Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI PARK CHUNG HEE VÀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ ĐẾN NỀN KINH TẾ

CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI PARK CHUNG HEE VÀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ ĐẾN NỀN KINH TẾ
          BỘ MÔN
HÀN QUỐC HỌC
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM




Lời nói đầu
            Trong bối cảnh của một đất nước đã trải qua thời kì phong kiến lâu dài, rồi đến thời kì thực dân và ngay sau đó là cuộc chiến tranh tàn khốc, một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn vốn quốc nội, không costhij trường chin muồi. Nhưng Hàn Quốc đã đạt được đồng thời một cách ổn định cả thể chế chính trị dân chủ lẫn sự tăng trưởng kinh tế kỉ lục. Người ta đã gắn cho Hàn Quốc những cái tên như “ Kì tích bên sông Hàn” hay một trong “Bốn con rồng Châu Á”. Những đánh giá này cho thấy rõ thành tựu đáng kinh ngạc của Hàn Quốc.
            Các nhà chính trị học cho rằng sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc là do sự can thiệp của Nhà nước, của Chính phủ. Trong đó, không thể không nói tới chế độ độc tài Park Chung Hee. Ông là nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Hàn Quốc.
            Qua bài viết này tôi muốn giới thiệu khái quát về chế độ độc tài Park Chung Hee cùng với những chính sách phát triển kinh tế của ông trong việc hiện đại hóa kinh tế bước đầu ở Hàn Quốc.
            Trong bài viết này cũng không tránh khỏi những sai sót rất mong được sự đóng góp ý kiến của thầy cô và các bạn để đề tài của tôi được hoàn thiện hơn, xin chân thành cảm ơn !
  1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI :
    1. Khái niệm :
Nói tới chế độ độc tài là nói tới một cấu trúc chính trị quản lý xã hội mà trong đó quyền lực chính trị tập trung vào tay một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân cùng với việc giải tán hay làm giảm vai trò của các cơ quan đại diện (Quốc hội) và các đảng phái chính trị đối lập. Và nó dựa vào sự ủng hộ và hậu thuẫn vững chắc của Quân đội.
    1. Cơ sở phân loại :
-        Các nhà chính trị học phương Tây dựa vào mục đích của chế độ độc tài để phân chế độ độc tài thành : “chế độ độc tài phát triển” (Hàn Quốc) và “chế độ độc tài phản phát triển” (Pakistan và một số nước Châu Phi).
-        Các nhà chính trị học Mác – xít dựa trên tính chất quyền lực chính trị và phương pháp quản lý xã hội để phân chế độ độc tài thành : “chế độ độc tài hợp hiến” và “chế độ độc tài quân sự”.   
    1. Vai trò của chế độ độc tài:
Chế độ độc tài có hai mặt :
-        Tích cực : các chế độ độc tài phát triển làm thay đổi diện mạo nền kinh tế, thay đổi diện mạo xã hội ( lực lượng nông dân giảm, giai cấp tư sản và vô sản tăng) ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, văn hóa có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
-        Tiêu cực : chế độ độc tài chống dân chủ một cách kiên quyết. Vì thế đã đàn áp dã man các cuộc đấu tranh đòi dân chủ của công nhân và sinh viên, trí thức…làm cho xã hội bất ổn và mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền và nhân dân ngày càng sâu sắc.
Tóm lại, chế độ độc tài là chế độ chính trị hình thành trong điều kiện xã hội quá độ lên chủ nghĩa tư bản hiện đại. Mà ở chế độ chính trị đó quyền lực mang tính chất tập trung.

  1. NỘI DUNG
1.      Chế độ độc tài Park Chung Hee (1961 – 1979)
1.1              Quá trình hình thành
Nhà nước cộng hòa lần thứ hai do Yoon Bo – sun làm tổng thống và Jang Mien làm tổng thư kí quốc vụ đã ra đời vào tháng 8 cùng với năm nhà nước Cộng hòa đầu tiên sụp đổ. Nhưng chính quyền này chỉ tồn tại được trong 9 tháng và cũng bị sụp đổ do cuộc đảo chính quân sự vào ngày 16 tháng 5 năm 1961 do Park Chung Hee đứng đầu.
Cuộc đảo chính thành công đã kết liễu chế độ dân chủ đại nghị và đặt cơ sở cho sự xác lập và hoạt động của một mô hình quản lý xã hội mới. Đại tướng Park Chung Hee – người cầm đầu cuộc đảo chính sau 2 năm nắm quyền là chủ tịch “ Hiệp hội kêu gọi tái thiết quốc gia” đã tranh cử và trúng cử tổng thống đồng thời với việc chuyển giao sang chính quyền dân sự ; thâu tóm toàn bộ quyền lực và hợp hiến hóa chức vụ lãnh đạo Nhà nước. Thông qua hoạt động của “ Hiệp hội kêu gọi tái thiết quốc gia” Park Chung Hee đã giải tán Quốc hội và các đảng phái chính trị đối lập hoạt động, đồng thời thẳng tay đàn áp các phong trào dân chủ chống đối. Tháng 12 năm 1962, sau khi dùng Quân đội đàn áp và dập tắt phong trào sinh viên và các mầm mống dân chủ thắng lợi, thong qua trưng cầu dân ý và điều khoản bổ sung Hiến pháp, lập kế hoạch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 15 tháng 10 năm 1963. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí ngột ngạt và căng thẳng dưới sự kiểm soát của Quân đội. Và cuối cùng, Park Chung Hee đã thắng cử với số phiếu bầu chênh lệch rất nhỏ để trở thành tổng thống Hàn Quốc.
Park Chung Hee – người đã thiết lập chế độ độc tài đầu tiên ở Hàn Quốc đã từng là thầy giáo trong thời kì thực dân, sau đó theo học trường sĩ quan lục quân Nhật Bản và trở thành sĩ quan chỉ huy. Ông là người lạnh lung, có năng lực nhưng cũng rất độc tài và chuyên chế. Chế độ độc tài Park Chung Hee được các nhà chính trị học phương Tây gọi là “Chế độ độc tài phát triển”, là chế độ chính trị xác lập nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị để tiến hành thành công hiện đại hóa kinh tế.
1.2              Tìm hiểu về cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội dưới chế độ độc tài Park Chung Hee
1.2.1        Kinh tế
Ngay sau thành công của cuộc đảo chính, nhà nước Cộng hòa thứ 3 của Park Chung Hee từ năm 1962 đã bắt đầu cho tiến hành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1962 – 1966) ; 5 năm lần thứ hai (1967 – 1971) ; 5 năm lần thứ ba (1972 – 1976) ; 5 năm lần thứ tư (1977 – 1981). Điều này đã vạch trước kế hoạch tương lai dài kì của kinh tế quốc gia và còn có ý nghĩa là xây dựng chiến lược để biến nó thành hiện thực. Nền kinh tế của Hàn Quốc trong giai đoạn này có sự can thiệp rất lớn của Nhà nước.
Hàn Quốc đã phát triển ngành công nghiệp nặng theo chính sách công nghiệp của chính phủ. Đặc biệt là nền công nghiệp hóa dầu, điện tử, đóng tàu với tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc đã thoát khỏi hình ảnh là loại ô tô kém chất lượng với giá rẻ trên thị trường Mĩ. Trái ngược với nền công nghiệp nặng phát triển thì nền nông nghiệp lại suy thoái và rơi vào tình trạng trì trệ. Để tiến hành công nghiệp hóa với xuất khẩu làm chủ đạo, chính phủ đã duy trì chính sách hạ giá nông sản. Mặt khác, diện tích đất bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Một thay đổi mang tính kinh tế quan trọng nữa đã xảy ra tron thời kì này là sự xuất hiện của các tập đoàn doanh nghiệp lớn mà ngày nay chúng ta gọi là Chaebol. Một số Chaebol có lịch sử lâu đời như Doosan hay Shimyang. Các doanh nghiệp này mang đặc trưng rất đáng chú ý là đều được sở hữu và vận hành theo kiểu gia đình trị.
Ngoài ra còn có lực lượng lao động đông đảo với giá nhân công rẻ mạt từ nông thôn ra đô thị làm thuê.
Một yếu tố rất quan trọng nữa, đó là Hàn Quốc có một khoản tiền lớn từ sự viện trợ kinh tế nhận được từ Nhật Bản. Điều này đã giúp cho chính sách phát triển công nghiệp nặng của Hàn Quốc diễn ra suôn sẻ và thu được nhiều thành công.
1.2.3        Chính trị
Mọi hoạt động chính trị trong thời kì này đều nằm dưới sự chi phối của “Hiệp hội kêu gọi tái thiết quốc gia”. Đây là một cấu trúc siêu quyền lực, đặt lên trên cơ cấu chính quyền dân sự lúc đó. Thành công của hội đồng khoảng 30 người, là những tướng lĩnh cao cấp, trung thành và tin cẩn của Park Chung Hee. Tổ chức này đã trở thành công cụ chuyên chế của Park Chung Hee, là nơi phác thảo đường lối phát triển của đất nước, đồng thời là cơ quan soạn thảo các chính sách chống dân chủ, chống cộng sản.
Về đối nội, sự đàn áp chính trị trong thời gian Park Chung Hee nắm quyền là rất cao. Ban hành sắc lệnh chống công nhân, cấm mítting, biểu tình, diễu hành, đàn áp dã man các phong trào đấu tranh chống đối chính phủ, đòi dân chủ hóa xã hội. Xây dựng tổ chức thân chính phủ bên trong các tổ chức công đoàn của công nhân để giám sát và kìm hãm phong trào đấu tranh của họ.
Mặc dù với tình hình chính trị như vậy nhưng trong cuộc Duy Tân tháng 10 được tiến hành vào năm 1972 đã khuấy động tinh thần của người dân Hàn Quốc vốn khao khát chủ nghĩa dân chủ. Trong tình trạng thiết quân luật bất thường được ban bố thì Quốc hội bị giải tán tạm thời và ngay cả hoạt động chính trị cũng bị cấm toàn bộ. Cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành theo chế độ trực tiếp bị đổi sang bầu cử gián tiếp do Uỷ ban quốc dân chủ trì thống nhất. Tổng thống có quyền tiến cử thành viên Quốc hội và giải tán Quốc hội. Thực chất là đã mở ra con đường để có thể trở thành tổng thống suốt đời  với vị trí quyền uy tuyệt đối.
Về đối ngoại, thôn tính Bắc Triều Tiên không bằng con đường vũ lực mà bằng con đường kinh tế ; thực hiện chính sách thân Mĩ, thân phương Tây, thù địch với Liên Xô và các nước XHCN. Bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào năm 1965.
Lực lượng quân đội và cảnh sát được chính trị hóa cao độ. Lực lượng quân đội được trang bị hùng mạnh, hiện đại. Hàn Quốc đã trở thành một căn cứ quân sự mạng của Mĩ ở Đông Nam Á. Quân đội Hàn Quốc bị biến thành đạo quân lê dương đánh thuê ở chiến trường Việt Nam và là lực lượng đàn áp hung bạo trong nước.
1.2.3        Xã hội
Xét về mặt xã hội, đây là thời kì diễn ra sự cải tổ toàn diện về tính di động trong tổ chức và cơ cấu giai cấp theo quá trình công nghiệp hóa. Hàn Quốc tiến hành công nghiệp hóa đã tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ về mặt xã hội chưa từng có trên toàn thế giới. Giấc mơ rằng chỉ cần nỗ lực cố gắng thôi thì cũng có thể bước lên một tầng lớp mới đã trở thành hiện thực và trong xã hội cơ cấu giai tầng càng được cải tổ toàn diện thì tham vọng thành đạt đã trở thành động cơ bên trong của mỗi người dân. Đa số nông dân nghèo đã rời nông thôn ra đô thị làm hình thành nên tầng lớp dân nghèo đô thị. Vì vậy mà lực lượng nông dân đã giảm đi. Mặt khác, cùng với sự phát triển của nền công nghiệp thì một số người đã trở nên giàu có và trở thành giai cấp tư sản, ngược lại nông dân nghèo ra thành thị làm thuê đã biến thành giai cấp vô sản đông đảo. Trong xã hội lúc này đã có sự phân hóa rất lớn giữa người giàu và kẻ nghèo, ông chủ và lao động làm thuê...
Dưới chế độ độc tài Park Chung Hee, nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, diện mạo xã hội cũng thay đổi theo xu hướng phát triển của một nước đang quá độ lên CNTB. Quyền lực chính trị mang tính chất chuyên chế, tập trung quyền lực cao. Chế độ độc tài Park Chung Hee đã làm thay đổi diện mạo của Hàn Quốc, góp phần đưa đất nước phát triển theo con đường CNTB trong tương lai.
  1. Tác động của chính phủ đến nền kinh tế - các chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước
Vào những thập niên 1960 – 1970, nếu tách rời vai trò của Park Chung Hee sẽ không thể hiểu được thời kì đầu của quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc. Ông đã xây dựng quốc gia phát triển theo kiểu nhà nước chỉ đạo tăng trưởng kinh tế. Ở Hàn Quốc, nếu như không có “Tổ chức phát triển” thì thật khó mà tạo được nguồn động lực cho tăng trưởng như ngày nay. Sự xuất hiện và thoái trào của quốc gia phát triển kiểu Hàn Quốc gắn liền với Park Chung Hee.
Park Chung Hee theo đuổi hệ thống chiến tranh lạnh đang diễn ra trên toàn thế giới và đấy mạnh hơn nữa chủ nghĩa chống cộng, đồng thời, dưới sự ủng hộ của Mĩ ông đã thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa theo hình thức xuất khẩu do Nhà nước làm chủ đạo. Để làm được điều này, ông đã tiến hành bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản, vốn là quốc gia mà hầu hết người dân Hàn Quốc đều từ chối đặt quan hệ, và sử dụng nguồn viện trợ kinh tế nhận được từ Nhật Bản làm nguồn tài vốn thời kì đầu cho công cuộc công nghiệp hóa. Đồng thời, thông qua việc tham chiến tại Việt Nam cùng với Mĩ, chính phủ Park Chung Hee đã lôi kéo về cho mình một nguồn viện trợ kinh tế to lớn. Ở trong nước, ông tiến hành đàn áp tàn nhẫn những người lao động đòi phân phối lại nguồn lực kinh tế, những thế lực chính trị yêu cầu dân chủ hóa và những khuynh hướng đòi cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên, đồng thời tiến hành cải tổ với trọng tâm là tính năng suất và sự lãnh đạo có tổ chức. Nhờ đó mà trong vòng 18 năm nắm quyền, ít nhất về mặt kinh tế, Hàn Quốc cũng đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Chính phủ Hàn Quốc thời kì này đã sử dụng các khoản viện trợ từ nước ngoài để mở rộng cơ sở hạ tầng cho công nghiệp trong nước. Bước vào những năm 1970, cùng với việc ban hành Hiến pháp, chính phủ xây dựng chế độ độc tài chuyên chế về mặt chính trị đồng thời triển khai chính sách công nghiệp hóa ngành hóa học và công nghiệp nặng với quy mô lớn cần đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc như : điện tử, hóa dầu, đóng tàu, ô tô, gang thép. Thực tế, thời kì này đầu tư vào ngành công nghiệp như vậy dưới con mắt của người Hàn Quốc và ngay cả nước ngoài là rất khó thực hiện. Đảng Shinmin – một đảng đối lập thời kì này đã phản đối kịch liệt việc xây dựng đường cao tốc Gyeongpu nối liền Busan với Seoul năm 1968 khi cho rằng “ dù có xếp thành hàng số ô tô của cả nước thì cùng không thể kín hết đường cao tốc Gyeongpu”. Khi Hàn Quốc tìm đến ngân hàng thế giới để vay khoản tiền nhằm sử dụng làm nguồn vốn xây dựng và ôm tham vọng xây dựng khu chế xuất thép tổng hợp Pohang, người ta nói rằng phó thống đốc ngân hàng thế giới đã từ chối cho vay bằng câu nói : ở một quốc gia đang phát triển thì có hai sự hoang đường. Một là sẽ cho xây dựng khu công nghiệp thép tổng hợp. Hai là đúc tượng đồng của các nhà lãnh đạo chính trị đang còn sống.
Vấn đề đặt ra cho  Hàn Quốc lúc này là việc huy động vốn Hàn Quốc bị ngân hàng thế giới từ chối cho vay vốn đã dùng hơn một nửa trong số 500 triệu USD được gọi là tiền Nhật bồi thường khi bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản để đầu tư xây dựng nhà máy thép Pohang cùng với sự tăng giá dầu trên toàn thế giới vào những năm 70, nguồn tiền mà Hàn Quốc có được nhờ bán dầu (đô la dầu lửa) cũng đã trở thành nguồn vốn quan trọng. Việc lập quỹ với quy mô lớn như lập quỹ đầu tư trong nhân dân cũng được thiết lập và cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp, duy trì lãi xuất cho vay của ngân hàng thấp. Tất cả các nguồn vốn đều do nhà nước trực tiếp đứng ra mới có khả năng huy động. Việc lập kế hoạch hiệu quả, dự đoán sự chuyển động của thị trường tương lai và đầu tư vào ngành công nghiệp nào đó gọi là chính sách công nghiệp. Bên cạnh đó, việc huy động phương tiện tín dụng như vậy để hậu thuẫn cho chính sách công nghiệp gọi là chính sách tín dụng. Như vậy, dưới sự can thiệp của bàn tay nhà nước, chính sách kinh tế của quốc gia phát triển trở nên có hiệu quả khi thông qua sự kết hợp của chính sách công nghiệp với chính sách tín dụng như vậy.
Qúa trình tiến hành một cách nhất quán kế hoạch của chính phủ đối với ngành công nghiệp cần đầu tư nhiều vốn này đã hình thành nên các tập đoàn công nghiệp có quy mô lớn của Hàn Quốc là Chaebol. Chính phủ đã bảo lãnh tài chính cho các tập đoàn này. Vượt qua khuôn khổ cả việc bảo lãnh nợ cho các tập đoàn này, chính phủ cũng trực tiếp xây dựng kế hoạch và điều hành nền kinh tế vĩ mô. “ Viện kinh tế kế hoạch” do Park Chung Hee thành lập chính là cơ quan đảm trách nhiệm vụ này. Những tập đoàn kinh tế hiện nay của Hàn Quốc đại bộ phận đều được chuẩn bị nền móng cho sự phát triển từ những công ty thời kì này, đều được sự hỗ trợ tài chính của chính phủ.
Dưới chế độ độc tài Park Chung Hee, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế bước đầu ở Hàn Quốc đã đi đến thành công. Kiểu hoạt động kinh tế của Hàn Quốc khiến ta liên tưởng đến phương thức hoạt động của doanh nghiệp. Toàn quốc gia chuyển động giống như là một “công ty cổ phần Hàn Quốc”, trong đó ngân hàng là bộ phận chịu trách nhiệm vấn đề tài chính, ngành công nghiệp là bộ phận chịu trách nhiệm maketting và sản xuất, còn chính phủ đóng vai trò là bộ phận kế hoạch và quản lý. Sự tăng trưởng vai trò của nhà nước trong quản lý nền kinh tế và hoạch định các chính sách kinh tế là một yếu tố rất quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.
  1. Sự sụp đổ của chế độ độc tài Park Chung Hee
Từ nửa sau những năm 70, xã hội Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chính sách phản dân chủ của chính quyền Park Chung Hee đã dấy lên phong trào chống đối chính phủ mạnh mẽ của mọi tầng lớp. Cuộc khởi nghĩa ở thành phố Kwangju tháng 5 năm 1979 đòi dân chủ hóa phản đối biện pháp quản lý độc tài và yêu cầu Park Chung Hee từ chức. Phong trào sinh viên – thanh niên đã lôi kéo hàng ngàn lao động khác tham gia.
Trước tình hình đó thì nội bộ giai cấp thống trị cũng bị phân hóa : một bên là lực lượng bảo thủ cực đoan chủ trương duy trì quản lý xã hội bằng phương pháp mạnh ; một bên là những người dân chủ với hai đại diện tiêu biểu là Kim Young San và Kim Dae Jung đòi hỏi thay thế phương pháp quản lý độc tài bằng phương pháp dân chủ.
Tổng thống Park Chung Hee từng là tướng chỉ huy trong quân đội và là người lập kế hoạch tăng trưởng kinh tế rực rỡ của Hàn Quốc khiến cả thế giới ngạc nhiên đã tử nạn do trúng đạn của giám đốc cơ quan tình báo trung ương ngay tại bữa tối có sự tham dự của giám đốc cơ quan tình báo trung ương, trưởng phòng cận vệ và trưởng phòng thư kí của mình vào ngày 26 tháng 10 năm 1979 kết thúc 18 năm cầm quyền. Khi ấy, chính sách công nghiệp cũng bị dự tính sẽ chính thức kết thúc vào cuối năm 1979 nên thời kì này gần như được coi là thời kì bắt đầu sự thoái trào của quốc gia phát triển kiểu Hàn Quốc cả về mặt chính sách cũng như thực tiễn.


  1. KẾT LUẬN
Đánh giá vai trò của Park Chung Hee trong thời gian nắm quyền tổng thống Hàn Quốc có nhiều nhận định trái ngược nhau về vai trò và sự lãnh đạo của ông. Những người phản đối tính độc tài, phi dân chủ và thân Nhật của Park Chung Hee thì nhấn mạnh vào những mặt tiêu cực của thời kì này như việc ông đã tiến hành đàn áp phong trào lao động, phong trào đòi dân chủ...Những người đề cao tính kế hoạch , sức thúc đẩy và chủ nghĩa thành quả thì lại coi ông là nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong qua trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Hàn Quốc. Nhưng ta phải công nhận một điểm là thời đại Park Chung Hee đã trở thành nền đá tảng của kinh tế Hàn Quốc ngày nay.
Park Chung Hee đã thiết lập ở Hàn Quốc một chế độ độc tài quân sự mang tính chất chuyên chế độc đoán, chống dân chủ mạnh mẽ nhưng không thể phủ nhận những mặt tích cực của chế độ chính trị này đối với diện mạo nền kinh tế và xã hội. Nó góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội Hàn Quốc trong tương lai, đó là con đường quá độ lên chủ nghĩa tư bản hiện đại. Một đất nước Hàn Quốc với chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế phát triển cao (đứng thứ 10 thế giới) , đời sống vật chất và tinh thần của người dân phát triển cao như ngày nay, không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của chế độ độc tài Park Chung Hee cùng với những chính sách phát triển kinh tế của ông trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Hàn Quốc./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. “Xã hội Hàn Quốc hiện đại” của Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học. Do Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội xuất bản 2008.
  2. “Hệ thống chính trị Hàn Quốc hiện nay” của PGS.TS Hoàng Văn Việt. Do Nhà xuất bản ĐHQG TP.HCM  xuất bản 02/04/2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét