Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Trên đại thảo nguyên xanh Nội Mông


Trên đại thảo nguyên xanh Nội Mông 


(DVT.vn) - Vương Chiêu Quân là một “đại mỹ nhân” Trung Hoa. Sau khi bà “cống Hồ”, 60 năm không xảy ra binh lửa Hán - Hồ. Tôi đến thăm mộ bà ở Hohhot…
Qua Hohhot, thủ phủ Nội Mông

Đi tàu nằm khởi hành từ Bắc Kinh lúc 8 giờ 1 phút tối, vượt Vạn Lý Trường Thành trong đêm sương, băng qua thành phố Trương Gia Khẩu còn sáng đèn, tờ mờ sáng, tôi đến Hohhot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông. Tháng 8 dương lịch, buổi sáng, trời thảo nguyên dịu mát. Cô hướng dẫn viên Lữ Tuệ, sinh viên ngành du lịch mới ra trường, quần jeans màu lam thẫm, áo T-shirt vàng tươi in dòng chữ Anh đỏ rực trên ngực I love China (tôi yêu Trung Quốc) nói giọng Bắc Kinh chuẩn, dễ nghe (chả là vì thời trẻ tôi từng học ở Bắc Kinh).

Hohhot còn có thể viết là Hohehot, trong tiếng Mông Cổ nghĩa là Thành phố Xanh, một vùng dân cư hình thành từ thời Chiến Quốc, trước Công nguyên, phát triển mạnh dưới triều Thanh và trở nên phồn thịnh trong những năm Cải cách.

Hohhot được phiên ra tiếng phổ thông Trung Quốc là Huhehaote, đọc theo âm Hán-Việt là Hô Hòa Hạo Đặc (gọi tắt là Hô thành) - cái tên nghe “lạ hoắc” đối với nhiều người Việt Nam ta.

Khách sạn tôi ở thuộc loại bốn sao, ở trung tâm Hohhot. Từ đây tha hồ ngắm quảng trường Tân Hoa, tượng đài sừng sững, vây quanh là những cao ốc chọc trời và những đại lộ sáu làn xe.
Hohhot nằm trên Con đường Tơ lụa xưa nối liền Trung nguyên Hoa Hạ với miền Tây Á. Khách thương qua lại, ngựa xe dập dìu.

Thành phố hiện nay rộng 17.222 km2, số dân 2,1 triệu, là một “đô thị mở”, từ đây có thể dễ dàng đi Bắc Kinh, Ulan-Bator, Bình Nhưỡng, Moskva…

Viếng mộ “Chiêu Quân cống Hồ”

Vương Chiêu Quân (Wang Zhaojun) tên tục là Tường (Xiang), tên tự là Chiêu Quân (Zhaojun), người vùng Nam Quận thời Tây Hán, nay thuộc huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Tên bà thường được gọi là Vương Tường.

Thời Nguyên Đế nhà Tây Hán, Vương Tường 17 tuổi, con nhà lành nên được tuyển vào cung theo “đặc chiếu” vua ban.

Năm 33 trước Công nguyên, thủ lĩnh Hung Nô Hô Hàn Da đến kinh đô Trường An, đích thân vào chầu Hán Nguyên Đế, xin được cầu hôn, rồi tôn nghiêm thệ ước mãi mãi chấm dứt binh đao, gìn giữ tình “hòa thân Hán - Hồ”.
huông úp.

Lúc bấy giờ trong cung Hán có mấy nghìn cung nhân. Vua không sao biết mặt, nhớ tên, bèn sai Mao Diên Thọ, người đất Đỗ Lăng, vẽ tranh truyền thần dung nhan các cung nhân, đem bày tranh ở tòa biệt điện, để vua tiện “nhận diện qua tranh”, rồi đến đêm mới triệu vào hầu cận! (Thế mới biết, tệ “quan liêu” không phải là thứ “sản phẩm độc quyền” của thời đại chúng ta!) Do vậy, đám cung nhân đua nhau đút lót bạc vàng châu báu cho Diên Thọ để ông ta vẽ tranh mình đẹp hơn khuôn mặt thật! Riêng Chiêu Quân nghĩ mình nhan sắc nghiêng thành, thì chẳng cần gì phải đút lót, thế nên bị Diên Thọ vẽ chân dung “bôi bác”, chưa lần nào được triệu vào hầu vua!…


Trước kia, vào thời Hán Vũ Đế, đại thần Lưu Kinh từng dâng kế hay, đem công chúa gả cho thiền vu Mặc Độc (thiền vu là tước vị của vua nước Hồ). Như vậy, Mặc Độc sẽ trở thành con rể Hoàng đế nhà Hán, khi ông ta qua đời, con trai ông ta sẽ lên ngôi thiền vu. Là cháu ngoại Hoàng đế nhà Hán, lẽ nào vị thiền vu mới đăng quang dám “đoạn tình” cất quân đi đánh ông ngoại của mình! Như vậy, sẽ tránh được binh đao đổ máu…

Nhận thấy kế xưa của Lưu Kinh giờ vẫn là “diệu kế”, khi thiền vu Hô Hàn Da đến cung Hán xin cầu hôn, Hán Nguyên Đế bèn truyền lệnh xem thử trong đám cung phi có ai thuận kết hôn với thiền vu không. Chiêu Quân liền xin bệ kiến. Đây là lần đầu tiên giáp mặt “đại mỹ nhân”, Nguyên Đế quá sững sờ trước vẻ đẹp nghiêng thành của nàng, thật khác xa bức “truyền thần” láo toét do Diên Thọ vẽ! Tuy mê mẩn tâm thần, nhưng là “đấng thiên tử” ở Trung Nguyên, lẽ nào Nguyên Đế có thể nuốt lời hứa với thiền vu! Chiêu Quân đành “xuất tái” (qua cửa ải) về Hồ, trong nỗi luyến tiếc vô cùng của Nguyên Đế. Bậc “minh quân” Hán triều chỉ còn biết trút giận bằng cách ban chỉ dụ xử trảm Mao Diên Thọ, bêu đầu trước cổng thành, vì tội dám cả gan “ăn của đút, vẽ láo, lừa vua”!

Sau khi Hô Hàn Da qua đời, con trai bà vợ lớn của ông ta lên ngôi thiền vu. Chiêu Quân xin về Hán, nhưng Hán Thành Đế lệnh cho nàng phải tuân thủ “Hồ tục”. Chiêu Quân phải làm vợ vị thiền vu mới, tức là lấy… con riêng của chồng - điều mà “Hán tục” coi là loạn luân!

Thời Hán, người Trung Hoa coi Hồ (vùng Ngoại Mông và Nội Mông ngày nay) là xứ “man di”, chưa biết chuộng thi thư, lễ nghĩa. Việc Chiêu Quân cống Hồ, suốt đời phải sống cay đắng ở chốn quê người xa thắm, được coi như một sự hy sinh khủng khiếp.

Sau này, nhìn lại năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc, người Trung Hoa vẫn chỉ công nhận có bốn “đại mỹ nhân”: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, và Dương Quý Phi. Trong bốn “đại mỹ nhân” ấy, chỉ một mình Vương Chiêu Quân bị “đày đọa” tận miền Tây Vực!

Tuy nhiên, chính nhờ sự hy sinh của nàng, suốt 60 năm sau đó, không xảy ra binh lửa Hán - Hồ.
Ngày nay, Vương Chiêu Quân được Chủ tịch Giang Trạch Dân coi là biểu tượng của tình “hòa thân Hán - Hồ” cũng như tình đoàn kết giữa các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Trung Hoa.

Đến thăm khu mộ Chiêu Quân, tôi đọc được bài thơ luật Đường bốn câu bảy chữ của nhà cách mạng Trung Hoa hiện đại, Phó Chủ tịch Đổng Tất Vũ khắc trên tấm bia đá trắng. Mộ Chiêu Quân xanh rờn cây cỏ, đã có lịch sử hơn hai nghìn năm, là ngôi mộ Hán lớn nhất còn lại cho tới ngày nay. Đó là một ngọn núi đất đắp, cao 33 m, chân đế rộng 13.000 m2, trông tựa quả chuông khổng lồ đặt úp.

Qua nhiều triều đại, khu mộ được mở rộng thành một công viên lớn. Chính giữa dựng tượng đài Hô Hàn Da và Vương Chiêu Quân sóng đôi cưỡi ngựa về Hồ. Bức tượng mang tên “Hòa Thân đồng tượng” có nghĩa là bức tượng đồng biểu hiện tình hòa thân giữa Hán tộc và Mông tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét