Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

HỌC THUYẾT MONROE TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ THẾ KỈ XIX


HỌC THUYẾT MONROE TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
CỦA MỸ THẾ KỈ XIX

                                              SVTH: Chu Thị Kim Liên
                                                                            GVHD: PGS. TS Đào Tuấn Thành
1.      Mở đầu
Chủ nghĩa thực dân Mỹ bước lên vũ đài chính trị thế giới muộn hơn chủ nghĩa thực dân châu Âu. So với Anh và Pháp, nước Mỹ tham gia phân chia thế giới muộn hơn nhiều. Nếu như Anh và Pháp bắt đầu công việc này ngay từ đầu thế kỉ XVII, thì bản thân nước Mỹ đến trước những năm 70 của thế kỉ XVIII vẫn còn là thuộc địa của thực dân Anh. Nhưng đến cuối thế kỉ XVIII, nước Mỹ đã giành được độc lập, ngay từ đầu thế kỉ XIX, nước Mỹ đã bắt đầu  những cuộc chinh phục xuyên thế kỉ và xâm chiếm thuộc địa.
Song song với việc mở rộng lãnh thổ về phía Tây, người Mỹ tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình và tìm kiếm thuộc địa, cái đích đầu tiên mà Mỹ hướng tới không đâu khác chính là khu vực Mỹ Latinh. Ngay từ buổi đầu lập quốc, để đạt được ba mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và phát huy ảnh hưởng của mình trên thế giới, Hoa Kỳ đã nhìn nhận khu vực Mỹ Latinh là khu vực ưu tiên hàng đầu về mặt lợi ích quốc gia. Đặc biệt là từ đầu thế kỉ XIX, khi các nước Mỹ Latinh lần lượt thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Tổng thống Monroe đã đưa ra Học thuyết Monroe (1823) nhằm loại dần ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu, đồng thời xác lập ảnh hưởng của mình tại khu vực Mỹ Latinh. Học thuyết này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Mỹ Latinh, đó cũng là công cụ để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và sau này sẽ vươn ra khu vực khác trên thế giới. 
Trong bối cảnh hiện nay khi nước ta thực hiện “đa dạng hóa, đa phương hóa” các mối quan hệ thì nước Mỹ là một đối tác quan trọng mà chúng ta cần phải tính đến, vì vậy việc tìm hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX nói riêng là vấn đề mang tính cấp thiết.
Với những nhận thức trên, thì việc nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX nói riêng vừa có ý nghĩa về mặt khoa học, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Vì vậy, chúng tôi đã chọn đề tài: “Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX” làm hướng nghiên cứu cho báo cáo khoa học của mình.
Mục đích nghiên cứu: Nhằm làm sáng tỏ một khía cạnh trong chính sách đối ngoại Mỹ - Học thuyết Monroe và việc Mỹ áp dụng nó trong kế hoạch bành trướng của nước này trong thế kỉ XIX ở khu vực Mỹ Latinh.
Nhiệm vụ nghiên cứu: Nghiên cứu về Học thuyết Monroe, một học thuyết đã trở thành chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và việc thực hiện các nội dung của học thuyết này đã mang lại kết quả gì cho nước Mỹ.
2.         Nội dung
Đề tài “Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX” được giải quyết qua hai chương, trong đó chúng tôi đã tập chung làm rõ 2 vấn đề chính:
1.   Hoàn cảnh ra đời và nội dung chính của Học thuyết Monroe.
2.   Mỹ đã áp dụng Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại với các cường quốc châu Âu ở Tây bán cầu và đặc biệt là với các nước ở khu vực Mỹ Latinh trong thế kỉ XIX như thế nào?
Chương 1: Vài nét về chính sách đối ngoại của Mỹ và sự ra đời của Học thuyết Monroe.
Chương này gồm hai nội dung chính:
-Học thuyết Monroe ra đời dưới tác động của 2 yếu tố:
+ Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Mỹ Latinh đầu thế kỉ XIX
+ Các nước tư bản Tây Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) đẩy mạnh âm mưu xâm nhập trở lại ở khu vực này.
+ Bên cạnh đó cần phải nhắc đến yếu tố nội tại của nước Mỹ, đó là một quốc gia đang lớn mạnh và nó cần có một chính sách đối ngoại độc lập, riêng rẽ đối với các cường quốc châu Âu.
ð Chính những yếu tố đó đã thúc đẩy sự ra đời của Học thuyết Monroe.
-Nội dung chủ yếu của Học thuyết Monroe gồm 3 nguyên tắc cơ bản:
“Nguyên tắc Hệ thống châu Mỹ”: Tổng thống Monroe căn cứ vào hệ thống chính trị của châu Mỹ (khác với các cường quốc châu Âu) để lí giải tại sao nước Mỹ cần phải đặt ra nguyên tắc này.
“Nguyên tắc không can thiệp”: Trong thông điệp Liên bang Tổng thống Mỹ đã  cho rằng “với các nước phụ thuộc và thuộc địa hiện có của bất kì cường quốc châu Âu nào chúng ta không hề can thiệp và sẽ không can thiệp… chúng ta sẽ xem bất kì sự can thiệp nào bởi bất kì một cường quốc châu Âu nào là sự biểu lộ một ý định thù địch đối với nước Mỹ”.
“Nguyên tắc phi thực dân”: Tổng thống Monroe đã nêu rõ “Lục địa châu Mỹ xuất phát từ điều kiện tự do và độc lập từ nay trở về sau sẽ không còn được coi là đối tượng cho việc chiếm hữu thuộc địa của bất cứ cường quốc châu Âu nào”.
Ba nguyên tắc trên đã trở thành nền tảng cơ bản trong chính sách của Mỹ đối với các nước Mỹ Latinh.
Chương 2: Học thuyết Monroe trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX.
Chương này gồm có 3 nội dung chính:
Thứ nhất, tìm hiểu về quá trình Mỹ sử dụng Học thuyết Monroe để đẩy lùi và thu hẹp ảnh hưởng của các cường quốc châu Âu mà chủ yếu là Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Đối với các cường quốc châu Âu, Học thuyết Monroe là một lời cảnh báo tới họ là hãy tránh xa lục địa châu Mỹ nói chung và Mỹ Latinh nói riêng. Từ khi Học thuyết Monroe ra đời, đã chính thức khẳng định nước Mỹ sẽ không đứng ngoài các vấn đề của châu Mỹ nữa mà sẽ bắt đầu cho một thời kì mới của chính sách ngoại giao của nước này. Thực chất, đây là một học thuyết nhằm phân chia lại khu vực ảnh hưởng, nỗ lực kiềm chế sự khôi phục và giành thêm thuộc địa mới, ngăn chặn ảnh hưởng sâu rộng của hệ thống chính trị của các nước châu Âu ở khu vực này và cuối cùng là loại trừ ảnh hưởng của nó ra khỏi châu Mỹ.
Thứ hai, tìm hiểu quá trình Mỹ mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm đất đai ở khu vực Mỹ Latinh. Học thuyết Monroe đã trở thành công cụ để chính quyền Mỹ chiếm những vùng lãnh thổ của Mexico, can thiệp vào Cuba và  vùng biển Caribean đồng thời kiểm soát kênh đào Panama, thành lập “Liên minh toàn châu Mỹ” nhằm khống chế các nước ở khu vực Mỹ Latinh.Hoa Kỳ từng bước thể hiện vai trò nước lớn trong khu vực bằng lập trường ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước Mỹ Latinh, sớm công nhận nền độc lập của họ; sự ra đời của Học thuyết Monroe đã đặt Hoa Kỳ vào vị thế người bảo hộ của châu Mỹ. Đến cuối thế kỉ XIX, chính sách đối ngoại của Mỹ có nhiều chuyển biến trên cơ sở mở rộng và phát triển Học thuyết Monroe, tiếp tục chính sách bành trướng mang tính chất truyền thống tại châu Mỹ, cạnh tranh quyết liệt với vị thế còn sót lại của một vài cường quốc châu Âu tại đây.
Thứ ba, về ý nghĩa của Học thuyết Monroe, với học thuyết này chính quyền Mỹ đã làm được một lúc hai việc, một mặt khẳng định lục địa châu Mỹ mà trước hết là Mỹ Latinh đã “đóng cửa” đối với những tham vọng thực dân của các cường quốc châu Âu, mặt khác, đòi hỏi các cường quốc này phải tôn trọng nguyên trạng hiện thời của Mỹ Latinh. Điều này không chỉ giúp Mỹ đảm bảo an ninh ở Tây bán cầu mà còn có tác dụng giúp Mỹ bành trướng ở khu vực đó khi có điều kiện.
Học thuyết Monroe trở thành một trong những nội dung chính và nền tảng của chính sách đối ngoại của Mỹ với ý nghĩa vô cùng lớn trong lịch sử của đất nước rộng lớn, đầy tham vọng này.
3.   Kết luận
Như vậy, qua việc tìm hiểu về Học thuyết Monroe và những ảnh hưởng của nó trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỉ XIX, chúng ta có thể thấy Học thuyết Monroe chính là nền tảng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ những giai đoạn sau. Đó là một chính sách “thực dụng, linh hoạt và tài tình” của nền ngoại giao Hoa Kỳ trong việc đánh giá tình hình và khả năng đối ngoại của quốc gia, dân tộc mình. Đầu tiên là thực hiện “chính sách biệt lập” không tham gia, không can thiệp vào bất cứ vấn đề gì bên ngoài nước Mỹ, sau đó, bên cạnh một sự biệt lập nhất định thì một nước Mỹ sau khi đã gây dựng cho mình một sức mạnh cần thiết, Hoa Kỳ đã dùng sức mạnh ngoại giao để tuyên bố “châu Mỹ của người châu Mỹ”. Từ Học thuyết Monroe, Mỹ lần lượt đuổi hết những tên thực dân có âm mưu và hành động “nhòm ngó” bất cứ bộ phận nào của Tây bán cầu, can thiệp thô bạo đến các nước Mỹ Latinh như một “sứ mệnh hiển nhiên”. Theo đà phát triển và tích lũy lực lượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ, chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh ngày càng có tính chất tinh vi hơn, còn Học thuyết Monroe ngày càng hết sức lộ rõ bộ mặt thật của nó. Học thuyết đó là một công cụ của tư bản Mỹ nhằm đặt ách thống trị của Mỹ trên toàn châu Mỹ và cùng với thời gian nó đã trở thành cơ sở cho chính sách bành trướng của Mỹ đối với tất cả các lục địa trên thế giới.
Hoa Kỳ không chỉ là chủ thể trong quan hệ quốc tế mà còn là chủ thể đặc biệt, bởi vì với vai trò cường quốc mà nó đã dày công xây đắp cho mình, hầu như mọi chính sách của nước này, không ít thì nhiều đều tác động lên quan hệ quốc tế. Chính những hành động của Hoa Kỳ, với niềm tin về “sứ mệnh bành trướng” đã đặt ra nhiều vấn đề trong quan hệ quốc tế từ cuối thế kỉ XIX đến nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 [1] Arthur M. Schlesinger (2004), Niên giám lịch sử Hoa Kỳ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
 [2] Daniel Cosio Villegas – Ignasio Bernal, Eduardo Blanquel – Lorenzo Meyer (2005), Lịch sử giản yếu Mexico, Nxb Thế giới, Hà Nội.
 [3] Hoàng Thị ĐiệpChâu Mỹ Latinh trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời cận đại, Luân văn thạc sĩ.
 [4] Irwin Unger (2009), Lịch sử Hoa Kỳ: Những vấn đề quá khứ, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
[5] Lý Thắng Khải (2005), Nội tình nhà Trắng 200 năm, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

NỢ CÔNG Ở CHÂU ÂU VÀ MỸ


NỢ CÔNG Ở CHÂU ÂU VÀ MỸ

                                                            Trần Thị Hồng Thư – K60CLC


           Có thể nói hầu hết các quốc gia đều có nợ công, dù ít hay nhiều, tạm thời hay mãn tính. Nợ công đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhưng sẽ trở thành quốc nạn khi bắt đầu gây tổn hại đến nền kinh tế. Nó có thể dẫn đến lạm phát, làm cho quốc gia mất khả năng thanh toán và các nhà đầu tư mất niềm tin… Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2007-2008, nợ công đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều nước không chỉ các nước nghèo, các nước đang phát triển mà ngay cả Mỹ và một số nước đã phát triển trong Cộng đồng chung châu Âu cũng gặp phải vấn đề này.
1.    Khái niệm và bản chất của nợ công  
            Nợ công là hậu quả của vấn đề chi tiêu công bất hợp lý. Chi tiêu công chính là các khoản chi của nhà nước (trung ương và chính quyền địa phương) thực hiện thông qua ngân sách Nhà nước. Chi tiêu công bao gồm các khoản chi để duy trì bộ máy nhà nước, chi đầu tư phát triển, chi các mục tiêu văn hóa - xã hội, chi quốc phòng, chi trả nợ nước ngoài và dự phòng. Mỗi quốc gia đều phải cân đối mức thu chi. Khi thu không đủ chi, nhà nước phải đi vay dẫn đến hình thành nợ công.
            Nợ công (nợ chính phủ hoặc nợ quốc gia) là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách.
            Nợ công bao gồm:
1) Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước);
2) Nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước);
3) Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm);
4) Nợ dài hạn (trên 10 năm).
            Khi nợ trong nước lớn thì chính phủ buộc phải tăng thuế để trả lãi nợ vay. Thuế làm méo mó nền kinh tế, gây ra tổn thất vô ích về phúc lợi xã hội. Nợ nước ngoài lớn thì chính phủ buộc phải tăng cường xuất khẩu để trả nợ nước ngoài và do đó khả năng tiêu dùng giảm sút.
            Khi xem xét bản chất của vấn đề nợ công, nếu chỉ xét tỷ lệ nợ công/GDP thì chưa đủ bởi tỷ lệ nợ công/GDP chỉ phản ảnh một phần nào đó về mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công. Nếu xem xét tỷ lệ đó mà khẳng định nợ công an toàn thì chưa có cơ sở. Nợ công khoảng 100% GDP đủ để một nước như Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi đó nợ công lên tới hơn 200% như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn bởi vì nợ công của Nhật Bản chủ yếu là nợ vay trong nước .
            Vì vậy, khi xét đến nợ công, điều cốt lõi không chỉ cần quan tâm tới tổng nợ, nợ hàng năm phải trả mà phải quan tâm tới rủi ro và cơ cấu nợ. Nghĩa là phải tính tới khả năng trả nợ và rủi ro trong tương lai, chứ không chỉ là con số tổng nợ trên GDP. Mức độ an toàn hay nguy hiểm của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng phát triển của nền kinh tế.
2.    Biểu hiện:
             Mức nợ công ở Mỹ đã bằng khoảng 100% GDP, các nước khu vực đồng Euro đã vượt qua ngưỡng 100% GDP có nước đã tới 200% GDP và đứng trước nguy cơ vỡ nợ cần cứu trợ.
            Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng nợ nước ngoài của Mỹ là 14,959 nghìn tỷ USD. Đây là mức nợ công lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ, nhiều hơn cả số nợ tích lũy từ khi Tổng thống George Washington nhậm chức cho tới khi Tổng thống Bill Clinton bước vào Nhà Trắng.
            Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo, nếu các khoản cắt giảm thuế dưới thời Tổng thống Bush và các chính sách tài khóa khác không thay đổi, khoản thâm hụt ngân sách lũy kế trong 10 năm tiếp theo của Mỹ sẽ là 7.845 tỷ USD, giảm 250 tỷ USD so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2012. Nhiều khả năng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2012 sẽ lên mức 1.171 tỷ USD.
            Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng được cả thế giới quan tâm. Trong đó, Hy Lạp và Áo là hai nước có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Tổng nợ nước của Hy Lạp là 546,92 tỷ USD trong khi GDP năm 2011 ước tính 305,6 tỷ USD, Tổng nợ nước ngoài của Áo là 847,95 tỷ USD, GDP năm 2011 ước tính 351,4 tỷ USD.
3.    Nguyên nhân
             Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ nần. Ở mỗi nước và tuỳ từng thời kỳ lại có các nguyên nhân khác nhau, song tình trạng nợ công hiện nay ở Châu Âu và Mỹ có chung một số nguyên nhân cơ bản như:
            Một là, việc gia tăng mạnh chi tiêu từ ngân sách nhà nước, lương và chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước ở các cấp có xu hướng ngày càng phình to, các chương trình kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đầu tư phát triển có sở hạ tầng không ngừng tăng..., đặc biệt, hậu quả to lớn của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua đã buộc nhiều nước phải chi rất nhiều để khắc phục.
            Hai là, sự kiểm soát chi tiêu và quản lý nợ của Nhà nước kém, không chặt chẽ, thậm chí bị buông lỏng, cộng thêm với tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư và chi tiêu, cùng với tệ tham nhũng phát triển ở nhiều nước, cũng trở thành nguyên nhân không kém phần quan trọng.
Ba là, các nguồn thu (chủ yếu từ thuế) tăng không kịp với nhu cầu chi, thậm chí một số loại thuế chịu áp lực phải cắt giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt như thuế quan và phí hải quan của hầu hết các nước phải cắt giảm hoặc loại bỏ phù hợp với các quy định của WTO và các thoả thuận thương mại khác mà họ tham gia. Trong khi đó, vấn đề quản lý các nguồn thu, nhất là từ thuế, gặp không ít khó khăn ở nhiều nước do tình trạng trốn thuế, tệ tham nhũng, hối lộ, kiểm soát không chặt và xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng.
            Đặc biệt, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công, là các các quốc gia châu Âu và Mỹ đang có mức sống cao hơn khả năng kinh tế thực của họ, vì sự suy thoái từ nhiều năm trong sản xuất và cung cấp dịch vụ có giá trị thực, cuối cùng đưa đến ngân sách bội chi thường xuyên.
4.      Giải pháp
            Thời gian qua, giới lãnh đạo châu Âu, cùng với sự trợ giúp của IMF, đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề nợ của khu vực, như nâng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu lên 1.000 tỷ USD, xoá 50% nợ cho Hy Lạp và cấp thêm cho nước này gói giải cứu thứ hai trị giá 230 tỷ USD, cùng với những quyết định quan trọng khác trong các cuộc họp cấp cao mới đây.
            Nhiều nước Eurozone đang triển khai các biện pháp “khắc khổ” để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Biện pháp này nhằm đáp ứng điều kiện của các chủ nợ, song lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.
            Italy cũng đã thành công lớn trên thị trường trái phiếu, khi đã phát hành được 6 tỷ euro (khoảng 7,8 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 7 năm trong ngày 14/3, với lãi suất thấp hơn nhiều.
             Trong ba tháng qua, trung bình mỗi tháng, nước Mỹ tạo ra được trung bình 200.000 việc làm mới. Với đà trên, một số chuyên gia dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có khả năng giảm xuống mức 8%. Thị trường việc làm ở Mỹ phát triển cũng như mối lo ngại về nợ công châu Âu đã tạm lắng sẽ trở thành động cơ thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ có thể thoải mái hơn trong các khoản chi tiêu của mình.
5.    Những tác động tới Việt Nam
Kinh tế thế giới suy thoái và các chính phủ Châu Âu, Mỹ… đều thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế, giảm chi tiêu công, tình trạng thất nghiệp gia tăng… đã dẫn tới hệ quả là nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia này suy giảm, khả năng nhập khẩu giảm, do vậy sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ngay trong năm 2011 tuy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trên 33% nhưng chủ yếu là nhờ tăng giá. Nhưng sang năm 2012 xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn.
            Do khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, các ngân hàng Châu Âu đang có những tính toán giảm tín dụng cho Châu Á, tín dụng của các ngân hàng Châu Âu cho Châu Á hiện vào khoảng 1500 tỷ USD. Nếu họ thực sự giảm tín dụng cho Châu Á, thì các nền kinh tế Châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ phải chịu những hệ lụy nhất định.
            Các dòng vốn đầu cơ ngày càng lớn, sẵn sàng nhẩy vào các thị trường kiếm lợi do chênh lệch tỷ giá và lãi suất, và khi thời cơ kiếm lời không còn, chúng sẽ rút chạy và để lại những hệ quả tiêu cực. Việt Nam cũng đang đối diện với thách thức này.
            Tuy nhiên cũng khủng hoảng này cũng đang tạo ra những cơ hội cho Việt Nam. Cơ hội trước hết là các dòng vốn đầu tư rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi – Việt Nam là một nơi được đánh giá cao về địa kinh tế và ổn định về chính trị và xã hội. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Bằng chứng là khi Việt Nam gia nhập WTO, FDI vào Việt Nam đã đạt tới mức 70 tỷ USD.
            Dù khủng hoảng kinh tế, nhưng dân các nước này vẫn phải ăn, mặc … do vậy những mặt hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu. Việt Nam cũng phải nghiên cứu sâu hơn những cuộc khủng hoảng đang diễn ra, để có thể tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng được các lợi thế cho sự phát triển của mình, đồng thời đẩy mạnh công cuộc đổi mới thể chế và công nghệ để tạo đà phát triển vững chắc hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Janny Minton Beddoes, Năm của tình trạng đình đốn, The Economist, chuyên trang Việt Nam.
[2] Võ Đại Lược, Kinh tế thế giới – Khủng hoảng và điều chỉnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.
[3] Federico Steinbery, Một trật tự kinh tế mới đang hình thành, mạng trực tuyến của Trường đại học tự trị Madrit, Tây Ban Nha.Anh Thanh, Kinh tế thế giới 2011, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 03/01/2012.
[4] Vũ Quang Việt, Học từ khủng hoảng để cải cách kinh tế Sài Gòn, 29/12/2011.
[5] 2011: Châu Âu điêu đứng vì khủng hoảng nợ công, Đài RFI, 27/12/2011.

VẤN ĐỀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN VÀ CÁCH NHÌN TỪ PHÍA CÁC CƯỜNG QUỐC


VẤN ĐỀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN
 VÀ CÁCH NHÌN TỪ PHÍA CÁC CƯỜNG QUỐC

                                                                           Trần Anh Đức – K61 CLC

           Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là quốc gia nhỏ bé thuộc khu vực Đông Bắc Á. Sự chia cắt và đối đầu hiện nay giữa Triều Tiên với quốc gia láng giềng, anh em – Hàn Quốc là sản phẩm của lịch sử để lại. Vị trí chiến lược cùng tài nguyên khoáng sản khá dồi dào đã biến Triều Tiên và Hàn Quốc thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương đó là Nga, Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản cả trong quá khứ và hiện tại. Trong khi Triều Tiên ngả về phía Nga – Trung thì Hàn Quốc lại dựa vào quan hệ đồng minh Mĩ - Nhật - Hàn. Và trong bối cảnh bị Mĩ bao vây, cấm vận cũng như quan hệ không mấy tốt đẹp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đã tìm cách phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình và liều lĩnh tiến hành thử hạt nhân. Phải chăng đây là một sự thách thức của Triều Tiên với Mĩ và các quốc gia đối địch? Thực chất của “chính sách ngoại giao hạt nhân” của Bình Nhưỡng là gì? Quan trọng hơn, các cường quốc trong khu vực nhìn nhận như thế nào về sự nóng lên của Đông Bắc Á do chính sách hạt nhân của Triều Tiên? Bài viết dưới đây sẽ đi sâu tìm hiểu các vấn đề trên.
1. Vài nét về Chương trình hạt nhân và “chính sách ngoại giao hạt nhân” của Triều Tiên 
Năm 1993, cuộc khủng hoảng hạt nhân bắt đầu khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã tham gia từ năm 1985. Bình Nhưỡng lý giải cho hành động này là vì sức ép quốc tế trong việc thanh sát chương trình hạt nhân bị cho là để phát triển vũ khí nguyên tử. Triều Tiên bắt đầu tích trữ plutonium, nhưng sau đó lại quyết định không rút khỏi Hiệp ước nói trên nữa.
Sáu năm sau, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên vào ngày 29/1/2002, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cáo buộc Triều Tiên cùng với Iran và Iraq "hợp thành một trục ma quỷ". Đáp lại lời tuyên bố cứng rắn của ông Bush, Triều Tiên hồi tháng 10/2002 cho hay đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật, đồng thời coi thỏa thuận đã ký với Mỹ vào năm 1994 là vô hiệu.
Để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vòng đàm phán 6 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8/2003. Vòng đàm phán này đã trải qua 6 lần được tổ chức trong những năm tiếp theo.
Ngày 19/9/2005, Triều Tiên một lần nữa đồng ý chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lại các khoản viện trợ năng lượng, kinh tế, và an ninh. Các cuộc đàm phán được nối lại nhằm làm cụ thể các chi tiết liên quan, nhưng Bình Nhưỡng lại rút lui và từ chối các cuộc thương lượng tiếp theo.
Ngày 7/5/2006, Triều Tiên lại bắn 7 tên lửa xuống biển Nhật Bản, trong đó có một hỏa tiễn Taepodong - 2 kiểu mới, vốn được thiết kế để vươn tới những mục tiêu ở xa. Tuy nhiên, tên lửa này đã phát nổ không lâu sau khi được phóng đi. Các nước chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết lên án cuộc thử tên lửa này.
Từ đó đến nay, Triều Tiên luôn luôn có những động thái trong vấn đề hạt nhân. Gần đây vào năm 2011, Triều Tiên đã đồng ý ngừng chương trình làm dầu Urani để đổi lấy viện trợ lương thực nhằm khắc phục tình hình khó khăn trong nước. Nhưng đến năm 2012, trong một động thái mới nhất, Triều Tiên đã phóng vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất. Mỹ và các nước Phương Tây đã kịch liệt lên án hành động này là có khả năng làm gia tăng diễn biến phức tạp tại Triều Tiên. Mặc dù vụ phóng thử đã thất bại nhưng cho thấy vấn đề hạt nhân cũng như tiến trình hòa bình tại Triều Tiên còn hết sức phức tạp.
Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên là vấn đề rất phức tạp và đã kéo dài nhiều năm, không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, mà còn liên quan tới lợi ích của nhiều nước trong "bàn cờ" chiến lược ở Đông Bắc Á và thế giới, nên việc giải quyết nó không thể thực hiện trong "một sớm một chiều".
2. Cách nhìn nhận từ phía các cường quốc về Chương trình hạt nhân của Triều Tiên  
Đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mỗi cường quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại có cách nhìn nhận và tính toán chiến lược khác nhau. Nhưng tất cả đều nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia tới mức cao nhất.
        Về phía Mĩ, với vai trò là siêu cường thế giới và đang tìm cách tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình ở Châu Á – Thái Bình Dương. Mĩ không chấp nhận sự tồn tại của một quốc gia Triều Tiên Cộng sản sở hữu vũ khí nguyên tử vì nó đe dọa nghiêm trọng lợi ích của Mĩ trong khu vực. Các tên lửa tầm xa Têpôđông mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể vươn tới các mục tiêu trên lãnh thổ Mĩ. Trực tiếp nhất là nó đe dọa các quốc gia đồng minh của Mĩ : Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mĩ đang có những thay đổi quan trọng với việc chuyển dần trọng tâm chiến lược từ bên kia bờ Đại Tây Dương sang Châu Á – Thái Bình Dương thì vấn đề “phi hạt nhân hóa”  bán đảo Triều Tiên càng trở nên cấp thiết. Châu Âu và cả bản thân Mĩ đều đang gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế, khủng hoảng nợ công, đồng đôla, ơrô mất giá… trong khi Châu Á – Thái Bình Dương lại đang là điểm sáng của kinh tế thế giới với đầu tàu tăng trưởng là Trung Quốc. Mĩ  không thể bỏ qua thị trường đầy tiềm năng này được, vì thế an ninh khu vực cần được đảm bảo với mức độ cao nhất. Mặt khác, để ngăn chặn ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, Mĩ đã tăng cường lực lượng đồn trú của mình tại các nước đồng minh, tạo thành một vành đai ở Thái Bình Dương (kéo dài từ Nhật Bản qua Hàn Quốc xuống Đài Loan, Philippin, Úc, Niu Dilân). Đó thực sự là một “Vạn lí Trường thành” bao vây phía đông Trung Quốc. Như vậy chắc chắn Mĩ sẽ không đồng ý để Triều Tiên, quốc gia đồng minh thân cận của Trung Quốc, sở hữu vũ khí hạt nhân. Và nếu như các biện pháp ngoại giao hiện nay không có tác dụng thì cũng không loại trừ khả năng Mĩ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để gây sức ép với Chính quyền của ông Kim Châng - Un. Lúc đó rất có thể một kịch bản tương tự như ở Irắc hay Libi sẽ được Mĩ tái diễn lại ở Triều Tiên.  
Trung Quốc, là cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn và hiện đang có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề Châu Á và quốc tế. Trung Quốc là đồng minh hàng đầu của Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nên trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc luôn có thái độ mềm dẻo hơn Phương Tây. Dựa vào đị vị pháp lí của mình tại Hội đồng Bảo an, Trung Quốc đã nhiều lần phủ quyết các đề nghị áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên từ phía Mĩ và Phương Tây. Thực chất, Trung Quốc muốn duy trì một nước Triêu Tiên có vũ khí hạt nhân để phục vụ lợi ích chiến lược của mình. Thứ nhất, về mặt an ninh quốc gia, Trung Quốc sẽ đảm bảo được chiến lược “phòng thủ từ xa”. Đây là tư tưởng quân sự truyền thống của người Trung Quốc, nó có nghĩa là hình thành những vùng đệm có thể đảm bảo an toàn cho vùng trung tâm Đại lục. Và Triều Tiên chính là “lá bài” quan trọng trong chiến lược đó. Thứ hai, Trung Quốc muốn dựa vào Bình Nhưỡng để đe dọa các lợi ích của Mĩ ở Đông Bắc Á mà trực tiếp là Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ ba, Trung Quốc cũng thông qua việc giải quyết “vấn đề Triều Tiên” để đối thoại nhiều hơn với Mĩ nhằm chia sẻ lợi ích khu vực. Chính sách “vừa đấm vừa xoa” này giống như là “trò chơi sấp ngửa”  mà các cường quốc thường áp dụng trong quan hệ ngoại giao nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Nạn nhân của chính sách đó là các nước nhỏ yếu, phải “chịu trận” giữa hai làn đạn với dẫn chứng sinh động là Việt Nam thời kì chống Mĩ, cứu nước.
Với mong muốn tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế năng động của Châu Á – Thái Bình Dương, Liên Bang Nga đang nỗ lực đóng góp vào tiến trình đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Là quốc gia láng giềng, có quan hệ gần gũi trong lịch sử, Nga cũng hết sức lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong chính sách đối ngoại của Nga hiện nay, Châu Á là một hướng chiến lược quan trọng. Vì thế Nga rất muốn một cục diện hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á để vươn tay xuống khu vực Châu Á giàu có. Nước Nga cũng chú trọng đến nguồn tài nguyên khoáng sản ở Triều Tiên – nơi có trữ lượng magiê lớn nhất thế giới, rất cần cho công nghiệp hàng không của Nga. Vì thế cả Nga và Trung Quốc đều không muốn gây sức ép quá lớn lên Triều Tiên, một động thái có thể đẩy nước này tới “thế cùng” buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Hai cường quốc luôn tìm cách dung hòa trong quan hệ ngoại giao, thậm chí nhiều lần lên tiếng bênh vực Bình Nhưỡng. Những năm gần đây, để củng cố vị thế của mình trong khu vực, Nga đã di chuyển một phần quan trọng lực lượng hải quân và không quân trang bị vũ khí hạt nhân từ phía tây sang phía đông, đặc biệt là căn cứ Vladivôxtôc và quần đảo Curin đang tranh chấp với Nhật Bản. Đây cũng là một hành động nhằm phô trương sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị của Nga ở khu vực nhạy cảm này kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Nhật Bản luôn luôn lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vì nó đe dọa trực tiếp tới an ninh của quốc đảo này. Khi mà các mảnh vỡ của tên lửa và kể cả đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản trên đường di chuyển ra biển. Sự lo ngại này đã thúc đẩy Tôkyô liên minh chặt chẽ hơn với Mĩ trong chính sách an ninh chung. Vừa qua, trong chuyến thăm Mĩ, Thủ tướng Nhật Nôđa và Tổng thống Obama đã ra tuyên bố chung khẳng định: Quan hệ đồng minh Mĩ - Nhật là cơ sở cho sự hiện diện lớn hơn của Mĩ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương… Sự có mặt của quân đội Mĩ ở Nhật Bản được khẳng định là sẽ giúp nước này đối phó tốt hơn với các đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Hiện nay, lực lượng Mĩ đồn trú tại Nhật Bản vào khoảng 50.000 quân chủ yếu ở Okinawa. Nhật – Mĩ còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung giữa hải quân Mĩ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Để đối phó với vụ phóng tên lửa hồi tháng 4, Nhật Bản đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động, các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot và tàu khu trục tên lửa Ageis đã được triển khai ở Tôkyô và Hoàng Hải để sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó bay vào không phận Nhật Bản. Chính quyền của Thủ tướng Nôđa tỏ ra rất cứng rắn trong quan hệ với Bình Nhưỡng khi cùng với Mĩ, Hàn Quốc và nhiều nước Phương Tây liên tiếp đề xuất các biện pháp trừng phạt Triều Tiên lên Liên Hơp Quốc. Tuy nhiên Tôkyô vẫn kiên trì đàm phán 6 bên với hy vọng Triều Tiên sẽ từ bỏ Chương trình hạt nhân của mình. Và sắp tới rất có thể Nhật Bản sẽ trang bị vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho mình.
3. Kết luận
Như vậy có thể nhận thấy, mỗi cường quốc trên cơ sở tính toán lợi ích quốc gia của mình lại có quan điểm khác nhau về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Điều đó khiến cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở thành “sân chơi của các ông lớn” và tiến trình đàm phán 6 bên khó đạt tới sự đồng thuận chung. Chỉ khi quyền lợi giữa các cường quốc với nhau và giữa họ với Triều Tiên được đảm bảo thì hy vọng về một Triều Tiên “phi hạt nhân hóa” mới có thể thực hiện được. Đối với bản thân Triều Tiên, quốc gia này cần thiết phải dân chủ hóa chính quyền, hạn chế tệ sùng bái cá nhân, tập trung vào việc phát triển kinh tế, mở cửa hội nhập thay cho việc chạy đua vũ trang hiện nay. Và nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Châng Un nên thay đổi thái độ với quốc gia láng giềng Hàn Quốc nhằm làm dịu đi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, góp phần vào sự nghiệp thống nhất hai miền Triều Tiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Nam Tiến, Nguyễn Tuấn Khanh, Trần Phi TuấnLịch sử quan hệ Quốc tế hiện đại (1945-2000), 2008, Nxb Giáo Dục.
[2] Báo An ninh Thế giới, số 258, Nxb Công an Nhân dân
[3] Báo An ninh Thế giới, số 290, Nxb Công an Nhân dân

NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5


NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

                                                                              Đinh Thị Huyền Trang – K 61CLC

         Trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 này, hòa với sắc nắng vàng rực rỡ, niềm rạo rực trong lòng người là sắc đỏ của cờ, hoa, biểu ngữ tràn ngập khắp mọi nẻo phố với khẩu hiệu “Tinh thần chiến thắng 30/4 và ngày quốc tế lao động 1/5 bất diệt".  Dịp lễ kỉ niệm 30/4 và 1/5 năm nay còn ý nghĩa và hào hùng hơn với lễ kỉ niệm đúng 40 năm tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972-1/5/2012) và 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Tuy nhiên, bài viết này chỉ xin nói tới Ngày quốc tế Lao động 1/5. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã đi vào lịch sử của loài người như một sự kiện vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Từ góc độ lịch sử, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu lịch sử của sự kiện này và ý nghĩa to lớn của nó.
        Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân thế kỉ XIX, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế thứ nhất (1864), C.Mác đã coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản.
        Tại đại hội I của Quốc tế thứ nhất họp tại Giơnevơ (Thụy Sĩ) tháng 9/ 1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm 8 giờ được coi như là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ đã xuất hiện ở một số nởi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần được lan sang các nước khác. Phong trào đòi ngày làm 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mĩ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào công đoàn. “Phong trào công nhân Mĩ vào cuối thế kỉ XIX lại càng lên cao do sự áp bức, bóc lột quá mức: giờ làm của người lao động kéo dài đến 14 giờ/ngày, lương lại giảm (từ 1873–1880 lương công nhân dệt bị giảm 45%). Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873 làm 20.000 xí nghiệp, ngân hàng đóng cửa, khiến 3 triệu người thất nghiệp” [1].  Năm 1868, giới cầm quyền Mĩ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11–12 giờ.
           Tháng 4/1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicagô, Đại hội Liên đoàn lao động Mĩ thông qua nghị quyết nêu rõ: từ 1/5/1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở nước Mĩ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được kí. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ [2].
           Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mĩ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. “Cuộc tổng bãi công ngày 1/5/1886 thu hút trên 350.000 công nhân khắp nước Mĩ tham gia. Cuộc bãi công lan rộng ra ở trên 11.000 nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ” [3]. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốc ngày càng đông đảo người tham gia. Ở Oasinhton, NewYork, Boston,… hơn 125.000 công nhân giành được quyền làm 8 giờ/ngày. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mĩ xác nhận: “chưa bao giờ trong lịch sử nước Mĩ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy” [1].
            Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Đặc biệt ở Chicago, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm hảng trăm người chết và bị thương. Các xung đột xảy ra dữ dội, nhiều thủ kĩnh công đoàn bị bắt,… gây nên sự kiện “thảm sát Haymarket” (1886) tại Chicago (Mĩ). Nhưng cuối cùng, giới chủ đã phải chấp nhận yêu sách của công nhân.
           Năm 1889, 3 năm sau vụ “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế thứ hai nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của P.Awngghen, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế thứ hai đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai cấp vô sản toàn thế giới. Như vậy, từ  năm 1889, ngày 1/5 được đi vào lịch sử loài người - ngày Quốc tế Lao động.
         Thực hiện nghị quyết trên, lần đầu tiên ngày 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Ngày 1/5 ở các nước Xã hội chủ nghĩa được coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động ở các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, 1/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
        Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lênin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm việc vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sự kiện này dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
         Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của chống thực dân, đế quốc giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - văn hóa. Cuộc đấu tranh 1/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930–1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc vào Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động thế giới. Trong thời kì trước Cách mạng tháng Tám (1945), việc kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, tình hình thế giới, trong nước có nhiều thay đổi, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người đã diễn ra ở khu Đấu Xảo (Hà Nội) với sự tham gia của nhiều ngành, nghề. Đây là cuộc mittinh lớn nhất trong thời kì vận độn dân chủ 1936–1939, một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành về nghệ thuật tổ chức, lãnh đạo của Đảng ta [2].
         Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, càng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
         Đã 126 năm trôi qua, năm nào ngày Quốc tế Lao động 1/5 cũng được nhân dân lao động toàn thế giới chào đón, dù với những cách thức khác nhau ở từng quốc gia trên thế giới. Song lúc nào cũng vậy, đây là dịp để người lao động toàn cầu chia sẻ, ý thức và thụ hưởng các quyền, nghĩa vụ với thành quả lao động của mình. “Không phải đến lúc này những thế hệ đi sau mới tưởng nhớ tới những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, thậm chí đã phải trả bằng máu của hàng trăm ngàn công nhân Chicago để đòi được “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi vào ngày 1/5/1886 bi tráng ấy. Thế nhưng, có lẽ không có thời điểm nào thích hợp hơn để tinh thần quả cảm bất diệt của những người thợ tại nước Mĩ được vinh danh và tỏa sáng như lúc họ đã làm nên lịch sử” [3].
           Ngày 1/5 năm nay, người lao động Việt Nam có thêm nhiều niềm vui mới với Nghị quyết 31/2012/NĐ – CP của chính phủ về tăng mức lương tối thiểu. Tuy còn nhiều nỗi lo, nhưng chúng ta hãy tin tưởng đây là bước tiền đề trong lộ trình cải cách tiền lương từ nay đến năm 2020 sẽ cải thiện được tình hình. Trong khi đó, cuộc đại suy thoái của thị trường lao động, cơn bão nợ công ở nhiều nước Châu Âu đã khiến nhiều người lao động phải chật vật vì chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ. “Do vậy, ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay mang một ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt, cho dù đang phải đối mặt với những khúc mắc khác biệt so với thời điểm bản anh hùng ca Chicago cất lên năm 1886, nhưng có một chân lí không thay đổi rằng người lao động đã và tiếp tục khẳng định vai trò trong xã hội hiện đại. Niềm say mê công việc, tiếp sức cho người lao động hôm nay niềm tin vào tương lai” [3].

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Ngọc Liên (cb), Lịch sử thế giới cận đại, Nxb ĐHSP.
[2] Phạm Gia Hải (cb), Lịch sử thế giới cận đại (1871–1918), Nxb Giáo dục.