Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Dấu tích đô thị cổ Liên Lâu


Dấu tích đô thị cổ Liên Lâu (Luy Lâu)


- So với Cổ Loa, Liên Lâu là một bước tiến xa. Những kết quả khảo cổ cho thấy, đây không chỉ là trung tâm hành chính, mà còn là trung tâm quân sự, văn hóa, kinh tế của Giao Chỉ.
Cổng đền Sĩ Nhiếp
Vào thời nước ta thuộc Tây Hán (111 TCN - 25 SCN), trị sở của thái thú quận Giao Chỉ đóng tại Long Biên, cho tới đời Hán Quang Vũ đầu thời Đông Hán, thái thú Tô Định vẫn đóng trị sở ở nơi cũ. Nhiều tài liệu ghi chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã nói tới con đường hành quân của quân khởi nghĩa là từ đất Mê Linh kéo qua Cổ Loa để tới đánh Tô Định ở Liên Lâu. Tô Định thất bại từ Liên Lâu trốn chạy về Nam Hải vào năm 40 SCN.

Như vậy, từ thế kỷ II TCN đến những năm đầu của thế kỷ I SCN, Liên Lâu đã từng là trung tâm hành chính cấp quận của bộ máy thống trị nhà Hán. Đất trị sở tất phải đông vui, phồn thịnh hơn tất cả mọi nơi khác trong quận. Các thư tịch cổ cho ta biết rằng, Liên Lâu đã là nơi "đất lành chim đậu" từ rất lâu từ khi đế quốc Tây Hán bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ nước ta.

Cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ III, chính quyền Đông Hán suy vong. Cục diện tam quốc nảy sinh. Ở Việt Nam, quyền hành nằm cả trong tay cha con Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp như đế vương đóng đô ở Liên Lâu (thuộc đất huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) một trạm gần cuối "con đường xâm lược". Con đường xâm lược càng đóng vai trò huyết mạch và những trạm Uông Bí, Đông Triều... càng trở nên những khu cư trú lớn.

Sĩ Nhiếp đóng trị sở ở Liên Lâu từ năm 187 cho tới khi chết vào năm 226. Trong suốt thời gian 40 năm đó, trong khi ở Trung Quốc tình hình rất loạn ly thì Giao Chỉ là vùng đất yên vui thịnh vượng. Đô thị Liên Lâu ngày một mở mang. Không ít người dân Trung Quốc trốn chạy chế độ hà khắc sang lánh nạn ở đất Giao Chỉ và tất nhiên có nhiều người lần về lập nghiệp tại thủ phủ Liên Lâu. Vào thời kỳ đó, những người buôn Ấn Độ đã theo đường biển sang Giao Chỉ và cũng buôn bán ở Liên Lâu. Đi theo người buôn là những tăng lữ Ấn tới Liên Lâu đã trở thành những người truyền bá Đạo Phật đầu tiên trên đất Giao Chỉ. Trung tâm hành chính Liên Lâu lại mang tính chất một trung tâm tôn giáo.

Về địa danh Liên Lâu người ta dễ dàng nhận biết vì ở đây còn có một tòa thành cổ, trong thành có đền thờ Sĩ Nhiếp với những tấm bia đá chữ khắc rõ ràng tòa thành của Sĩ Nhiếp. Hơn thế nữa, quanh vùng còn nhiều đình chùa và chuyện kể cho hay nơi đây là đô thị trung tâm của những thế kỷ II, III. Xa hơn một chút là di tích lăng Sĩ Nhiếp cùng đền thờ tại Tam Á chứng minh thêm cho vị trí thủ phủ Sĩ Vương. Nhưng sử còn chép về một tòa thành Long Biên tồn tại vào những thế kỷ Bắc thuộc cũng ở vùng này. Thực ra Long Biên mà sử chép cũng chính là thành Liên Lâu.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Sĩ Nhiếp chép: "Sĩ Nhiếp đổi làm thái thú Giao Chỉ, phong là Long độ đình hầu, đóng đô ở Liên Lâu (tức là Long Biên)".

Năm 210, khi Ngô Tôn Quyền cử Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu thì Sĩ Nhiếp đem anh em ra đón và theo mệnh lệnh, Ngô Tôn Quyền phong cho làm Tả tướng quân. Sau vì có công dụ bọn thổ hào ở Ích Châu quy phục với Ngô mà được Ngô Vương thăng làm Vệ tướng quân, tước Long Biên hầu. Điều đó càng làm rõ Liên Lâu chính là thành Long Biên.

Thành cổ Liên Lâu là một tòa thành hình chữ nhật. Chiều dài khoảng 600m, chiều rộng 300m. Thành đắp bằng đất, bốn góc có bốn hỏa hồi đắp rộng nhô ra phía ngoài. Xung quanh đều có ngoại hào. Đặc biệt, phía trước là con sông Dâu là ngoại hào thiên nhiên tốt nhất bền vững nhất. Đáng tiếc là thành đã bị phá nghiêm trọng chỉ còn duy nhất ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp được xây dựng vào thời Lê ở chính giữa thành là còn nguyên vị trí.

Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật ở nơi đây và cho chúng ta kết quả khá quan trọng, nhiều bếp lò kê ba hòn gạch, cùng nồi gốm, dưới có than tro. Trong đống than tro tìm thấy nhiều chiếc chông củ ấu. Di tích bếp lửa và chiếc chông củ ấu và rất nhiều đồ đồng, đồ sắt chứng tỏ nơi đây đã phát triển mạnh và là nơi tụ hội đông đúc các cư dân làm nghề thủ công, trồng lúa... Niên đại của các bếp nung có niên đại thế kỷ II, III chứng minh rằng, tòa thành của Sĩ Nhiếp mới ở độ cao này.

Trịnh Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét