Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

HỌC THUYẾT MONROE TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ THẾ KỈ XIX


HỌC THUYẾT MONROE TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
CỦA MỸ THẾ KỈ XIX

                                              SVTH: Chu Thị Kim Liên
                                                                            GVHD: PGS. TS Đào Tuấn Thành
1.      Mở đầu
Chủ nghĩa thực dân Mỹ bước lên vũ đài chính trị thế giới muộn hơn chủ nghĩa thực dân châu Âu. So với Anh và Pháp, nước Mỹ tham gia phân chia thế giới muộn hơn nhiều. Nếu như Anh và Pháp bắt đầu công việc này ngay từ đầu thế kỉ XVII, thì bản thân nước Mỹ đến trước những năm 70 của thế kỉ XVIII vẫn còn là thuộc địa của thực dân Anh. Nhưng đến cuối thế kỉ XVIII, nước Mỹ đã giành được độc lập, ngay từ đầu thế kỉ XIX, nước Mỹ đã bắt đầu  những cuộc chinh phục xuyên thế kỉ và xâm chiếm thuộc địa.
Song song với việc mở rộng lãnh thổ về phía Tây, người Mỹ tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình và tìm kiếm thuộc địa, cái đích đầu tiên mà Mỹ hướng tới không đâu khác chính là khu vực Mỹ Latinh. Ngay từ buổi đầu lập quốc, để đạt được ba mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và phát huy ảnh hưởng của mình trên thế giới, Hoa Kỳ đã nhìn nhận khu vực Mỹ Latinh là khu vực ưu tiên hàng đầu về mặt lợi ích quốc gia. Đặc biệt là từ đầu thế kỉ XIX, khi các nước Mỹ Latinh lần lượt thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Tổng thống Monroe đã đưa ra Học thuyết Monroe (1823) nhằm loại dần ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu, đồng thời xác lập ảnh hưởng của mình tại khu vực Mỹ Latinh. Học thuyết này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Mỹ Latinh, đó cũng là công cụ để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và sau này sẽ vươn ra khu vực khác trên thế giới. 
Trong bối cảnh hiện nay khi nước ta thực hiện “đa dạng hóa, đa phương hóa” các mối quan hệ thì nước Mỹ là một đối tác quan trọng mà chúng ta cần phải tính đến, vì vậy việc tìm hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX nói riêng là vấn đề mang tính cấp thiết.
Với những nhận thức trên, thì việc nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX nói riêng vừa có ý nghĩa về mặt khoa học, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Vì vậy, chúng tôi đã chọn đề tài: “Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX” làm hướng nghiên cứu cho báo cáo khoa học của mình.
Mục đích nghiên cứu: Nhằm làm sáng tỏ một khía cạnh trong chính sách đối ngoại Mỹ - Học thuyết Monroe và việc Mỹ áp dụng nó trong kế hoạch bành trướng của nước này trong thế kỉ XIX ở khu vực Mỹ Latinh.
Nhiệm vụ nghiên cứu: Nghiên cứu về Học thuyết Monroe, một học thuyết đã trở thành chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và việc thực hiện các nội dung của học thuyết này đã mang lại kết quả gì cho nước Mỹ.
2.         Nội dung
Đề tài “Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX” được giải quyết qua hai chương, trong đó chúng tôi đã tập chung làm rõ 2 vấn đề chính:
1.   Hoàn cảnh ra đời và nội dung chính của Học thuyết Monroe.
2.   Mỹ đã áp dụng Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại với các cường quốc châu Âu ở Tây bán cầu và đặc biệt là với các nước ở khu vực Mỹ Latinh trong thế kỉ XIX như thế nào?
Chương 1: Vài nét về chính sách đối ngoại của Mỹ và sự ra đời của Học thuyết Monroe.
Chương này gồm hai nội dung chính:
-Học thuyết Monroe ra đời dưới tác động của 2 yếu tố:
+ Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Mỹ Latinh đầu thế kỉ XIX
+ Các nước tư bản Tây Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) đẩy mạnh âm mưu xâm nhập trở lại ở khu vực này.
+ Bên cạnh đó cần phải nhắc đến yếu tố nội tại của nước Mỹ, đó là một quốc gia đang lớn mạnh và nó cần có một chính sách đối ngoại độc lập, riêng rẽ đối với các cường quốc châu Âu.
ð Chính những yếu tố đó đã thúc đẩy sự ra đời của Học thuyết Monroe.
-Nội dung chủ yếu của Học thuyết Monroe gồm 3 nguyên tắc cơ bản:
“Nguyên tắc Hệ thống châu Mỹ”: Tổng thống Monroe căn cứ vào hệ thống chính trị của châu Mỹ (khác với các cường quốc châu Âu) để lí giải tại sao nước Mỹ cần phải đặt ra nguyên tắc này.
“Nguyên tắc không can thiệp”: Trong thông điệp Liên bang Tổng thống Mỹ đã  cho rằng “với các nước phụ thuộc và thuộc địa hiện có của bất kì cường quốc châu Âu nào chúng ta không hề can thiệp và sẽ không can thiệp… chúng ta sẽ xem bất kì sự can thiệp nào bởi bất kì một cường quốc châu Âu nào là sự biểu lộ một ý định thù địch đối với nước Mỹ”.
“Nguyên tắc phi thực dân”: Tổng thống Monroe đã nêu rõ “Lục địa châu Mỹ xuất phát từ điều kiện tự do và độc lập từ nay trở về sau sẽ không còn được coi là đối tượng cho việc chiếm hữu thuộc địa của bất cứ cường quốc châu Âu nào”.
Ba nguyên tắc trên đã trở thành nền tảng cơ bản trong chính sách của Mỹ đối với các nước Mỹ Latinh.
Chương 2: Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX.
Chương này gồm có 3 nội dung chính:
Thứ nhất, tìm hiểu về quá trình Mỹ sử dụng Học thuyết Monroe để đẩy lùi và thu hẹp ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu mà chủ yếu là Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Đối với các cường quốc châu Âu, Học thuyết Monroe là một lời cảnh báo tới họ là hãy tránh xa lục địa châu Mỹ nói chung và Mỹ Latinh nói riêng. Từ khi Học thuyết Monroe ra đời, đã chính thức khẳng định nước Mỹ sẽ không đứng ngoài các vấn đề của châu Mỹ nữa mà sẽ bắt đầu cho một thời kì mới của chính sách ngoại giao của nước này. Thực chất, đây là một học thuyết nhằm phân chia lại khu vực ảnh hưởng, nỗ lực kiềm chế sự khôi phục và giành thêm thuộc địa mới, ngăn chặn ảnh hưởng sâu rộng của hệ thống chính trị của các nước châu Âu ở khu vực này và cuối cùng là loại trừ ảnh hưởng của nó ra khỏi châu Mỹ.
Thứ hai, tìm hiểu quá trình Mỹ mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm đất đai ở khu vực Mỹ Latinh. Học thuyết Monroe đã trở thành công cụ để chính quyền Mỹ chiếm những vùng lãnh thổ của Mexico, can thiệp vào Cuba và  vùng biển Caribean đồng thời kiểm soát kênh đào Panama, thành lập “Liên minh toàn châu Mỹ” nhằm khống chế các nước ở khu vực Mỹ Latinh.Hoa Kỳ từng bước thể hiện vai trò nước lớn trong khu vực bằng lập trường ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước Mỹ Latinh, sớm công nhận nền độc lập của họ; sự ra đời của Học thuyết Monroe đã đặt Hoa Kỳ vào vị thế người bảo hộ của châu Mỹ. Đến cuối thế kỉ XIX, chính sách đối ngoại của Mỹ có nhiều chuyển biến trên cơ sở mở rộng và phát triển Học thuyết Monroe, tiếp tục chính sách bành trướng mang tính chất truyền thống tại châu Mỹ, cạnh tranh quyết liệt với vị thế còn sót lại của một vài cường quốc châu Âu tại đây.
Thứ ba, về ý nghĩa của Học thuyết Monroe, với học thuyết này chính quyền Mỹ đã làm được một lúc hai việc, một mặt khẳng định lục địa châu Mỹ mà trước hết là Mỹ Latinh đã “đóng cửa” đối với những tham vọng thực dân của các cường quốc châu Âu, mặt khác, đòi hỏi các cường quốc này phải tôn trọng nguyên trạng hiện thời của Mỹ Latinh. Điều này không chỉ giúp Mỹ đảm bảo an ninh ở Tây bán cầu mà còn có tác dụng giúp Mỹ bành trướng ở khu vực đó khi có điều kiện.
Học thuyết Monroe trở thành một trong những nội dung chính và nền tảng của chính sách đối ngoại của Mỹ với ý nghĩa vô cùng lớn trong lịch sử của đất nước rộng lớn, đầy tham vọng này.
3.   Kết luận
Như vậy, qua việc tìm hiểu về Học thuyết Monroe và những ảnh hưởng của nó trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX, chúng ta có thể thấy Học thuyết Monroe chính là nền tảng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ những giai đoạn sau. Đó là một chính sách “thực dụng, linh hoạt và tài tình” của nền ngoại giao Hoa Kỳ trong việc đánh giá tình hình và khả năng đối ngoại của quốc gia, dân tộc mình. Đầu tiên là thực hiện “chính sách biệt lập” không tham gia, không can thiệp vào bất cứ vấn đề gì bên ngoài nước Mỹ, sau đó, bên cạnh một sự biệt lập nhất định thì một nước Mỹ sau khi đã gây dựng cho mình một sức mạnh cần thiết, Hoa Kỳ đã dùng sức mạnh ngoại giao để tuyên bố “châu Mỹ của người châu Mỹ”. Từ Học thuyết Monroe, Mỹ lần lượt đuổi hết những tên thực dân có âm mưu và hành động “nhòm ngó” bất cứ bộ phận nào của Tây bán cầu, can thiệp thô bạo đến các nước Mỹ Latinh như một “sứ mệnh hiển nhiên”. Theo đà phát triển và tích lũy lực lượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ, chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh ngày càng có tính chất tinh vi hơn, còn Học thuyết Monroe ngày càng hết sức lộ rõ bộ mặt thật của nó. Học thuyết đó là một công cụ của tư bản Mỹ nhằm đặt ách thống trị của Mỹ trên toàn châu Mỹ và cùng với thời gian nó đã trở thành cơ sở cho chính sách bành trướng của Mỹ đối với tất cả các lục địa trên thế giới.
Hoa Kỳ không chỉ là chủ thể trong quan hệ quốc tế mà còn là chủ thể đặc biệt, bởi vì với vai trò cường quốc mà nó đã dày công xây đắp cho mình, hầu như mọi chính sách của nước này, không ít thì nhiều đều tác động lên quan hệ quốc tế. Chính những hành động của Hoa Kỳ, với niềm tin về “sứ mệnh bành trướng” đã đặt ra nhiều vấn đề trong quan hệ quốc tế từ cuối thế kỉ XIX đến nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 [1] Arthur M. Schlesinger (2004), Niên giám lịch sử Hoa Kỳ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
 [2] Daniel Cosio Villegas – Ignasio Bernal, Eduardo Blanquel – Lorenzo Meyer (2005), Lịch sử giản yếu Mexico, Nxb Thế giới, Hà Nội.
 [3] Hoàng Thị ĐiệpChâu Mỹ Latinh trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời cận đại, Luân văn thạc sĩ.
 [4] Irwin Unger (2009), Lịch sử Hoa Kỳ: Những vấn đề quá khứ, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
[5] Lý Thắng Khải (2005), Nội tình nhà Trắng 200 năm, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét