Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

HAI TƯ LIỆU VỀ DÃ TÂM “XÓA SỔ” VĂN HÓA VIỆT NAM CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ PHONG KIẾN TRUNG QUỐC


HAI TƯ LIỆU VỀ DÃ TÂM “XÓA SỔ” VĂN HÓA VIỆT NAM
CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ PHONG KIẾN TRUNG QUỐC
E.F. Aymonier

Bài tham luận của Etienne Francois Aymonier đọc tại Hội nghị thuộc địa quốc tế, ngày 31/7/1890
Etienne Francois Aymonier (1844 – 1929), Tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr tháng 10 năm 1868 với cấp bậc thiếu úy Thủy quân lục chiến (infranterie de marine), được gửi tới Sài Gòn vào tháng 10 năm 1869. Ông đã tự học, tìm hiểu văn hóa dân tộc bản xứ và được xem như là chuyên gia tại vùng đất mà người Pháp vừa mới chiếm được.
Do đó, năm 1870, ông được biệt phái sang chức vụ tham biện tập sự (inspecteut stagiaire des affaires indigènes) và năm 1871 được cử tới sở tham biện Trà Vinh. Tại đây, ông đã gặp nhiều nhóm dân tộc gốc Khmer và nhờ vậy có dịp học tiếng nói Khmer.
Năm 1872, ông được thăng chức chánh tham biện và trở thành phụ tá công sức Pháp tại Cambodge, năm 1874, giữ chức chánh tham biện Hà Tiên, 1878, giám đốc trường tập sự hành chính tại Sài Gòn (collège des administrateur stagiaires de Saigon), 1879, đại diện chính quyền bảo hộ tại cambodge cho đến năm 1881.
Từ năm 1882 đến 1885, ông tổ chức nhiều cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Khmer và Chàm. Tháng 7 năm 1885, ông bắt đầu khởi hành cuộc tham quan nghiên cứu văn minh Chàm thì xảy ra biến cố 4 – 7 – 1885, vua Hàm Nghi tấn công Pháp để dành lại chủ quyền nhưng thất bại. Tình hình bất an sau đó khiến ông phải hủy bỏ cuộc tham quan.
Năm 1886, Aymonier được cử làm công sứ tỉnh Bình Thuận, lấy vợ người Chàm. Năm 1889 Aymonier về hẳn Pháp và được cử làm giám đốc trường Thuộc địa (Ecole coloniale) và được thành lập với sự hỗ trợ tích cực của Thứ trưởng Bộ Thuộc Địa Eugène Étienne.
Năm 1905, Aymonier về hưu.
Sau đây là toàn văn bài tham luận của E. F Aymonier
I. Bài tham luận của giám đốc thuộc địa Pháp, 1889
Những ai theo dõi sách báo viết về Đông Dương chắc sẽ dễ dàng đồng ý rằng có một trường phái đang từ từ thành hình, dù chưa rõ nét, với xu hướng như sau: giáo dục chính trị và khoa học cho giống dân An Nam, vốn là giống dân đông đảo nhất của vùng đất này, cùng lúc vẫn để họ giữ được bản sắc riêng biệt, tinh thần, cơ cấu xã hội, tiếng nói riêng. Trong chiều hướng đó, một nước An Nam tương lai tiến bộ hơn trên đường văn minh sẽ nảy sinh, dù sẽ phát triển theo những hướng đi lai căng, không thuần nhất, khác hẳn con đường của nước Pháp; và sợi dây ràng buộc dựa trên sức mạnh sẽ càng ngày càng lỏng lẻo. Cách đây ba mươi năm, người Pháp còn có thể không ngượng ngùng nói đến một sợi dây gắn bó dựa trên tình nghĩa; nhưng ngày nay dù ai ngây thơ đến độ tưởng rằng người An Nam phải biết ơn chúng ta vì đã xâm chiếm nước họ một cách hung bạo, khi nhìn lại thực tế, nếu còn chút sáng suốt, sẽ thấy rằng tư tưởng này chỉ là ảo vọng.
Tôi tự hỏi thay vì tìm cách cải tiến nửa chừng giống dân An Nam, tại sao ta không nhắm tạo ra một nước Pháp Á Đông, gắn bó chặt chẽ với nước Pháp Âu Châu bằng một sự hòa đồng tư tưởng và tình cảm, điều kiện duy nhất để nước Pháp có thể trực tiếp thừa hưởng những tiến bộ tương lai của thuộc địa?
Và tôi tự trả lời PHẢI NHƯ VẬY! tôi xin cố gắng trình bày sau đây phương sách chắc chắn nhất, hữu hiệu nhất dể đạt đến mục tiêu tối hậu đó. Đó là việc quảng bá tiêng Pháp tại Viễn Đông.
Theo ý tôi, thật ra, tất cả là vấn đề ngôn ngữ. Tôi không đòi hỏi bắt dân An Nam mang y phục của chúng ta, chẳng hợp với khí hậu của họ tý nào, cũng cùng lý lẽ ấy, tôi không muốn một sớm một chiều áp đặt lên họ hệ thống luật pháp và cơ cấu hành chính của chúng ta. Hệ thống hành chính của các dân tộc này sẽ chỉ cần mang một tinh thần mới, sinh động hơn. Tổ chức gia đình của họ cũng chẳng thua tổ chức của chúng ta. Ta cũng phải triệt để tôn trọng tổ chức làng xã của họ. Và nếu, vì ngoại lệ, tôi dành ưu tiên cho tôn giáo của chúng ta như sẽ nói về sau, là vì các nhà truyền giáo chính là một công cụ tuyệt diệu trong việc truyền bá tiếng nói cũng như bảo đảm nền cai trị của chúng ta, cho ngày nay và mai sau.
Việc truyền bá tiếng nói của chúng ta cho dân Đông Dương có thể thực hiện được, chỉ vì vài lý do đơn giản nhưng cơ bản sau đây: 1/ Những dân tộc này rất dễ bảo và có thể uốn nắn được. 2/ Họ không có một tiếng nói hoàn tất. Tiếng nói của họ, do thói quen lâu đời dựa trên chữ viết và văn học Trung Quốc, chỉ còn được giữ ở một mức độ một thổ ngữ (Patois) thô sơ.
Chúng ta biết rằng xứ An Nam, trước đây chịu sự đô hộ lâu đời của Trung Quốc, nay vẫn còn hoàn toàn lệ thuộc về mặt tinh thần (và sự thống trị của chúng ta sẽ không được đảm bảo nếu chúng ta không thay đổi được tình trạng đó). Văn học hoàn toàn là văn học Trung Quốc, với một cách đọc phát âm riêng biệt. Nền văn học bình dân sơ khai bị rẻ rúng vì xem là ngây ngô. Tiếng Trung Quốc tại đây đóng vai trò tương đương với chữ Latinh bên Âu Châu, thời Trung cổ, trước khi các tiếng nói tân tiến địa phương được tạo thành; nhưng tình trạng này còn đặc biệt nghiêm trọng hơn vì tiếng Trung Quốc và tiếng An Nam là những tiếng nói nhiều thanh điệu (varia – tono), đơn tiết (monosyllabique), khép kín trong thứ chữ viết ghi ý (écriture idéographique).
Tiếng nói An Nam có sáu âm, như là chữ ma, chẳng hạn, biến thành sáu chữ khác nhau khi thay đổi âm điệu: không âm hay tự nhiên, bổng, xuống trầm, trầm, lên bổng, rồi lên bổng và trở xuống trầm.
Sáu cách đọc chữ ma này, trong thuật ngữ chuyên môn, gọi là sáu âm ngữ (phonétique). Ta có thể thấy rõ vai trò của những âm ngữ này trong tiếng Pháp, dù rằng chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, không phải là quy luật như trong tiếng Trung Quốc và tiếng An Nam. Nếu ta xem ba chữ mẫu hợp lại sin là một âm ngữ (phonétique), tùy vào cách viết, ta có năm từ đống âm (homophone), nhưng khác nghĩa: sain, saint, sein, seing, ceint.
Trong tiếng An Nam có vài trăm trường hợp âm ngữ tương tự như trường hợp âm ngữ sin và một con số rất lớn những chữ đồng âm; những chữ này có thể được diễn nghĩa rõ ràng bằng các chữ ghi ý (idégraphique), nhưng khi được ghi bằng phương pháp Âu châu, chỉ ghi được các âm ngữ, sẽ không phân biệt được nghĩa các chữ. Quá nghèo nàn, chỉ diễn tả được các ý thông thường, muốn trở thành một ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ thông tục phải qua một cuộc chuyển hóa quá lâu dài, quá khó khăn, quá bấp bênh, cho nên đơn giản nhất chắc là phải khiến dân tộc dùng tiếng nói đó chấp nhận một tiếng nói ngoại quốc, có khả năng tiếp cận nghệ thuật, khoa học, triết học Âu Tây, và diễn tả rõ ràng những sắc thái tinh tế của tư tưởng.
Những học giả nào còn đặt hoài vọng cho tương lai của tiếng nói An Nam, chỉ có thể trông cậy vào một sự phát triển mơ hồ, theo những quy luật hoàn toàn tưởng tượng.
Đứng trên phương diện ngôn ngữ học, quan sát một cuộc chuyển hóa như vậy có thể rất lý thú… cho cháu chắt chúng ta, và nếu thực sự chuyện đó xảy ra, tôi cũng sẵn sàng thiếp đi trong năm sáu thế kỷ, để khi tỉnh dậy, nghiên cứu xem sự gặp gỡ giữa tiếng nói thô sơ đó với nền văn minh và chữ viết Âu Tây đưa đến thành quả nào. Nhưng liệu ta có nên đưa yếu tố ngữ văn học (philologie) này vào một vấn đề thực ra chủ yếu là chính trị? Cho dù tiếng nói An Nam thực sự đã trưởng thành đi nữa, vì quyền lợi cơ bản của kẻ đi chinh phục, có lẽ ta vẫn phải dứt khoát thay thế tiếng nói kẻ bị trị bằng tiếng nói của chúng ta.
Cuộc đấu tranh sống còn giữa các quốc gia, rất gay gắt vào thời nay, thường mang hình thức một cuộc đấu tranh về ngôn ngữ
Do những sai lầm của quá khứ, vị trí tiếng nói của chúng ta trên thế giới ngày nay thật quá yếu kém, tiếng nói dịu hiền của nước Pháp thân yêu, ngôn ngữ trong sáng và du dương của Pascal, của Bossuet, của Racine, của Mirabeau, của Victor Hugo! Dân tộc nào thực sự nói tiếng Pháp sẽ là dân Pháp, cộng đồng ngôn ngữ sẽ dẫn đến cộng đồng thị hiếu, tư tưởng và tình cảm. dù ở xa ta đến đâu đi nữa, các dân tộc này sẽ là những khách hàng buôn bán trung thành nhất của chúng ta. Chỉ có sự bắt rễ sâu đậm của tiếng nói chúng ta tại Đông Dương mới đền bù được những phí tổn, những hy sinh quá nặng về người về tiền của dành cho cuộc chinh phục xa xôi này, và tôi xin thêm, nó sẽ đền bù gấp trăm lần.
Theo ý tôi, gác sang bên cái nhìn hiếu kỳ của khoa học ngữ văn về một khả năng phát triển mơ hồ của tiếng nói An Nam, chúng ta phải công nhận rằng lợi ích quốc gia hàng đầu là truyền bá tiếng Pháp cho 20 triệu đứa con nuôi của chúng ta tại Viễn Đông.
Sai lầm thứ hai là khiến mọi người có ý tưởng rằng hiểu biết tiếng Pháp, dù một cách sơ sài, là phương tiện để đương nhiên trở thành công chức, vốn là mục tiêu có thể nói là duy nhất của những người trẻ tìm học dăm ba chữ của ngôn ngữ này. Sai lầm này, phần lớn, là hậu quả của một sai lầm trước đó, là đặt cơ sở của nền học chính quốc dân trên chữ viết phiên âm tiếng An Nam bằng chữ mẫu Âu châu, khiến cho tiếng Pháp đương nhiên trở thành một ngoại ngữ chỉ những kẻ có nhiều tham vọng mới phải tìm học. Những người này, rời ngưỡng cửa gia đình ra xã hội với tâm trạng đó, đông đảo hơn thập bội so với chức vụ cần bổ nhiệm, và từ đó đám người giáng cấp (déclassé) mỗi ngày mỗi thêm đông.
Nền giáo dục Trung Quốc trước thời chinh phục rất phổ quát, tổ chức vững chắc, cơ sở rộng rãi, chỉ đưa vào các chức vụ quan trọng một thành phần ưu tú ít ỏi và không tạo ra lớp người giáng cấp. Tại sao ta không thể xây dựng nền giáo dục Pháp ngữ trên những cơ sở tương tự và mở hướng cho những người học tiếng nói của chúng ta, không phải chỉ nhắm đến quan chức nhà nước, mà còn nên tìm vào lĩnh vực bao la của tri thức, lĩnh vực mà dân An Nam cũng sẽ mê say như mọi người một khi hé thấy?
Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này trong phần sau bằng cách phác họa những phương tiện và phương thức giáo dục cần thực hiện.
Sai lầm thứ ba, sai lầm nặng nhất, là tại Đông Dương chúng ta đã bỏ qua những đường hướng chủ đạo của truyền thống chính trị nước Pháp, của thời Quốc hội Lập hiến (La Convention) cũng như thời Louis XIV, chúng ta không đếm xỉa gì đến lời nói của Gambetta khi ông tuyên bố cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo quyền (la guerre au cléricalisme) không phải là một thứ hàng xuất khẩu.
Nhân đây, ta nên giải quyết ngắn gọn qua vài câu vấn đề các hội truyền giáo. Chỉ cần họ có mặt tại chỗ, các nhà truyền giáo và các người theo đạo Kito đã giúp cho cuộc chinh phục đất đai và giữ gìn những mảnh đất xa xôi đó trở nên bội phần dễ dãi. Phe kháng chiến quốc gia (Le parti de la résistance nationale), sáng suốt hơn đa số người Pháp, đã thấy rõ điều này. Trong vòng vài năm, ta có thể nói gần như chỉ trong vòng vài tháng, 50000 người theo đạo Kito nam nữ đủ lứa tuổi đã bị phe này tàn sát, chỉ vì những vụng về trong công cuộc chinh phục.
Những kẻ dốt nát, những người không mảy may khả năng suy xét, không tinh thần phê phán, không đủ sức thấy được quy luật gắn bó nguyên nhân với sự kiện lịch sử, đã cố gắng tìm đủ mọi thứ duyên do cho các cuộc tàn sát khủng khiếp này. Lý do thực và có thể tạm gọi là đáng trọng của những cuộc tàn sát man rợ này bắt nguồn từ nhu cầu bảo vệ tổ quốc của xứ An Nam.
Cho tương lai, nên biết rằng nước Pháp sẽ không thể xây dựng gì vững chắc và lâu bền nếu không được sự trợ giúp của những người này, những kẻ đã bao lần bị thí thân. Ngoại trừ tính chuyện rời bỏ Đông Dương, giải pháp mà đố chính phủ nào giám nghĩ tới, điều trước tiên cần làm là mỗi năm tại Pháp ta phải chiêu mộ thêm từ năm chục đến một trăm giáo sĩ truyền giáo. Xưa nay, những tu sĩ này, sau mọi tai họa khủng khiếp nhất, lại nhẫn lại bắt tay vào việc với một đức tính kiên trì mà tôi hết sức cầu mong cho những người cai trị của ta có được; nếu ta thực sự muốn, những giáo sĩ này, với vai trò dẫn dắt tinh thần cho mọi người, nam, nữ, và trẻ em, sẽ là những kẻ trợ giúp hữu hiệu cho công cuộc thật to lớn và yêu nước của chúng ta: áp đặt tiếng nói nước ta lên các dân tộc Đông Dương.
Tôi đề nghị cho mỗi giáo phận, trên tổng số chính kể trên, một số tiền tài trợ hàng năm là 100.000 francs, với điều kiện là trong ngắn hạn phải đủ khả năng mở lớp học tiếng Pháp cho một nghìn học trò. Cứ mỗi học trò được tặng thêm so với con số ban đầu, ta hứa sẽ tài trợ thêm 100 francs, sau khi kiểm thực.
Với một số tiền trợ cấp một triệu, chúng ta sẽ có gần như ngay lập tức cho toàn cõi Đông Dương 10.000 người trẻ học tiếng Pháp. Chẳng bao lâu, với 20.000 học trò, chúng ta chỉ tốn 2 triệu đồng, tức là số tiền hiện đang được chi cho chỉ một xứ Nam Kỳ với kết quả chẳng là bao.
Một vấn đề rất quan trọng là việc lựa chọn và phổ biến rộng rãi những sách cơ bản phổ thông, phù hợp với điều kiện bản địa, để truyền bá những khái niệm luân lý, những kiến thức thực tiễn hữu ích cho những con dân mới của chúng ta. Những kiến thức phổ thông này sẽ củng cố cho việc học tiếng Pháp. Biết tiếng Pháp sẽ là điều kiện bắt buộc để vào trường chuyên nghiệp (écoles professionnelles), vào các ngạch công chức, cũng như vào một số ngành nghề vốn rất được dân bản xứ ưa chuộng.
Trong thực tế và khi thực hiện chương trình, thế nào cũng sẽ có rất nhiều phương tiện thích hợp xuất hiện có thể giúp ta tiến mau tiến chắc tới mục đích nếu ta biết nắm đúng thời cơ. Thí dụ như, về sau nữa, ta có thể, trên nguyên tắc, chỉ chấp nhận cho trở thành công dân Pháp những người An Nam biết nói tiếng Pháp.
Về phía ta, ta cũng phải quen dần với tư tưởng vừa chính đáng vừa khôn ngoan: ngang trình độ học thức đưa đến ngang quyền lực chính trị. Ngày kia, khi toàn thể dân Đông Dương nói tiếng Pháp, ta có thể không ngại ngùng cho họ quyền tự trị; những sợi dây gắn bó tinh thần sẽ hữu hiệu thay thế sức mạnh áp lực vật chất.
Tóm lại, do mối liên hệ mật thiết giữa tiếng nói, phương tiện giao lưu tư tưởng và những nhu cầu vật chất đơn sơ nhất, cuộc chiến ngày nay giữa các quốc gia là một cuộc chiến về ngôn ngữ cũng gần tương đương với cuộc chiến vì quyền lợi vật chất. Mật độ sinh sản của nước Pháp, và chỉ được bù đắp phần nào bằng khả năng đồng hóa, buộc ta phải thâu nhận những đứa con nuôi do cuộc viễn chinh đưa tới. Cuộc thâu nhận này sẽ diễn ra, phần nào đó, qua một phương tiện, mà chúng ta, nếu không khuyến khích một cách trực tiếp cũng không nên ngăn trở: luật lệ, phong tục và đạo giáo của chúng ta.
Nếu chúng ta nhìn về quả địa cầu được thu nhỏ lại do tiến triển khoa học, do giao thông dễ dãi, chúng ta vui mừng nhận thấy sự trì trệ tai hại trong công cuộc bành trướng nước Pháp, do những sai lầm của các vị cai trị xứ ta trong thế kỷ 198, do các cuộc cách mạng cũng như những mâu thuẫn tranh chấp trong thế kỷ này, được thay thế bằng ánh dương đầy hứa hẹn của công cuộc bảo tồn thiên tài của chúng ta, bảo tồn ngôn ngữ, bảo tồn tác phảm của các tác giả lớn, của quá khứ cũng như của tương lai. Chiến thắng hạ thành Alger, năm 1830, củng cố vững chắc vị trí chúng ta tại Bắc Phi. Tại Nam Mỹ, chúng ta sẽ phải kết giao với các dân tộc thuộc hệ văn minh La Mã và khôn khéo khiến họ học tiếng nói của ta.
II. Chính sách của Minh Thành Tổ năm 1406
Với ảo tưởng có thể xóa sạch hiện tại và quá khứ của một dân tộc từng có hàng nghìn năm lịch sử, ngay từ phút đầu của chiến tranh, Minh Thành Tổ đã nghĩ ra đủ hết mọi mưu mô, thủ đoạn đốt phá, giết chóc, mà hàng chục vạn quân của “thiên triều” rồi đây sẽ phải răm rắp thi hành. Vị Hoàng đế nhà Minh đặc biệt lưu ý đến kho tàng sách vở, bi ký phong phú của người Việt. Trong sắc chỉ 10 điều gửi ngày 8 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21 – 8 – 1406) cho viên tướng viễn chinh là Chu Năng căn dặn tỷ mỉ từng khoản một: nào nghiêm trị quân lính; nào là phải đề phòng lực lượng hỏa pháo lợi hại của cha con họ Hồ; nào tìm bắt hết thợ thuyền và người tài giỏi đem về phương Bắc; nào tịch thu bản đồ và các thứ sổ khai ruộng đất, nhân khẩu… Đặc biệt, có điều khoản thứ 3: “Một khi binh lính vào nước [Nam], trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại [sách ghi chép] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ (như loại sách có câu: Thượng đại phân, Khư ất dĩ) một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn” (tức Tam tự kinh)
Đặc biệt, Minh Thành Tổ không phải ra chỉ thị xong rồi để đấy, mặc cho tướng tá làm được ra sao thì làm. Từ xa tít trên Yên Kinh, ngày ngày theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chính sách thâm độc của mình. Khi được báo cáo rằng có những toán quân chưa theo đúng lệnh chỉ - nghĩa là chưa đốt phá lập tức mọi sách vở bắt được mà còn giữ lại –liền gửi tiếp một tờ lệnh thứ hai, vào ngày 10 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (16 – 6 – 1407), trong đó có một lời ghi chú: “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở, văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ (như loại Thượng đại nhâm Khưu ất dĩ) và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh, một chữ, hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ bị mất mát nhiều. Từ nay, các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất cứ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại”.
Kết quả như thế nào thì cũng có thể lường được. Khi một đội quân xâm lược Trung cổ mà mọi hành động đập phá tự phát sẵn có lại được chính thức hóa bằng những điều lệnh, được nhân lên gấp bội bằng những lời “khuyến dự”, thì còn vật gì bắt gặp mà chúng không thể biến thành đống tro tàn! Chính Nguyễn Trãi, trong một bức thư gửi cho viên Tổng binh giặc là Vương Thông, đã kịch liệt tố cáo ông ta cho lính cướp bóc các di vật văn hóa trong thành Thăng Long, đem ra đúc súng. Chính Lê Thánh Tông, năm 1467, trên đường về Lam Kinh có ghé thăm chùa Long Đội, nhìn thấy dấu vết tàn phá của giặc ở đây, cầm lòng không nổi, đã đề thưo lên tấm bia bị đập phá trước sân chùa:
Minh tặc hung tàn tự dĩ canh (Giặc Minh hung tàn [nên] chùa đã biến đổi hẳn)
Nhưng vì sao cả một chính sách được thực hiện quy mô và trắng trợn đến như kia, mà về sau Hoàng Đức Lương không hề biết, và ngay ngòi bút chép sử của Ngô Sĩ Liên cũng chỉ ghi được một đôi dòng? Lại cũng chỉ có thể giải thích điều này bằng thủ đoạn khôn khéo, xảo quyệt của phía đối phương. Hơn ai hết, những kẻ đã “trù mưu định kế” ăn cướp nước ta hiểu rất rõ việc làm thâm hiểm của họ là một sự thách thức với cả một nền văn minh; nó chỉ dẫn đến làm bùng cháy dữ dội hơn lòng căm hơn của dân tộc Việt. cho nên, đi kèm với những điều lệnh, Minh Thành Tổ còn ráo riết bắt quân sĩ phải hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, và phải giữ thật kín mọi chủ trương của mình. Sau gần 1 năm cướp phá, biết rằng yêu cầu của việc phá hoại về căn bản đã xong, ngày 19 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (25 – 6 – 1407), ông trùm chiến tranh lại vội vàng gửi một sắc chỉ xuống phương Nam, ra lệnh cho các tướng lĩnh của y phải cấp tốc thu hồi những đạo dụ y đã ban ra từ trước: “Nay An Nam đã bình định xong […] trừ các loại chế dụ ra còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các bản ký sự, thư thiếp đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành Quốc công đã lĩnh, hoặc các thứ sổ sách trù nghị mọi việc, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại, rơi vào tay bọn kia (chỉ người Việt – NHC) thì rất bất tiện”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét