng phải hợp lí sao?...Thần nghe nói trong vùng giũa cửa ải và ngoại ô kinh thành có một vườn chơi của nhà vua (Tề Tuyên Vương) rộng hơn bốn chục dặm, kẻ nào l giết con hươu con nai trong đó sẽ bị coi như phạm tội giết người. như vậy cái vườn bốn chục dặm ấy là cái bẫy lớn ở giữa nước để hãm hại dân chúng. Do đó , dân chúng hấy nó quá rộng, cũng chẳng đúng lắm sao? ” ( Mạnh Tử-  Lương Hệ vương – hạ)
Về mối quan hệ vua- tôi: Mạnh Tử nhấn mạnh đến quan hệ hai chiều: Vua coi bầy tôi như tay chân; bầy tôi coi vua như thân thích ruột thịt; vua coi bầy tôi như chó ngựa thì bầy tôi sẽ coi vua như người dưng nước lã. Vua coi tôi như cỏ rác, bề tôi sẽ coi vua như quân trộm cướp, kẻ cừu thù, thậm chí nếu vua tàn bạo có thể giết. Vua như thế không đáng gọi là vua. Mạnh Tử luận về việc Thành Thang,  Chu Vũ Vương (vốn là các bề tôi) đày Kiệt, giết Trụ , trên lập trường nhân nghĩa,  như sau: “Làm hại điều nhân thì gọi là quân giặc cướp, Làm hại điều nghĩa thì gọi là kẻ tàn bạo. Những quân giặc cướp , những kẻ tàn bạo thì chỉ đáng gọi tên này tên nọ. Vì vậy tôi chỉ nghe nói giết tên Trụ chứ chưa nghe nói giết vua” ( Tặc nhân giả vị chi tặc; tặc nghĩa giả vị chi tàn; tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân dã”- Lương Huệ Vương – hạ).
Có thể  nói tư tưởng dân bản của Mạnh Tử là một tư tưởng thật sự tiến bộ trong lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Trung Quốc cổ đại. Tất nhiên, do hoàn cảnh lịch sử chi phối, nhng chủ trương của Mạnh Tử chưa đem lại được một nền dân chủ đích thực mà chỉ là phương sách để giai cấp thống trị duy trì bền lâu nền thống trị của mình. Cùng trong khuôn khổ điều kiện chính trị - xã hội thời Chiến Quốc, nếu đem so sánh tư tưởng Mạnh Tử với tư tưởng của Pháp gia chúng ta càng thấy rõ giá trị của tư tưởng Mạnh Tử.
4- Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử -- Trong chủ trương giáo dục- đào tạo:
a- Khác với các nhà tư tưởng thuộc các học phái khác (ví dụ như Lão Tử, Hàn Phi Tử), Khổng Tử rất đề cao việc học tập, tu dưỡng đạo đức và là nhà giáo dục danh tiếng bậc nhất
+ Về ý nghĩa của giáo dục: Giáo dục có ý nghĩa phổ biến , giáo dục làm con người mở mang tri thức, hình thành nhân cách đầy đủ cả ba mặt nhân, trí, dũng, đem điều đã học ra ứng dụng đem lại lợi ích cho đời. Ông cho rằng làm vua quan cũng phải học, làm ruộng vườn cũng phải học chứ không thể dựa vào cảm tính và lòng nhiệt thành.
+ Nội dung dạy học của Khổng Tử rất coi trọng giáo dục đạo đức, dùng đạo đức để thi hành chính sự, ông ít quan tâm đến các kiến thức khác nhưng không vì thế mà ông coi khinh những tri thức kĩ thuật cụ thể . Đặc biệt khổng Tử là người đề cao rất mực  Nhạc và Thi. Nhạc chính trực , trang nghiêm, hòa nhã có tác dụng di dưỡng tính tình, cảm hóa lòng người, hướng tâm người ta tới cái chân , thiện , mĩ, do sự cảm ứng trong tâm ta với sự hài hòa với âm nhạc ( Luận ngữ, Thái bá ,9). Khổng Tử rất đề cao tác dụng của kinh Thi: “ bất học thi vô dĩ ngôn”, “ Thi có thể làm phấn khởi ý chí ( hưng), có thể giúp quan sát phong tục (quan ) hòa hợp với mọi người ( quần ), bày tỏ nỗi sầu oán ( oán), gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được tên chim muông cây cỏ” ( Luận ngữ-Dương Hóa). Cho nên , Khổng Tử nói “ hưng khởi là nhờ Thi, tạo lập là nhờ lễ, thành đạt là nhờ nhạc”. Và cũng vì thế , Khổng Tử dành nhiều công sức để sưu tập , chỉnh lí di sản văn hóa cổ ( Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Nhạc, Kinh Lễ, Kinh Dịch) và chính ông biên soạn Kinh Xuân thu. Sau này, những tác phẩm này trở thành Lục Kinh – những sách kinh điển của Nho gia
+Về phương pháp giáo dục: coi trọng kinh nghiệm thực tế, nhấn mạnh vai trò của việc suy nghĩ tìm tòi, cố gắng của chủ quan, kết hợp học và hành, thấy được mối quan hệ khăng khít giữa người dạy và người học: “ Kẻ nào không cố công tìm hiểu ta chẳng dạy cho, kẻ nào không bộc lộ được tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho, kẻ nào ta bày một mà không biết hai , ta chẳng dạy nữa” . Ông luôn khuyên mọi người học phải nghe nhiều rồi chọn điều hay mà theo, thấy nhiều để xét rõ cái hay cái dở mà nhớ lấy, đó là điều quan trọng để trở thành trí giả (Luận ngữ, Thuật nhi)
+ Mẫu hình con người mà Khổng Tử đào tạo là những sĩ quân tử, những con người có thể thay mình hành đạo ở đời - những quan chức phục vụ các vương triều quý tộc theo thuyết “ chính danh” và chủ trương “ đức trị”, “ lễ giáo”; là những con người sẵn sàng phục vụ chế độ có chính sách “ tôn hiền”, “nhiệm năng” và “ cử trực” do ông đề xướng. Tương truyền môn sinh của ông lên đến 3000 người, trong đó có 72 người rất thành đạt.
b- Mạnh Tử hoàn toàn thống nhất với tư tưởng đề cao giáo dục – đào tạo, trong đó đề cao đúng mức giáo dục đạo đức nhân cách cho người học do Khổng Tử chủ trương. Mạnh Tử cho rằng thời vua chúa cho phá trường để xây khu du hí là loạn. Ông tán thành việc kẻ sĩ phải thường xuyên nâng cao sĩ khí. Mọi kẻ sĩ chân chính phải rèn luyện khí hạo nhiên vì nhờ khí hạo nhiên người ta có thể vì nhân nghĩa mà hi sinh ( sát thân thành nhân). Khí hạo nhiên thật là to lớn chỉ có đạo nghĩa mới sánh được với nó. Con người phải hướng theo chuẩn mực , đạo lí của thánh hiền  gọi là ‘ pháp tiên vương”. Mạnh Tử đòi hỏi người học phải chuyên tâm , trì chí , khiêm nhượng , cầu tiến, không khi nào tự cho mình đã là người hoàn toàn. Mặt khác , ông yêu cầu người dạy phải luôn tự sửa mình , giữ tâm mình cho chính, vì nếu “ mình cong queo không thể nào sửa người khác cho thẳng được” (Mạnh Tử- Tận tâm, thượng). Mạnh Tử cũng đề cao tác dụng xã hội của thi , nhạc
          Điểm khác với Khổng Tử là Mạnh Tử chủ trương, chính quyền phải lập trường để dạy dân biết võ nghệ bên cạnh nhân nghĩa, luân lí, lễ nghĩa ( Mạnh Tử- Đằng Văn Công – hạ). Khổng Tử không đề cao võ nghệ mặc dù trong số học trò của mình có Tử Lộ là tướng giỏi .Tư Mã Thiên viết trong Sử kí như sau: “Khoång Vaên Töû laøm quan nöôùc Veä, saép ñaùnh Thaùi Thuùc hoûi Troïng Ni veà caùch ñaùnh. Troïng Ni töø choái khoâng bieát”. Luận ngữ cũng ghi rằng: “ Khổng Tử không giảng luận về bốn việc: quái dị, dũng lực, phản loạn , quỷ thần” ( Luận ngữ- Thuật nhi). Với Khổng Tử, người muốn đạt nhân mà chỉ có trí thôi thì chưa đủ, mà cần phải có dũng khí nữa. Ông nói “ kẻ nhân tất hữu dũng, nhưng người dũng chưa chắc có nhân” ( Luận ngữ, Hiến vấn ,5). Người có dũng , theo Khổng Tử không phải là kẻ ỷ vào sức mạnh vì lợi mà suy nghĩ hành động bất chấp đạo lí. Người nhân có dũng phải là người “ có thể tỏ rõ ý kiến của mình một cách cao minh, có thể hành động một cách thanh cao” ( Luận ngữ, Hiến vấn ,4). Người nhân có dũng mới tự chủ được mình, mới quả cảm xả thân vì nhân nghĩa, “lập nhân”và “ đạt nhân”. Khi gặp cơn thiếu thốn cực khó không nao núng làm mất nhân cách của mình, khi đầy đủ sung túc không ngả nghiêng , xa rời đạo lí ( Luận ngữ, Lí nhân, 2). Hơn thế , người nhân có dũng sẽ sẵn sàng “vì nhân mà sát thân chứ không phải giữ mạng sống của mình mà hại nhân” ( Luận ngữ, Vệ Linh Công, 8). Như vậy, Mạnh Tử đã bổ sung môn học võ nghệ vào nội dung dạy học .
          Chính những chủ trương nói trên mà giới nghiên cứu Trung quốc học ngày nay đã đánh giá rất cao tư tưởng coi trọng giáo dục- đào tạo và tu dưỡng đạo đức của Nho gia nguyên thủy. Xã hội hiện đại , với tất cả các mặt được và chưa được của nó đã là một minh chứng cho sự đúng đắn – tất nhiên là trong khuôn khổ lịch sử cho phép- của tư tưởng giáo dục Khổng - Mạnh

C

          Khổng Tử , Mạnh Tử sinh ra , lớn lên và hành đạo trong thời loạn, ở đó mưu mô và bạo lực bao trùm khắp xã hội Trung Hoa. Phương án cải tạo xã hội của hai ông lại theo khuynh hướng chống bạo lực, phản đối lối chạy theo điều lợi trước mắt, đề cao lễ trị, đề cao nhân nghĩa nên đương thời không một tập đoàn thống trị nào sử dụng. Điều đặc biệt đáng quý trọng là cả hai ông vẫn không nhụt chí nản lòng, vẫn tin tưởng vào tính chất đắc dụng trong học thuyết của mình, mà hạt nhân là hàm lượng tư tưởng nhân bản và dân bản được thể hiện trong đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét