Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

VẤN ĐỀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN VÀ CÁCH NHÌN TỪ PHÍA CÁC CƯỜNG QUỐC


VẤN ĐỀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN
 VÀ CÁCH NHÌN TỪ PHÍA CÁC CƯỜNG QUỐC

                                                                           Trần Anh Đức – K61 CLC

           Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là quốc gia nhỏ bé thuộc khu vực Đông Bắc Á. Sự chia cắt và đối đầu hiện nay giữa Triều Tiên với quốc gia láng giềng, anh em – Hàn Quốc là sản phẩm của lịch sử để lại. Vị trí chiến lược cùng tài nguyên khoáng sản khá dồi dào đã biến Triều Tiên và Hàn Quốc thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương đó là Nga, Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản cả trong quá khứ và hiện tại. Trong khi Triều Tiên ngả về phía Nga – Trung thì Hàn Quốc lại dựa vào quan hệ đồng minh Mĩ - Nhật - Hàn. Và trong bối cảnh bị Mĩ bao vây, cấm vận cũng như quan hệ không mấy tốt đẹp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đã tìm cách phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình và liều lĩnh tiến hành thử hạt nhân. Phải chăng đây là một sự thách thức của Triều Tiên với Mĩ và các quốc gia đối địch? Thực chất của “chính sách ngoại giao hạt nhân” của Bình Nhưỡng là gì? Quan trọng hơn, các cường quốc trong khu vực nhìn nhận như thế nào về sự nóng lên của Đông Bắc Á do chính sách hạt nhân của Triều Tiên? Bài viết dưới đây sẽ đi sâu tìm hiểu các vấn đề trên.
1. Vài nét về Chương trình hạt nhân và “chính sách ngoại giao hạt nhân” của Triều Tiên 
Năm 1993, cuộc khủng hoảng hạt nhân bắt đầu khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã tham gia từ năm 1985. Bình Nhưỡng lý giải cho hành động này là vì sức ép quốc tế trong việc thanh sát chương trình hạt nhân bị cho là để phát triển vũ khí nguyên tử. Triều Tiên bắt đầu tích trữ plutonium, nhưng sau đó lại quyết định không rút khỏi Hiệp ước nói trên nữa.
Sáu năm sau, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên vào ngày 29/1/2002, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cáo buộc Triều Tiên cùng với Iran và Iraq "hợp thành một trục ma quỷ". Đáp lại lời tuyên bố cứng rắn của ông Bush, Triều Tiên hồi tháng 10/2002 cho hay đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật, đồng thời coi thỏa thuận đã ký với Mỹ vào năm 1994 là vô hiệu.
Để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vòng đàm phán 6 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8/2003. Vòng đàm phán này đã trải qua 6 lần được tổ chức trong những năm tiếp theo.
Ngày 19/9/2005, Triều Tiên một lần nữa đồng ý chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lại các khoản viện trợ năng lượng, kinh tế, và an ninh. Các cuộc đàm phán được nối lại nhằm làm cụ thể các chi tiết liên quan, nhưng Bình Nhưỡng lại rút lui và từ chối các cuộc thương lượng tiếp theo.
Ngày 7/5/2006, Triều Tiên lại bắn 7 tên lửa xuống biển Nhật Bản, trong đó có một hỏa tiễn Taepodong - 2 kiểu mới, vốn được thiết kế để vươn tới những mục tiêu ở xa. Tuy nhiên, tên lửa này đã phát nổ không lâu sau khi được phóng đi. Các nước chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết lên án cuộc thử tên lửa này.
Từ đó đến nay, Triều Tiên luôn luôn có những động thái trong vấn đề hạt nhân. Gần đây vào năm 2011, Triều Tiên đã đồng ý ngừng chương trình làm dầu Urani để đổi lấy viện trợ lương thực nhằm khắc phục tình hình khó khăn trong nước. Nhưng đến năm 2012, trong một động thái mới nhất, Triều Tiên đã phóng vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất. Mỹ và các nước Phương Tây đã kịch liệt lên án hành động này là có khả năng làm gia tăng diễn biến phức tạp tại Triều Tiên. Mặc dù vụ phóng thử đã thất bại nhưng cho thấy vấn đề hạt nhân cũng như tiến trình hòa bình tại Triều Tiên còn hết sức phức tạp.
Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên là vấn đề rất phức tạp và đã kéo dài nhiều năm, không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, mà còn liên quan tới lợi ích của nhiều nước trong "bàn cờ" chiến lược ở Đông Bắc Á và thế giới, nên việc giải quyết nó không thể thực hiện trong "một sớm một chiều".
2. Cách nhìn nhận từ phía các cường quốc về Chương trình hạt nhân của Triều Tiên  
Đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mỗi cường quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại có cách nhìn nhận và tính toán chiến lược khác nhau. Nhưng tất cả đều nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia tới mức cao nhất.
        Về phía Mĩ, với vai trò là siêu cường thế giới và đang tìm cách tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình ở Châu Á – Thái Bình Dương. Mĩ không chấp nhận sự tồn tại của một quốc gia Triều Tiên Cộng sản sở hữu vũ khí nguyên tử vì nó đe dọa nghiêm trọng lợi ích của Mĩ trong khu vực. Các tên lửa tầm xa Têpôđông mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể vươn tới các mục tiêu trên lãnh thổ Mĩ. Trực tiếp nhất là nó đe dọa các quốc gia đồng minh của Mĩ : Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mĩ đang có những thay đổi quan trọng với việc chuyển dần trọng tâm chiến lược từ bên kia bờ Đại Tây Dương sang Châu Á – Thái Bình Dương thì vấn đề “phi hạt nhân hóa”  bán đảo Triều Tiên càng trở nên cấp thiết. Châu Âu và cả bản thân Mĩ đều đang gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế, khủng hoảng nợ công, đồng đôla, ơrô mất giá… trong khi Châu Á – Thái Bình Dương lại đang là điểm sáng của kinh tế thế giới với đầu tàu tăng trưởng là Trung Quốc. Mĩ  không thể bỏ qua thị trường đầy tiềm năng này được, vì thế an ninh khu vực cần được đảm bảo với mức độ cao nhất. Mặt khác, để ngăn chặn ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, Mĩ đã tăng cường lực lượng đồn trú của mình tại các nước đồng minh, tạo thành một vành đai ở Thái Bình Dương (kéo dài từ Nhật Bản qua Hàn Quốc xuống Đài Loan, Philippin, Úc, Niu Dilân). Đó thực sự là một “Vạn lí Trường thành” bao vây phía đông Trung Quốc. Như vậy chắc chắn Mĩ sẽ không đồng ý để Triều Tiên, quốc gia đồng minh thân cận của Trung Quốc, sở hữu vũ khí hạt nhân. Và nếu như các biện pháp ngoại giao hiện nay không có tác dụng thì cũng không loại trừ khả năng Mĩ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để gây sức ép với Chính quyền của ông Kim Châng - Un. Lúc đó rất có thể một kịch bản tương tự như ở Irắc hay Libi sẽ được Mĩ tái diễn lại ở Triều Tiên.  
Trung Quốc, là cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn và hiện đang có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề Châu Á và quốc tế. Trung Quốc là đồng minh hàng đầu của Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nên trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc luôn có thái độ mềm dẻo hơn Phương Tây. Dựa vào đị vị pháp lí của mình tại Hội đồng Bảo an, Trung Quốc đã nhiều lần phủ quyết các đề nghị áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên từ phía Mĩ và Phương Tây. Thực chất, Trung Quốc muốn duy trì một nước Triêu Tiên có vũ khí hạt nhân để phục vụ lợi ích chiến lược của mình. Thứ nhất, về mặt an ninh quốc gia, Trung Quốc sẽ đảm bảo được chiến lược “phòng thủ từ xa”. Đây là tư tưởng quân sự truyền thống của người Trung Quốc, nó có nghĩa là hình thành những vùng đệm có thể đảm bảo an toàn cho vùng trung tâm Đại lục. Và Triều Tiên chính là “lá bài” quan trọng trong chiến lược đó. Thứ hai, Trung Quốc muốn dựa vào Bình Nhưỡng để đe dọa các lợi ích của Mĩ ở Đông Bắc Á mà trực tiếp là Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ ba, Trung Quốc cũng thông qua việc giải quyết “vấn đề Triều Tiên” để đối thoại nhiều hơn với Mĩ nhằm chia sẻ lợi ích khu vực. Chính sách “vừa đấm vừa xoa” này giống như là “trò chơi sấp ngửa”  mà các cường quốc thường áp dụng trong quan hệ ngoại giao nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Nạn nhân của chính sách đó là các nước nhỏ yếu, phải “chịu trận” giữa hai làn đạn với dẫn chứng sinh động là Việt Nam thời kì chống Mĩ, cứu nước.
Với mong muốn tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế năng động của Châu Á – Thái Bình Dương, Liên Bang Nga đang nỗ lực đóng góp vào tiến trình đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Là quốc gia láng giềng, có quan hệ gần gũi trong lịch sử, Nga cũng hết sức lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong chính sách đối ngoại của Nga hiện nay, Châu Á là một hướng chiến lược quan trọng. Vì thế Nga rất muốn một cục diện hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á để vươn tay xuống khu vực Châu Á giàu có. Nước Nga cũng chú trọng đến nguồn tài nguyên khoáng sản ở Triều Tiên – nơi có trữ lượng magiê lớn nhất thế giới, rất cần cho công nghiệp hàng không của Nga. Vì thế cả Nga và Trung Quốc đều không muốn gây sức ép quá lớn lên Triều Tiên, một động thái có thể đẩy nước này tới “thế cùng” buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Hai cường quốc luôn tìm cách dung hòa trong quan hệ ngoại giao, thậm chí nhiều lần lên tiếng bênh vực Bình Nhưỡng. Những năm gần đây, để củng cố vị thế của mình trong khu vực, Nga đã di chuyển một phần quan trọng lực lượng hải quân và không quân trang bị vũ khí hạt nhân từ phía tây sang phía đông, đặc biệt là căn cứ Vladivôxtôc và quần đảo Curin đang tranh chấp với Nhật Bản. Đây cũng là một hành động nhằm phô trương sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị của Nga ở khu vực nhạy cảm này kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Nhật Bản luôn luôn lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vì nó đe dọa trực tiếp tới an ninh của quốc đảo này. Khi mà các mảnh vỡ của tên lửa và kể cả đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản trên đường di chuyển ra biển. Sự lo ngại này đã thúc đẩy Tôkyô liên minh chặt chẽ hơn với Mĩ trong chính sách an ninh chung. Vừa qua, trong chuyến thăm Mĩ, Thủ tướng Nhật Nôđa và Tổng thống Obama đã ra tuyên bố chung khẳng định: Quan hệ đồng minh Mĩ - Nhật là cơ sở cho sự hiện diện lớn hơn của Mĩ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương… Sự có mặt của quân đội Mĩ ở Nhật Bản được khẳng định là sẽ giúp nước này đối phó tốt hơn với các đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Hiện nay, lực lượng Mĩ đồn trú tại Nhật Bản vào khoảng 50.000 quân chủ yếu ở Okinawa. Nhật – Mĩ còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung giữa hải quân Mĩ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Để đối phó với vụ phóng tên lửa hồi tháng 4, Nhật Bản đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động, các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot và tàu khu trục tên lửa Ageis đã được triển khai ở Tôkyô và Hoàng Hải để sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó bay vào không phận Nhật Bản. Chính quyền của Thủ tướng Nôđa tỏ ra rất cứng rắn trong quan hệ với Bình Nhưỡng khi cùng với Mĩ, Hàn Quốc và nhiều nước Phương Tây liên tiếp đề xuất các biện pháp trừng phạt Triều Tiên lên Liên Hơp Quốc. Tuy nhiên Tôkyô vẫn kiên trì đàm phán 6 bên với hy vọng Triều Tiên sẽ từ bỏ Chương trình hạt nhân của mình. Và sắp tới rất có thể Nhật Bản sẽ trang bị vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho mình.
3. Kết luận
Như vậy có thể nhận thấy, mỗi cường quốc trên cơ sở tính toán lợi ích quốc gia của mình lại có quan điểm khác nhau về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Điều đó khiến cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở thành “sân chơi của các ông lớn” và tiến trình đàm phán 6 bên khó đạt tới sự đồng thuận chung. Chỉ khi quyền lợi giữa các cường quốc với nhau và giữa họ với Triều Tiên được đảm bảo thì hy vọng về một Triều Tiên “phi hạt nhân hóa” mới có thể thực hiện được. Đối với bản thân Triều Tiên, quốc gia này cần thiết phải dân chủ hóa chính quyền, hạn chế tệ sùng bái cá nhân, tập trung vào việc phát triển kinh tế, mở cửa hội nhập thay cho việc chạy đua vũ trang hiện nay. Và nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Châng Un nên thay đổi thái độ với quốc gia láng giềng Hàn Quốc nhằm làm dịu đi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, góp phần vào sự nghiệp thống nhất hai miền Triều Tiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Nam Tiến, Nguyễn Tuấn Khanh, Trần Phi TuấnLịch sử quan hệ Quốc tế hiện đại (1945-2000), 2008, Nxb Giáo Dục.
[2] Báo An ninh Thế giới, số 258, Nxb Công an Nhân dân
[3] Báo An ninh Thế giới, số 290, Nxb Công an Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét