Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

NỢ CÔNG Ở CHÂU ÂU VÀ MỸ


NỢ CÔNG Ở CHÂU ÂU VÀ MỸ

                                                            Trần Thị Hồng Thư – K60CLC


           Có thể nói hầu hết các quốc gia đều có nợ công, dù ít hay nhiều, tạm thời hay mãn tính. Nợ công đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhưng sẽ trở thành quốc nạn khi bắt đầu gây tổn hại đến nền kinh tế. Nó có thể dẫn đến lạm phát, làm cho quốc gia mất khả năng thanh toán và các nhà đầu tư mất niềm tin… Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2007-2008, nợ công đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều nước không chỉ các nước nghèo, các nước đang phát triển mà ngay cả Mỹ và một số nước đã phát triển trong Cộng đồng chung châu Âu cũng gặp phải vấn đề này.
1.    Khái niệm và bản chất của nợ công  
            Nợ công là hậu quả của vấn đề chi tiêu công bất hợp lý. Chi tiêu công chính là các khoản chi của nhà nước (trung ương và chính quyền địa phương) thực hiện thông qua ngân sách Nhà nước. Chi tiêu công bao gồm các khoản chi để duy trì bộ máy nhà nước, chi đầu tư phát triển, chi các mục tiêu văn hóa - xã hội, chi quốc phòng, chi trả nợ nước ngoài và dự phòng. Mỗi quốc gia đều phải cân đối mức thu chi. Khi thu không đủ chi, nhà nước phải đi vay dẫn đến hình thành nợ công.
            Nợ công (nợ chính phủ hoặc nợ quốc gia) là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách.
            Nợ công bao gồm:
1) Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước);
2) Nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước);
3) Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm);
4) Nợ dài hạn (trên 10 năm).
            Khi nợ trong nước lớn thì chính phủ buộc phải tăng thuế để trả lãi nợ vay. Thuế làm méo mó nền kinh tế, gây ra tổn thất vô ích về phúc lợi xã hội. Nợ nước ngoài lớn thì chính phủ buộc phải tăng cường xuất khẩu để trả nợ nước ngoài và do đó khả năng tiêu dùng giảm sút.
            Khi xem xét bản chất của vấn đề nợ công, nếu chỉ xét tỷ lệ nợ công/GDP thì chưa đủ bởi tỷ lệ nợ công/GDP chỉ phản ảnh một phần nào đó về mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công. Nếu xem xét tỷ lệ đó mà khẳng định nợ công an toàn thì chưa có cơ sở. Nợ công khoảng 100% GDP đủ để một nước như Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi đó nợ công lên tới hơn 200% như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn bởi vì nợ công của Nhật Bản chủ yếu là nợ vay trong nước .
            Vì vậy, khi xét đến nợ công, điều cốt lõi không chỉ cần quan tâm tới tổng nợ, nợ hàng năm phải trả mà phải quan tâm tới rủi ro và cơ cấu nợ. Nghĩa là phải tính tới khả năng trả nợ và rủi ro trong tương lai, chứ không chỉ là con số tổng nợ trên GDP. Mức độ an toàn hay nguy hiểm của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng phát triển của nền kinh tế.
2.    Biểu hiện:
             Mức nợ công ở Mỹ đã bằng khoảng 100% GDP, các nước khu vực đồng Euro đã vượt qua ngưỡng 100% GDP có nước đã tới 200% GDP và đứng trước nguy cơ vỡ nợ cần cứu trợ.
            Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng nợ nước ngoài của Mỹ là 14,959 nghìn tỷ USD. Đây là mức nợ công lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ, nhiều hơn cả số nợ tích lũy từ khi Tổng thống George Washington nhậm chức cho tới khi Tổng thống Bill Clinton bước vào Nhà Trắng.
            Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo, nếu các khoản cắt giảm thuế dưới thời Tổng thống Bush và các chính sách tài khóa khác không thay đổi, khoản thâm hụt ngân sách lũy kế trong 10 năm tiếp theo của Mỹ sẽ là 7.845 tỷ USD, giảm 250 tỷ USD so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2012. Nhiều khả năng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2012 sẽ lên mức 1.171 tỷ USD.
            Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng được cả thế giới quan tâm. Trong đó, Hy Lạp và Áo là hai nước có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Tổng nợ nước của Hy Lạp là 546,92 tỷ USD trong khi GDP năm 2011 ước tính 305,6 tỷ USD, Tổng nợ nước ngoài của Áo là 847,95 tỷ USD, GDP năm 2011 ước tính 351,4 tỷ USD.
3.    Nguyên nhân
             Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ nần. Ở mỗi nước và tuỳ từng thời kỳ lại có các nguyên nhân khác nhau, song tình trạng nợ công hiện nay ở Châu Âu và Mỹ có chung một số nguyên nhân cơ bản như:
            Một là, việc gia tăng mạnh chi tiêu từ ngân sách nhà nước, lương và chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước ở các cấp có xu hướng ngày càng phình to, các chương trình kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đầu tư phát triển có sở hạ tầng không ngừng tăng..., đặc biệt, hậu quả to lớn của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua đã buộc nhiều nước phải chi rất nhiều để khắc phục.
            Hai là, sự kiểm soát chi tiêu và quản lý nợ của Nhà nước kém, không chặt chẽ, thậm chí bị buông lỏng, cộng thêm với tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư và chi tiêu, cùng với tệ tham nhũng phát triển ở nhiều nước, cũng trở thành nguyên nhân không kém phần quan trọng.
Ba là, các nguồn thu (chủ yếu từ thuế) tăng không kịp với nhu cầu chi, thậm chí một số loại thuế chịu áp lực phải cắt giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt như thuế quan và phí hải quan của hầu hết các nước phải cắt giảm hoặc loại bỏ phù hợp với các quy định của WTO và các thoả thuận thương mại khác mà họ tham gia. Trong khi đó, vấn đề quản lý các nguồn thu, nhất là từ thuế, gặp không ít khó khăn ở nhiều nước do tình trạng trốn thuế, tệ tham nhũng, hối lộ, kiểm soát không chặt và xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng.
            Đặc biệt, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công, là các các quốc gia châu Âu và Mỹ đang có mức sống cao hơn khả năng kinh tế thực của họ, vì sự suy thoái từ nhiều năm trong sản xuất và cung cấp dịch vụ có giá trị thực, cuối cùng đưa đến ngân sách bội chi thường xuyên.
4.      Giải pháp
            Thời gian qua, giới lãnh đạo châu Âu, cùng với sự trợ giúp của IMF, đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nợ của khu vực, như nâng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu lên 1.000 tỷ USD, xoá 50% nợ cho Hy Lạp và cấp thêm cho nước này gói giải cứu thứ hai trị giá 230 tỷ USD, cùng với những quyết định quan trọng khác trong các cuộc họp cấp cao mới đây.
            Nhiều nước Eurozone đang triển khai các biện pháp “khắc khổ” để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Biện pháp này nhằm đáp ứng điều kiện của các chủ nợ, song lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.
            Italy cũng đã thành công lớn trên thị trường trái phiếu, khi đã phát hành được 6 tỷ euro (khoảng 7,8 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 7 năm trong ngày 14/3, với lãi suất thấp hơn nhiều.
             Trong ba tháng qua, trung bình mỗi tháng, nước Mỹ tạo ra được trung bình 200.000 việc làm mới. Với đà trên, một số chuyên gia dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có khả năng giảm xuống mức 8%. Thị trường việc làm ở Mỹ phát triển cũng như mối lo ngại về nợ công châu Âu đã tạm lắng sẽ trở thành động cơ thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ có thể thoải mái hơn trong các khoản chi tiêu của mình.
5.    Những tác động tới Việt Nam
Kinh tế thế giới suy thoái và các chính phủ Châu Âu, Mỹ… đều thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế, giảm chi tiêu công, tình trạng thất nghiệp gia tăng… đã dẫn tới hệ quả là nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia này suy giảm, khả năng nhập khẩu giảm, do vậy sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ngay trong năm 2011 tuy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trên 33% nhưng chủ yếu là nhờ tăng giá. Nhưng sang năm 2012 xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn.
            Do khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, các ngân hàng Châu Âu đang có những tính toán giảm tín dụng cho Châu Á, tín dụng của các ngân hàng Châu Âu cho Châu Á hiện vào khoảng 1500 tỷ USD. Nếu họ thực sự giảm tín dụng cho Châu Á, thì các nền kinh tế Châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ phải chịu những hệ lụy nhất định.
            Các dòng vốn đầu cơ ngày càng lớn, sẵn sàng nhẩy vào các thị trường kiếm lợi do chênh lệch tỷ giá và lãi suất, và khi thời cơ kiếm lời không còn, chúng sẽ rút chạy và để lại những hệ quả tiêu cực. Việt Nam cũng đang đối diện với thách thức này.
            Tuy nhiên cũng khủng hoảng này cũng đang tạo ra những cơ hội cho Việt Nam. Cơ hội trước hết là các dòng vốn đầu tư rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi – Việt Nam là một nơi được đánh giá cao về địa kinh tế và ổn định về chính trị và xã hội. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Bằng chứng là khi Việt Nam gia nhập WTO, FDI vào Việt Nam đã đạt tới mức 70 tỷ USD.
            Dù khủng hoảng kinh tế, nhưng dân các nước này vẫn phải ăn, mặc … do vậy những mặt hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu. Việt Nam cũng phải nghiên cứu sâu hơn những cuộc khủng hoảng đang diễn ra, để có thể tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng được các lợi thế cho sự phát triển của mình, đồng thời đẩy mạnh công cuộc đổi mới thể chế và công nghệ để tạo đà phát triển vững chắc hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Janny Minton Beddoes, Năm của tình trạng đình đốn, The Economist, chuyên trang Việt Nam.
[2] Võ Đại Lược, Kinh tế thế giới – Khủng hoảng và điều chỉnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.
[3] Federico Steinbery, Một trật tự kinh tế mới đang hình thành, mạng trực tuyến của Trường đại học tự trị Madrit, Tây Ban Nha.Anh Thanh, Kinh tế thế giới 2011, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 03/01/2012.
[4] Vũ Quang Việt, Học từ khủng hoảng để cải cách kinh tế Sài Gòn, 29/12/2011.
[5] 2011: Châu Âu điêu đứng vì khủng hoảng nợ công, Đài RFI, 27/12/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét