Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5


NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

                                                                              Đinh Thị Huyền Trang – K 61CLC

         Trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 này, hòa với sắc nắng vàng rực rỡ, niềm rạo rực trong lòng người là sắc đỏ của cờ, hoa, biểu ngữ tràn ngập khắp mọi nẻo phố với khẩu hiệu “Tinh thần chiến thắng 30/4 và ngày quốc tế lao động 1/5 bất diệt".  Dịp lễ kỉ niệm 30/4 và 1/5 năm nay còn ý nghĩa và hào hùng hơn với lễ kỉ niệm đúng 40 năm tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972-1/5/2012) và 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Tuy nhiên, bài viết này chỉ xin nói tới Ngày quốc tế Lao động 1/5. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã đi vào lịch sử của loài người như một sự kiện vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Từ góc độ lịch sử, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu lịch sử của sự kiện này và ý nghĩa to lớn của nó.
        Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân thế kỉ XIX, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế thứ nhất (1864), C.Mác đã coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản.
        Tại đại hội I của Quốc tế thứ nhất họp tại Giơnevơ (Thụy Sĩ) tháng 9/ 1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm 8 giờ được coi như là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ đã xuất hiện ở một số nởi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần được lan sang các nước khác. Phong trào đòi ngày làm 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mĩ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào công đoàn. “Phong trào công nhân Mĩ vào cuối thế kỉ XIX lại càng lên cao do sự áp bức, bóc lột quá mức: giờ làm của người lao động kéo dài đến 14 giờ/ngày, lương lại giảm (từ 1873–1880 lương công nhân dệt bị giảm 45%). Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873 làm 20.000 xí nghiệp, ngân hàng đóng cửa, khiến 3 triệu người thất nghiệp” [1].  Năm 1868, giới cầm quyền Mĩ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11–12 giờ.
           Tháng 4/1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicagô, Đại hội Liên đoàn lao động Mĩ thông qua nghị quyết nêu rõ: từ 1/5/1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở nước Mĩ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được kí. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ [2].
           Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mĩ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. “Cuộc tổng bãi công ngày 1/5/1886 thu hút trên 350.000 công nhân khắp nước Mĩ tham gia. Cuộc bãi công lan rộng ra ở trên 11.000 nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ” [3]. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốc ngày càng đông đảo người tham gia. Ở Oasinhton, NewYork, Boston,… hơn 125.000 công nhân giành được quyền làm 8 giờ/ngày. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mĩ xác nhận: “chưa bao giờ trong lịch sử nước Mĩ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy” [1].
            Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Đặc biệt ở Chicago, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm hảng trăm người chết và bị thương. Các xung đột xảy ra dữ dội, nhiều thủ kĩnh công đoàn bị bắt,… gây nên sự kiện “thảm sát Haymarket” (1886) tại Chicago (Mĩ). Nhưng cuối cùng, giới chủ đã phải chấp nhận yêu sách của công nhân.
           Năm 1889, 3 năm sau vụ “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế thứ hai nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của P.Awngghen, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế thứ hai đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai cấp vô sản toàn thế giới. Như vậy, từ  năm 1889, ngày 1/5 được đi vào lịch sử loài người - ngày Quốc tế Lao động.
         Thực hiện nghị quyết trên, lần đầu tiên ngày 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Ngày 1/5 ở các nước Xã hội chủ nghĩa được coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động ở các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, 1/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
        Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lênin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm việc vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sự kiện này dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
         Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của chống thực dân, đế quốc giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - văn hóa. Cuộc đấu tranh 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930–1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc vào Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động thế giới. Trong thời kì trước Cách mạng tháng Tám (1945), việc kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, tình hình thế giới, trong nước có nhiều thay đổi, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người đã diễn ra ở khu Đấu Xảo (Hà Nội) với sự tham gia của nhiều ngành, nghề. Đây là cuộc mittinh lớn nhất trong thời kì vận độn dân chủ 1936–1939, một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành về nghệ thuật tổ chức, lãnh đạo của Đảng ta [2].
         Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, càng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
         Đã 126 năm trôi qua, năm nào ngày Quốc tế Lao động 1/5 cũng được nhân dân lao động toàn thế giới chào đón, dù với những cách thức khác nhau ở từng quốc gia trên thế giới. Song lúc nào cũng vậy, đây là dịp để người lao động toàn cầu chia sẻ, ý thức và thụ hưởng các quyền, nghĩa vụ với thành quả lao động của mình. “Không phải đến lúc này những thế hệ đi sau mới tưởng nhớ tới những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, thậm chí đã phải trả bằng máu của hàng trăm ngàn công nhân Chicago để đòi được “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi vào ngày 1/5/1886 bi tráng ấy. Thế nhưng, có lẽ không có thời điểm nào thích hợp hơn để tinh thần quả cảm bất diệt của những người thợ tại nước Mĩ được vinh danh và tỏa sáng như lúc họ đã làm nên lịch sử” [3].
           Ngày 1/5 năm nay, người lao động Việt Nam có thêm nhiều niềm vui mới với Nghị quyết 31/2012/NĐ – CP của chính phủ về tăng mức lương tối thiểu. Tuy còn nhiều nỗi lo, nhưng chúng ta hãy tin tưởng đây là bước tiền đề trong lộ trình cải cách tiền lương từ nay đến năm 2020 sẽ cải thiện được tình hình. Trong khi đó, cuộc đại suy thoái của thị trường lao động, cơn bão nợ công ở nhiều nước Châu Âu đã khiến nhiều người lao động phải chật vật vì chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ. “Do vậy, ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay mang một ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt, cho dù đang phải đối mặt với những khúc mắc khác biệt so với thời điểm bản anh hùng ca Chicago cất lên năm 1886, nhưng có một chân lí không thay đổi rằng người lao động đã và tiếp tục khẳng định vai trò trong xã hội hiện đại. Niềm say mê công việc, tiếp sức cho người lao động hôm nay niềm tin vào tương lai” [3].

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Ngọc Liên (cb), Lịch sử thế giới cận đại, Nxb ĐHSP.
[2] Phạm Gia Hải (cb), Lịch sử thế giới cận đại (1871–1918), Nxb Giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét